A. DẪN NHẬP :
Theo quan điểm của Phật giáo thì đời sống của một con người chỉ hoàn toàn chấm dứt khi cơ thể người hấp hối toàn thân lạnh hết. Lúc đó là thời điểm mà thần thức rời khỏi thể xác, giai đoạn này mới được tính là chết. Nếu như khi người bịnh vừa mới chấm dứt hơi thở nhịp tim vừa ngưng đập, nhưng hơi ấm xác thân vẫn còn thì mọi sự cảm thọ của họ vẫn đồng như người đang còn sống, chỉ có điều họ không thể nói năng, …được mà thôi.
Sau khi lìa khỏi xác thân, thần thức đi về đâu? Quá trình thọ dụng trước khi chưa tìm ra chỗ thọ sanh của thần thức ra sao? Quá trình nhập thai và cảnh giới thọ dụng trong thai như thế nào? Đó là những vấn đề chúng ta cần tiếp tục tìm hiểu.
B. CHÁNH ĐỀ
I. TRẠNG THÁI CON NGƯỜI SAU KHI CHẾT
1. Trường hợp nào thọ thân trung ấm?
Thân thể con người vốn do vật chất tạo thành do vậy khi “chết” là sự phân tán của tứ đại, còn phần tinh thần của con người thì không mất mà tuỳ nghiệp thọ báo.Thần thức của con người sau khi lìa khỏi xác thân sẽ rơi vào một trong hai trường hợp sau:
a. Trường hợp không thọ thân trung ấm: Đối với hạng người nào khi sanh tiền hay tạo các nghiệp nhân cực ác ( như ngũ nghịch, thập ác), hoặc hạng người khi sanh tiền đã tu tạo rất nhiều công đức lành ( tu mười điều thiện), hoặc hạng người khi sanh tiền có tâm tín sâu, nguyện thiết, một lòng niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương; hoặc hạng người có công phu thiền định sâu mầu đã đoạn trừ được Kiến tư hoặc, những người này ngay khi vừa chấm dứt hơi thở họ sẽ trực chỉ đoạ vào địa ngục A Tỳ, hoặc sanh lên cung trời, hoặc vãng sanh về Tịnh độ của mười phương chư Phật, hoặc chứng đắc các Thánh vị.
b. Trường hợp thọ thân trung ấm: Đối với hạng người phổ thông bình thường, khi sanh tiền tuy tạo nghiệp nhưng không rơi vào một trong hai nghiệp cực thiện hay cực ác kể trên. Với hạng người trong tâm họ có nghiệp thiện ác lẫn lộn nên không thể xác định họ thuộc nghiệp ác hay nghiệp thiện, để định sẵn cảnh giới tái sanh tương ưng. Trong trường hợp này, thần thức của những chúng sanh đó phải trải qua giai đoạn thọ thân trung ấm.
2. Thân trung ấm là gì?
Mỗi con người chúng ta đều có ba thân, đó là thân tiền ấm, thân trung ấm và thân hậu ấm. Thân tiền ấm là thân hiện đời chúng ta đang có là thân vật chất năm hay bảy chục ký lô này. Thân trung ấm là thân sau khi chết, đang ở trong khoảng thời gian tìm kiếm một thân khác tương ứng để nương gá. Thân hậu ấm là thân đời sau tức là thân đã tái sanh vào một cảnh giới khác.
Đúng theo ý nghĩa của chữ thân là “tích tụ” thì sau khi thân này đã chết và chưa tìm ra chỗ đầu thai trong giai đoạn này không thể gọi là thân được. Vì trong giai đoạn này chỉ có thần thức mà thôi, chưa có tinh huyết của cha mẹ hòa hợp và chưa có những nguyên chất khác để tạo thành. Tuy nhiên trong giai đoạn này có thể tạm gọi là thân, vì nó có đủ sự thấy, nghe, hay, biết…nhưng đó chỉ là cái ảo ảnh do thần thức biến hiện, trong kinh Phật có chỗ gọi là “sắc công năng” là cái thân do nơi chủng tử của thần thức hiện hành.
