Tiết 1: Phiên dịch kinh A di đà
và các nghị luận về tịnh độ của ngài La thập v.v…
Vào niên hiệu Hoằng Thỉ thứ 3 (401TL), đời Diêu Tần, ngài Cưu ma la thập (Kumārajīva) từ Cô Tang (huyện Vũ Uy, tỉnh Cam Túc) đến Trường An, dịch kinh A di đà, luận Thập trụ tì bà sa. Kinh A di đà một quyển, tên khác của kinh Vô Lượng Thọ. Trong kinh nói sơ lược sự trang nghiêm (y báo và chính báo) của cõi Cực Lạc, là bản kinh được đọc tụng thông dụng nhất từ xưa đến nay. Vĩnh Huy nguyên niên (650TL), thời Đường, ngài Huyền Trang dịch lại kinh này, với nhan đề là kinh Xưng tán tịnh độ nhiếp thụ. Luận Thập trụ tì bà sa của ngài Long Thọ trứ tác, 17 quyển, 35 phẩm, trong đó, phẩm Dị hành nêu thuyết hai đạo khó hành và dễ hành, xưng niệm danh hiệu mười vị Phật trong mười phương, đạt được địa vị Bất thoái chuyển, đây là đạo dễ hành, đặc biệt dùng bài kệ có 32 hàng để tán thán cõi tịnh của Phật A di đà. Ngoài ra, ngài La thập có công bố quyển Tư duy lược yếu pháp, trong đó có ghi cách quán Phật Vô Lượng Thọ v.v…, có lẽ quyển sách này do ngài soạn. Lại có La thập pháp sư đại nghĩa 3 quyển, tức là quyển sách ghi lại lại lời giải đáp của ngài về mười tám khoa của ngài Huệ Viễn ở Lô sơn hỏi, trong đó nói đến nghĩa tu Bát chu tam muội được thấy Phật, như chương trước đã nói.
Ngài La thập cho là tịnh độ là quả báo độ của chư Phật, chúng sinh hoàn toàn không có tịnh độ để nói; chúng sinh sinh vào tịnh độ của Phật chỉ thấy ứng độ của Phật thị hiện, vì tịnh độ chỉ có Phật mới có được. Ngài Đạo Sinh môn nhân của ngài thì đề xướng thuyết Phật không có tịnh độ là: Phật đã là người chứng quả vĩnh viễn thoát ra ngoài sự hệ lụy của hình sắc, không có quốc độ để trụ; hễ nói về độ thì đều do quả báo của nghiệp lực chúng sinh chiêu cảm, Phật chỉ vào trong báo độ của chúng sinh để giáo hóa mà thôi. Việc này được thấy trong Chú Duy ma kinh quyển 1 và Tông cảnh lục quyển 21 có ghi lại nghĩa mười bốn khoa tịnh độ của ngài Đạo Sinh. Ngài Đạo Sinh chủ trương Phật quả vô sắc luận, chân thân của Phật không có sắc hình, chỉ có trí thể, vì thế kết luận, không thể có độ cho chân thân này cư trú. Đại thừa huyền luận của ngài Cát Tạng, quyển 5 có ghi: ngài Pháp Vân, thời Lương v.v… cũng thừa nhận tư tưởng của ngài Đạo Sinh, căn cứ vào năng hóa để nói, nên gọi là tịnh độ, nhưng Phật thật sự không có tịnh độ, chỉ ứng theo quả báo của chúng sinh mà nói.
Lại nữa, Duy ma kinh nghĩa sớ của thái tử Thánh Đức, quyển thượng có ghi: cõi nước có hai loại là báo độ của chúng sinh và ứng độ của Như Lai. Tịnh độ và uế độ là do nghiệp báo thiện ác của chúng sinh cảm ứng, nên gọi là báo độ của chúng sinh; Như Lai ngầm hợp với lý chân như, thoát khỏi danh tướng, vì vậy không nên nói Phật có cõi nước, ngài chỉ vào trong báo độ chiêu cảm của chúng sinh để giáo hóa mà thôi, cho nên gọi là Ứng độ. Đây cũng chủ trương Phật không có tịnh độ, có lẽ thái tử cũng y theo thuyết của ngài Pháp Vân.
