Khi còn trong bụng mẹ chờ đợi được sinh ra, con người đã phải quờ quạng tự muốn giải thoát khỏi tù túng tối tăm này. Rồi khi chào đời, con người lại tiếp tục quờ quạng muốn giải thoát những trói buộc phiền lụy của cuộc đời. Như thế đó, cả hai hoàn cảnh trước khi được sanh ra, sau khi đã có mặt, con người đều nằm trong vòng cương tỏa mất tự tại an lạc.
Khi còn là một đứa bé thì vòng trói buộc tối tăm chỉ có một lực tác động vừa phải, có thể dễ nguôi ngoai, nhưng khi đã trưởng thành, cường lực của sự trói buộc do hoàn cảnh tác động vào tâm trở nên kiên cố, khó mà cưỡng lại. Lực tác động này lặng lẽ ngấm ngầm trong tư tưởng, càng lúc càng thâm sâu, tinh tế như những rễ cây bám vào đất lan tỏa bủa vây cố giữ thân cây được vững vàng kiên cố. Dòng tư tưởng do đây sinh ra nhiều sai biệt, tạo nên những ý thức, rồi phát sinh, thể hiện qua ngôn ngữ hành động…
Cuộc sống xã hội, nhân sinh, triết lý đều huân tập, khởi phát từ những ý thức kiên cố này. Có những ý thức xây dựng phát huy chân thiện, và cũng không tránh khỏi những ý thức lệch lạc sai trái dẫn đến phá hủy chân giá trị đời sống. Dòng tư tưởng chánh tà, chân ngụy đó cứ mãi luân lưu như dòng nước chảy xiết từ hàng hàng thế kỷ, từ lúc khởi nguyên loài người cho đến thời đại ngày nay, và chắc chắn sẽ tiếp tục, tiếp tục mãi.
Thành thật nhìn nhận như vậy, có phải tư tưởng bi quan? Lạc quan hay bi quan chỉ là những ngôn từ nhận định, thẩm xét đánh giá một hoàn cảnh hay một thái độ của con người; nhưng trong hoàn cảnh đó, con người đó, đã đưa ra chân tướng giá trị đích thực cụ thể, thì vậy không cần phải cho là bi quan hay lạc quan.
Một cuộc sống đẹp, một con người nhân đức, tự điều đó, hình ảnh đó nói lên diễn lên chân giá trị. Một điều không hay, một con người sai trái cũng tự giá trị và kết quả nói lên viễn ảnh đó. Người xưa cho rằng hãy tự nhìn nhận những gì chính mình hành động, suy xét, những gì đang diễn tiến trong dòng sống liên quan đến môi trường chung quanh…
Sự thành thật nhìn nhận suy xét, đưa người đến gần hơn trong cái nhìn khách quan dung dị.
Con người chúng ta ngày nay cũng đã lãnh hội, thẩm thấu những kiến thức triết học xa xưa; lại có thể dung hòa, hóa giải để an lập vào hoàn cảnh hiện tại một cách tương đối tốt đẹp. Dù vậy vẫn phải đối đầu với nhiều khủng hoảng trong đời sống, về vấn đề an lạc tinh thần. Việc không an lạc tinh thần, cho thấy những gì con người ngày nay hiểu biết về thời xưa, chỉ là hiểu biết theo lý giải phân tích phạm trù triết học, mà không phải hiểu theo việc tri hành thực tại. Tuy nhiên điều này còn nhiều yếu tố cho nguyên nhân đó.
Khoa học vật chất ngày càng phát triển, cũng có thể là một yếu tố chính, làm con người chạy theo quên mất khoa học tâm linh; cũng biết rằng khoa học vật chất sẽ không bao giờ kết thúc một khi con người chẳng bao giờ dừng nghỉ.
Chung quy lại, tất cả chỉ trở về với chính con người; chính con người là nguyên nhân và kết quả, dẫn đến hoàn cảnh xấu đẹp. Nhấn mạnh đến danh từ con người, là nói lên một sự phân biệt với thứ loại khác, như loài vật; vậy ý nghĩa của hai chữ “con người” ở đây phải là một cộng đồng nhân loại.
