Home > Học Phật Căn Bản > Thien-Thu-14-Xau-Ho
Thiên Thứ 14: Xấu Hổ
Sa Môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch


Gồm có 2 phần: Thuật ý, Dẫn chứng.

Thứ nhất: PHẦN THUẬT Ý

Than ôi! Ba đời luân chuyển, sáu nẻo tuần hoàn. Dẫu có đôi chút anh linh, cũng phải trải qua lắm chổ. Bẫm sinh vốn không nhất định: Có trí, có ngu; tâm tính lại chẳng giống nhau: Làm thiện, làm ác. Làm thiện biết hổ biết thẹn; làm ác nên không biết hổ biết thẹn. Kẻ phàm phu của mang lầm lạc, nếu chưa trừ bỏ, cần phải ngày đêm tinh tiến tu trì, hổ thẹn với cõi u minh, tạ tội cùng chốn dương gian địa phủ. Do xưa nay bất trí, không biết cứu cánh chí chân, khiến phiền não rối bời, kết tập chồng chất, mong mỏi làm một việc thiện để tiêu diệt vạn mối oan khiên, quét vén tối tăm, hoát nhiên thanh tịnh. Vì thế, bậc đại Thánh ân cần đặt ra hai giới đạo tục.

Đứng ở trong đạo, hổ mang danh ưng cúng, phước điền; thẹn chịu tiếng khất sĩ Sa môn, không đủ khả năng cứu độ của hàng Bồ tát, thiếu hẳn đạo hạnh điều nhiếp của bậc Thanh văn. Làm nhục Tăng già, phụ ơn thí chủ. Không xứng đi trên đất Quốc vương, không đền đáp nổi công ơn cha mẹ. Tựa như bình vỡ, giống mầm thui chột như cây đa la chặt ngang, không thể mọc chồi, phiên đá chẻ vụn không thể ráp lại. Quỷ sứ tẩy chay tung tích, gọi là ác Tăng; đức Phật ban lời quở trách, chẳng phải đệ tử. Hết làm phước điền của thế gian, không đáng được tín chủ đảnh lễ. Gần thì cản trở Trời người, xa thì hai đến chánh pháp. Tội lổi đầy dẫy, nói sao cho cùng! Trong đạo còn tệ đến thế, ngoài đời mong cứu được gì?

Phải biết, thân người lỡ mất, muôn kiếp khó tìm. May được trở lại làm người, còn phải ngộ ra bản tính. Nay nên lấy nước hổ thẹn rửa sạch bụi trần; cầm dao bộc bạch cắt đứt lưới che giấu. Ngửa trông thẹn cùng liệt tổ; cúi nhìn, hổ với hậu sinh, thành khẩn ăn năn khắp chốn.

Gặp hết thảy Tăng già đều kính cung như lễ Phật, ép mình xuống thấp như nghĩ đến điều hèn, tất cả lổi lầm, không động một niệm che giấu; tất cả việc thiện, đều tỏ ý muốn tu theo. Trình bày sơ lược như trên, gọi là hổ thẹn.

Thứ hai: PHẦN DẪN CHỨNG

Như kinh Niết bàn nói: “Có hai phép làm cho thanh tịnh, có thể cứu độ chúng sinh: 1. Là hổ, 2. Là thẹn. Hổ là tự mình không làm ác, thẹn là không bắt người khác làm ác. Hổ là tự mình xấu hổ trong lòng; thẹn là bộc lộ ra ngoài với người. Hổ là xấu hổ với người, thẹn là xấu hổ với Trời. Như thế, gọi là hổ thẹn. Nhờ có hổ thẹn mới biết cung kính cha mẹ, sư trưởng, mọi người trong đạo ngoài đời, quỷ thần, cũng như biết kính trọng Tam bảo và diệt trừ mọi nghiệp ác”.