Trong Hoa nghiêm kinh du ý của ngài Cát Tạng viết: ngài Tăng Duệ môn nhân của ngài La thập đem quốc độ chia làm năm loại: tịnh độ, uế độ, bất tịnh tịnh độ, tịnh bất tịnh độ, tạp độ. Trước sau đều tịnh nên gọi là tịnh độ; trước sau đều bất tịnh gọi là uế độ; trước là uế độ, sau biến thành tịnh độ gọi là bất tịnh tịnh độ; trước là tịnh độ, sau biến thành bất tịnh độ gọi là tịnh bất tịnh độ; tịnh độ và uế độ lẫn lộn nhau gọi là tạp độ. Tuy chưa nói rõ lập nghĩa của mình nhưng ngài Cát Tạng thường áp dụng cách phân loại này, Phật và chúng sinh đều có năm loại quốc độ này, nói chung thành lập có sự sai biệt của mười quốc độ. Phật và chúng sinh đều có tịnh bất tịnh độ, cũng tức là chiết trung thuyết của ngài La thập và ngài Đạo Sinh.
Chương Nghĩa tịnh độ trong Đại thừa nghĩa chương quyển 19 của ngài Huệ Viễn, có nói về bình luận ba thuyết này: ngài Đạo Sinh lập nghĩa “Chúng sinh có độ, chư Phật thì không, vì tùy theo sự giáo hóa mà thị hiện ở chỗ của chúng sinh”, chính là Nhiếp thật tùng tướng luận; ngài La thập lập nghĩa “Chư Phật có độ, chúng sinh hoàn toàn không có, chúng sinh tùy theo nghiệp hạnh sai khác mà họ thấy một Phật độ”, chính là Nhiếp tướng tùng thật luận. Lại có người (tức Tăng Duệ) nói chúng sinh và Phật đều có quốc độ riêng, là căn cứ vào lý quả tùy biệt nghiệp, cho là cả hai đều thật, chính là Phân tướng dị thật luận. Lại trong Pháp hoa kinh huyền luận quyển 9, bình luận rằng: Thuyết của ngài La thập thì chỉ được tích thân độ mà đánh mất bản độ; thuyết của ngài Đạo Sinh chỉ được pháp thân độ mà đánh mất tích độ. Tóm lại, giữa thuyết của ngài La thập và thuyết của môn nhân của ngài có liên quan đến bản chất Phật độ, là hai thuyết khác nhau đều được lưu hành.
Tiết 2: Phiên dịch kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ
Đến thời Lưu Tống, các kinh Vô Lượng Thọ, kinh Bi hoa, kinh Quán Vô Lượng Thọ liên tiếp được dịch, kinh điển Tịnh Độ đại khái tương đối đầy đủ. Căn cứ Xuất tam tạng ký tập quyển 2 ghi: Ngài Phật đà bạt đà la (Buddhabhadra), vào niên hiệu Vĩnh Sơ thứ 2 (421TL), thời Lưu Tống, ngài ở chùa Đạo Trường, Dương Đô (huyện Giang Đô, tỉnh Giang Tô), dịch kinh Tân Vô Lượng Thọ 2 quyển. Lại có Bảo Vân ở cùng chùa với ngài (có thuyết cho là chùa Lục Hợp Sơn), vào năm ấy cũng dịch ký lục của kinh Tân Vô Lượng Thọ. Nhưng hai vị tam tạng pháp sư ở cùng chỗ, cùng năm, lại cùng dịch một bộ kinh hầu như là việc không thể xảy ra, theo tôi nghĩ có lẽ lúc đầu hai ngài cùng dịch, về sau do ngài Bảo Vân chỉnh sửa lại. Việc này căn cứ Tân tập dị xuất kinh lục trong Xuất tam tạng ký tập quyển 2 có ghi: trong những bản dị dịch kinh Vô Lượng Thọ chỉ nêu bản kinh của ngài Bảo Vân, mà không nói đến bản dịch của ngài Phật đà bạt đà la, do đó có thể suy đoán được. Lại hai bản này từ Lịch đại tam bảo kỷ về sau các kinh lục đều cho là khuyết bản, nhưng trong Xuất tam tạng ký tập chưa ghi chú là khuyết bản, thì có thể là đương thời bản kinh của ngài Bảo Vân đã lưu hành ở đời. Bởi vì, hiện tại kinh Vô Lượng Thọ trong tạng kinh, xưa nay cho là do ngài Khương Tăng Khải dịch vào thời Tào Ngụy, e rằng không đúng mà lẽ ra phải là do là do ngài Bảo Vân dịch.
