Home > Khai Thị Phật Học > Muon-Nuoc-Ngung-Chay
Muốn Nước Ngừng Chẩy
| Hòa Thượng Thích Thiện Huệ, Việt Dịch


Một lữ hành đang cơn khát, bỗng thấy bên đường có giòng nước trong mát chẩy xuống thùng gỗ đựng đầy nước, gã đến uống nước, uống xong, nói với thùng gỗ "ta uống xong rồi, nước khỏi phải chẩy nữa", nói xong vẫn thấy nước chẩy đầy thùng, gã nổi giận nói "ta uống xong rồi, tại sao nước không chịu ngừng chẩy". Có người thấy vậy mới bảo "anh thực ngu si, sao anh không đi nơi khác, mà cứ ở đây đòi nước đừng chẩy".

Thế nhân cũng vậy, vì cơn khát ái sinh tử, uống nước ngũ dục, bị ngũ dục làm cho mệt mỏi, như người ngu uống nước đòi "sắc thanh hương vị xúc" đừng đến cho ta thấy nữa, nhưng năm trần vẫn tiếp tục hiện hành, bấy giờ nổi giận nói "đã nói chúng bay mau diệt trừ, sao cứ đến cho ta thấy hoài vậy". Bấy giờ có người trí chỉ dậy, "nếu muốn chúng đi, phải nhiếp lục tình, đóng tâm ý, vọng tưởng bất sinh liền đưọc giải thoát", hà tất do không muốn thấy chúng, mà cưỡng ép chúng không được sinh, giống như người ngu muốn nước ngưng chẩy vậy.

Lời Bình:

Thế nhân cũng giống như kẻ lữ hành này, đi lang thang vô định trong tam giới lục đạo, thấy sự vật bên đường ngừng lại hưởng thụ, rồi nhận vơ là của ta và nó hiện hữu để cho ta, nó thuộc sở hữu của ta và của riêng ta hưởng thụ. Kẻ nào cũng thấy như vậy, nên phát sinh tâm đấu tranh kịch liệt, không chút khoan nhượng để đòi quyền làm chủ, mà đâu biết rằng nó chẳng thuộc về ai cả, dù là kẻ thắng hay người thua. Xét cho cùng thì thắng hay bại đều thua, như lời đức Phật dậy "Thắng lợi sinh thù oán, thất bại chịu khổ đau" mà mọi vật vẫn lạnh lùng duy trì bản chất vô chủ của chúng, chúng thật sự chẳng là của ai, và chẳng trung thành với, mặc cho thiên hạ khởi tâm chiếm doạt, chúng vẫn đến đi theo nhân duyên, mà không có sự tính toán nào trói chân chúng được. Lại có đến muôn vàn thứ như giòng nước này trên con đường vô tận của tam giới, lục đạo, nên nhân sinh có đến ngàn vạn thứ đấu tranh giành đoạt, phát sinh đủ thứ thành bại, thịnh suy, đắc thất, khổ lạc, làm sao an được, làm sao chẳng có vô lượng phiền não…

Thế mới biết vì đâu mà Như lai khẳng định "Tam giới không an, y như nhà lửa", bởi vô lượng chúng sinh là vô lượng kẻ lữ hành trong ba cõi, nơi có đầy dẫy sự sự vật vật, mặc sức cho đám lữ hành tranh giành đốt cháy nhau. thậm chí còn vọng tưởng cho là người này là của riêng ta, hay kẻ nọ hiện hữu để thuộc quyền sử dụng của ta.

Thế nhân nào biết hết thẩy muôn sự và mọi người đều chẳng thuộc về ai, và họ hiện hữu cũng chẳng vì ai, mà chỉ vì hành nghiệp chiêu cảm nên hiện hữu. tất cả đều đến và đi, tắng và ái đều tùy thuận nhân duyên mà phát sinh. Cả cuộc đời lữ hành chỉ mải mê với những "giòng nước mát" ấy mà khổ não, vì mong được và sợ mất, vì muốn bỏ này lấy kia nơi các sự vật vốn "vô chủ".

Bậc trí rõ biết ba cõi chỉ là quán trọ, mọi vật đều "thuận kì tự nhiên", chẳng của ta mà cũng chẳng của ai, nên không khởi tâm sở hữu, nhờ vậy mà không sinh đấu tranh, không đấu tranh ắt xa lìa thắng bại, nên không đắc thất, không đắc thất tất không thủ xả, không khổ lạc. Không khổ lạc tất tâm thanh tịnh khinh an. Như lời đức Phật dậy:

Bỏ sau mọi thắng bại

Sống an bình tịnh lạc (Kinh Pháp cú).