Thân trung ấm còn gọi là thân trung hữu là thân quả báo ở khoảng giữa đời này và đời sau; ví như sau khi ta rời thân tiền ấm nhưng chưa thác sanh vào thân khác, trong khoảng trung gian đó gọi là Trung, do vì quả báo thân này vốn có chẳng phải không, mà con người phải gánh trả nên gọi là Hữu.
II. CẢNH GIỚI THỌ DỤNG CỦA THÂN TRUNG ẤM
1. Hình dáng màu sắc thọ mạng và thần lực
Trung ấm có hai loại hình sắc xinh đẹp và dung mạo xấu xa. Đại để trung ấm chuẩn bị tái sanh về loại nào thì có hình dáng tương đồng với chúng sanh loài đó. Trung ấm chư thiên đầu hướng lên, trung ấm người, Bàng sanh và Quỷ nằm ngang mà bay đi, trung ấm của chúng sanh ở địa ngục đầu chúc xuống.
Về màu sắc, trung ấm của địa ngục hình rất xấu sắc đen như than. Trung ấm của Bàng sanh sắc nám như khói. Trung ấm của Ngạ quỷ sắc đạm như nước. Trung ấm người và trời Dục giới sắc như vàng ròng. Trung ấm của chư thiên Sắc giới rất đẹp màu tươi trắng sáng tỏ. Về ánh sáng, trung ấm của kẻ tạo nghiệp ác ánh ra sắc đen hay xám như đêm tối, trung ấm của kẻ tạo nghiệp thiện ánh ra sắc trắng như điện trong sáng.
Mắt của thân trung ấm nhìn suốt xa như thiên nhãn không bị chướng ngại, thấy các trung ấm khác và chỗ mình sẽ thọ sanh. Trong giây phút, trung ấm có thể bay vòng quanh giáp núi tu di, lại có thể xuyên qua tường vách núi non không bị chướng ngại. Chỉ trừ bào thai mẹ một khi trung ấm đã vào rồi thì không thể đi ra được và toà Kim cang của Phật, do thần lực của Phật trung ấm không thể vượt qua được.
Thọ mạng tối đa của thân trung ấm là bảy ngày, nếu quá thời hạn mà chưa tìm được chỗ thọ sanh trung ấm sẽ chết đi rồi sống lại, nhưng trong vòng 49 ngày cũng sẽ tìm được chỗ thọ sanh. Trung ấm khi chết, do nghiệp lành hay dữ chuyển biến mà đổi thành thân trung ấm loài khác.
2. Tâm lý thọ báo
Trong thời gian này trung ấm luôn luôn ở trạng thái mờ mịt phiêu phiêu không định. Các ý tưởng buồn vui lẫn lộn làm cho thân trung ấm luôn từ khổ đau sang hạnh phúc thay đổi liên tục. Nói chung thời điểm này tâm thức trung ấm vô cùng thống khổ và bất ổn.
Hoặc do cảm thương thân phận của mình đã chết mà sanh tâm đau buồn thương cảm, hoặc nhân tham luyến vợ con, tài sản mà khó dứt trừ tâm thương yêu trói buộc, hoặc do các tâm nguyện chưa thành đột nhiên cái chết lại đến khiến bứt rứt ngồi đứng không yên, hoặc do oan ức chưa kịp bày tỏ khiến lòng đè nén bực tức mà không chịu nhắm mắt lại…Tất cả những tâm lý đã giày xéo làm cho trung ấm đã thống khổ lại chồng chất thêm thống khổ.
Bấy giờ lại do nghiệp lực quá khứ chiêu cảm, lại có những luồng gió nghiệp cực mạnh thổi nát trung ấm, lại có những ánh sáng chớp loè như giông tố khiến cho trung ấm hoảng hốt sầu lo, lại có những âm thanh vô cùng chát chúa khiến trung ấm đinh tai nhức óc, lại có vô số loài ác quỷ hình thù kỳ dị cầm giáo mác đến đe doạ mạng sống … Tất cả những cảnh tượng rùng rợn ấy đều do nghiệp lực chiêu cảm, khiến cho thân trung ấm sợ muốn ngất hoảng hốt không nơi nương tựa. Bấy giờ trung ấm chỉ mong cầu bà con người sống tạo phước để cứu giúp mà thôi.