Lại nữa, luận Ca diên nói: “Sao gọi là không biết xấu hổ? Đáp: “Đáng xấu hổ mà không xấu hổ, đáng lánh xa mà không lánh xa, cung kính kẻ xấu, thân cận kẻ xấu. Như thế, gọi là không biết xấu hổ”. Sao gọi là không biết thẹn thùng? Đáp: “Đáng thẹn mà không thẹn, đáng sợ mà không sợ. Không sợ việc ác, nên gọi là không biết thẹn thùng. Lại nữa, thân cận người xấu, gọi là không biết xấu hổ, không sợ việc ác, gọi là không biết thẹn thùng. Trái với như thế, gọi là biết hổ thẹn”.

Lại nữa, luận Tân bà sa nói: “Người đời thấy không biết xấu hổ thì nói là không biết thẹn thùng, thấy không biết thẹn thùng thì lại nói là không biết xấu hổ, đến nỗi cho rằng bản chất hai sự kiện này vốn là một. Nay sẽ chỉ rõ bản chất và biểu hiện của hai sự kiện này đều khác biệt, cốt giúp người hiểu lầm nhận thức rõ ràng.

Hỏi: “Không biết xấu hổ và không biết thẹn thùng có gì khác nhau không?”

Đáp: “Không sợ sệt bậc tự tại là không biết xấu hổ, không sợ sệt tội lổi là không biết thẹn thùng. Lại nữa, không cung kính là không biết xấu hổ, không sợ sệt là không biết thẹn thùng. Lại nữa, không chán chường khinh thường phiền não là không biết xấu hổ, không chán chường khinh thường làm ác là không biết thẹn thùng. Lại nữa, làm ác mà không nhìn lại là không biết xấu hổ, làm ác mà không nhìn lại người khác là không biết thẹn thùng. Lại nữa, làm ác mà không biết mắc cỡ với chính mình là không biết xấu hổ, làm ác mà không biết mắc cỡ với người khác là không biết thẹn thùng. Lại nữa, làm ác mà không biết mắc cỡ nhục nhã là không biết xấu hổ, làm ác mà còn ngạo nghễ là không biết thẹn thùng. Lại nữa, một mình làm ác mà không biết mắc cỡ nhục nhã là không biết xấu hổ, làm ác trước người khác mà không biết mắc cỡ nhục nhã là không biết thẹn thùng. Lại nữa, nếu gây tội lổi trước một số người mà không biết mắc cỡ nhục nhã là không biết xấu hổ; nếu gây tội lổi trước đám đông mà không biết mắc cỡ nhục nhã là không biết thẹn thùng. Lại nữa, nếu gây tội lổi trước chúng sinh ở ba đường ác mà không nhục nhã hổ thẹn là không biết xấu hổ; nếu gây tội lổi trước các chúng sinh ở ba đường thiện mà không nhục nhã xấu hổ là không biết thẹn thùng. Lại nữa, nếu gây tội lổi trước người ngu mà không biết mắc cỡ nhục nhã là không biết xấu hổ; nếu gây tội lổi trước các bậc trí giả mà không biết mắc cỡ nhục nhã là không biết thẹn thùng. Lại nữa, nếu gây tội lổi trước người hèn hạ mà không biết mắc cỡ nhục nhã là không biết xấu hổ; nếu gây tội lổi trước các bậc tôn quý mà không biết mắc cỡ nhục nhã là không biết thẹn thùng. Lại nữa, nếu gây tội lổi trước người tại gia mà không biết mắc cỡ nhục nhã là không biết xấu hổ; nếu gây tội lổi trước người xuất gia mình không biết mắc cỡ nhục nhã là không biết thẹn thùng. Lại nữa, nếu gây tội lổi trước người không trực tiếp giáo hóa mình mà không biết mắc cỡ nhục nhã là không biết xấu hổ; nếu gây tội lổi trước trực tiếp giáo hóa mình mà không biết mắc cỡ nhục nhã là không biết thẹn thùng. Lại nữa, khi gây tội lổi, không biết mắc cỡ với Trời là không biết xấu hổ; khi gây tội lổi, không biết nhục nhã với người là không biết thẹn thùng. Lại nữa, đối với các mầm ác, nếu không biết quở trách tiêu diệt là không biết xấu hổ; đối với các tội ác, nếu không biết chán chường sợ sệt là không biết thẹn thùng. Lại nữa, nếu so đo với kẻ tham là không biết xấu hổ, nếu so đo với kẻ si là không biết thẹn thùng. Đây là những điểm khác biết giữa không biết xấu hổ và không biết thẹn thùng. Chỉ có chúng sinh trong dục giới còn mắc phải hai điều xấu xa bất thiện này. Tâm của mọi chúng sinh trong giới này đều bắt chước làm ác và đều giống nhau, ngoại trừ tự tính. Tất cả những gì trái với trên đây đều gọi là biết hổ thẹn”.

