Kinh văn: “Phục thứ long vương, nhược ly tà hạnh, tức đắc tứ chủng trí sở tán pháp. Hà đẳng vi tứ? Nhất, chư căn điều thuận. Nhị, vĩnh ly huyên trạo. Tam, thế sở xưng thán. Tứ, thê mạc năng xâm. Thị vi tứ. Nhược năng hồi hướng Anậu đa la tam miệu tam Bồ Đề giả, hậu thành Phật thời, đắc Phật trượng phu, ẩn mật tàng tướng”.
Đoạn này nói đến “tà hạnh”, tức là nói tà dâm. Nếu như có thể vĩnh ly tà dâm, thì liền được tứ chủng trí tuệ sở tán thán. Chữ “trí” này chính là trí nhân, người có trí tuệ nhất định sẽ tán thán bạn. Bốn loại pháp nào vậy?
Loại thứ nhất: “Chư căn điều thuận”
Câu nói này, dùng cách nói hiện nay mà nói chính là thân thể khỏe mạnh. “Căn” là thân căn. Thân thể khỏe mạnh là cái đứng đầu mà tất cả mọi chúng sanh đều mong cầu. Cho dù là người được đại phú đại quí, nhưng nếu như thân thể không khỏe mạnh thì cũng hối tiếc suốt đời. Đặc biệt là người từ sau tuổi trung niên, khỏe mạnh là phước báo đích thực. Dâm dục quá độ thì chắc chắn tổn hại sức khỏe. Lúc còn trẻ thiếu hiểu biết, thì sau tuổi trung niên tất cả những bệnh tật này sẽ xuất hiện. Cho nên, đại đức xưa dạy người trẻ tuổi là vô cùng coi trọng điều này.
Loại thứ hai: “Vĩnh ly huyên trạo”
“Huyên”, ở chỗ này nói là trong gia đình vợ chồng bất hòa, cãi cọ lung tung. “Huyên” là cãi cọ, “trạo” là thân tâm bất an. Ở trong một gia đình, vợ chồng không thể hòa hợp, người hiện nay gọi là ngoại tình. Chồng ngoại tình, vợ cũng ngoại tình thì gia đình này liền xuất hiện vấn đề ngay. Bởi do nghi ngờ, đố kỵ, sân hận nên cãi nhau là điều chắc chắn không thể tránh khỏi. Nó không chỉ ảnh hưởng đến hai người, mà còn trực tiếp làm tổn thương đến con cái, đặc biệt là con cái lúc còn tuổi ấu thơ. Cha mẹ là tấm gương ở trong mắt của chúng, hằng ngày chúng đều nhìn thấy. Nếu như cha mẹ tạo nên hình ảnh bất thiện thì sẽ ảnh hưởng cả đời của chúng. Chúng lại ảnh hưởng đến xã hội, ảnh hưởng này cứ dần dần lan rộng ra. Từ đó cho thấy, tà hạnh là tạo vô lượng vô biên tội nghiệp, rất ít người có thể hiểu được những vấn đề này, rất ít người hiểu rõ được chân tướng sự thật. Nếu như bạn có thể vĩnh ly tà hạnh thì gia đình bạn hòa hợp, vợ chồng hòa thuận, gia đình hòa mục, thì vĩnh viễn sẽ không có những hiện tượng này.