Lúc đó lại có những luồng hào quang của chư Phật và ánh sáng của lục phàm phóng đến. Hào quang chư Phật với những đại hào quang rực rỡ và mạnh mẽ như hào quang sắc xanh chói loà, hào quang sắc trắng rong sạch, hào quang sắc vàng trong như bóng ngọc, hào quang sắc đỏ mãnh liệt. Còn ánh sáng lục phàm thì yếu ớt hơn.
Ánh sáng của cõi trời thì hơi trắng, ánh sáng của cõi người thì hơi vàng, ánh sáng của cõi A tu la thì hơi lục, ánh sáng của cõi Địa ngục thì như khói đen, ánh sáng của cõi Ngạ quỷ thì hơi đỏ, ánh sáng của cõi Súc sanh thì hơi xanh. Trong đó thân trung ấm tuỳ nghiệp duyên với cõi nào thì ánh sáng của cõi ấy sẽ rực rỡ hơn. Nhân vì nghiệp duyên bất thiện của kẻ chết, thân trung ấm phần nhiều chỉ thích ánh sáng của lục phàm hơn.
III. TRẠNG THÁI NHẬP THAI VÀ Ở TRONG THAI
1. Trạng thái nhập thai
Theo quan điểm của đạo Phật, sự kết thai của mỗi chúng sanh là do ba điều kiện hỗn hợp là tinh cha, huyết mẹ và thần thức. Tuy nhiên, dù có đủ ba yếu tố nhưng phải đủ các duyên mới hình thành bào thai. Về phần sinh lý, cha mẹ khi giao hợp tinh cha ra mà tinh mẹ không ra, hay ngược lại, hay cả hai đều không ra, lại nếu người mẹ quá mập, hay có các chứng bịnh về phụ khoa, hay uống thuốc ngừa thai. Về phần nghiệp báo, nếu cha mẹ tôn quý mà con ty tiện hay ngược lại cũng không thể thành thai.
Nếu các nghiệp duyên đều thuận, khi cha mẹ giao hợp trung ấm ở xa thấy ánh lửa dục liền bay đến. Lúc đó do túc nghiệp, trung ấm khởi ra vô số vọng tưởng. Như là trung ấm duyên theo tâm dục của cha mẹ phát sanh ý niệm thoả thích lẫn sân hận. Với trung ấm là nam thì đối với người mẹ sanh tâm ái nhiễm, tưởng như đang cùng mẹ giao hợp và sanh tâm ghét bỏ người cha. Với trung ấm là nữ, đối với người cha sanh tâm ái nhiễm tưởng như đang cùng cha giao hợp và sanh tâm ghét bỏ người mẹ. Ngay lúc trung ấm sanh ái tâm sân tâm cũng chính là lúc trung ấm chuẩn bị vào thai mẹ.
Bấy giờ trung ấm bổng có cảm giác nóng hoặc lạnh, hoặc thấy mưa to gió lớn, mây mù nổi lên, hoặc nghe nhiều tiếng huyên náo đáng chán buồn, hay tiếng thanh tao đáng ưa thích, khi các cảnh huyễn này hiện ra trung ấm lại khởi ra mười huyễn tướng khác nhau: Nay ta vào nhà, ta muốn lên lầu, ta lên đền đài cao đẹp, ta lên ngồi trên giường ghế, ta vào am tranh, ta vào chòi lá, ta đi vô rừng, ta vào lùn bụi, ta xuyên qua lỗ tường vách, ta chui vào hàng rào. Khi các tưởng niệm ấy xong trung ấm liền vào bào thai.
2. Trạng thái ở trong thai
a. Sinh lý thọ báo:
Sau khi đầu thai vào loài nào, thai nhi phải trải qua thời gian ở trong thai tương đương với loài ấy rồi mới được sanh ra. Thai tạng khi sanh trưởng đều trải qua tám vị sai biệt:
- Yết la lam vị: Là lúc tinh huyết mới đọng lại còn hơi lỏng như hình mũi tên.