Lại nữa, Luận Du già nói: “Sao gọi là không biết hổ thẹn? Nghĩa là xem lại bản thân và tha nhân, không có điều gì biết mắc cỡ nhục nhã, nên không suy nghĩ bỏ đi, đừng phạm phải. Lỡ phạm phải, không biết theo đúng chánh pháp xa lìa, còn ham hố cãi cọ, bào chữa. Như thế, gọi là không biết xấu hổ, không biết thẹn thùng”.

Lại nữa, kinh Di giáo nói: “Xấu hổ giống như móc thép chế ngự chúng sinh không làm sai chánh pháp, nên Tỳ kheo luôn luôn hổ thẹn không ngừng. Nếu xa lìa hổ thẹn, sẽ mất hết mọi công đức. Người có thẹn thùng thì còn có các điều thiện. Nếu hết thẹn thùng thì chẳng khác gì loài cầm thú”.

Lại nữa, luận Trí độ có kệ nói rằng: “Người xuất gia hổ thẹn, Cầm bát để lợi sinh.

Sao phóng theo trần dục, Đắm đuối trong năm tình? Mặc giáp, cầm khí giới, Gặp địch lại bỏ chạy! Kẻ hèn nhát như thế, Bị mọi người khinh rẻ.

Tỳ kheo là khất sĩ,

Gọt tóc, mặc cà sa,

Cỡi ngựa năm tình chạy, Bị chê cười như vậy! Cũng giống kẻ sang quý

Ăn mặc thật đẹp đẽ, Lại đi làm hành khất, Bị mọi người cười chết!

Tỳ kheo bỏ trang sức,

Gọt tóc để giữ chí, Lại đi tìm dục lạc, Bị chê cười như vậy! Đã từ bỏ ngũ dục,

Vứt đi, không nhìn lại, Tại sao còn muốn kiếm? Giống hệt kẻ ngu kia, Tự ăn lấy ói mửa.

Kẻ tham dục như thế,

Không quán lại thệ nguyện, Cũng không biết tốt xấu, Si mê vào biển ái.

Hổ thẹn và cung kính, Tất cả đều vứt bỏ,

Thánh trí không thân cận, Ngu si lại gần gũi!

Dục lạc khi tìm kiếm

Thường chuốc lắm khổ đau.

Kiếm được, nhiều lo sợ.

Mất đi, lại sầu não.

Tất cả mọi dục vọng Đều không chút an lạc. Dục vọng hại đến thế, Lấy gì để trừ bỏ?

Nhờ có phép Thiền định, Đem lại phước an lạc Và không bị lừa dối. Lỡ đắm trong dục lạc, Lấy gì để tiêu diệt?

Dùng phép quán bất tịnh,

Tự nhiên sẽ dứt sạch!”

Lại nữa, kinh chánh pháp niệm nói: “Nếu phá giới, đa dục và làm các điều xấu, không phải Sa môn lại tự xưng Sa môn, thì cũng giống chó rừng đội lốt Sư tử, báu vật giả mạo, trong ruột trống rỗng”.

LaÏi nữa, luận Trang nghiêm có kệ rằng: “Đã mặc áo hoại sắc, Phải tu theo phép thiện. Áo ấy cần tịch lặng Tư duy, tự điều nhiếp.

Cớ sao mặc áo ấy,

Lại chống mắt giương tròng, Cau mày rồi chúm mép, Bộc lộ nỗi sân giận? Sân giận, kẻ xuất gia Không nên có thói ấy.

