Home > Linh Cảm Ứng
Viên Bảo Trị
Cư Sĩ Bành Tế Thanh | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Đồng tử Viên Bảo Trị nguyên là con trai của cư sĩ Viên Nghiêu Niên ở Yên Kinh. Nghiêu Niên làm quan Chánh án, học rộng hiểu nhiều, nghiên cứu sâu về Phật lý, hết lòng tin nhận thật hành.

Vợ ông là Trương thị cũng xuất thân từ nhà vọng tộc, tánh hiền thục, thông lễ nghĩa thi thơ, nết hạnh được nhiều người khen ngợi.

Bảo Trị sanh vào ngày mùng 6 tháng 7 năm Dân Quốc thứ 12. Hạ sanh vừa vài tháng, đồng tử đã thông tuệ khác hơn trẻ em thường, gọi được hai tiếng cha mẹ. Mỗi khi thân phụ vắng mặt đi xa, em bò quanh giường cha kêu khóc mãi. Kế tiếp vì chức vụ Nghiêu Niên thuyên chuyển về Tân Giang, đem cả gia đình đi theo, càng ngày lời nói và cử động của em đều khác lạ. Khi đồng tử được 3 tuổi, mẹ viết đại tự từng chữ lên trên tấm giấy dạy cho học, dạy bảo qua một lần liền ghi nhớ, lần lượt thông thuộc hơn vài trăm chữ, nhiều phen thí nghiệm vẫn không sai lầm. Duy có điều khi gặp hai chữ: Phụ, Mẫu em đọc xong liền để trên mấy chữ khác. Người xung quanh lấy làm lạ hỏi, em Đáp: "Phụ, Mẫu là cha, mẹ phải nên tôn kính!". Mỗi khi đồng tử ăn bánh in, trên bánh có 4 chữ nổi: Trương Chánh Dũ Ký thì để chữ Trương lại không dùng, bảo ăn cho hết, em lắc đầu nói: "Đó là họ của mẫu thân, không nên ăn!". Hạnh hiếu thuận của đồng tử phát xuất từ thiên tánh, đại để là như thế.

Nghiêu Niên kính tin ngôi Tam Bảo, thường khuyên dạy cho đồng tử hiểu mấy chi tiết về môn Tịnh Độ như:

Niệm hồng danh đức A Di Đà sẽ được sanh về Tây Phương.

Cõi Cực Lạc trang nghiêm ra sao? Nghi thức niệm Phật như thế nào?

Khi chăm chú nghe xong, em liền im lặng tỏ vẻ tôn sùng cảm động. Từ đó về sau mỗi ngày đồng tử đều lễ Phật trì niệm không thiếu sót. Tuy còn bé, Bảo Trị có thể tụng chú Quán Âm, xưng danh hiệu đức Thích Ca Mâu Ni và Tây Phương Tam Thánh. Tiếng của em thành khẩn trong trẻo rõ ràng, tràng chuỗi thường chẳng rời tay, khi nằm ngủ cũng không buông bỏ. Sau bữa cơm tối, như cha mẹ có việc chưa kịp lên Phật đường trì niệm, đồng tử liền đến níu áo mời thỉnh thôi thúc song thân mau đi niệm Phật. Mẫu thân dạy bảo đừng nên giết hại vì chúng sanh đều ham sống sợ chết, giết nó là bất nhơn, lại mang khổ báo. Do đó mỗi khi lên ngồi ăn, đồng tử liền chỉ vào Hỏi: "Món này có phải là sát sanh không?". Sau khi bảo rõ từng món đều toàn đồ chay, em mới vui vẻ ngồi ăn. Mỗi bước đi, em rất lưu ý tránh loài trùng kiến, thấy người nhà bố thí giúp cho hạng già cả ăn xin liền lộ sắc vui mừng, lại thường ưa chấp tay chiêm ngưỡng tượng Phật.

Mùa hạ năm Bính Dần, Nghiêu Niên dẫn con đi lễ

Phật nơi chùa Cực Lạc. Bảo Trị chiêm ngưỡng khắp các tôn tượng dường như có vẻ cảm động, gặp chư tăng tụng kinh lại hoan hỷ lắng nghe, lưu luyến không muốn rời đi. Đứa em bé của đồng tử chết non, có người nói: "Em con đi đâu rồi?". Đáp: "Em sanh về cõi Cực Lạc!". Kế lại nói tiếp: "Bảo Trị cũng muốn đi theo nữa!". Ông nội nghe nói la rầy, nhưng đồng tử vẫn bảo: "Chẳng bao lâu con cũng sẽ đi!". Lời này dường như phát xuất từ tánh linh dự biết trước.

Buổi chiều tối ngày 26 tháng 6 năm ấy, Bảo Trị bỗng cảm bịnh ói mửa, không nói điều chi khác, chỉ kêu: "Con đi đây! Con đi đây!". Người nhà vây quanh niệm Phật, đồng tử cũng chấp tay niệm và nói: "Phải niệm to tiếng, niệm Phật cho nhiều!". Hôm sau hơi thở em yếu dần, thần sắc đổi khác. Nghiêu Niên thỉnh tượng Di Đà tiếp dẫn để trước mặt, rồi an ủi khuyên con chí tâm niệm Phật. Đồng tử đáp tiếng rất nhỏ tỏ ý vâng lời, đoạn mỉm cười nằm nghiêng bên mặt hướng về tôn tượng. Người nhà vẫn tiếp tục luân phiên trợ niệm.

Độ hơn 4 giờ chiều ngày 27, Bảo Trị an nhiên vãng sanh. Đến tối đảnh đầu của em vẫn còn nóng ấm. Mọi người đều nghe mùi hương lạ thơm ngát đầy nhà. Bấy giờ đồng tử mới chỉ được 4 tuổi. Mục kích cảnh tượng ấy, từ đó về sau Nghiêu Niên càng thêm lòng tin tưởng, chuyên tu Tịnh Độ pháp môn.