Ðời Ðường, tại tỉnh Sơn Tây, xứ Bắc Kỳ, có một người con gái tên là Như Ý, lúc lên mười tuổi thì cha mẹ đã qua đời, nhờ có phú hộ họ Lương thấy nàng còn nhỏ mà đẹp đẽ, nên đem về nhà nuôi.
Bước qua mười lăm tuổi, thấy nàng đã biết lễ phép, nên vợ chồng Lương công lần lần dạy nàng các việc nữ công trong gia đình và mỗi ngày giao cho nàng đi chợ mua đồ ăn.
Nhưng nàng có tánh lạ đời: Một là háo thắng, muốn mình hơn cả mọi người và hai là cương quyết, một lòng một dạ chẳng chịu đổi thay.
Gần chợ ấy, có một cảnh chùa thờ Phật Quan Âm rất linh hiển, tuy không có thầy trú trì, nhưng thập phương thiện nam tín nữ đến dâng hương cầu nguyện rất đông. Hằng ngày khói hương nghi ngút, đèn đuốc sáng ngời, cho đến việc vái nắng cầu mưa cũng rất linh nghiệm.
Thường nhật, nàng Như Ý đi chợ mua đồ ăn cho chủ xong, cũng nhín ít tiền để mua một thẻ nhang, và lúc về thì ghé vào chùa để dâng hương, lạy Phật và van vái với Phật Quan Âm rằng: “Thân con nghèo hèn, côi cút, lâu nay đem thân mình làm thân trâu ngựa cho người sai khiến, để sống qua ngày. Nay con đã lớn khôn, ước mong được gặp một người chồng quyền cao chức trọng như kẻ đế vương, mới chịu gá duyên cầm sắc. Mãn sợ ông tơ không biết ý, cầm chỉ xe quàng; bà nguyệt chẳng dò lòng, đem dây bược bướng; nên con tìm đến đây lạy cầu Phật giúp vận xây thời, nếu thân con còn hạnh phúc về sau, hưởng đặng thú chồng con viên miễn, thì nhờ ơn trên chọn Hoàng gia định trước, cho làm người quốc hậu trang nghiêm; bằng hạnh không đáng kẻ mẫu nghi, thà con cam chịu mãn đời cô quả, một lòng thành kính, khóc lạy dưới thềm.
“ Nam mô Ðại Từ Ðại bi, cứu khổ cứu nạn, linh cảm Quan Thế Âm Bồ Tát ”.
Mỗi ngày nàng Như Ý đi chợ, thì làm sao cũng mua cho được hương hoa rồi về ghé chùa Quán Âm lễ Phật và cứ van vái có một lời như trên đó thôi.
Thật lòng thành, đá cũng phải rung
Huống chi linh địa đổi cùng phước nhơn
Tại xứ ấy, có tên Dương Văn Hoài mới mười tám tuổi, nhà nghèo mà lại mồ côi cha, chỉ còn một mẹ già được bảy mươi tư tuổi.
Chàng ở với mẹ thật chí hiếu, sanh nhai có một nghề làm nhang để bán mà độ nhựt.
Thường ngày, chàng gánh nhang đến chợ, bán mãn buổi rồi, mua gạo trắng cá ngon, đem về lo nấu cho mẹ ăn; còn mình thì dùng mắm rau sơ sịa cho qua ngày tháng mà thôi.
Nguyên mỗi ngày bán tại chợ, Dương Văn Hoài thường thấy nàng Như Ý đến mua nhang của chàng, thì rất lấy làm lạ mà tự nghĩ rằng: “Nàng này mỗi bữa mua nhang mà mua có một thẻ, chớ không mua nhiều, thì chắc thường cầu nguyện việc riêng chi đây! Vả lại ta xem ý nàng, thấy bề “công dung ngôn hạnh” trội hơn người khác, thật đáng cho ta sánh đôi, nhưng phải rình xem mục đích nàng cầu khẩn việc gì, mới liệu định được”.
Hôm sau, khi thấy nàng Như Ý đi chợ và mua nhang vừa xong thì Dương Văn Hoài mượn người ngồi bán thế cho mình, chàng nom đi theo phía sau, thấy nàng vào chùa Quán Âm, lấy thẻ nhang ra đốt vái và lạy, mà không hiểu vái về việc gì!
Ba bốn ngày sau, Dương Văn Hoài cũng mượn người bán nhang giùm, chàng theo rình nàng Như Ý nữa cũng thấy nàng vào chùa ấy khấn vái như vậy.
