Home > Khai Thị Phật Học > Khong-Quyen-Luyen-Khong-Tron-Tranh
Không Quyến Luyến, Không Trốn Tránh
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Thich Quang Định, Việt Dịch


Tuy giáo lí Phật đà bàn nhiều về các nỗi khổ của chúng sinh nhưng không có nghĩa là những người học phật nhất định phải trốn đời, trốn tránh hiện thực một cách tiêu cực để lánh khổ tìm vui.

Quan niệm về khổ theo Phật giáo không phải là vị đắng của vị giác mang lại, cũng chẳng phải cái không như ý của các giác quan mang lại, mà chủ yếu chỉ nỗi khổ trong tâm niệm, trong quan niệm của con người. Cái khổ thực sự mà Phật giáo muốn chỉ ra đó là sự khổ tâm trong lòng người: nếu một người có nhân sinh quan lệch lạc, không rõ ràng, chính xác, luôn luôn lấy cái tôi làm trung tâm của mọi vấn đề thì đấy mới là cái khổ thực sự. Điều này cũng giống như con tằm nhả kén, tự trói buộc mình, cho nên tục ngữ có câu “thiên hạ vốn vô sự, kẻ ngu tự đặt điều”: phần lớn con người tự tìm trái đắng ăn rồi kêu khổ, quả thực là hạng phàm phu!

Khổ mà Phật pháp muốn nói tới ở đây là những phản ứng tâm lí sinh ra từ ba độc căn tham, sân, si như đau buồn, sầu não, phiền muộn... Thế nên, khổ không phải là điều cố định, bất biến, cũng không phải cùng sinh ra với con người nên chỉ cần chúng ta thay đổi quan niệm sống, có nhân sinh quan đúng đắn thì đau khổ sẽ không còn nơi để tồn tại dù trên mặt hiện tượng tưởng như đó là đau khổ. Một người ở trong cái mà người khác quy là đau khổ nhưng bản thân họ không nghĩ là thế thì vẫn không khổ cũng không cảm thấy khổ nữa. Ví dụ, khi chúng ta hi sinh vì người khác, vì thân bằng quyến thuộc, vì tổ quốc thì sẽ không thấy cái chết là khổ, không thấy sự đau đớn là khổ, vì lúc đó chúng ta đã tìm thấy ý nghĩa của đời mình, thấy giá trị của sự sống đời mình, lòng không còn cảm thấy trống trải. Tuy cùng phải bỏ ra công sức nhọc nhằn nhưng trong lòng mình thỏa mãn, thích thú thì khổ không còn là khổ nữa.

Điều này cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của thái độ sống đúng đắn. Ví dụ, khi ta vận dụng câu “soi rọi quán chiếu năm uẩn là không nên vượt qua tất cả đau khổ” của Bát Nhã Tâm Kinh vào đời sống thực tế thì sẽ dễ dàng nhận thấy rằng tấm thân này có được nhờ các yếu tố giả hợp mà nên, mọi sự vật trong đời đều vận động vô thường, không ngừng thay đổi, nó chỉ tổn tại trong thoáng chốc như sương mai. khi hiểu được điểm này, con người sẽ không vật vã đấu tranh với bản thân, với con người và thế giới nữa. Một khi đối diện với khổ đau, họ không còn tâm lí sợ hãi, trốn tránh mà giờ họ có đủ dũng khí để đối diện và giải quyết với hết khả năng của mình, không còn bị nỗi khổ uy hiếp nữa. Thực ra, cái khổ đến với ta thì ít mà tâm lí sợ khổ làm khổ chúng ta nhiều hơn. Đấy chính là nỗi khổ tự chuốc không đáng có của con người.

Một người thực sự thấu hiểu giáo lí Phật giáo sẽ dễ dàng nhận thấy một cách rõ ràng rằng, trên thực tế, khổ chẳng qua chỉ tồn tại trong những quan niệm sai lầm, những quan niệm đó đều do con người làm chủ. Vì thế, không lí do gì mà chúng ta lại để điều chúng ta có thể làm chủ đi làm khổ mình cả! Thế giới hiện thực chẳng có gì đáng sợ, chẳng có gì mà chúng ta phải trốn tránh nó, thế thì chúng ta hà tất phải bi quan, tránh đời? Từ kinh điển và lịch sử cho thấy, sau khi giác ngộ, đức Thích Ca đã giải thoát mọi khổ đau của thế gian. Tuy nhiên, ngài đâu có từ bỏ cuộc đời này, ngược lại ngài còn đi sâu vào đời để giúp đời, giúp người thoát khổ. Vì thế, nếu ai bảo rằng hiện thực cuộc sống này đáng sợ, đáng trốn tránh là hoàn toàn sai lầm, đi ngược lại với những gì đức Phật đã làm, đã dạy, đồng thời đấy không phải là người tu hành đích thực.

Cũng cần lưu ý rằng, tinh thần “nhập thế” ở đây không có nghĩa như “nhập thế” mà mọi người thường nghĩ. Trong Phật pháp, có ba từ để chỉ tinh thần, thái độ của một người tu hành như “xuất thế” (vượt ra ngoài thế gian), “nhập thế” (đi sâu vào đời), “luyến thế” (tham tiếc cuộc đời). Quan niệm về “nhập thế” như mọi người nghĩ thường bị nhầm lẫn với “luyến thế”: tham luyến cái phù phiếm, hư danh tình yêu nam nữ của trần tục và các thứ hưởng thụ vật chất khác. Một vị Bồ tát thực sự thì tuy thân trong bụi trần nhưng lòng vẫn thanh cao, không bị vật chất tình cảm tầm thường nhấn chìm, khuấy nhiễu, làm phiền muộn. Đấy mới chính là tinh thần “nhập thế” đích thực và nhập thế như thế cũng là “xuất thế” vậy.

Từ giải thích về nhập thế ở trên, chúng ta thấy rằng nhập thế đúng nghĩa cũng chính là ý nghĩa của xuất thế, xuất thế nhưng không phải trốn đời, lánh người, xa rời nhân gian. Vào đời để cứu đời nhưng không vướng bận với tiền tài, danh lợi, nam nữ, ấy chính là chân ý nghĩa của nhập thế và xuất thế. Chừng nào chúng ta vào đời nhưng không tham luyến cuộc đời, không tham luyến cuộc đời đổng thời cũng không trốn tránh hiện thực thì đấy chính là lìa khổ được vui vậy.