Do tâm khinh an vô thủ xả nên tâm "thuận kì tự nhiên" đối với các sự vật "thuận kì tự nhiên", một cách "thuận kì tự nhiên", tâm này theo thuật ngữ của Thiền tông gọi là "bình thường tâm", đó là đạo vậy. Bình thường chính là ý chỉ của "thuận kì tự nhiên". Đối với nhất thiết sự vật và chúng sinh, không khởi tâm thủ xả nên không tắng ái, gọi đó là bình thường tâm, Thiền tông tam tổ Tăng Xán đại sư nói tâm thủ xả tắng ái là tử huyệt, là chướng ngại cho sự thể nhập vào đại đạo, ngài dậy "Chí đạo vô nan, duy hiềm giản trạch, đản mạc tắng ái, động nhiên minh bạch" (đạo cả không khó, chỉ bởi do thủ xả, nếu không tắng ái thì mọi sự đều rõ). Như vậy "chí đạo" của Tam tổ ấy chính là "bình thường tâm", vì "thuận kì tự nhiên" không còn giản trạch thủ xả nữa.

Thế nhân giống kẻ lữ hành nọ nhận vơ "giòng nước" hiện hữu vì mình, thuộc về mình, nên tâm bất bình thường hay gọi là "bất bình thường tâm" tức điên đảo mộng tưởng, vì vậy phát sinh như ý rồi không như ý trên cùng một sự vật. Sự vật đó trước sau không thay đổi vẫn tuôn chẩy, nhưng tâm bất bình thường đó bị giòng nước không thay đổi đó làm đổi thay.

Suy cho cùng giòng nước lưu động đó hằng bất động không có như ý hay không như ý, mà do tự tâm quên mất tính "vô sở hữu" và "thuận kì tự nhiên" của vạn pháp nên khởi tâm thủ xả, và lập tức có như ý khi hưởng và không như ý khi hết hưởng. Chính vậy mà Thiền tông lục tổ mới nói "tâm động" là nguyên nhân nhìn sai bản chất của sự vật, và là khởi đầu của mọi tranh chấp, dẫn đến các hệ quả đắc thất, khổ lạc, phiền não tạo tác đủ mọi thiện ác….nói chung là tác nghiệp.

Phàm nhân tìm lạc lánh khổ, trên sự thủ xả sự vật, họ mong mỏi mọi sự vật mà họ nhận vơ đều diễn biến theo ý muốn của họ, thuận thì lạc mà nghịch thì khổ khác nào kẻ lữ hành kia. Nay được bậc trí chỉ điểm "anh thực ngu si, nếu thật sự muốn tìm lạc lánh khổ thì hãy nên bỏ cái tâm bất bình thường, không "thuận kì tự nhiên" này, thì sự vật được yên mà anh cũng yên. Anh yên sự vật cũng yên đó là cảnh giới thanh tịnh an lạc, bởi anh yên là tâm và căn vô cấu, sự vật yên là trần vô uế".

Nói cách khác thay vì tìm an bằng cách đòi hỏi sự vật phải như tâm ý "bất bình thường" của ta, thì hãy đem tâm lìa sự vật để trở về với trạng thái ban sơ (bản giác), tất tâm an và cảnh cũng an. Vì vậy người trí nói "anh thực ngu si! Sao không bỏ đi nơi khác" tức xa lìa tâm thủ xả, đòi hỏi sự vật phải thế này hay thế kia, mà "cứ ở đây đòi nước ngừng chẩy" tức chẳng chút hay biết bản chất chân thật của sự vật vốn "thuận kì tự nhiên" mà không hề thuận theo sự đòi hỏi điên đảo của tâm thế tục. Thế cho nên có sân si hay tham dục cách mấy cũng không làm chủ hay như ý thực sự với vạn vật. Chỉ có "tâm bình thường" "thuận kì tự nhiên" là chẳng có chuyện như ý hay bất như ý, nên an lạc thanh tịnh. Nhờ vậy tâm không tổn hoại và vạn vật không bị hủy diệt.

Theo lời bàn của câu chuyện thì chúng sinh đối với mọi sự vật do tham dục, tâm thường thay đổi lúc ái lúc tắng, khi thủ khi xả, mỗi lần tâm đổi thay, họ muốn sự vật biến hóa theo, không được tất sầu khổ, sân hận. Khi được người trí khuyên "nếu muốn chúng đi, phải nhiếp lục tình, đóng tâm ý, vọng tưởng bất sinh liền đưọc giải thoát", nhiếp lục tình đóng tâm ý chẳng qua chỉ là thành quả của "bình thường tâm" tâm thuận kì tự nhiên.