Một bữa nọ, muốn biết nàng cầu khẩn việc gì, chàng bèn đến chùa Quan Âm trước, ngồi núp sau bàn Phật mà chờ nàng Như Ý, đặng lóng tai nghe cho biết.
Một lát sau, thì nàng đi chợ về ghé chùa ấy, lấy nhang ra đốt và cũng vái lạy y như cũ, rồi trở ra về.
Còn Dương Văn Hoài núp sau bàn Phật nghe tỏ rõ mấy lời khẩn cầu của nàng, rồi cũng trở lại chợ bán nhang cho mãn buổi. Khi về đến nhà, thì chàng cũng lo cơm nước cho mẹ xong rồi ngồi một mình suy tính phương kế để cho nàng Như Ý cảm phục.
Qua ngày sau, chàng cũng đến chùa Quán Âm trước, ẩn núp mà chờ nàng Như Ý.
Khi nàng đến đốt hương cúng vái vừa xong, thì chàng đứng sau bàn Phật, lên tiếng nói rằng: “Này nàng kia! Ta thấy nàng có lòng thành bền bỉ, mỗi ngày đến cầu vái khẩn xin, nên ta thương tình mà cho nàng biết rằng, người mà ngày sau sẽ làm vua chúa, sáng mai đây lối tám giờ sáng, sẽ đi tới ngã ba đường, gần đám rừng phía Tây. Người ấy có gánh hai cái thùng bằng cây, mặc áo cụt đen, quần vải trắng, trai tráng mạnh khoẻ, mới được mười tám tuổi. Tuy ngày nay lam lũ, vì thời vận chưa thông, chớ sau khi cá nước gặp duyên rồng mây vừa hội, thì người ấy sẽ là một vị đế vương”.
Nàng Như Ý lắng nghe đầy đủ, bèn cúi lạy mà tỏ lòng vâng lời Phật dạy, rồi quay lưng trở về. Còn Dương Văn Hoài thấy vậy cười thầm, chắc mình đắc kế, nên rất thích chí.
Ngày sau, nàng Như Ý đi chợ về sớm, bèn thưa với chủ nhà xin phép cho nghỉ một buổi, để đi thăm chị em bạn.
Khi được phép rồi nàng thay đổi y phục, đi tới ngã ba đường gần đám rừng kia, quả nhiên thấy một người gánh hai cái thùng vuông bằng cây từ phía Tây đi tới. Xét xem gánh, người và áo quần, đều y như lời mách bảo tại chùa Quán Âm; nhưng tưởng ai đâu lạ, té ra anh bán nhang. Khi ấy hai đàng gặp nhau, vui mừng chào hỏi.
Dương Văn Hoài mở đầu:
Nay sao cô không đi chợ, lại đến đây sớm, chắc có việc gì?
Thiếp vâng lời Phật dạy đến đây chờ anh!
Chàng nghe nói mấy lời biết trúng kế rồi, bèn chúm chím cười mà hỏi rằng:
Vậy cô có chuyện gì cần tôi, xin cho tôi biết?
Nàng liền mắc cỡ, cúi mặt làm thinh, không thốt được một tiếng.
Chàng tiếp:
Tôi cũng có chuyện lạ lắm, cô ơi! Hồi hôm tôi nằm chiêm bao thấy Phật Quan Âm mách bảo cho tôi như vầy: “Sáng mai con đi tới đám rừng phía Tây, sẽ gặp một người con gái, nàng là lương duyên túc đế của con; con nên cùng nàng kết nghĩa Tần Tấn cho trọn niềm thuỷ chung. Nàng là Nữ tinh giáng thế, ngày sau sẽ làm Chánh hậu; còn con là Tử Vi lâm phàm, rồi đây sẽ mở mang nghiệp đế. Khi tỉnh giấc thì tôi nửa tin nửa nghi, chẳng ngờ lại là sự thật, nay quả gặp cô tại đây!
Nàng nghe chàng trình bày như thế, thì bỡ ngỡ Đáp:
Phật Quán Âm cũng dạy bảo thiếp như thế, nay đôi ta gặp nhau đây, anh tính liệu làm sao?
Chàng Đáp:
Hai ta cùng thấy y như nhau, ấy là quả có duyên lành, vậy nàng về nhà ở với mẹ tôi vài hôm, rồi tôi sẽ chọn ngày tốt, sắm đủ lễ vật để bái cáo Phật, trời, ông Tơ, bà Nguyệt, và ông bà hai phía, đặng cùng nhau động phòng hoa chúc.