Như trước đã nói, trong Tấn thế tạp lục v.v… ghi: kinh Vô Lượng Thọ do ngài Khương Tăng Khải dịch là chỉ cho kinh Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác, đây chẳng qua là dị thuyết về người dịch kinh Bình đẳng giác mà thôi. Kinh Vô Lượng Thọ của ngài Trúc Pháp Hộ dịch có tên khác là kinh Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác, trong Xuất tam tạng ký tập, tuy nói rõ nhưng Lịch đại tam bảo kỷ v.v… vẫn cho là kinh khác, vì thế cho rằng kinh Bình đẳng giác do ngài Chi Sấm dịch vào thời Hậu Hán, kinh Vô Lượng Thọ do ngài Khương Tăng Khải dịch. Vì bản dịch của ngài Bảo Vân gọi là kinh Tân Vô Lượng Thọ thì có thể chứng tỏ bản dịch có nhiều chỗ rất khác với hai bản kinh Đại A di đà và kinh Bình đẳng giác được dịch trước đây. Hai bản dịch này không có bài tựa đặt ở trước, lại bản nguyện của Phật Di đà có 24 nguyện. Nhưng bản dịch của ngài Bảo Vân thì có bài tựa đặt ở trước và số lời nguyện của Phật Di đà tăng lên gấp đôi thành 48 nguyện, lại không có chép các sự việc như: vương tử A xà thế đến trong hội, Phật A di đà nhập diệt, Quán Thế Âm thành đạo… ngoài ra còn có không ít những điểm bất đồng, cho nên đặt tên là kinh Tân Vô Lượng Thọ. Không chỉ như vậy, dịch ngữ trong bài tựa của kinh này, câu văn phần nhiều tương đồng với kinh Phật bản hạnh do ngài Bảo Vân dịch, đặc biệt là trong đó ghi có từ ngữ Phật hoa nghiêm tam muội, có thể chứng minh người dịch kinh Hoa nghiêm là ngài Phật đà bạt đà la cũng tham dự phiên dịch kinh này, thì có thể nhận định kinh Vô Lượng Thọ hiện còn không phải là do ngài Khương Tăng Khải dịch, mà là kinh Tân Vô Lượng Thọ do ngài Bảo Vân dịch vào thời Lưu Tống.
Kinh Bi hoa là do ngài Đàm mô sấm dịch. Vào thời Đông Tấn An Đế, ngài Đàm mô sấm (Dharmarakṣa) đến châu Tây Lương (huyện Vũ Uy, tỉnh Cam Túc), vào niên hiệu Huyền Thỉ thứ 8 (401TL), thời Bắc Lương, ngài dịch kinh Bi hoa, 10 quyển, 14 phẩm. Xuất tam tạng ký tập quyển 2, ghi chú ở dưới kinh này là: biệt lục, hoặc là do ngài Cung Thượng dịch. Cung Thượng là tên gọi tắt của hòa thượng Đạo Cung. Vào thời Đông Tấn An Đế, ở Kinh Châu (huyện Vũ Uy, tỉnh Cam Túc), ngài dịch kinh Bảo lương, sống cùng thời với ngài Đàm mô sấm. Lại nữa, bản dị dịch của kinh Bi hoa này có tên là kinh Đại thừa bi phân đà lợi, chia thành 8 quyển, 30 phẩm. Các kinh lục đều cho là thất dịch, kinh này nếu nói là do ngài Đạo Cung dịch thì cũng chưa biết chừng là đúng. Đại khái hai bản kinh này tương đồng, đều cho rằng tiền thân của Phật A di đà là vua Vô Tránh Niệm làm trung tâm, ghi lại chuyện bản sinh của Đức Phật A di đà và Đức Phật Thích ca thành Phật ở tịnh độ và uế độ; nói Phật A di đà làm đại biểu thành Phật ở tịnh độ, thuật lại các tình hình của nhân vị phát tâm; nói về bản nguyện thì liệt kê năm mươi hai nguyện của Ngài. Căn cứ đây có thể biết kinh này và kinh Vô Lượng Thọ đã nói ở trên có liên quan. Lại nữa, kinh này vào thời Tề, Lương đã nhiều lần sao đi chép lại, Thất dịch tạp kinh lục trong Xuất tam tạng ký tập quyển 4 có ghi tên các kinh: Ngũ bá vương tử tác tịnh độ nguyện, Bảo Hải Phạm chí thành tựu đại bi, Bảo Hải Phạm chí thỉnh Như Lai, Quá khứ hành đàn ba la mật, Đương lai tuyển trạch chư ác thế giới. Lại nữa, trong Chúng kinh mục lục quyển 2 của ngài Pháp Kinh, thời Tùy, trừ các kinh này ra, còn có liệt kê các kinh như: Quán Thế Âm cầu thập phương Phật các vị thụ kí v.v… tổng cộng 19 kinh đều sao chép từ kinh Bi hoa. Điều này chứng tỏ vào thời bấy giờ kinh này đã từng được lưu hành.
