Home > Khai Thị Niệm Phật
Sanh Mạng Luân Hồi – Phương Pháp Trị Liệu Vượt Thời Gian
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thượng Tọa Thích Nguyên Hùng, Việt Dịch


Gần đây, sư Ngộ Hoằng ở Mỹ có đọc một báo cáo của Bác sĩ Ngụy Tư, có tựa đề: Sanh mạng luân hồi – phương pháp trị liệu vượt thời gian (bản dịch Trung văn), nội dung bản báo cáo này nói rằng ông ta đã dùng phương pháp thôi miên để trị bệnh cho bệnh nhân và có hiệu quả rất cao. Ông ta phát hiện gần đây có rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm rất nặng mà tất cả thuốc men y học không thể nào điều trị được. Vì vậy ông đã dùng phương pháp thôi miên để tìm ra nguyên nhân của căn bệnh và ông đã phát hiện ra rằng, bệnh trạng của các căn bệnh như lo lắng, sợ hãi, bất an… nó có quan hệ mật thiết với những hành động mà họ đã tạo ra trong quá khứ. Phương pháp thôi miên có thể truy tìm về quá khứ một đời, hai đời, thậm chí nhiều đời về trước, và phát hiện được những nghiệp nhân đã tạo trong quá khứ có quan hệ rất mật thiết với căn bệnh hiện tại. Ông đem những điều đã phát hiện được trình bày rõ ràng cho bệnh nhân nghe. Sau khi bệnh nhân hiểu rõ, họ có thể tự biết phải làm gì. Từ đó về sau, những nỗi ưu tư, phiền muộn, lo âu, sợ hãi, bất an… đều biến mất hết, cho nên không cần thuốc men gì cả mà bệnh của họ vẫn được trị lành. Ông bác sĩ đã dùng phương pháp này trị lành cho nhiều bệnh nhân, do đó, ông đã viết lại công trình này báo cáo lên bộ y tế.

Sư Ngộ Hoằng nói với tôi, những điều trình bày trong bản báo cáo với những lời Phật dạy về Nhân duyên quả báo, thật không sai một chút nào. Vì thế, ông bác sĩ này đã có niềm tin sâu sắc đối với giáo lý nhân quả báo ứng của nhà Phật. Không chỉ tin nhân quả báo ứng, mà còn tin cả sự thật luân hồi. Thực ra, những điều ông phát hiện chỉ là những sự tướng đương nhiên, còn những nguyên lý bên trong nó, ông vẫn chưa phát hiện ra được. Ông ta chỉ biết có nhân quả báo ứng, có luân hồi, nhưng luân hồi là thế nào, đó là vấn đề ông ta chưa hiểu.

Thời xưa, ở Ấn Độ, những nhà tôn giáo lớn họ đều có công phu thiền định rất sâu, cho nên, những gì diễn ra trong lục đạo họ đều có thể lý giải rất rõ ràng, minh bạch. Tuy nhiên, đối với vấn đề luân hồi, họ không thể hiểu được nguyên lý của nó, không biết luân hồi về đâu, sanh ở chốn nào, và không có phương pháp để chấm dứt luân hồi. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện ở trần gian cũng vì một nhân duyên này. Từ đó mới có câu nói "Vì đại sự nhân duyên" mà xuất hiện ở đời. Nói một cách khác, những gì mà người đời có thể giải quyết được thì chư Phật và Bồ Tát không cần xuất hiện làm gì; nhưng nếu chúng sanh không có phương pháp giải quyết thì chư Phật, Bồ Tát không thể không xuất hiện ở đời để giúp đỡ chúng sanh giải quyết vấn đề. Vì vậy, những thắc mắc ấy đã có đáp án xác thực trong kinh luận Phật giáo.

Đức Phật đã chỉ rõ cho chúng ta thấy chân tướng của sáu nẻo luân hồi. Ở thế gian, những người sử dụng phương pháp thôi miên, thấy được quá khứ, đó không phải là những khám phá mới lạ; bằng công phu thiền định, thấy được cảnh giới hiện lượng(1), đó mới là những khám phá kỳ diệu. Nói đến thiền định thì, định lực của người đời không bằng một vị A la hán; định lực của A la hán không bằng Bồ Tát; định lực của Bồ Tát không bằng Phật. Cho nên, đối với tất cả các pháp thế gian cũng như xuất thế gian, đức Phật đều nhìn thấy bằng cảnh giới hiện lượng, tức là cảnh giới hiện tiền, trực giác, chứ không phải nhìn bằng tư duy phân biệt, không phải nhận thức bằng tỷ lượng(2).

Đức Phật dạy cho chúng ta đạo lý nhân duyên quả báo, đĩ là đạo lý hoàn toàn chân thật. Hiểu rõ đạo lý này tâm của chúng ta tự nhiên được bình an, tự tại. Tất cả những ân oán bất luận là trong đối nhân, xử thế, hay trong gia đình, sự nghiệp, bạn bè, hoặc là trong thuận cảnh, nghịch cảnh… đều có quan hệ mật thiết với đời trước. Nếu như ai cũng hiểu được đạo lý này thì tự nhiên thấy nhẹ nhàng, thanh thản hơn. Từ đó, tiến thêm một bước nữa tu học Phật pháp để đạt được tâm thanh tịnh không phải là khó. Nếu như có duyên gặp được pháp môn Tịnh độ, lấy tâm thanh tịnh để niệm Phật, thì nhất định đạt được nhất tâm bất loạn, tự tại vãng sanh, thẳng đến thành Phật. Ở đây, điều then chốt là phải xem người đời có phước phần để gặp được giáo pháp Đại thừa và pháp môn Tịnh độ hay không. Đây cũng chính là điều mà trong kinh Di Đà đã nói: "Không thể dùng một ít thiện căn, một chút phước đức, một chút nhân duyên mà có thể vãng sanh Tịnh độ". Do đó, có niềm tin sâu sắc vào định luật nhân duyên quả báo, có thể nói đó là điều kiện, là cơ sở tốt nhất cho hành trình tu học Phật pháp.