- Yết bộ đàm vị : (còn gọi An phù đà) Lúc thai tạng chưa sanh thịt trong ngoài như sữa đặc.
- Bế thi vị: Là lúc thai nhi mới tượng hình, có dáng hai tay khép lại thịt đã sanh mà còn rất mềm.
- Kiền nam vị: (còn gọi Dà na) Là lúc khối thịt đã hơi cứng có thể xoa rờ được.
- Bát la xa khê vị: (còn gọi Ban la xa khê) Là lúc thai nhục lớn lên hiện ra tướng tay, chân và đầu.
- Phát mao trảo vị: Là lúc tóc, lông, móng tay và chân hiện ra.
- Căn vị: Là lúc phát sanh tay, mắt, mũi, miệng và đường đại tiểu tiện.
- Hình vị: Là lúc các tướng nơi thân hiện ra đầy đủ rõ ràng.
b. Tâm lý thọ báo:
Sơ lược về nỗi khổ đau về tâm lý của thai nhi như thế nào? Tâm thức thai nhi do chịu sự chi phối của phiền não khiến thai nhi luôn sống trong trạng thái lo âu đầy sợ hãi. Từ nơi vọng tưởng điên đảo chi phối, thai nhi khởi ra các tướng huyễn nghiệp và bị sự tác động ngược lại của cảnh tướng huyễn nghiệp ấy, làm cho đau đớn bức bách và khó chịu vô cùng.
Đặc biệt tâm lý thai nhi trong thời gian trụ thai trãi qua các tướng dị biệt, hoặc có khi thai nhi vọng tưởng điên đảo như thấy mình đang ngồi trên xe ngựa, hay đi thuyền ở lầu cao, nằm trên giường, nghe suối chảy…có khi thai nhi sanh niệm buồn chán đến tột độ, đau đớn bức bách…Chung quy, tâm lý thai nhi không ngoài tâm lý điên đảo vì khởi lòng tham cầu nhưng không được đáp ứng, tâm lý sân nộ chán ghét vì sự luôn thọ dụng sự bất tịnh, tâm lý buồn bực vì sự đàm dãi máu mủ hôi nhơ, tâm lý bức bách vì trong bầu thai ngục tối, tâm lý chán nản đeo đẳng vì không lối thoát. Tất cả những cảnh trạng đó đều không ngoài nghiệp nhân bất thiện trong quá khứ mà thai nhi đã tạo tác để biến hiện thành cảnh thọ dụng bất như ý khi thai nhi ở trong bào thai của mẹ.
C. KẾT LUẬN
Do nghiệp nhân đã tạo trong quá khứ mà phần nhiều chúng sanh sau khi chết đều phải trải qua giai đoạn thọ thân trung ấm. Vì vậy, chúng sanh phải chịu vô vàn sự khổ khi ở trong giai đoạn trung ấm, rồi bao cảnh nhọc nhằn khi vào thai, ở trong thai và khi xuất thai. Để rồi dòng chảy cuộc đời cứ cuồn cuộn cuốn tất cả chúng sanh trôi nỗi dập dìu trong sông mê biển ái đáng ngán đáng sợ dường nào.
Tất yếu đã có thân là có khổ, bởi khổ là do chúng ta có ý niệm chấp ngã về thân như Lão tử nói: “Ngô hữu đại hoạn vị ngô hữu thân” (ta có hoạn lớn vì ta có thân). Chúng ta chỉ có con đường “Thoát ly huyễn thân, chứng nhập pháp thân” mới chấm dứt sự khổ. Con đường đó chư Phật đã diễn bày rõ ràng trong kinh điển. Nói tóm lại, chúng ta chỉ cần “ Nói theo những gì Phật đã nói, làm theo những gì Phật đã làm, nghĩ theo những gì Phật đã nghĩ” tức chúng ta sẽ hoàn toàn thoát khổ. Khổ đau hay hạnh phúc, trói buộc hay giải thoát việc đó hoàn toàn do mỗi cá nhân chúng ta tự quyết định./.