Trong vô số pháp môn tu của đức Phật có một pháp môn gọi là “quán nhân duyên”. Pháp môn này có thể giúp chúng ta thay đổi quan niệm, phá bỏ được sự chấp thủ đắm trước vào các sự vật hiện tượng, từ đó đưa ra quyết định chính xác để tránh bị thất tình lục dục lôi kéo, dẫn dắt.
Khi chúng ta đối diện với những thứ hấp dẫn, mê hoặc hay kích thích, cho dù cảm nhận phát sinh này là khổ đau hay hạnh phúc, chúng ta phải lập tức nghĩ rằng cảnh giới này đến từ những cảm giác, chỉ là sau khi vật chất tiếp xúc với cái này cái kia mà phát sinh một thứ hiệu quả, nó thật sự không tồn tại vĩnh viễn. Ví như khi chúng ta nhìn thấy một bông hoa, ta không nên suy nghĩ phán đoán ngay lập tức rằng mình thích hay không thích nó, vì hoa chỉ là hoa mà thôi. Bấy giờ ta phải đem nó tách riêng ra ngoài giá trị phán đoán mới không nảy sinh vấn đề bị nó kích thích, hấp dẫn được. Nhưng nếu chúng ta cho nó một giá trị phán đoán, khi ý niệm “xinh đẹp” xuất hiện thì trong lòng nghĩ ngay: “Màu hoa này đẹp làm sao! Từ trước đến nay tôi chưa từng thấy bông hoa nào đẹp đến thế!” Bấy giờ hiện tượng vật chất đơn thuần đã biến thành sức hấp dẫn mê hoặc người khác, bởi vì có ý niệm “thích” nên muốn chiếm lấy nó về cho mình, từ đó một chuỗi phiền não liên tiếp kéo theo sau. Cho nên, khi chúng ta nhìn thấy một đóa hoa, ta phải dừng ngay ở ý nghĩ “đây là một đóa hoa”, chứ không nên khởi lên sự phân biệt đẹp hay xấu.
Có lúc chúng ta cho rằng bản thân mình thích những sự vật nào đó, nhưng sự thật lại không phải như thế. Tôi nhớ vào mùa xuân năm nọ, khi tôi đi du lịch đến nước Anh, bấy giờ nhìn thấy hai bên đường trồng những khóm hoa rất đẹp. Tôi cảm thấy quang cảnh ở đây đẹp biết bao, nên cảm thấy rất hứng thú, nhưng sau khi nhìn thấy một vài lần thì dần dần cảm giác kỳ lạ không còn nữa, chỉ nhìn để nhìn thế thôi! Sau đó tôi đến một đạo tràng để tu tập thiền định. Đó là một nơi vô cùng thanh tịnh, chỉ có cỏ và cỏ, chẳng có hoa gì cả, cho nên khi thấy có người hái những đóa hoa cắm vào bình rồi đặt trên bàn ăn, tôi lại bắt đầu chăm chú ngắm nhìn hoa. Bấy giờ tôi suy nghĩ: “Rốt cuộc tôi có thích hoa này hay không nhỉ?” Sau đó tôi lại ngắm nhìn nó, thực ra chẳng có cái gọi là thích hay không thích, vì nhìn từ góc độ nhân duyên để thấy hoa chỉ là hoa thôi, ngoài ra nó chẳng có ý nghĩa đặc biệt gì cả.
