Ý nghĩa quan trọng nhất trong kinh Kim Cang là: tu học Ðại Thừa Phật pháp là phải tu học trong đời sống hằng ngày. Nói một cách khác tức là dạy cho chúng ta làm thế nào để sống cuộc đời của chư Phật, Bồ Tát. Phật, Bồ Tát sống cuộc đời đại trí huệ, đại giác ngộ, đời sống như vậy mới là chân thực hạnh phúc mỹ mãn.
Niệm Phật chẳng thể thành tựu là vì chẳng thật thà (chẳng chắc thật). Chẳng thật thà là chẳng biết sống cách nào, khi sanh ra đời hồ đồ lộn xộn, chết đi cũng mờ mịt, lộn xộn. Như vậy đúng là rất đáng thương, cũng như trong kinh thường gọi họ là: ‘những người đáng thương xót’.
Sau khi có trí huệ Bát Nhã, hiểu rõ chân tướng của nhân sanh mới biết thật thà, một lòng một dạ niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ. Ai có thể tiếp nhận thì người đó sẽ được lợi ích. Nếu chẳng chấp nhận, chẳng thể chắc thật niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ, chính là như kinh Ðịa Tạng có nói: ‘Chúng sanh trong Diêm Phù Ðề khởi tâm động niệm không có gì là chẳng tạo tội’. Ðã tạo tội nghiệp thì đời sau nhất định sẽ còn luân hồi trong lục đạo, bất luận là tu hành tốt đến đâu, nếu chẳng thể thoát ra khỏi tam giới thì đều là chẳng thành tựu.
Mục đích chúng tôi giảng kinh Kim Cang là vì muốn khuyên mọi người, dạy cho mọi người hiểu rõ chân tướng sự thật, phải chết lòng trọn ý thật thà niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ. Những gì nói trong kinh Kim Cang cho đến những gì đức Phật nói trong hai mươi hai năm giảng kinh Bát Nhã đều cũng là vì dạy chúng ta phải nhìn thấu, buông xuống. Tại sao bốn chữ ‘nhìn thấu, buông xuống’ này đã giảng trong suốt hai mươi hai năm? Hãy nghĩ xem ai nghe xong liền nhìn thấu, liền buông xuống được? Nghe thì cũng nghe rồi, nói thì cũng nói xong nhưng vẫn chẳng nhìn thấu, chẳng buông xuống y như cũ. Trong tâm từ sáng đến tối vẫn suy nghĩ lung tung, lời nói hành động vẫn phê bình kẻ khác, chẳng biết kiểm điểm bản thân mình, đây đúng là nhìn chẳng thấu, buông xuống chẳng nổi.