Home > Khai Thị Phật Học > Dau-Kho-Sinh-Khoi-Va-Tieu-Mat
Đau Khổ Sinh Khởi Và Tiêu Mất
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Thich Quang Định, Việt Dịch


Khi nhắc đến giáo lý của đạo Phật, điều đầu tiên người ta nói tới là “khổ”. Phật dạy: “Tất thảy chúng sinh đều khổ”. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng vì đã cảm ngộ sâu sắc sự đau khổ từ sinh, lão, bệnh, tử của con người mà hi vọng rằng có thể nhờ vào công đức tu tập để được giải thoát. Đức Phật sau khi giác ngộ, trước tiên thuyết giảng về “Tứ diệu đế” chân lý cơ bản của Phật pháp: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Khổ là một trong những điều cơ bản đó, trong cuộc sống thường nhật, chúng ta đều có thể cảm nhận được, phát hiện ra.

Vậy do đâu mà Khổ? Khổ từ đâu mà có? Nguyên nhân Khổ không phải là sự thiếu thốn về vật chất cơm, áo, gạo, tiền. Khổ là mấu chốt của sự mâu thuẫn, giằng co trong nội tâm mà không có cách gì giải thoát được, hay nói khác đi là sự đau khổ nội tâm. Thực tế, sở dĩ chúng ta có thể cảm nhận được hết thảy mọi sự đau khổ là bởi những điều đó chính do chúng ta gây nên và chính chúng ta phải chịu đựng nó. Trong cuộc sống, chính từ sự ngu muội, không thấu hiểu đạo lý nhân quả mà con người có những hành vi sai lệch về tất cả các phương diện: thể xác, ngôn ngữ, tâm lý (thân, khẩu, ý). Những hành vi ấy chính là nguyên nhân gây ra đau khổ.

Sở dĩ nói “Bồ tát sợ nhân, chúng nhân sợ quả” là vì, Bồ tát lấy việc không tạo ra các nguyên nhân gây ra đau khổ làm phương pháp giải thoát cơ bản. Trong khi đó, kẻ phàm phu (chúng sinh) chỉ biết trốn tránh hậu quả của sự đau khổ, khi gặp chuyện đau khổ chỉ mong sớm thoát ra, nhưng trong quá trình trốn chạy bạt mạng ấy, vô hình chung lại đang tạo ra nguyên nhân cho cái khổ khác khởi phát.

Thật ra, hậu quả của nỗi khổ, cũng như là cái bóng của chính mình, như câu “như bóng với hình” mà ta thường nói: có khác gì giữa trời nắng, muốn đẩy cái bóng của mình ra vậy. Cho nên, càng ra sức tháo chạy, chạy đến khi sức cùng lực kiệt mà cái bóng ấy vẫn theo sát bên mình. Trừ khi thân này không còn nữa, cái bóng mới mất đi.

Vì vậy, nếu chúng ta vẫn tiếp tục gây ra nguyên nhân của sự đau khổ thì hậu quả của nó sẽ mãi mãi đeo bám chúng ta. Cũng như sau khi ăn cơm xong, cơm thừa canh cặn còn vương vãi trên mặt bàn, chúng ta phải tự thu dọn sạch sẽ, kể cả khi bỏ tiền ra thuê người khác dọn dẹp thì số tiền đó cũng là do chính mình kiếm ra. Cho nên, tất cả mọi sự đau khổ đều là kết quả của luân hồi nhân quả chúng ta tự làm tự chịu, chạy trốn sự đau khổ chẳng có ích gì! Chỉ có dũng cảm đối diện, đón nhận sự đau khổ mới có thể tiếp tục chịu đựng nó! Song, hiệu quả nhất vẫn là không tiếp tục gây ra nguyên nhân tạo nên sự đau khổ nữa.

Từ đó có thể thấy, muốn thoát khổ được vui cần phải hạn chế nguyên nhân gây khổ, tu tập (thực hành “đạo”) là phương pháp hữu hiệu nhất. Trong quá trình tu tập (thực hành “đạo”), trí tuệ (huệ) của chúng ta ngày càng phát triển, và có thể vận dụng trí tuệ đó để cân bằng nội tâm của mình, nhận thức được những khổ đau mình đang gánh chịu đều do chính bản thân tự gây ra, từ đó có đủ ý chí để đối mặt với nó. Cứ như vậy, dần dần sẽ không đau khổ nữa, cũng không còn (chỉ biết) than thân trách phận, chạy trốn thực tại mà dũng cảm đối diện, đón nhận và biết cách khắc phục nó, không gây phiền não cho mình và người khác, đồng thời hạn chế tối đa nguyên nhân gây nên sự đau khổ, phiền muộn. Hạn chế nguyên nhân khởi phát đau khổ thì tự khắc sẽ giảm nhẹ được hậu quả, đó chính là tu tập vậy.