Giận hờn giống gông cùm,

Sân si là khủng bố,

Nhà cửa của khinh rẻ,

Mầm mống của thô bỉ,

Là bạn của lời tục,

Lửa rừng thiêu rụi ý,

Là nghiệp đọa đường ác,

Cửa dẫn đến đấu khẩu,

Chổ nghỉ của tiếng xấu, Nhân gây ác thô bạo. Cần phải tự quan sát

Mục tiêu của xuất gia

Là tâm tướng hợp nhau. Cớ sao làm trái ngược? Phép tắc của Tỳ kheo Là khất thực để sống. Cớ sao đã thọ lãnh, Lại sân giận thí chủ?

Thức ăn còn trong bụng,

Cớ sao sinh sân giận, Đến nỗi khiến thí chủ Dứt tay, không bố thí?

Thân này không thanh tịnh

Chín lổ thường bài tiết,

Hôi hám rất đáng ghét, Đều là những chổ khổ. Thân này rất thô bỉ, Ung nhọt đều phát sinh. Nếu cùng nhau đụng chạm, Càng sinh thêm khổ sở.

Thân này như bia tên.

Có bia, tên phải trúng.

Có thân, phải chịu khổ, Không thân, sẽ hết khổ. Muỗi mòng, nhặng, rắn rít Đều cắn chết được người. Thế nên phải tinh tiến Lìa xa khỏi thân này”.

Thế nên, qua những trích dẫn trên đây, dù đạo hay đời, phải thường xuyên chú ý chánh niệm trước mắt, không thể vì hiểu biết đôi chút chánh pháp, rồi đâm ra ngã mạn, không biết hổ thẹn. Như các Sa môn đã chứng quả, dù không còn chịu tổng báo, nhưng vẫn phải chịu biệt báo. Bởi vậy, kinh Hiền ngu nói rằng: “Giống như Ương quật ma la, vì đã giết chín trăm chín mươi chín người, sau này dù gặp được đức Phật, chứng được quả A la hán, ngồi trong phòng, nhưng lửa địa ngục vẫn từ lổ chân lông cháy ra hết sức đau đớn khổ sở. Huống gì kẻ phàm phu ngoại đạo chưa phát tâm tu trì, vừa tạo một nghiệp, chắc chắn sẽ bị đọa vào ba đường ác! Thân người rất khó, lỡ tạo nhân ác, sẽ dễ mất đi, do ác nhiều mà thiện ít, nên trong một ngày, ác niệm nhiều đến trăm ngàn, mà thiện niệm chưa có được một!

LaÏi nữa, kinh Tịnh Độ Tam muội nói: “Tội phúc chồng chất theo số lượng và thứ lớp rất phân minh. Sau này sẽ thọ quả báo rành rẽ không sai. Một niệm thọ một thân. Thiện niệm thọ thân trên Trời hay trong cõi người. Một ngày đêm gieo giống sinh tử, sau này sẽ thọ tám ức năm ngàn vạn thân khác nhau. Trong một trăm năm gieo trồng, khó tính nổi số lượng. Linh hồn theo hạt giống đã gieo, thọ thân khắp tam thiên đại thiên thế giới. Xương cốt, lông da vương vãi khắp đất đai trong đại thiên thế giới ấy, không sót chổ nào”.

Lại nữa, kinh Bồ tát, xử thai có kệ rằng: “Ta từ vô số kiếp Qua lại đường sanh tử. Bỏ thân rồi thọ nhận, Không rời khỏi thai mẹ. Ta kể nơi trải qua,

Một nơi không kể hết,

Chỉ làm loại chó trắng, Xương chất muôn Tu di Lấy kim nhọn xăm đất, Khắp nơi đụng xác ta!

Huống gì chó tạp sắc, Số lượng không tính nổi!

Vì thế ta giữ lòng, Không tham lam, buông thả”.

