Nếu bạn làm việc với mục đích so sánh hơn thua, tốt xấu với người khác, cuộc đời bạn sẽ khổ đau. Trong một lần thi mồn bơi lội tại đại hội thể thao Olympic, vận động viên Nhật giành giải nhất, Nga chiếm vị trí thứ hai và Mỹ thứ ba, phóng viên đến phỏng vấn người đoạt huy chương vàng đã hỏi: “Trong lần thi đấu này, vận động viên hai bên đều từng là những vô địch, phá kỷ lục thế giới, anh có biết không?”. “Thưa, tôi không biết”. “Thế anh có biết các đối thủ của anh đã bám rất sát anh trong khi thi đấu, thế anh có biết lúc vận động viên Nga còn vượt lên cả anh?”. “Thưa, tôi không biết. Tôi chỉ biết toàn tâm toàn lực để bơi, còn bơi cùng ai thì tôi không cần biết”. Điều đó cho thấy, khi bạn toàn tâm toàn ý cho công việc mình thì không nên so tính hơn thiệt.
Nếu bạn cố ý muốn so tính hơn thua với người khác, có thể bạn sẽ học theo cách làm của họ, nhưng liệu bạn có thể học theo và đuổi kịp họ trong lĩnh vực đó không? Con đường mình đi do chính mình nỗ lực, dù bạn đi nhanh chậm, tốt xấu thế nào thì nó mãi mãi là con đường của riêng bạn.
Còn nhớ hồi nhỏ tôi cùng bố đi trên con đường ven sông, thấy đàn vịt bơi bố nói “con thấy không, đàn vịt kia lớn có nhỏ có, con nào cũng bơi theo ý mình, con lớn sẽ bơi theo đường lớn, con nhỏ bơi theo đường nhỏ nhưng chúng đều có một điểm chung là bơi đến bờ bên kia, dù có con đến trước, con đến sau”. Câu chuyện đã cho tôi rất nhiều điều hữu ích, tôi hiểu rằng, con người sống cho mình, không nên so sánh với bất kì ai, chỉ cần dốc hết sức mình cho công việc mình đã chọn.
Trên đường đời dù bạn đi thế nào, chỉ cần bạn đi trên đôi chân của mình, trên con đường mình đã chọn thì con đường kia mãi là con đường của riêng bạn.
Tôi là người đầu tiên nêu ra khái niệm “Bảo vệ môi trường tâm linh” tuy nhiên có người không những đã làm điều đó mà còn làm rất tốt, tôi không cần phải so sánh ai làm tốt hơn, chỉ biết rằng tôi rất thích mọi người cùng tôi thực hiện tốt điều này. Từ điểm này chúng ta nhận ra một điều rằng con đường mình đi người khác cũng có thể đi và ngược lại con đường người khác đi mình cũng đã đi rồi! Điều quan trọng bạn cần nhớ so sánh với người khác sẽ là nguyên nhân của đau khổ. Tận lực tận tâm với công việc là thái độ làm việc tốt nhất!
Tuy nhiên so sánh không hẳn là điều không tốt. Ví dụ, chúng sinh thấy Phật đã thành Phật hoặc một người nào đó tu hành, gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp, họ có đủ trí tuệ và từ bi; nhìn lại bản thân chúng ta chưa làm được điều gì có ích cho mình, cho người, chúng ta thấy hổ thạn mà tự phát nguyện nỗ lực tinh tấn. 5
Theo tinh thần đó chúng ta nên có thái độ học hỏi “kiến hiền tư tề” . Ngoài ra Phật pháp còn nói đến “tứ chính cần” . Tứ chính cần trong 37 phẩm trợ đạo giúp chúng ta phát huy ưu điểm của so sánh trong quá trình tu tập.
Khi nghe người khác nói vị kia tu hành tốt, người kia có kiến thức uyên thâm thì chúng ta không nên khởi tâm so tính hơn thua, đố kị, mà nên thấy xấu hổ vì mình không bằng họ để giúp mình cố gắng hơn.
Trong tác phẩm “khuyên nhau tu hành” của các đệ tử hội Pháp Cổ Sơn có câu “tốt nhất hãy tận tâm tận lực, không nên so sánh anh ít tôi nhiều”, ý muốn nói: bạn hãy làm tốt công việc của bạn, không nên so sánh với tôi, nếu không bạn không những làm tổn thương người khác mà bản thân bạn cũng thành người bị hại.