Cư sĩ Lưu Khai Nan, tự Tây Tiều, pháp danh Khế Tịnh, người ở huyện Bình Trạch, tỉnh Giang Tây. Vừa 15 tuổi, ông đã nổi tiếng tài hoa về văn học. Cha là Hiểu Phong tiên sinh, do gần gũi với cư sĩ Dương Nhân Sơn, nên được hiểu biết sự nhiệm mầu của Phật giáo. Các kinh điển đại thừa như: Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Kim Cang, Viên Giác, Hoa Nghiêm, tiên sinh đều nghiên cứu sâu rộng. Lúc ấy, Khai Nan hãy còn niên thiếu, thấy thế thầm cho cha là mê tín.
Thời cuộc thay đổi, bước sang Dân Quốc kỷ nguyên, Phật hóa lần lần truyền lan rộng. Nhân một cơn đau, Khai Nan cảm mộng thấy có vị lão nhơn khuyên bảo nên thỉnh xem tập Hoa Nghiêm Hiệp Luận. Tỉnh giấc nhờ người thỉnh cho một bộ, đọc xong ông than thở khen ngợi biển pháp giới mầu rộng không thể nghĩ bàn! Từ đó mới phát tâm hướng về đạo, hối cải lỗi lầm trước của mình, tự thương nghe biết Phật pháp trễ muộn. Ngày Phật đản năm Kỷ Mùi, ông sửa sang chỗ thờ Tam Bảo trang nghiêm, sớm hôm ân cần lễ tụng. Năm sau phát tâm ăn chay trường, mỗi buổi sáng đều quỳ tụng kinh Di Giáo để trị tâm. Kế đó, Khai Nan kêu gọi bạn đồng tu sáng lập ra Phật Học Hội. Mỗi ngày chủ nhật, trước tiên ông hướng dẫn hàng thiện tín lễ tụng, kế tiếp giảng diễn về kinh luận. Lần lần người phát tâm tu học Phật pháp rất đông nhiều.
Mùa thu năm Nhâm Tuất, Khai Nan triều bái non Phổ Đà, lễ Ấn Quang pháp sư cầu thọ quy giới, tôn làm bậc thầy hướng dẫn. Trải một phen gặp gỡ, đôi bên kết hợp nhau như kim cải. Ấn công hỏi thăm, biết cư sĩ còn có mẹ già, bảo ông nên khuyến khích mẹ niệm Phật cho tròn hiếu đạo. Lúc trở về, Khai Nan rước mẹ đến thành ở, uyển chuyển khuyên bà tu niệm. Mẫu thân ông cảm động, cũng phát tâm niệm Phật trì trai. Vào tháng 10 năm Quý Hợi, lúc mẹ lâm chung, cư sĩ suất lãnh chư liên hữu trợ niệm, tất cả đều nghe có hai trận gió thơm thổi đến. Sau khi bà mãn phần, gương mặt lộ vẻ tươi vui như còn sống. Khai Nan thường nói với bạn bè là cư sĩ Hứa Chỉ Tịnh rằng: "Nhờ sư phụ chỉ dạy, như vẹt mây nhìn thấy mặt trời, tôi mới tỉnh ngộ sự niệm Phật là rất thiết yếu, không thể bỏ lơi một ngày nào!". Chư ni tăng ở am Tịnh Độ trong ấp, như Quả Nhơn, Thánh Đạo đều nhờ ông khuyến tấn niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Khi lâm chung cả hai đều biết trước ngày giờ, điềm lành hiển hiện và cùng được sanh về Cực Lạc.
Mùa thu năm Ất Sửu, Khai Nan bỗng vương bịnh. Đến ngày 27 tháng 11, cư sĩ mộng thấy có người đứng bồi hồi ngoài cửa song, ra thăm hỏi thì vị ấy trình một tấm thiệp có đề hàng chữ: "Xin chờ Tây Tiều tiên sinh về Tây Phương Cực Lạc thế giới!". Lúc ấy người nhà còn đang tụng cầu thọ cho ông. Cư sĩ nghe biết ngăn rằng: "Cõi đời ác năm trược không thể ở lâu, huống chi lại còn thêm bịnh khổ! Tôi đang hân hạnh mong cho sớm được thoát ly, chẳng nên vì lòng ái niệm mà làm cho tôi thêm khổ lụy. Từ đây về sau chẳng nên si mê cầu thọ, phải đổi lại hồi hướng cầu Phật mau tiếp dẫn vãng sanh là tốt hơn!". Kế tiếp cư sĩ thấy nhiều điềm lành, nên niệm Phật càng tha thiết. Luôn cả ngày đêm, ông xưng câu hồng danh hoặc thầm hoặc ra tiếng không lúc nào gián đoạn. Có ai đến hỏi thăm bịnh, cư sĩ không đáp chỉ chấp tay niệm Phật. Trong lúc mơ màng, Khai Nan bỗng thấy có người muốn dẫn xuống Minh Phủ để nhận lãnh quan chức. Lại có nhiều chư Thiên xuống xin đưa lên các cõi trời. Ông đều chánh sắc từ chối bảo: "Làm quan dễ tạo nghiệp. Phước trời khi hưởng hết cũng đọa luân hồi. Tôi chỉ nguyện sanh về Tịnh Độ để mau chứng đạo quả, độ mình và chúng sanh mà thôi!".
Sáng sớm ngày mùng 9 tháng chạp, cư sĩ tự ngồi dậy mặc áo lễ Phật, kế đó bảo gia nhơn rằng: "Tướng nghiệp của tôi đã hết, may mắn không bị các cảnh phước báu trong ba cõi làm chuyển lòng. Xin tất cả đều chuyên cần tu pháp môn Tịnh Độ, chớ nên lầm lẫn!". Sang mùng 10 ông nói: "Giờ Mùi ngày mai tôi sẽ đi!". Vài giờ trước khi mãn phần, ông bảo người nhà: "Các liên hữu đến trợ niệm đông nhiều, trình độ niệm Phật của họ cũng khá cao, phải nên lễ kính". Rồi cư sĩ tự tụng Phổ Hiền Thập Nguyện Văn hai lượt. Tụng xong lặng yên sẽ động môi niệm Phật. Quả nhiên đến giờ Mùi, ông an lành mà vãng sanh. Trải bốn giờ sau, mặt ông lộ sắc tươi nhuận hơn lúc bình thường, đảnh vẫn còn nóng.