Loại thứ ba: “Thế sở xưng thán”
Đây là điều rõ ràng dễ thấy, vợ chồng hòa hợp, gia đình mỹ mãn, không những người nhà của bạn tán thán, cha mẹ anh em của bạn tán thán, bạn bè thân thích của bạn tán thán, bà con xóm giềng, xã hội đại chúng không ai không tán thán. Hôm kia, chúng tôi nhìn thấy Hiệp hội Truyền đạo Hồi giáo tổ chức ngày lễ các bà mẹ của họ, biểu dương mười mấy người vợ hiền, mẹ tốt. Những người mẹ mẫu mực này phần lớn đều là những người lúc còn trẻ chồng đã qua đời, hoặc giả là đã ly hôn. Họ cả đời thủ tiết, trải qua đời sống vô cùng gian khổ, nuôi dạy con cái nên người, để con cái được tiếp nhận giáo dục tốt nhất. Ngày nay ở Singapore, xã hội này đều có sự cống hiến kiệt xuất, cho nên những người mẹ này ở trong mắt của con cái là anh hùng vĩ đại vô song. Hiệp hội Hồi giáo tổ chức ngày lễ long trọng này để biểu dương họ. Họ là tấm gương của xã hội. Cốt yếu của tấm gương này là trung kiên, chính là viễn ly tà hạnh, cổ nhân Trung Quốc chúng ta gọi là thủ tiết.
Ngày nay xã hội loạn động, chúng ta thường nói gốc do đâu vậy? Gốc do gia đình bị đổ vỡ. Nam nữ trẻ tuổi không hiểu được đạo lý lớn này. Hôn nhân là việc lớn của đời người, lễ xưa Trung Quốc coi trọng biết bao. Tại sao phải coi trọng và tại sao tổ chức hôn lễ một cách long trọng như vậy? Vì đó là cội gốc của tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Chúng ta hãy xem xét tỉ mỉ xã hội hiện nay, cả thế giới loạn động, bất an, mỗi một khu vực đều tiềm tàng nguy cơ nghiêm trọng. Nhân tố cơ bản này là do đâu? Chính là do lơ là giáo dục gia đình. Nếu như giáo dục gia đình không còn nữa, thì giáo dục của chúng ta thất bại hoàn toàn. Ngày nay trên thế giới này, trường học rất nhiều, đại học rất nhiều, cơ hội được giáo dục rất phổ biến, nhưng cái tiếp nhận được là nền giáo dục gì vậy? Đó là nền giáo dục công lợi, cổ vũ mọi người tham sân si, cổ vũ người ta đi làm sát, đạo, dâm, vọng thì xã hội này làm sao đẹp được? Những thứ này mà phát triển thì đó thật sự là ngày tận thế sắp hiện tiền rồi. Ngày nay chúng ta nhìn thấy hiện tượng này của xã hội, hiện tượng chính là điềm báo, điềm báo điều gì vậy? Điềm báo về ngày tận thế. Vô cùng đáng sợ! Giữa con người với nhau không có đạo nghĩa, chỉ có lợi hại. Đối với ta có lợi thì người này là bạn bè, đối với ta không có lợi thì người này là kẻ địch, vậy thì có nguy không?