Nàng nghe chàng nói chẳng biết tính liệu làm sao, cứ làm thinh đứng đó một hồi, nghĩ rằng đi chung với chàng thì sợ thiên hạ thấy.
Chàng biết ý, bèn tiếp:
Không hề chi! Cái thùng này rộng lớn, để tôi dồn nhang qua bên thùng kia và dằn thêm đá cho nặng. Còn nàng thì vào ngồi trong thùng này và đậy nắp lại, rồi tôi gánh đi, không ai ngó thấy!
Dương Văn Hoài nói như vậy rồi làm y theo.
Ðương khi một đầu gánh thùng nhang, một đầu gánh nàng Như Ý chạy lóc thóc trong rừng mà về nhà, thình lình chàng thấy cờ xí đỏ lòm, tiếng hét rền trời, trống kèn dậy đất, tai nghe mắt thấy, hồn vía lên mây. Chàng quáng chẳng biết làm sao, bèn bỏ gánh giữa rừng mà chạy trốn mất.
Nguyên vua nhà Trần có một vị Ðông cung Thái tử được mười tám tuổi, kén vợ đã nhiều nơi mà Thái tử không ưng đâu hết.
Một ngày kia, Thái tử buồn ý, tâu với cha mẹ xin phép đi săn bắn để giải khuây.
Hoàng hậu nghe con xin như vậy, bèn tâu với vua:
Ðông cung chưa từng ra khỏi kinh thành mà nay lại đòi vào rừng săn bắn, vậy bệ hạ nên truyền cho quan Khâm Thiên Giám chiếu một quẻ Dịch coi thế nào, như được quẻ tốt, thì sẽ cho đi; bằng nhằm quẻ xấu, thì cầm luôn trong cung hay hơn.
Vua nghe Hoàng Hậu tâu có lý, liền truyền chiếm quẻ Dịch tức thời. Khâm Thiên Giám vâng mạng, đặt bàn hương án xủ quẻ vừa xong, bèn nói rằng:
Muôn tâu bệ hạ! Ðông cung đi săn sẽ bắt được ác thú và đổi đặng lương nhơn; thật là Phật trời sắp xếp, định trước lứa đôi xứng đáng. Quẻ này tốt đúng bực nhứt.
Khâm Thiên Giám lại tâu tiếp:
Quẻ này có thần ứng, nếu có sai lầm thì ngu thần xin dâng thủ cấp trước bệ hạ.
Lúc này vua hết nghi, bèn hạ chiếu cho quan Ðiện tiền Ðại tướng dẫn quân lính theo bảo hộ Thái tử đi săn.
Sáng bữa sau, tôi chúa kéo thẳng đến Tây Sơn lưới giăng ba mặt, mới đuổi sơ qua có một lần, thì lưới đã sập, hùm kia vào rọ, quân hầu đều nổi trống hiệu, chúa tôi tựu lại lấy dây xích trói chặt khóa kỹ, rồi khi mở lưới khiêng ra, ai nấy xem tường là một con cọp mun, có một hàng chữa trắng trên lưng “Hượt tróc mãnh hổ, địch đắc lương nhơn” (bắt sống cọp này, đổi đặng vợ hiền).
Thái tử thấy việc đó rất kỳ lạ, liền truyền quân nhổ lưới và khiêng cọp về triều cho kịp giờ.
Quân đương rầm rộ kéo đến khúc rừng kia, bỗng đâu thấy gánh thùng để giữa đường mà không thấy người.
Thái tử bèn truyền lệnh mở ra xem, thì thấy một thùng đựng đầy những nhang và đá; còn thùng kia thì có một người con gái ngồi ở trong. Ngài lấy làm lạ bèn bảo nàng ra cho Ngài hỏi thăm.
Nàng Như Ý ra khỏi thùng rồi đến gần quì lạy. Thái tử thấy nàng mặt hoa mày liễu, da tuyết môi son, cốt cách phương phi, hình dung yểu điệu thì đã đem dạ thương liền. Thái tử bèn Hỏi:
Nàng là người ở đâu, tên họ gì, bao nhiêu tuổi, cha mẹ làm nghề gì, có chồng con hay chưa, nói rõ cho ta biết?