Kinh Quán Vô Lượng Thọ là nói pháp quán Phật A di đà và hai vị bồ tát Quán Âm, Thế Chí, cho đến sự trang nghiêm tịnh độ Cực Lạc có công năng trừ diệt nghiệp chướng để sinh về nước kia. Người đời sau đem kinh này (Quán Vô Lượng Thọ), kinh Vô Lượng Thọ và kinh A di đà gọi chung là ba bộ kinh Tịnh Độ. Người dịch kinh này, Xuất tam tạng ký tập quyển 4 không ghi tên người dịch, Lương cao tăng truyện quyển 3 ghi: Đầu niên hiệu Nguyên Gia (424TL), đời Văn Đế, thời Lưu Tống, Cương lương da xá (Kālayaśas) đến Kiến Nghiệp (phủ Giang Ninh, tỉnh Giang Tô), dịch kinh này; từ Chúng kinh mục lục của Pháp Kinh trở về sau đều theo thuyết này. Lại nữa, trong Lịch đại tam bảo kỷ có ghi: Ngoài bản dịch của ngài Cương lương da xá ra, còn có hai bản thất dịch vào thời Hậu Hán và Đông Tấn. Đây có thể lấy gộp cả hai thuyết Lương cao tăng truyện và Xuất tam tạng ký tập lại, rồi đem bản thất dịch trong Xuất tam tạng ký tập phân thành hai thời đại là Hậu Hán và Đông Tấn, đây là thuyết sai lầm, cố nhiên là không đáng chấp nhận. Kinh này trước sau chỉ có một bản dịch, Cao tăng truyện cho rằng người dịch chính là ngài Cương lương da xá, Xuất tam tạng ký tập chẳng qua là ghi là thất dịch mà thôi.
Lại căn cứ vào sự ghi chép trong Xuất tam tạng ký tập quyển 2, Lương cao tăng truyện quyển 3 v.v…: Niên hiệu Nguyên Gia thứ 12 (435TL), thời Lưu Tống, ngài Cầu na bạt đà la (Guṇabhadra) theo đường biển đến Quảng Châu (thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông), sau đó, ngài ở chùa Tân, Giang Lăng (huyện Giang Lăng, tỉnh Hồ Bắc) dịch kinh Vô Lượng Thọ quyển 1 v.v… Kinh này là bản dị dịch của kinh A di đà và đồng với bản kinh A di đà của La thập, Tân tập dị xuất kinh lục trong Xuất tam tạng ký tập quyển 2 có đề cập, nhưng từ xưa cho là khuyết bản thất truyền. Nhưng hiện nay trong tạng có Bạt nhất thiết nghiệp chướng căn bản đắc sinh tịnh độ thần chú, phần chú thích dưới nhan đề của thần chú này có ghi là kinh Tiểu Vô Lượng Thọ, mà còn ghi tên là tam tạng Cầu na bạt đà la, người Thiên Trúc, dịch lại vào thời Lưu Tống. Do đó, thần chú này là được trích ra trong kinh Vô Lượng Thọ của ngài Cầu na bạt đà la dịch, chẳng qua các mục lục từ Xuất tam tạng ký tập trở về sau đều chưa ghi việc này. Theo A di đà kinh bất tư nghì thần lực truyện có ghi: Bồ tát Long Thọ nguyện sinh An Dưỡng mà mộng cảm được thần chú này, tam tạng Da xá tụng chú này, rồi truyền miệng cho pháp sư Tú ở chùa Thiên Bình, vị này nói: Bản kinh này không phải từ nước ngoài truyền đến. Điều này chứng tỏ Tam tạng Da xá này chính là ngài Na liên đề lê da xá (Narendrayaśas), thời Bắc Tề; chùa Thiên Bình là chỉ cho chùa Thiên Bình, dịch trường ở Nghiệp Đô (huyện Lâm Chương, tỉnh Hà Nam). Nếu như thế thì thần chú này có lẽ là do ngài Na liên đề lê da xá truyền mà có thuyết nhầm lẫn cho là do ngài Cầu na bạt đà la dịch.