Lại nữa, kinh Đề vị nói: “Ví như có một người đứng trên núi Tu di thả xuống sợi tơ rất nhỏ, có một người đứng dưới chân núi, cầm kim chực sẳn, trong khi cơn gió toàn lam nổi lên, thổi mạnh dữ dội, sợi tơ sẽ rất khó chui vào lổi kim. Thân này kiếm được, còn khó hơn nữa”.

Lại nữa, trong kinh Bồ tát xử thai, đức Phật có nói kệ rằng: “Rùa mù chui lổ cây, Thỉnh thoảng còn gặp được. Chúng sinh đánh mất thân, Ức kiếp cũng khó kiếm.

Nước biển dẫu sâu rộng,

Ba trăm ba mươi sáu,

Đem kim ném xuống biển,

Mò tìm còn kiếm được

Một lần đánh mất thân,

Kiếm lại càng thấy khó”.

Lại nữa, luận Đại trang nghiêm có kệ nói rằng: “Tránh được nạn cũng khó, Được làm người khó hơn.

Đã tránh thoát được nạn, Phải luôn luôn tinh tiến”.

Ta nghe ngày xưa có chú bé thấy kinh nói con rùa mù chui lọt đầu qua lổ hổng ở thân cây nổi trên mặt biển là chuyện rất khó, bèn đục lổ trên miếng ván vừa lọt đầu, ném xuống ao rồi lặn xuống, cúi đầu trồi lên. Nước động, ván trôi, không thể chui đầu vào lổ. Chú bé đâm ra chán nản bực bội, suy nghĩ rằng: Thân người khó kiếm, đức Phật lấy biển làm thí dụ, lổ hổng trên cây, rùa nhỏ mù mắt trăm năm một lần nổi lên thật khó chui trúng lổ. Nay ao nhỏ, lổ hổng lại lớn, ta có thêm hai mắt, một ngày trồi lên hàng trăm lần, còn không thể chui trúng lổ trên ván, huống chi con rùa mù ấy, làm sao có thể chui trúng? Bèn nói kệ rằng:

“Biển cả thật rộng lớn, Lổ trên cây lại nhỏ. Trăm năm nổi một lần, Chui lọt đầu rất khó! Ao nước nay thật nhỏ, Lổ trên ván lại lớn. Trồi đầu chui lên hoài, Vẫn không lọt vào lổ! Rùa mù gặp cây nổi, Cơ hội thật là khó. Đường ác được làm người, Khó khăn cũng thế đó!

Nay ta được làm người, Cần nhất đừng buông thả. Chư Phật nhiều hà sa, Ta chưa được gặp gỡ.

Nay ta được thọ lãnh Lời chứ Phật mười phương, Thuyết pháp rất vi diệu, Ta cần phải tu trì, Nếu siêng năng tu tập, Sẽ cứu độ rộng rãi.

Chẳng ai tu giúp ta.

Vì thế, phải tinh tiến.

Nếu đọa vào bát nạn, Làm sao thoát ra nỗi?

Nghiệp báo theo bên ta, Xô đẩy xuống đường ác. Nay ta phải tránh né, Khỏi địa ngục tam giới.

Nếu không khỏi ngục ấy, Làm sao giải thoát được? Đường súc sanh là thế, Trải qua rất lâu dài.

Địa ngục và ngạ quỷ. Tối tăm và khổ não.

Nếu ta không tu tập,

Làm sao xa lánh khỏi Các đường ác hiểm độc?

Nay ta được làm người,

Nếu không chịu khó nhọc, Sao lìa ngục tam giới? Cần phải rất cố gắng Mới lìa ngục tam giới. Nay ta cầu xuất gia,

Chắc chắn sẽ giải thoát”.

Lại nữa, kinh Tội nghiệp báo ứng có kệ rằng: “Nước chảy, không đầy mãi Lửa mạnh chẳng bền lâu. Mặt Trời mọc rồi lặn;

Vầng trăng tròn lại vơi

Kẻ giàu sang phú quý

Còn vô thường hơn nữa!”