Nàng Như Ý đem tên tuổi, xứ sở của mình và việc mồ côi ở mướn, đi chợ mua nhang, cúng vái tại chùa Quán Âm, lời Phật dạy bảo thế nào, và cớ sao lại ngồi trong thùng, từ đầu chí cuối, nàng thuật lại không sót một mảy.
Thái tử chưa kịp nói gì, liền thấy quan Ðại tướng quỳ xuống tâu rằng: Muôn tâu Ðiện hạ! Nàng nói những lời của Phật bảo trong chùa Quán Âm đó, thì chắc là thằng bán nhang lập kế mạo xưng. Tội ấy chẳng nói làm chi; chí như nó nói ngày sau nó sẽ làm vua, thì lời ấy là tội tiếm nghịch. Ngu thần tưởng nó còn trốn nội trong đám rừng này, cúi xin điện hạ truyền quân lục bắt nó mà trị tội.
Thái tử cười và nói rằng:
Khanh hãy đứng dậy, đặng ta nói cho mà nghe! Ðã biết lời ấy là của thằng bán nhang giả Phật mà thốt ra; nhưng khi nó đã rình nghe lời vái của nàng, mà nếu không nói rằng nó sẽ làm vua, thì làm sao nó phục được lòng của nàng, nên nó phải quyền biến như vậy.
Và lại những điều khẩu khuyết vô bằng chẳng nên câu chấp làm gì!. Huống chi nó không làm cách đó, thì ngày nay ta đâu gặp đặng nàng; nên xét cho kỹ, nó tuy có tội mà cũng có công; nội công này cũng đủ trừ tội kia rồi.
Còn có một sự này rất lạ! Ta đã săn bắn được một con cọp mà trên lưng nó lại đề mấy chữ bảo ta đem nó đổi với một người vợ hiền lương. Nhưng người ấy đâu không thấy mà nay thấy nàng này, thì ta tính đổi con cọp đó, rồi đem nàng này về triều tâu với Phụ vương và Quốc mẫu, xin cho ta kết duyên Tần Tấn, vậy các khanh liệu sao?
Các quan đều tâu rằng:
Ðiện hạ thiệt là lòng trời lượng biển, xét đoán công minh, triều thần hết dạ kính phục, vậy xin Ðiện hạ cứ y kế mà làm!
Sau đó, Thái tử truyền quân đem cọp bỏ vào thùng đậy nắp lại y như cũ; lại biểu đốn cây làm kiệu, đặng khiêng nàng Như Ý về trào.
Khi đến kinh thành, Thái tử truyền đem nàng vào Dịch đình an nghỉ và cấp hai người cung nữ theo nàng hầu hạ, đợi ngày vào triều phục chỉ.
Vua nhà Trần nghe con tâu chuyện nàng Như Ý mồ côi và ở mướn, thì không bằng lòng, nên xuống lời chỉ ý, dạy sáng mai dẫn nàng vào yết kiến, rồi sẽ định liệu.
Hôm sau, vua ngự trên ngai, hai bên văn võ triều bái tung hô vừa xong, kế Thái tử quỳ xuống tâu rằng:
Muôn tâu lịnh Phụ vương! Con đã vâng mạng đem nàng Như Ý vào, đương đứng ngoài ngọ môn mà chờ lệnh.
Vua nhớ lại chuyện ấy không vui, nên làm thinh một giây lát, rồi vị tình con mà phán rằng:
Con dẫn nàng vào đây cho ta xem!
Thái tử vâng mạng ra đem nàng vào dưới bệ mà bái yết.
Lạ thay! Máy trời sắp đặt, dầu sang hèn cách mấy cũng vui mừng; tơ đỏ vấn vương, dẫu trái ngược bao nhiêu cũng xuôi thuận. Khi vua chưa thấy Như Ý thì đã đem dạ bất bình, nay xem thấy mặt nàng, lại liền phát động lòng thương, hỏi han vài lời rồi truyền đem nàng vào cung, đặng bái yết Hoàng hậu.
Vua lại truyền quan Khâm Thiên Giám chọn ngày tốt mà làm lễ thành hôn cho Thái tử, và thưởng người về sự chiếm quẻ lúc trước.
Cách ít năm sau, vua nhà Trần băng hà, Thái tử nói ngôi, bèn tôn nàng Như Ý làm Hoàng hậu, đổi thân hạ tiện thành bực chí tôn. Ðó cũng vì một dạ chí thành mà cảm động đến trời Phật.