Tiết 3: Các kinh nghi ngụy có liên quan đến Phật A di đà
Kinh điển ngụy tạo ở Trung Quốc thật ra rất nhiều, An Công (Đạo An thời Phù Tần) nghi kinh lục trong Xuất tam tạng ký tập quyển 5 có đề cập, từ kinh Bảo Như Lai trở xuống có 26 bộ, 30 quyển; trong Tân tập nghi kinh ngụy soạn tạp lục liệt kê ra từ kinh Tì kheo ứng cúng pháp hạnh trở xuống có 46 bộ, 56 quyển và kinh Bảo đỉnh của Tăng Pháp Ni tụng ra trở xuống có 21 bộ, 35 quyển, Chúng kinh mục lục của ngài Pháp Kinh, thời Tùy, đồng với Chúng kinh mục lục của ngài Ngạn Tông, cho đến trong Khai nguyên thích giáo lục của ngài Trí Thăng, thời Đường, mỗi bản kinh lục đều có lập hai loại mục lục là nghi hoặc và ngụy vọng, liệt kê rất nhiều kinh luận. Cho nên biết sự chế tác kinh nghi ngụy từ thời Phù Tần trở về trước đã được lưu hành, đến đời sau dần dần tăng thêm. Nhưng những bản kinh này phần lớn đã thất lạc, thế mà trong số đó cũng có kinh nghi ngụy được Khai Nguyên lục v.v…biên nhập tạng kinh, mà các sách Kinh luật dị tướng, Chư kinh yếu tập, Pháp uyển châu lâm đã dẫn dụng văn ấy. Thời gian gần đây, các kinh nghi ngụy được phát hiện ở Đôn Hoàng và địa phương khác, có thể biết được phần nào nội dung của các kinh ấy.
Bởi vì những kinh nghi ngụy này cũng có vài bộ liên quan đến Phật A di đà như: Kinh Thiện Vương hoàng đế công đức tôn, kinh Dược Sư Lưu Li Quang, kinh Tu di tứ vức, kinh Thập vãng sinh A di đà Phật quốc v.v… Kinh Thiện Vương hoàng đế công đức tôn ở trong Đạo An nghi kinh lục có đề cập đến kinh này có 2 quyển hoặc 1 quyển. An Lạc tập quyển hạ của ngài Đạo Xước, thời Đường, có dẫn dụng văn kinh này: “Nếu có người học đạo, muốn vãng sinh về cõi của Phật A di đà ở phương Tây, nhớ niệm ngày đêm, từ một ngày cho đến bảy ngày, nếu ở giữa chừng thoái lui mà được nghe Ta nói kinh Thiện Vương công đức này, người này khi sắp mạng chung có tám vị bồ tát đều đến nghinh đón người này về cõi của Phật A di đà ở Tây phương”, vì thuyết lâm chung có tám vị bồ tát như Bạt đà hòa v.v… (được nêu trong kinh Bát chu tam muội) đến nghinh đón cũng được ghi trong kinh Bát kiết tường thần chú và kinh Bát dương thần chú. Kinh Bát kiết tường thần chú, trong Lịch đại tam bảo kỷ quyển 5 có ghi: kinh này do ngài Chi Khiêm dịch, thời Ngô. Kinh Bát dương thần chú trong Lịch đại tam bảo kỷ quyển 6 có ghi: kinh này do ngài Trúc Pháp Hộ dịch, thời Tây Tấn. Thế mà, Xuất tam tạng ký tập quyển 4 đem hai kinh này liệt vào trong Thất dịch tạp kinh lục. Kinh Thiện Vương có thể hơn một nửa là y theo hai kinh này mà ra.
