Home > Khai Thị Phật Học > Tam-Vo-Cau
Tâm Vô Cầu
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Thich Quang Định, Việt Dịch


Trong cuộc sống, con người tham cầu nhiều thứ: Không có tiền thì cầu cho có tiền, không có danh vọng, địa vị thì cầu cho được danh vọng, địa vị, chưa có con thì cầu sao cho có con. Người chưa kết hôn, nam thì mong cầu gặp được cô gái xinh đẹp, nết na; nữ thì mong tìm được cho mình một chàng trai khôi ngô tuấn tú...

Ngoài ra, trong thế gian còn có rất nhiều tôn giáo, tín ngưỡng với tiêu chí "có cầu ắt được", trong lúc con người cảm thấy trong lòng không được an ổn, thì họ thường tìm đến những nơi đó để gieo quẻ bói toán, cầu mong được bình an. Đây cũng là một loại cầu tự. Xem ra người không mong cầu quả thật ít thấy.

Trong vấn đề cầu tự, có điều hợp lí, cũng có điều không hợp lí. Có kẻ cầu người, cầu Thần, thì lẽ đương nhiên cũng có người cầu Phật, Bồ tát, nhưng chưa chắc muốn cầu là được. Nếu như mong cầu những điều hợp lí, thích đáng thì đương nhiên là không sai, ví dụ như cầu được sức khoẻ, sống lâu, học hành nên người, công danh, v.v... Tất cả những điều đó mọi ngươi đều mong muốn, không có gì là không đúng. Nếu cầu những điều đó mà được như ý nguyện thì rất vui mừng. Nhưng trong thực tế cuộc sống không phải điều nào cũng đưa đến như ý nguyện, có những điều cầu mong thái quá sẽ khó thành hiện thực, chỉ mang lại sự đau khổ. Ví dụ, có những người tuổi tác đã cao mà lại lâm trọng bệnh, hoặc là bệnh đã đến lúc không chữa trị được nữa, nhưng vẫn đi van vái thần minh bảo hộ cho không chết, những hình thức mong cầu không thực tế như thế chính là một trong những nguồn gốc cho sự đau khổ. Có rất nhiều người ôm cái đau khổ rồi cầu mong thoát khổ nhưng không được, đó cũng chính là "cầu bất đắc khổ” (khổ vì cầu không toại nguyện), một trong tám nỗi khổ (Bát khổ) mà Phật pháp đã nói.

Trong thực tế cuộc sống, đã từng có người muốn gì được đó, thậm chí kêu gió gọi mưa, thay đổi vận mệnh của bản thân. Kỳ thật họ gặp được thời thế, hoàn cảnh phối hợp tạo sự thuận lợi mới được như ý. Nhưng vận may sẽ không bao giờ vĩnh viễn đến với một người nào, trong một phút xui xẻo cũng sẽ làm cho họ hoàn toàn trắng tay, vui sướng trong lúc được bao nhiêu thì lúc mất càng đau khổ nhiều hơn.

Vì vậy, muốn hoá giải những điều đau khổ do "cầu không được" mang lại, điều trước tiên phải phân biệt rõ ràng những mong cầu nào không hợp lí. "Cầu" có lúc là một hình thức yêu cầu, có khi lại là một hình thức tham muốn, mà tham muốn cùng với yêu cầu không giống nhau. Ví dụ, một người kia vốn đã có một căn nhà tại Đài Loan, nhưng anh ta lại muốn có thêm một vài căn nhà nữa ở Hong Kong, Mĩ hay Trung Quốc, đây không phải là yêu cầu mà chính là tham muốn. Sự tham muốn thái quá như thế thì có thể cần được thỏa mãn trong khoảng thời gian ngắn, chứ không thể đợi được lâu. Trong khi sở cầu không được thì không làm sao tránh khỏi thất vọng và đau khổ.

Nhưng, có những yêu cầu hợp lí có khi lại không thể nào thành hiện thực. Nguyên do là vì "cầu" còn phân ra là "cầu cho mình" với "cầu cho người" vốn là hai điều kiện khác nhau. Nếu tự tư tự lợi mà "cầu cho mình", nếu cầu được sẽ rất sung sướng, nhưng cũng khó tránh khỏi sự lo lắng một ngày kia mình sẽ bị mất, mà cứ lo lắng như thế thì tự đưa lại cho bản thân cái cảm giác không an toàn. Còn nếu như "cầu cho người" thì vốn dĩ tự thân mang tâm trạng "được thì lẽ tất nhiên là rất tốt, mà không được thì cũng không sao", cho nên cảm giác đau khổ khi cầu không được cũng theo đó mà nhẹ nhàng hơn.

Lấy tôi làm ví dụ, từ nào đến giờ bản thân chưa nghĩ nên truy cứu một mục tiêu gì cho cuộc sống của mình, nhưng tôi có một phương hướng, nếu có thể thuận lợi đi hết quãng đường thì tốt, mà nếu không đạt được như nguyện cũng không sao. Vì đó chỉ là một quan hệ nhân duyên chưa chín muồi, đối với tôi được mất không có liên quan gì nhau, nhưng nếu vì mong cầu cho người khác mà lại không được thì đó là sự đau khổ, dằn vặt của bản thân tôi.

Vì thế, "cầu cho mình" là một sự đau khổ, "cầu cho người" tuy tích cựa hơn so với "cầu cho mình", nhưng tốt hơn hết là cái gì cũng không nên cầu. Nếu có thể cái gì cũng không cầu, chỉ là sự nỗ lực không ngừng, phụng hiến, bất luận sức lực của bản thân bao nhiêu đều phải dùng hết, được rồi thì về sau phụng hiến cho người khác. Những cái vui sướng, hạnh phúc trong suốt quá trình phấn đấu đó, người khác không thể nào đoạt mất nó đi được. Đây cũng chính là sự sung sướng, hạnh phúc chân chính.