Vào thời xưa, tuy là thời đại quân chủ chuyên chế, nhưng có không ít đế vương rất tốt, họ nói đến nhân nghĩa. Phật dạy đế vương dùng thập thiện trị quốc. Nhà Nho dạy người lãnh đạo các giai cấp trong xã hội, từ đế vương cho đến lãnh đạo các tầng lớp trong xã hội, thậm chí là người chủ trong gia đình, đều dạy họ minh đức, thân dân, chỉ ư chí thiện, khinh tài lợi, trọng nhân nghĩa. Nếu như đại chúng xã hội đều tranh danh đoạt lợi, thì diễn biến cuối cùng chắc chắn là đại chiến thế giới. Từ người lãnh đạo quốc gia đến bình dân, ở trong mắt họ chỉ có lợi hại, vậy có nguy không? Chỉ biết có lợi, không biết đạo nghĩa thì xã hội này hết cứu nổi rồi. Cho nên để cứu vãn xã hội hiện nay, cứu vãn kiếp nạn này (kiếp nạn là thiên tai nhân họa), thì chính trị không làm được, vũ lực không thể giải quyết vấn đề. Nho và Phật đều nói rất rõ ràng, dùng vũ lực chỉ là kết oán thù, nhân quả thông ba đời, oan oan tương báo không bao giờ dứt, sự báo thù đó mỗi lần một tàn khốc hơn. Chúng ta hãy quan sát tỉ mỉ trong lịch sử thì bạn có thể thể hội được. Bạn thấy đại thế chiến lần thứ nhất, đại chiến lần thứ hai, lần sau tàn khốc hơn lần trước. Đại chiến lần thứ ba, có người nói đây là lần chiến tranh cuối cùng của thế giới. Tại sao vậy? Lần chiến tranh này bùng nổ thì người trên thế giới hầu như chết hết. Nhà tiên tri Trung Thế Kỷ nước Pháp nói, sau khi cuộc chiến tranh này xảy ra, dân số trên thế giới chỉ còn “bảy cái đại số”. Bảy cái đại số có người nói là 700 triệu người, cũng có người nói là 70 triệu người. Người hầu như đều chết hết thì không còn đánh nhau nữa, cho nên cuộc chiến tranh này là cuộc chiến tranh cuối cùng, chúng ta có thể tin như vậy. Nếu như ngày nay trên thế giới, tất cả quốc gia có vũ khí hạt nhân, bom hạt nhân của họ thảy đều nổ thì thế giới này hầu như là hủy diệt hết rồi. Thật sự đến lúc đó, người sống ngưỡng mộ người đã chết, vì sống là để chịu tội. Do đâu tạo nên vậy? Do mọi người tranh danh đoạt lợi tạo nên. Cho nên, thánh hiền thế xuất thế gian không ai mà không dạy chúng ta tiết kiệm, nhẫn nhượng, dùng thiện tâm chân thành giúp đỡ người khác, vậy mới có thể có được hòa bình vĩnh cửu.
Thánh nhân không dạy lễ vật kết giao qua lại phải bình đẳng, mà phải nên nhiều thêm một chút. Người hiện nay không coi trọng điều này, nhưng vào thời xưa ngay cả người thôn quê chưa hề đi học cũng biết. Khi bạn bè thân thích tặng quà, thì tự mình phải dùng sổ tay để ghi lại. Tại sao phải ghi lại? Vì khi họ có ngày vui mừng, chúng ta tặng quà lại cho họ, thử xem họ tặng cho chúng ta bao nhiêu, chúng ta không thể tặng ít hơn họ. Tặng quà giống nhau, nhưng tặng hơn một chút thì tình người hậu. Xã hội xưa của Trung Quốc là như vậy, quốc gia thì hơn như thế. Bất kỳ quốc gia nào tặng quà đến Trung Quốc đều được ghi lại hết, lễ vật tặng là những thứ gì, chúng ta trả lễ là những thứ nào, nhất định trả lễ phải hậu hơn. Vậy thì sao có thể giành phần hơn với người khác được? Cho nên để giải quyết vấn đề tai nạn trước mắt thì chỉ có giáo dục, giáo dục thánh hiền, giáo dục của Phật Bồ Tát mới có thể giải quyết được.
