Home > Linh Cảm Ứng
Mặc Am
Cư Sĩ Bành Tế Thanh | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Mặc Am đại sư pháp danh Thượng Nhân tự Chân Nguyên, họ Châu, người ở Hoành Châu tỉnh Hồ Nam. Cha học Nho, mãn phần sớm, ngài còn bé mà đĩnh ngộ sáng lẹ, liếc mắt qua đã đọc xong mấy hàng sách. Năm 15 tuổi, văn tài tiến vượt xa các đồng bạn, thầy dạy học nghĩ rằng đường công danh về sau tất sẽ rực rỡ. Hai năm kế đó, ngài đến ở trọ chùa Nhạn Phong học tập, nhân chép kinh Kim Cang tới câu: "Tâm quá khứ, hiện tại, vị lai đều không thể được", bỗng chợt nảy sanh tư tưởng xuất trần.

Năm Hàm Phong thứ 7, mẹ muốn tìm nơi hỏi vợ cho, ngài lén trốn đến chùa Nam Phong, nương theo Phổ Chiếu thiền sư xuất gia. Năm sau, lại đắc giới nơi Thúy Đình thượng nhơn ở chùa Phước Nghiêm. Đại sư nghe Chúc Thánh Lượng thiền sư pháp hóa rất thạnh, đến thọ tâm ấn. Qua năm kế, lại yết kiến Pháp Vân thiền sư, đi sâu vào giáo nghĩa, do đó đối với sách Nho cũng được suốt thông. Các bậc danh tài thạc học nghe tiếng đại sư, đều thích tìm đến để giao du. Ngài dõng mãnh về việc hướng thượng nên tới ẩn tích ở Kỷ Cung Nham tại Nam Nhạc , c ùng với Thiềm Vân pháp sư nương nhau sách tấn để tham cứu tu hành.

Sang niên hiệu Đồng Trị, đại sư đi tham phỏng khắp các bậc tôn túc nam bắc ngộ nhập nguồn tâm, rồi trở về chùa Phước Nghiêm duyệt xem Đại tạng. Mùa thu năm Quang Chữ thứ hai, ngài lại cất tịnh xá bên chùa Chúc Thánh ở Nam Nhạc, khổ thiết mật tu, lâu ngày sự tỏ ngộ càng thêm sâu sắc. Từ đó các sách vở nội ngoại thảy đều quán triệt, hàng danh sĩ lại tìm đến giao du như cũ. Chùa Đại Thiện ở Nam Nhạc, nguyên là một danh lam cổ, bị người xâm chiếm, đại sư quyên tiền chuộc lại rồi trùng tu. Ngài phỏng theo quy tắc của Triệt Ngộ thiền sư tổ chức sự tu học, nên chư t ăng 10 phương vân tập về, đến đỗi không đủ chỗ dung chứa. Tất cả học chúng nơi đó đều suốt thông tánh tướng, giữ luật hạnh trang nghiêm. Đại sư lấy Thiên Thai giáo quán làm tiền đạo cho hàng học giả. Lấy Di Đà Tịnh Độ làm chỗ cứu cánh nương về. Ban sơ đại sư giữ nhựt khóa niệm Phật sáu muôn câu, lâu ngày đi đến cảnh không niệm tự niệm, nên câu hồng danh chẳng lúc nào gián đoạn.

Mùa xuân năm Nhâm Dần, đại sư đem việc chùa giao phó cho đệ tử thượng thủ và nói: "Ta sắp về Tây P hương!" Sang đông, ngài cử hành lễ Phật thất. Được hơn một tuần, trong định đại sư thấy nước bát công đức lóng lánh nơi ao thất bảo trang nghiêm. Không bao lâu, ngài cảm bịnh nhẹ, từ khước thuốc thang một lòng niệm Phật và bảo đồ chúng luân phiên trợ niệm. Kế đó đại sư tuyệt thực rồi tuyệt ẩm, nằm theo lối kiết tường nghiêng về bên hữu, giữ pháp Kim Cang trì niệm. Hôm sau ngài thấy đức A Di Đà hiện thân, tướng bạch hào quang sáng chói, liền chỗi dậy ngồi kiết già hướng về Tây, bảo xếp dọn chăn gối. Thị giả ngần ngại trình thưa tiết trời quá lạnh, đại sư bảo: "Ta sắp từ bỏ tệ phục, đổi lấy trân phục, bỏ huyễn thân nhơ nhớp thay thân bảo chất đẹp nghiêm!" . Tăng chúng hay tin tụ hội đến, ngài an tường nhìn khắp xung quanh và chậm rãi Hỏi: "Thế nào là giải thoát?" . Chúng đều nhìn nhau không khế hội. Đại sư mỉm cười bảo: "Đã vậy, chi bằng học theo ông già bà cả quê mùa, ăn chay trường chân thành mà niệm Phật là chắc chắn hơn cả!" . Kế đó dạy chúng đánh mõ trợ niệm, giây lát tiếng mõ hơi gấp, ngài bảo dừng lại, chỉ đồng thanh xưng Nam M ô A Di Đà Phật. Khi niệm độ hơn một trăm câu, đại sư chấp tay mà thị tịch. Bấy giờ nhằm ngày 13 tháng chạp, năm Quang Chữ thứ 28. Vài giờ sau chúng dò thăm thấy đảnh của ngài còn nóng, thân thể đều nhu nhuyến.

Đại sư hưởng tuổi đời được 64, Tăng lạp 4 4.