Home > Khai Thị Phật Học > Thuong-Ðuc-Bat-Ðuc-Ha-Ðuc-Chap-Ðuc
Thượng Ðức Bất Ðức, Hạ Ðức Chấp Ðức
Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa | Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch


Cổ đức nói: "Thượng đức bất đức, hạ đức chấp đức, chấp trước chi đức, bất minh đạo đức." Nay xin giải nghĩa như sau:

Thượng đức bất đức: Thực hành đạo Bồ tát, nhưng không chấp vào hình tích gì, làm việc thiện nhưng không ghi lại hình tích của hành động thiện. "Vi thiện tu đức, " là chuyện tự nhiên, là bổn phận của mình, do đó không có gì làm cho mình thêm kiêu ngạo, thêm tự mãn. Không nên nói rằng: "Tôi làm điều phước đức, tôi làm điều thiện, tôi làm những việc hay, " và ngay những ý nghĩ như vậy cũng không nên có nữa.

Người ta nói: "Thiện, mà muốn cho người ta thấy thì chẳng phải là chân thiện; ác mà muốn cho người ta không biết, là điều đại ác." Kẻ chân chánh thực hành Bồ tát đạo thì làm việc gì cũng như không làm, hết thẩy mọi thứ đều không chấp trước. Bất cứ làm công đức gì, không có tâm chấp, không thừa nhận một công đức nào và đối với mọi người không hề có tâm kiêu ngạo hay tự mãn. Ðó là nghĩa của "thượng đức bất đức."

Người có trí huệ chân chánh, không nhận mình là người có trí huệ. Người có đạo đức chân chánh không thừa nhận mình có đạo đức. Người có học vấn chân chánh, không có tâm kiêu ngạo, không coi thường kẻ khác. Người tu trì một cách chân chánh, không sanh tâm tự mãn, tự mình tuyên truyền cho mình.

Hạ đức chấp đức: Một số phàm phu tục tử, làm được chút ích công đức đã cho là nhiều, đi đâu cũng quảng cáo việc mình làm, nào tôi làm điều thiện này, tôi làm công đức kia, đi đâu cũng nêu ra để lừa dối người, hy vọng người khác sẽ quý trọng mình.

Kẻ thượng đức, tuy làm công đức nhưng không chấp trước công đức. Kẻ hạ đức, tuy làm chút ít công đức lại chấp vào công đức, tới đâu cũng thừa dịp để tuyên truyền, nào tôi tạo nên cái chùa này, nào xây cái tháp kia, in kinh này, thuyết pháp như thế kia, tóm lại, nói hoài không hết công đức. Ðó là tác phong của kẻ hạ đức chấp đức.

Chấp trước chi đức: Nghĩa là chấp trước những việc, đại khái như: tôi bắc cái cầu trên sông này, tôi lát con đường kia v.v.

Bất minh đạo đức: Như trên là không có công đức. Người nào có những ý nghĩ như vậy tức là không thấu hiểu nghĩa thật của đạo đức.

Tự mình tuyên truyền cho mình, tự mình mừng cho mình, đây chính là vọng tâm tác quái. Có câu nói: "Chúng sanh không có chân tâm, vì có vọng tâm, " vọng tâm chính là vọng tưởng. Một niệm động, thí dụ như niệm về sát sanh nổi lên, hay có một ý nghĩ về trộm cướp chẳng hạn, tức là vọng tưởng. Ðộng một niệm về dâm, về nói dối, về uống rượu, đều là vọng tưởng cả. Nói chung động niệm nổi lên là vọng tưởng. Vọng tưởng là chướng ngại đối với kẻ tu hành. Làm sao để vọng tưởng không nổi lên? Phải tham thiền, tụng kinh trì chú, tinh thần tập trung, trong tâm không có hai niệm, đó chính là cách canh giữ vọng niệm.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Thượng Ðức Bất Ðức, Hạ Ðức Chấp Ðức