Cho hay, thân người khó gặp, dễ mất. Vì dễ mất nên đừng khư khư chấp trước thân sẽ sống lâu dài. Phải nhớ rằng thân người cận kề cái chết trong từng niệm một, giống như heo dê bị dẫn đến lò sát sinh. Vì thế, kinh Niết bàn có nói: “Quán tưởng thọ mạng này, luôn luôn bị vô lượng oán thù quấn chặt, thọ mạng chỉ giảm bớt chứ không Tăng thêm trong từng niệm một, khác gì dòng nước mạnh không thể dừng lại, giọt sương mai không đọng được lâu, kẻ tội nhân bị dẫn ra chợ để hành hình.

Mỗi bước mỗi cận kề cái chết”. Lại nữa, kinh Ma da có kệ rằng: “Giống hệt kẻ đồ tể

Xua bò tới lò mổ,

Mỗi bước gần đất chết,

Mạng sống nhanh hơn nữa!”

Bậc đại Thánh khi nhập Niết bàn, thể tính chưa viên dung hẳn. Dù đã phân chứng được quả vô sinh, vẫn còn bị ba tướng chi phối, huống hồ kẻ phàm phu cách xa tịnh cảnh, thiện ác lẫn lộn, đen trắng chưa phân, sao thoát khỏi tội lổi nhiễm yêu, oan khiên vướng tục? Nghe nói xuất gia tốt đẹp, chớ bảo không có điều ác; tại gia lầm lạc, chớ bảo không có điều tốt. Tại gia nếu cố tu trì phạm hạnh thì cũng tốt đẹp như xuất gia. Nếu xuất gia nhưng tâm trí sai trái tín thành, cũng chỉ được bề ngoài cạo tóc mà thôi! Kẻ tại gia công tư bận rộn, thân thích vấn vương, cốt cầu lợi lộc, nhưng cũng không nên keo kiệt. Bậc Sa môn thanh tịnh, trơ trọi một thân, chỉ cần vài bộ pháp phục, mấy món đồ dùng. Nhu cầu nhiều nhất, cũng chỉ trăm phần chọn một, tích lũy làm gì! Điều này, Phật pháp có giải thích rõ ràng, răn dạy đầy đủ trong không luật. Nếu tiếc rẻ bủn xỉn lời pháp, của tiền không chịu đem ra bố thí cho kẻ ngu si nghèo khó, sẽ không thành tựu tuệ nghiệp và thối thất phẩm vị Thánh thai. Thậm chí, phạm một tội nhỏ, phải biết lo sợ rất nhiều. Thường khiêm cung với mọi người lớn nhỏ, không được ngã mạn tự đại, khinh rẻ tiền nhân. Nếu phạm tội lớn như sắm sửa nhà cửa ruộng vườn, gom góp tiền tài của cải, kinh doanh theo kiểu thế gian, thật là tội lớn tày đình, còn gì nói nữa! Nay tạm bàn luận loại Tăng hạng trung bình trở xuống, vốn học thức nông cạn, lại tự cho tài trí hơn người, nổi lên ngã mạn phóng túng ra mặt, khinh khi lấn lướt mọi người. Vênh váo coi Trời bằng vung, ngông nghênh trước mặt tôn trưởng, nạt nộ bên vai vương công. Đạo cốt nhu hòa, nếu tâm tướng đã sai trái đến thế, liệu còn xứng đáng làm Tăng? Hoặc có kẻ chuyên tâm vào ngoại điển, say mê đàn hát đánh cờ, đọc tụng thi thơ, tiêu khiển ngày tháng. Nội điển là liều thuốc Thánh cứu độ chúng sinh. Diệu chỉ cao thâm, văn từ tuyệt tác. Một câu hiểu rõ, ý nghĩa vô cùng. Kinh luận dịch ra mới cũ, số lượng lên đến mấy nghìn, chưa từng để mắt xem qua. Ngoại điển chưa cần, lại miệt mài nghiền ngẫm. Nếu sợ người đời chê cười ta không rành sách vở thế gian, sẽ chưa đáng sợ bằng kẻ thế gian đến hỏi nghĩa lý kinh điển mà ta không trả lời được. Xấu hổ vì ở trong đạo mà không rành sách vở ngoài đời, thật ra, chưa đáng xấu hổ.Ở trong đạo mà không rành giáo lý trong đạo mới đáng xấu hổ thậm tệ!