Có thể hiểu thêm rằng trong việc kiến thiết thăng hoa đời sống, không thể riêng rẻ cá nhân nào làm nên được, mà phải tương quan tương hợp. Kẻ này là ân nhân của ta, và kẻ kia lại có người khác là ân nhân; cũng như mỗi người đều là ân nhân trên phương diện góp phần có mặt trong một cộng đồng liên hệ, tạo lập một xã hội đất nước.
Nhìn nhận như vậy sẽ thấy có sự hòa hợp, hài hòa liên hệ với nhau, tạo nên sự gần gũi mật thiết giữa người với người, giữa cá nhân với đoàn thể, giữa cộng đồng với nhân loại. Và như vậy chính mỗi cá nhân sẽ dễ hòa nhập mà tự xem nhẹ bản ngã của mình. Đây là một bước vững chắc tiến đến xây dựng hạnh phúc căn bản đầu tiên, cho bản thân, rồi tiếp theo bằng thái độ cởi mở hơn sẽ hài hòa ảnh hưởng đến xã hội, quốc gia thế giới.
Trong quyển “Phương tiện thiện xảo”
Ngài Tarthang Tulku đã nêu lên tính cách hài hòa quan trọng của một cá nhân liên hệ đến đời sống trong gia đình và xã hội, mà đó là cách đẹp nhất không thể không thực hành theo “Sống trong mối liên hệ hòa thuận với thế giới làm tăng cường sự khai triển tri thức và tính sáng tạo trong đời sống mình và trong đời sống của những kẻ ở bên cạnh mình. Nhu cầu để giữ gìn cái hình ảnh của mình về mình biến mất đi, vì kẻ khác đánh giá mình đúng mức như thực mình là ai thực thụ, và về phần chúng ta thì chúng ta cũng đánh giá đúng mức giá trị của những con người sống chung quanh mình. Học hỏi cách truyền thông diễn đạt đúng đắn mang đến mọi sự an bình thanh thản và niềm vui sâu đậm vào đời sống mình. Mối tương quan liên hệ của ta với những người cộng tác, với gia đình với bạn bè trở nên ấm cúng và lâu bền, vì những mối liên hệ ấy đã được đặt nền tảng trong sự thực và lòng chăm sóc ưu ái tận tụy thiết tha” ∗ .
Thật vậy chính điều này đã thăng hoa cách sống trong gia đình, đoàn thể, xã hội, quốc gia, nhân loại. Ngược lại như vậy con người sẽ mãi hoài công xây dựng rồi phá hủy, phá hủy rồi xây dựng, và chẳng bao giờ kiến tạo được hoàn cảnh như con người mong muốn. Triết gia Ấn Độ Krishnamurti cũng đã nhận định sự quan trọng về cái “ta” đối với sự hài hòa trong môi trường sống: “chúng ta không bao giờ thấy rằng chúng ta là toàn thể hoàn cảnh bởi vì có nhiều thực thể trong chúng ta, tất cả đều xoay quanh cái “ta” cái ngã. Bản ngã làm nên những thực thể mà trong nhiều hình thức khác nhau nó chỉ là những vọng dục. Từ những vọng dục kết hợp này nối lên cái hình ảnh trung tâm, nhà tư tưởng, ý chí của cái “ta” và cái “của mình” và như vậy sự phân ly đã thiết lập giữa bản ngã và cái phi ngã, giữa cái “ta” và hoàn cảnh hay xã hội. Sự ly cách này là bắt đầu của chấp tranh, bên trong và bên ngoài” ∗
Thế thì chỉ có tư tưởng cởi mở, hòa nhập và thành thật mới giúp con người thoát khỏi cái quờ quạng trong bóng “tối” của dòng đời; và như vậy bưới đi tới của con người mới sáng suốt vững chãi.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
1999 –
∗ Phương tiện thiện xảo Phạm Công Thiện dịch. Tr 202 – Nxb Thanh Văn