Home > Khai Thị Phật Học > Chanh-Tri-Chanh-Kien-Chanh-Tin
Chánh Tri Chánh Kiến Chánh Tín
Pháp Sư Thích Tuệ Luật | Thượng Tọa Thích Nguyên Hùng, Việt Dịch


Nói đơn giản, nhân sinh quan của Phật giáo là cái nhìn của người giác ngộ triệt để, là giác ngộ triệt để chứ không phải mơ hồ.

Mỗi lần thuyết pháp, tôi luôn nhấn mạnh ba điểm mà một người học Phật cần phải đặc biệt chú trọng, đó là Chánh Tri, Chánh Kiến và Chánh Tín. Tôi xin đơn cử một vài trường hợp thế này, có một số người học Phật, lúc đi chùa lễ Phật, mang một ít hoa quả, nhang đèn cúng dường, lạy lạy, rồi cầu nguyện đức Phật phù hộ cho cha mẹ cô ta được khoẻ mạnh, sự nghiệp làm ăn được thuận lợi, yêu cầu đức Phật phù hộ cho con cái cô ta học hành đỗ đạt, lại hy vọng đức Phật gia hộ cho cô ta được mãi mãi trẻ đẹp, thanh xuân, luôn luôn là tuổi mười tám. Cô ta đã biến Phật giáo thành một công ty bảo hiểm!

Có người nhận thức rằng, chỉ cần họ lạy Phật, Phật sẽ bảo hộ cho họ. Sai lầm! Đây là một quan niệm sai lầm rất nghiêm trọng. Chúng ta thử so sánh, tính tình của tôi rất xấu, bây giờ tôi cũng bắt đầu học Phật và lạy Phật, nhưng nếu mỗi cử chỉ hành động của tôi đều sân hận, giận dữ và mắng chửi người ta, bạn thử nói xem, lạy Phật như thế có tiêu trừ được hoạn nạn không? Được không? Bạn đi đến đâu cũng gây điều tội lỗi cho người ta, mở miệng ra là nói lời thô bỉ, tục tằn, thế thì bạn lạy Phật có tiêu trừ được tai nạn không?

Trong kinh Phật luôn dạy rằng: “Phật không thể độ người, chỉ có con người tự độ lấy mình mà thôi”. Đức Phật không có biện pháp gì để cứu bạn cả, chỉ có bạn nương tựa vào chính mình để tự giác ngộ, từ trong tâm bạn quán chiếu để phát sinh trí tuệ mà thôi. Bạn cần phải hiểu rõ cuộc đời, bạn cần thể ngộ cuộc đời, cần thâm nhập để đi đến giác ngộ thì bạn mới giúp được chính mình thoát khỏi những khổ đau, phiền não.

Hôm nay, bạn hiểu và tôn trọng người khác thì không cần lạy Phật tai nạn cũng tự nó tiêu trừ, có đúng vậy không? Tôi tôn trọng anh, tôi khen ngợi anh, tôi không ganh ghét anh, thì suốt 24 bốn giờ một ngày trong tâm tôi đều cảm thấy sống được an lạc, vui tươi, hạnh phúc, bình tĩnh lạ thường. Nếu từ hôm nay trở về sau, bạn không giết hại chúng sanh, không lấy cắp đồ vật của người khác, không uống rượu, gây lộn, không lừa dối, lường gạt người khác, thì bạn không cần phải lạy Phật, hoạn nạn cũng có thể tiêu trừ.

Vì vậy, chúng ta cần phải có chánh tri, chánh kiến, và niềm tin đúng đắn (chánh tín) thì mói xứng đáng gọi là Phật tử. Hôm nay, đem một ít phẩm vật vào chùa cúng Phật là thành tâm thành ý chứ không có tâm mưu cầu việc gì, tâm vô sở cầu mới là sự cung kính cúng dường.

Trích từ: Đạo Phật Với Con Người