Bất cứ sự vật, hiện tượng nào đi nữa cũng đều do nhân duyên hòa hợp tạo thành, phải có đủ nhân và duyên, khi hội đủ các điều kiện đó thì tự nhiên nó sẽ phát sinh; khi nhân duyên không hội đủ thì tự nhiên tan rã. Một đóa hoa cũng như vậy: sau khi hoa khô héo, nó sẽ trở thành rác rưởi và bị quăng bỏ đi, lúc này không còn xuất hiện vấn đề đẹp hay xấu nữa, mà đó chỉ là một hiện tượng tự nhiên. Còn nhớ nhân vật Lâm Đại Ngọc trong tác phẩm “Hồng Lâu Mộng”, cô đem cuộc đời mình và loài hoa ra để liên tưởng so sánh với nhau, vì có sự liên tưởng này nên mới nảy sinh phiền não và chấp thủ đắm trước. Khi nhìn thấy hoa tàn rơi rụng trên đất, cô chợt xúc cảnh sinh tình, cảm thấy đóa hoa này thật tội nghiệp đáng thương. Trái lại, nếu nhìn những hiện tượng tự nhiên này một cách riêng biệt độc lập thì hoa nở chỉ là hoa nở, khi hoa tàn chỉ là hoa tàn mà thôi. Khi biết tất cả mọi sự vật đều do nhân duyên hòa hợp sinh ra thì sẽ không còn khởi lên phiền não hay đau buồn nữa.
Vì thế, nhóm họp là một thứ nhân duyên và tan rã cũng là một thứ nhân duyên, tất cả mọi sự vật có mặt trên thế giới này cho dù tốt hay xấu cũng đều do nhân duyên. Ta thử nhìn từ góc độ nhân duyên để đánh giá quan sát sẽ nhận ra, không có bất cứ sự vật nào trên thế giới có thể khiến chúng ta sinh khởi phiền não, đắm trước và đau khổ cả. Tất nhiên, điều này cần phải có thời gian rèn luyện không ngừng mới thể nghiệm được. Ví như, khi chúng ta nhìn thấy một vật nào đó mà ta yêu thích, nhưng đó không phải thứ cần thiết thì lập tức quán ngay đến nhân duyên, nghĩ rằng mọi vật trên thế gian này vốn nó là như vậy, chẳng có ý nghĩa đặc biệt gì, bây giờ ta cũng chẳng cần nó, như thế mới không bị nó mê hoặc hấp dẫn.
Khi chúng ta phân tích rõ ràng mối liên hệ chủ quan và khách quan giữa bản thân và sự vật bên ngoài, không để cho bản thân mình có mối liên quan đến nó thì sẽ không còn đắm trước nhiều vào nó nữa. Chẳng hạn khi ta đến cửa hàng bách hóa, nhìn thấy nhiều áo quần và hàng mỹ phẩm đẹp đẽ, nhưng ta không thể mặc, cũng không thể dùng nó, vì thế nó và ta chẳng có bất cứ mối liên quan nào, khi đã không có bất cứ mối liên hệ nào với mình thì sẽ không có vấn đề bị nó mê hoặc.
Phân tích rõ vấn đề “không có mối liên quan” và “có mối liên quan” đó chính là quán nhân duyên, nhưng cũng có một số người không hiểu lý lẽ này, nên có lúc chỉ vì cảm giác thích thú hiếu kỳ liền mang những thứ mà ta không cần thiết về nhà. Ví như có một số người cảm thấy tạp chí trên máy bay rất hay nên đem nó về nhà, nhưng khi đã mang về rồi lại không có thời gian để đọc nó, hay là khi đi dạo trong tiệm sách, ta đều cảm thấy thích thú bởi mỗi một cuốn sách ở đó nên kết quả là mua một đống sách thật lớn mang về đặt trên kệ sách, nhưng kể từ đó về sau chẳng thèm quan tâm để ý gì đến nó cả.
Ta phải đọc hết từ đầu đến cuối một cuốn sách thì mới xem là có ích thật sự, nếu không thì cho dù có mua bao nhiêu sách đi nữa cũng “chẳng có liên quan” gì với bạn cả, nhưng chúng ta vẫn có thói quen hay phan duyên bên ngoài, khi nhìn bất cứ thứ gì xinh đẹp, ưa thích liền muốn có nó, chiếm hữu nó nên mới gây nên không ít phiền não đau khổ. Vì thế, chỉ có hiểu rõ lý nhân duyên, phân biệt rõ mối quan hệ giữa bản thân mình và sự vật bên ngoài mới có thể giúp chúng ta tránh khỏi sự hấp dẫn và đau khổ do thất tình lục dục mang lại.