Lại nữa, kinh Bất kết thần vương hộ thân chú trong kinh Quán đỉnh quyển 4, có ghi: “Người khi sắp lâm chung, có tám vị bồ tát là Bạt đà hòa v.v…đến nghinh đón thần hồn của họ vãng sinh Tây phương”. Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang trong kinh Quán đỉnh quyển 12 có ghi: “Nếu bốn chúng đệ tử thường tu mỗi tháng ăn chay sáu ngày, mỗi năm ăn chay luôn ba tháng, hoặc ngày đêm siêng năng tu hành khổ hạnh, nguyện vãng sinh về cõi của Phật A di đà ở Tây phương, nhớ niệm ngày đêm hoặc một ngày cho đến bảy ngày, nếu ở giữa chừng thoái lui mà nghe Ta nói công đức bản nguyện của Phật Dược Sư, người này khi sắp mạng chung, có tám vị bồ tát Văn thù sư lợi, Quán Thế Âm, Đắc Đại Thế, Vô Tận Ý, Bảo Đàn Hoa, Dược Vương, Dược Thượng, Di lặc đến nghinh đón thần hồn của họ, đặt vào trong hoa sen”. Thuyết này hoàn toàn tương đồng với ý nghĩa của văn kinh Thiện Vương hoàng đế, chỉ đem Thiện Vương đổi thành Phật Dược Sư, tám vị bồ tát Bạt đà hòa v.v… đổi thành tám vị bồ tát là Văn thù v.v…mà thôi. Giữa các kinh này tất nhiên là có quan hệ mật thiết với nhau. Trong đó, kinh Dược Sư Lưu Ly Quang mà Tân tập nghi kinh ngụy soạn tạp lục trong Xuất tam tạng ký tập quyển 5 đề cập đến là bản kinh do tì kheo Huệ Giản ở chùa Lộc Dã, Mạt Lăng (huyện Giang Lăng, tỉnh Giang Tô), sao soạn vào Đại Minh nguyên niên, đời Hiếu Vũ Đế, thời Tống, rõ ràng là ngụy kinh.
Lại nữa, kinh Tu di tứ vức, tên khác là Tu di tượng đồ sơn, luận Nhị giáo của ngài Đạo An, thời Bắc Chu (được ghi trong Quảng hoằng minh tập quyển 8), An Lạc tập quyển hạ của ngài Đạo Xước. thời Đường, luận Biệt chính quyển 5 của ngài Pháp Lâm đều dẫn dụng văn kinh này. Như An Lạc tập có nói: Kinh Tu di tứ vức có ghi: ‘Khi bắt đầu có trời đất, chưa có mặt trời, mặt trăng và các vì sao, bấy giờ người dân có nhiều khổ não. Lúc đó, Phật A di đà phái hai vị bồ tát: Bảo Ứng Thanh và Bảo Kiết Tường tức là Phục Hy và Nữ Oa. Hai vị bồ tát này cùng nhau bàn bạc lên cõi Phạm thiên để lấy bảy báu, đem xuống cõi này tạo mặt trời, mặt trăng, sao và hai mươi tám tinh tú để chiếu sáng cho thiên hạ, định ra bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, mặt trời, mặt trăng và các vì sao đều vận hành về hướng tây, tất cả trời, người đều cùng đỉnh lễ Phật A di đà’. Đây cho rằng Phục Hy và Nữ Oa nổi tiếng trong lịch sử cổ đại Trung Quốc là do Phật A di đà phái đến, căn cứ vào truyền thuyết Nữ Oa vá trời, trở thành vị thần của mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Nhưng mặt trời, mặt trăng và các vì sao đều vận hành về hướng tây, vì thế người dân đỉnh lễ Phật A di đà, lấy đó làm lý do Phục Hy và Nữ Oa được Phật A di đà phái đến. Thuyết này và thuyết của kinh Thanh tịnh hạnh nói: Phật Thích Tôn phái ngài Ma ha Ca diếp đến Trung Quốc làm Lão Tử, bồ tát Quang Tịnh làm Khổng Tử, bồ tát Nguyệt Quang làm Nhan Hồi, đều cùng một loại. Những điều này phần lớn là nghị luận của Đạo giáo và Phật giáo được thịnh hành vào thời Bắc Chu.
