Home > Khai Thị Phật Học > Chan-Ly-Cua-Dao-Phat
Chân Lý Của Đạo Phật
Pháp Sư Thích Tuệ Luật | Thượng Tọa Thích Nguyên Hùng, Việt Dịch


Chúng ta học Phật, trước hết cần phải có Chánh tri và Chánh kiến,  thì mới không bị đi vào con đường lầm lạc. Nếu không, cùng với người khác, bạn tuỳ tiện đùa giỡn với một ít thần thông, bạn sẽ bị chuyển hướng đi vào con đường tối tăm, đạt được một chút cảnh giới, bạn cho đó là ‘Phật, Bồ tát’.

Phật giáo không phải như vậy. Phật giáo cần những con người đem chân lý ứng dụng vào đời sống hằng ngày. Cho nên nói rằng: “Cuộc sống hoá Phật pháp, Phật pháp hoá cuộc sống”.

Chân lý mà đức Phật dạy đang có mặt ở nơi bạn, không xa bạn một bước. Tuỳ hoàn cảnh, tuỳ lúc, bạn có thể đem những lời dạy, những đạo lý của Phật vận dụng vào trong cuộc sống của bạn, Phật pháp như thế mới vĩ đại. Không thể xa rời cuộc sống này mà giảng Phật pháp. Nếu xa rời cuộc sống hiện thực này mà giảng Phật pháp, thì đó là điều mộng tưởng (utopie), không thực tế với cuộc đời, không thật tại. Sự vĩ đại của Phật pháp chính là vì Phật pháp đối diện với hiện thực, giải quyết những vấn đề hiện thực mà siêu việt hiện thực.

Nếu, bạn hỏi tôi: “Thưa thầy! Thầy nói với con rằng, Phật giáo chỉ dùng một câu danh từ rất đơn giản mà có thể hình dung được nó, là câu gì vậy?”.

Rất đơn giản, có thể dùng câu “Đã hiện thực lại siêu việt, đã siêu việt lại đối diện với hiện thực.” Đó chính là tinh thần của Phật giáo.

Thế nào là “đã hiện thực lại siêu việt”? Chúng ta thường đối diện với bao nhiêu là sự việc phát sinh mỗi ngày trong cuộc sống, nhưng chúng ta thường không có khả năng suy nghĩ và dùng trí tuệ để xem xét, xử lý một sự việc đến nơi đến chốn, nhiều đêm chúng ta mất ngủ, chúng ta mang quá nhiều đau khổ vì sự được mất, bại thành. Lúc muốn hại người, tự mình sanh bệnh trước tiên, người ta chưa ngã, mình đã vào bệnh viện.

Con người thường không có biện pháp phát xuất ra một con đường chân chính. Cho nên, Phật giáo muốn bạn phải đối mặt với hiện thực lại siêu việt hiện thực này; người đã siêu việt hiện thực này lại tất phải đối diện với hiện thực. Vì lẽ đó, đã hiện thực lại siêu việt, đã siêu việt lại hiện thực, đây chính là tinh thần căn bản của Phật giáo.

Trích từ: Đạo Phật Với Con Người


Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị