Home > Khai Thị Niệm Phật
Nhất Niệm Lúc Lâm Chung Rất Là Quan Trọng
Cư Sĩ Huỳnh Lão | Sa Môn Thích Viên Giáo, Việt Dịch


Chúng ta niệm Phật phải toàn lực ở lúc lâm chung, nhất niệm chánh niệm (niệm Phật tưởng Phật) thì niệm Phật vãng sanh; nhất niệm tà niệm (tưởng việc thế gian, một khi tưởng việc thế gian thì tâm điên đảo) thì rơi vào luân hồi. Sớm niệm tối niệm một câu danh hiệu Phật, đi niệm ngồi niệm... cho đến cả ngày cả năm niệm niệm không thôi, không lúc nào chẳng là thuần thục câu niệm này đến khi lâm chung nhất niệm mới thôi. Do nhất niệm này chỗ liên hệ rất là quan trọng, nó dắt hồn dẫn phách, tạo mạng sanh thân, chẳng việc gì chẳng do đây, nên niệm thiện thì lên thiên đàng, niệm ác thì xuống địa ngục, niệm ma bèn thành ma, niệm Phật lại thành Phật. Nếu bình thường chẳng niệm nhiều, huân tập chín chắn sắc bén, trong tâm có Phật, đến lúc lâm chung thì sớm đã quên mất chánh niệm niệm Phật, vẫn phải theo các niệm thiện ác đã huân tập chín muồi từ nhiều đời mà đi, luân hồi khắp sáu nẻo đều từ một niệm này làm chủ. Nếu chuyên chú ở nơi đức Phật, thì thân tuy chết mất, mà thần thức trong sáng, tức theo nơi nhất niệm mà vãng sanh về thế giới Cực Lạc vậy.

Cho nên niệm thuần thục (trong tâm có Phật) một câu: Nam Mô A Di Đà Phật, lúc mạng chung mới có thể chánh niệm hiện tiền, tâm không điên đảo, niệm Phật vãng sanh; nếu bình thường chẳng niệm Phật (trong tâm không có Phật), lúc mạng chung làm sao biết Phật! Lúc ấy tưởng và niệm đều là những chuyện thế gian, lại thêm khi lâm chung bệnh nguy đau khổ rất nhiều, hoặc sanh ý bên ngoài, hoặc tiếng kêu khóc của vợ con, thần chí thì hôn mê, nghiệp trước thì chiêu cảm, ác nghiệp thì hiện ra, tâm hoảng hốt, ý tán loạn, sáu thần không chủ, hoặc tham yêu cội gốc thức ái sanh tử thế gian, tà niệm hiện ra, điên điên đảo đảo, tâm niệm Phật thế nào cũng không làm sao khởi lên được, nghiệp lực hiện ra, bị nghiệp lực dẫn dắt vào luân hồi, cho nên biết rằng nhất niệm lúc lâm chung rất là quan trọng, quan trọng lắm!

Phải quán sát thân này như hư không. Thân vì nghiệp chướng từ vô thỉ trở lại đây sinh ra, nghiệp chướng thì do vọng tưởng mà khởi. Chánh niệm sanh, thì vọng tưởng diệt, nghiệp chướng tiêu trừ.

Phải biết rằng bệnh khổ vây lấy thân là vì nghiệp báo, đây bởi đời trước tạo ra các ác nghiệp nên đời này thọ báo, thấy như quả báo nặng thọ nhận nhẹ, mình niệm Phật của mình, nhất tâm niệm Phật, lại chẳng thấy khổ. Chẳng được để bệnh làm khổ, tâm sanh phiền não vọng tưởng. Vọng tưởng một khi khởi lên thì nghiệp chướng liền đến, mà nghiệp chướng đến thì tâm liền điên đảo.

Vì sao niệm Phật nhiều như thế mà có người chẳng được vãng sanh ư? Bởi vì là “TÍN HẠNH NGUYỆN chẳng đầy đủ nên lúc mạng chung tâm sanh điên đảo”, nghiệp lực hiện ra, bởi bị nghiệp lực dẫn đi chuyển đến trong sáu đường.

Cho nên niệm Phật cần phải nhất tâm chuyên niệm, niệm nhiều, niệm cho nề nếp để dưỡng thành thói quen niệm Phật, trong tâm có Phật, lúc mạng chung mới có thể chánh niệm hiện tiền, tâm không điên đảo mà niệm Phật vãng sanh.