Bởi lẽ sắp đến thời kỳ mạt pháp, mạng sống càng ngắn ngủi hơn,

vô thường chờ chực cận kề, chưa biết sớm tối. Chỉ lo một nổi đọa xuống địa ngục, muôn kiếp khó ra. Cơ duyên gặp gỡ Phật pháp thật là vô vọng. Tuy Phật chuyên tâm học hỏi kinh luận, cũng được phép đọc thêm một phần ngoại điển, để hàng ngoại đạo khi cần. Đây là điều dành riêng cho các bậc thượng phẩm thượng trí. Rành rẽ nội điển, hiểu thông ngoại điển để biện luận sắc sảo, dẫn chứng trúng với kinh điển. Nội ngoại đều nghiên cứu sâu xa, xứng đáng là bậc tôn túc. Cần phải lượng lấy sức mình, mỗi khi gặp chuyện, đối phó bối rối vụng về, tâm thức tối tăm ngu muội như ngây, không cứu nổi mình, liệu đủ sức hoằng pháp lợi vật? Mùi vị màu mè chưa tỏ, làm sao phân biệt đậu, mè? Nguyện sao tất cả đều quay lại chính mình, mau mau thức tỉnh để tinh tiến học hỏi. Vì thế, kinh Niết bàn có nói: “Đức Phật bảo các Tỳ kheo rằng: “Người xuất gia nên tu tập tuệ học, nghiên cứu nội điển, không được đọc ngoại điển, thiên văn. Thường ở các tịnh thất vắng lặng trong núi sâu, bên đầm lớn để tu tập Thiền định, hành lễ tụng kinh, hiển chân phá vọng. Đó là tôn chỉ phải tuân theo”.

Lại nữa, trong kinh Thúc ca nói: “Con của vị Bà la môn Thúc ca bạch đức Phật rằng: “Nếu kẻ tại gia biết tu tập phước đức, thiện căn có thể hơn kẻ xuất gia. Điều này có thật chăng?” Đức Phật đáp: “Ta nghĩ vấn đề không hẳn như thế, nhưng nếu kẻ xuất gia không chịu tu tập thiện căn thì sẽ không bằng người tại gia. Nếu kẻ tại gia biết tu tập thì sẽ hơn kẻ xuất gia.

Lại nữa, kinh Đại Tăng uy nghi (Tam thiên uy nghi) nói: “Bổn phận của kẻ xuất gia là: 1. Tọa thiền, 2. Tụng kinh, 3. Lo các pháp vụ khuyến hóa, Nếu làm đầy đủ ba bổn phận này đúng là người xuất gia. Nếu không làm đầy đủ thì chỉ là kẻ sống suông chết suông, gây nhân thọ tội mà thôi”.

Lại nữa, kinh Bách dụ nói: “Ngày xưa có người dùng lửa và nước lạnh, giữ lửa bằng cách đổ nước lạnh vào bình tắm rồi đặt lên lửa. Sau đó, muốn lấy lửa thì tắt, muốn lấy nước lạnh thì nước lạnh lại nóng lên, mất luôn cả lửa lẫn nước lạnh. Người thế gian một khi xuất gia cầu đạo, tu theo Phật pháp, nếu còn quyến luyến vợ con và thú ngũ dục, sẽ đánh mất lửa công đức và nước trì giới của chính mình. Kẻ lưu luyến dục vọng cũng sẽ như thế”.

Lại nữa, trong kinh Niết bàn, đức Phật nói: “Sau khi ta nhập Niết bàn, các đệ tử của hàng Thanh văn ngu si sẽ phá giới ham thích cạnh tranh, bỏ kinh điển để đọc tụng sách vở văn chương ngoại đạo, cất giữ các vật bất tịnh, lại nói ta cho phép làm như thế. Ấy là những kẻ đem trầm hương đổi lấy ngói gỗ, đem vàng ròng đổi lấy đồng thô, đem bạc trắng đổi lấy chì thiếc, đem lụa bạch đổi lấy vải mỏng, đem cam lồ đổi lấy độc dược”.