Lại nữa, kinh Thập vãng sinh A di đà Phật quốc, gọi tắt là kinh Thập vãng sinh nghĩa là người muốn vãng sinh về cõi nước Phật A di đà nên thực hành mười loại chính niệm. Kinh này được đưa vào Tục tạng kinh của Nhật Bản. Trong kinh này nói: “Phật A di đà thường phái hai mươi lăm vị bồ tát như Quán Thế Âm v.v… âm thầm giúp đỡ hành giả tu Tịnh Độ, khiến ác quỷ, ác thần không quấy nhiễu được họ”. An Lạc tập của ngài Đạo Xước, Vãng sinh lễ tán và Quán niệm pháp môn của ngài Thiện Đạo đều dẫn dụng văn kinh này, để làm bằng chứng cho các bồ tát âm thầm giúp đỡ hành giả. Thuyết này xuất xứ từ trong kinh Tứ thiên vương và kinh Quán đỉnh quyển 3, hai kinh này có ghi: “Nếu người thụ trì đầy đủ năm giới thì tứ thiên vương phái hai mươi lăm thiện thần đến hộ vệ nhà cửa của người ấy” và thuyết của kinh Tịnh độ tam muội (được Quán niệm pháp môn dẫn dụng) “Nếu trong sáu ngày trai và ngày bát vương trì trai giới, Đức Phật bảo Lục Dục thiên vương phái hai mươi lăm thiện thần đến thủ hộ người ấy”, hợp lại mà ra.
Lại nữa, Vãng sinh truyện của ngài Giới Châu được tàng trữ trong chùa Chân Phước nơi thành phố cổ nổi tiếng của Nhật Bản, quyển trung có ghi: Ngài Xà na đạt ma (Hán dịch là Chí Pháp) đem tượng Phật A di đà và hai mươi lăm vị bồ tát đến Trung Quốc, có lẽ đây chính là lai lịch của hai mươi lăm vị bồ tát hiện tại âm thầm giúp đỡ, nhưng cũng chưa chắc đúng. Cát Tạng truyện trong Tục cao tăng truyện quyển 11 có ghi: “Ngài Cát Tạng vào đầu thời Đường đã tạc hai mươi lăm tôn tượng, rồi chí thành lễ sám”. Hai mươi lăm tôn tượng ấy là tượng gì? Nếu là hai mươi lăm vị bồ tát thì ngài Cát Tạng tất nhiên là tin nhận thuyết hai mươi lăm vị bồ tát âm thầm giúp đỡ. Lại trong Pháp hoa truyện ký quyển 3 của ngài Tăng Tường có ghi: “Chí Viễn ở Giang Nam, lúc lâm chung cảm ứng được hai mươi lăm vị thánh chúng đến nghinh đón, vãng sinh về tịnh độ”. Điều này chắc chắn là căn cứ nơi sự tín ngưỡng của kinh Thập vãng sinh, đồng thời cũng có thể cho là sự khởi nguyên thuyết hai mươi lăm vị bồ tát đến nghinh đón của Nhật Bản.
Thời gian gần đây, ở Đôn Hoàng các nhà khảo cổ khai quật phát hiện kinh A di đà Phật giác chư đại chúng quán thân và kinh Phu diễn thập vãng sinh là hai bản kinh giống nhau. Trong Đại chu san định chúng kinh mục lục quyển 15 cho rằng kinh Vãng sinh là ngụy kinh; Khai nguyên lục quyển 18 cũng liệt kinh Giác chư đại chúng vào trong ngụy vọng lục. Ngoài ra, kinh Tùy nguyện vãng sinh thập phương tịnh độ (tức kinh Quán đỉnh quyển 11), kinh Chiêm sát thiện ác nghiệp báo đều bị coi là ngụy kinh có liên quan đến tịnh độ. Do vì sự kiện ngụy kinh liên tục xuất hiện, nên biết đó chính là kết quả của tín ngưỡng Tịnh Độ đang được mọi người xem trọng.