Home > Linh Cảm Ứng
Châu Nải Luân
Cư Sĩ Bành Tế Thanh | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Cư sĩ Châu Nải Luân tự Lan Hinh, hiệu Quốc Hương người ở Gia Thiện tỉnh Triết Giang. Cha là Kiềm Nam tánh thuần hậu ưa bố thí, hơn 50 tuổi mà không con nối dõi, cầu tự nơi chùa núi Thiên Trắc ở Hàng Châu, sanh được Nải Luân.

Không bao lâu Kiềm Nam mất, mẹ con trong cảnh cô quả bị hàng thân tộc lấn hiếp, mới dời nhà về ở Tây Đường. Nải Luân thuở bé rất mẫn tuệ, theo học với anh rể là Tú tài Kim Văn Giai, văn tự một phen qua mắt liền thông thuộc. Năm 17 tuổi được bổ làm bác sĩ đệ tử viên, văn tài nổi danh khắp vùng Mân, Triết. Lúc ấy nhằm cuối đời nhà Thanh, khoa cử bị phế bỏ, Nải Luân liền chuyển ngành vào trường ở Thượng Hải, học tập về môn Lý hóa, Bác vật. Sau khi tốt nghiệp, ông làm Giáo chức dạy các trường Trung, Tiểu học. Thấy sinh viên trong khi học tập, tánh không cẩn thận, làm tổn nhiều vật mạng, Nải Luân bỗng ngộ lý nhân quả báo ứng, phát bi nguyện quy y Tam Bảo, trường chay niệm Phật, cầu sanh Cực Lạc cứu độ chúng sanh.

Ông muốn nghỉ việc, chuyển tìm sanh kế khác để có nhiều thời giờ tu niệm. Nhưng vì không dám cãi lời mẹ khuyên dạy, nên gắng gượng lãnh làm Hiệu trưởng trường Trung học đệ nhị ở Triết Giang. Tuy tựu chức, song hằng ngày vẫn niệm Phật không quên bỏ. Nhân thấy cư sĩ Phạm Cổ Nông tinh thông về Phật lý, Nải Luân thường qua lại học hỏi nghiên cứu, do đó mức tu càng tiến triển. Những ngày nghỉ, ông thường hội họp sinh viên lại giảng diễn về Phật lý, dụng ý muốn đem diệu pháp cảm hóa tầng lớp thanh niên. Cư sĩ thờ mẹ rất hiếu thuận, được làng xóm ngợi khen là con thảo.

Một hôm đang ở nhiệm sở, nghĩ tới mẹ đau lâu không lành mạnh, Nải Luân liền đốt hương, chích máu ngón tay viết theo lối giai tự thành sáu chữ lớn: Nam Mô A Di Đà Phật. Bên dưới ghi tiếp theo bài kệ "Nguyện đồng người niệm Phật. Đều sanh về Cực Lạc. Thấy Phật khỏi sống chết. Như Phật độ chúng sanh", để cầu nguyện cho mẫu thân. Sau tiếp được thơ nhà, nói bà mẹ trong ngày ấy bỗng khỏe mạnh ngồi dậy đi lại, ăn uống như thường. Đây đều do lòng hiếu thành cảm cách. Cư sĩ Phạm Cổ Nông có đem 26 chữ ấy, khắc bản ấn tống khắp trong thành. Đoạn dưới ấn bản có nói phụ thêm về nguyên nhân và điềm lành cảm ứng.

Mùa đông năm Dân Quốc thứ 9, vì thần kinh yếu, Nải Luân cáo bịnh về nhà. Đến ngày 17 tháng chạp, cư sĩ thản nhiên niệm Phật thoát hóa. Khi ông vãng sanh, các liên hữu khám nghiệm, thấy cả mình đều lạnh, đảnh đầu cực nóng, nét mặt rất an điềm tươi tỉnh. Lúc ấy cư sĩ mới vừa được 37 tuổi.