Lại nữa, kinh Di giáo nói: “Ban ngày tinh tiến tu tập các pháp thiện, đừng uổng phí thì giờ. Đầu hôm và canh khuya cũng đừng xao lãng. Nữa đêm thì tụng niệm cho qua, đừng ngủ say sưa đến hết đời này mà chẳng thành tựu được gì. Nếu theo đó thực hành, có thể chứng được quả vị tứ phẩm Sa môn, thậm chí quả vị A nậu Bồ đề. Người thực hành như thế mới gọi là mẫu mực của chốn tùng lâm, phước điền chân chính tốt lành và được phép thọ lãnh cúng dường của tín chủ”.

Lại nữa, luận Bà sa nói: “Nếu tìm tòi sách vở ngoại đạo, tuệ nhãn sẽ không được phát huy, giống như người xem mặt Trời, mắt sẽ không nhìn thấy rõ. Nếu tìm tòi kinh điển Phật pháp, tuệ nhãn sẽ bừng sáng láng, giống như người xem mặt trăng, mắt sẽ nhìn thấy rất rõ. Nếu tìm tòi thế tục, giống như đánh đập lũ khỉ, chỉ bị văng bắn chất dơ. Nếu tìm tòi Phật pháp, giống như luyện kim, càng luyện càng ròng”.

Lại nữa, kinh Bồ tát thiện giới nói: “Bồ tát không đọc tụng kinh Phật, chỉ đọc tụng sách vở thế gian, sẽ mắc phải tội lổi. Vì muốn bàn luận nghĩa lý để trả phá tà kiến thế gian, nếu đọc hai phần nội điển, một phần ngoại điển, sẽ không mắc tội. Tại sao? Vì đã nhận thức rõ ngoại điển là sai lầm, Phật pháp là chân thật. Vì cần hiểu biết về thế gian để không bị người thế gian khinh thường nên phải dẫn chứng bằng sách vở thế gian. Trái lại, nếu người tu học Phật pháp chỉ chuyên tâm học hỏi ngoại điển, bỏ phế nội điển, thì sẽ mắc tội. Dẫu muốn có kiến thức về thế gian, cũng chỉ nên tạm thời học hỏi để hàng phục ngoại đạo, nhưng phải biết chán nản xa lìa để tinh tiến tu học nội điển, cố sao ngày mỗi phấn phát hơn. Nếu lệch lạc đam mê ngoại điển, sẽ làm băng hoại chánh pháp.” Vì thế, luận Địa trì nói: “Nếu Bồ tát lìa bỏ, không chịu học hỏi lời đức Phật dạy, để tập tành theo tà thuyết ngoại đạo và kinh sách thế gian, sẽ phạm vào tội nhiễm uế mà nhiều người hay phạm. Nếu kẻ thông minh thượng trí tháng ngày mau mắn học tập hai phần nội điển, một phần ngoại điển, nhưng không bị động tâm, sẽ không mắc tội. Nếu đam mê không rời, không sinh tâm chán nản tà thuyết ngoại đạo và kinh điển thế gian, sẽ phạm vào tội nhiễm ô mà nhiều người hay phạm”.

Tụng rằng:

Đông đến, chồn thay lốt; Xuân về, tằm nhả tơ.

Hình hài chịu gò bó; Tâm thức tự dối lừa.

Trẻ nhỏ vỗ bụng hát.

Vui đùa suốt tuổi thơ. Giong xe tìm hiệp sĩ; Rót rượu giỡn ca nhi. Chỉ nghĩ vui trước mắt, Đâu hay khổ vạn đời? Giật mình, chợt tủi thẹn, Ái ân, xin giã từ!

Nguyện biết rõ hư thật, Phân biệt đường sạch dơ. Xấu hổ vì ngũ cái Che lấp hết tứ y.