Ðây nhắc lại Dương Văn Hoài chạy trốn trong rừng đến lúc quan quân đi hết, thì chàng mới dám ló ra, thấy gánh của mình còn y nguyên, rất vui mừng, cứ việc kê vai gánh thẳng về nhà.
Ðến trước cửa nhà, thì chàng để gánh xuống rồi hăm hở chạy vào thưa với mẹ rằng:
Nay con đã kiếm được cho mẹ một con dâu hiền thục, đã đem về đây rồi, nên con thưa cho mẹ mừng.
Khi bà mẹ bảo đem con dâu vào cho bà xem, thì Dương Văn Hoài lật đật chạy ra mở gánh giở cái nắp thùng, bỗng nghe con hùm ở trong rống lên một tiếng như sấm và lăn ra khỏi thùng. Chàng thấy vậy hoảng hốt liền té bật ngửa xuống đất chết giấc; còn trong nhà bà mẹ nghe tiếng hùm rống cũng thất kinh, liền đóng cửa lại, thân hình run lập cập.
Một lát, Dương Văn Hoài tỉnh dậy, nhìn thấy con cọp bị trói bằng dây xích, nên trong lòng cũng bớt sợ, bèn tức giận chạy vào nhà xách cây búa lớn, quyết ra bửa đầu cọp mới lại gan.
Nhưng bà mẹ can:
Con đừng nóng nảy, phải nói cho mẹ rõ tại sao cọp đã bị trói, lại ở trong gánh của con mà con không biết, để đến bây giờ mới hay?
Chàng đem việc giả Phật Quán Âm mà gạt gẫm nàng Như Ý, cho đến khi bỏ nàng vào thùng mà gánh, vừa gặp quan quân đi săng giữa rừng, nên phải bỏ gánh mà trốn, đầu đuôi tự sự chàng kể hết cho mẹ nghe.
Bà gục gặc đầu mà nói rằng:
Phải rồi! Phải rồi! Tại con làm lếu, dám giả dối lời Phật truyền, mới khiến gặp quả báo, bọn đi săn đem cọp đã bắt được mà đổi người con gái đó.
Nay cọp này đang bị trói bằng dây xích, dẫu già yếu như mẹ đây, hay là đàn con nít đi nữa, đánh chết nó cũng được, huống chi là con. Vả lại người ta đang mắc nạn, mà mình nhẫn tâm sát hại, là người bất nhân; vậy con nên nghe lời mẹ, bẻ khóa mà thả nó ra, thì mẹ rất vui lòng.
Dương Văn Hoài là con chí hiếu, nên khi nghe mẹ giải thích như vậy không dám trái ý mẹ; chàng liền lấy kềm sắt ra mà nói với cọp rằng: Ðáng lẽ ta phải giết mi, nhưng vì mẹ ta can gián, nên ta tha mi. Vậy mi có tánh linh, thì nằm yên một chỗ đặng ta lấy cái thùng úp mi lại, ta sẽ bẻ khóa dây xích giùm cho mi; nhưng chừng nào ta bảo mi đứng dậy, mới được đứng dậy.
Quả nhiên con cọp vâng lời nằm yên thiêm thiếp chẳng dám cựa quậy. Chàng bèn lấy cái thùng úp trên mình cọp, để ló bốn cái chân có cột dây xích ra ngoài, rồi chàng lấy cái kềm sắt cố ráng sức bình sinh bẻ khóa gãy lìa.
Chàng liền chạy vào nhà đóng cửa lại, kêu cọp bảo dậy, cọp liền vùng vẫy một hồi, thì cái thùng đã văng ra xa và dây xích cũng xổ tháo ra, cọp vội vàng chạy vào rừng.
Vì Dương Văn Hoài biết nghe lời mẹ làm việc phóng sanh, và cọp nhờ chàng tha khỏi chết, nên từ đó về sau, mỗi tháng ba kỳ, cọp bắt một con thịt rừng lớn đem bỏ trước sân để chàng bán mà nuôi mẹ, để đền ơn cứu tử.
Thú cám ơn người, người biết ơn thú, càng nghĩ càng hay.
Trích Phật học Tạp chí Từ Bi Âm.
Non Phổ Ðà Quan Âm thường nhập định
Tùy cơ duyên ứng hiện khắp nơi nơi
Tìm tiếng kêu cứu khổ độ người đời Quán Tự Tại đấng mẹ hiền muôn thuở.