Loại thứ tư: “Thê mạc năng xâm”
Xâm là xâm phạm. Ở trong xâm phạm, điều nghiêm trọng nhất chính là ly hôn, chia tài sản, xâm là ý nghĩa này. Vĩnh ly tà hạnh thì bạn chắc chắn sẽ không có sự việc này. Tuyệt đối không nên có ý nghĩ này. Chúng ta thử xem, ngày nay thế giới này tỉ lệ ly hôn cao bao nhiêu. Có một số đồng tu từ Trung Quốc đến đây, họ nói với tôi về vấn đề này. Họ nói, Trung Quốc hiện nay tỉ lệ ly hôn cũng rất cao, khoảng chừng 25%. Nhưng đại chúng xã hội cho rằng đây là hiện tượng tốt, đây là dân chủ tự do mở cửa đích thực. Đây là tư tưởng của người phương tây. Tỉ lệ ly hôn của người phương tây chiếm đến trên 60%, nghe nói Đài Loan đã chiếm đến 50% rồi, xã hội này làm sao có thể không loạn động được? Người ly hôn, con cái của họ là người trực tiếp chịu tổn hại, những đứa trẻ này từ nhỏ có tư tưởng và tâm trạng không bình thường, thiếu tình thương và tràn đầy sân hận. Sự việc này phát triển thì hậu quả chúng ta cũng không khó tưởng tượng ra được. Cho nên giáo dục của bậc thánh hiền, chúng tôi dùng một chữ để làm tổng kết chính là “giáo dục tình thương”. Thánh nhân dạy chúng ta là giữa người với người phải kính yêu lẫn nhau, phải tôn trọng lẫn nhau. Phần trước bộ Kinh này, Phật nói với chúng ta thật hay vô cùng. Ngài nói, Bồ Tát có một pháp có thể đoạn tất cả các khổ của ác đạo, đây là pháp gì vậy? “Ngày đêm thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quan sát thiện pháp, lệnh chư thiện pháp, niệm niệm viên mãn, bất dung hào phân, bất thiện gián tạp” (“thiện pháp” chính là thập thiện nghiệp đạo), bạn liền vĩnh đoạn ác nghiệp, ác đạo sẽ không còn nữa (ác đạo là do ác nghiệp biến hiện ra). Đoạn khai thị này là quan trọng không gì sánh bằng. Chúng ta phải thực hiện vào trong gia đình, áp dụng vào đời sống vợ chồng, áp dụng vào trong công việc, bạn làm việc có rất nhiều đồng nghiệp. Áp dụng vào trong xã hội, xử sự đối nhân tiếp vật, chỉ nhớ điểm tốt, điểm thiện của người khác, tuyệt đối không nên nghĩ đến ác niệm, ác hạnh của người khác. Cho dù người ta có ác niệm, ác hạnh, nhưng chúng ta dứt khoát không nên để ở trong lòng. Chúng ta chỉ nghĩ cái thiện của họ, thì thời gian lâu dần, người ác sẽ được bạn cảm hóa thành người thiện, vậy là bạn đã làm việc tốt. Bạn cảm hóa một người quay đầu, sức ảnh hưởng đó rất lớn, ảnh hưởng vô số người quay đầu, vô số người tỉnh ngộ. Từ đó cho thấy, chúng ta nhất định phải chăm chỉ nỗ lực học tập thập thiện này, đối với chúng ta chắc chắn là có lợi ích. Không những bản thân không phạm tà hạnh mà còn phải khuyên bảo, khích lệ bạn bè thân thích mà bạn quen biết, phải đem công đức lợi ích này nói rõ ràng, nói sáng tỏ cho họ nghe. Cứu chính mình, cứu xã hội, cứu tất cả chúng sanh chỉ ở một niệm này. Một niệm tùy thuận theo giáo huấn Phật Đà thì đường chúng ta đi là Phật đạo, là Bồ Tát đạo. Đi ngược lời giáo huấn của Phật Đà, con đường bạn đi là ba đường ác. Cho nên, đây là người có trí tuệ tán thán, họ thấy rất rõ ràng, họ biết sự lợi hại được mất ở trong đây. Sau cùng, bạn có thể hồi hướng về vô thượng Bồ Đề, thì quả báo là Phật “ẩn mật tàng tướng”. “Ẩn mật tàng tướng” là một trong ba mươi hai tướng tốt. Ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp là quả báo thiện, nhà Nho gọi là “chỉ ư chí thiện”. Quả ắt có nhân, nhân duyên tuy rất nhiều, vô lượng vô biên, nhưng quy nạp trở lại vẫn không ngoài mười loại này. Cho nên, thập thiện triển khai chính là vô lượng vô biên thiện hạnh, thiện pháp. Hy vọng các đồng tu chúng ta dẫn đầu đi làm, làm nên tấm gương cho người ta thấy, người ta sẽ tin, sẽ bắt chước theo. Như vậy là chúng ta thành tựu vô lượng vô biên công đức.