Home > Khai Thị Phật Học > Than-Tam-Chung-Sanh-Trong-Vong-Nghiep-Bao
Thân Tâm Chúng Sanh Trong Vòng Nghiệp Báo
Thượng Tọa Thích Phổ Huân


Từ xưa đến nay, hay gọi đúng hơn từ vô thỉ, từ lúc con người mới vừa xuất hiện cho đến bây giờ, con người vẫn cứ chạy tìm cuộc sống, chạy tìm vật dưỡng, vật nuôi khắp mọi hoàn cảnh thế gian. Hoàn cảnh khung trời nào, con người cũng mãi tìm kiếm, rồi giữ gìn đủ thứ loại gì con người có được. Từ những việc nhỏ cho đến việc lớn; dạng thể hình thù vật chất nào hễ sử dụng được, nuôi thân được là con người tìm cách sở hữu để tồn tại. Cho đến lúc con người ý thức được sự hưởng thụ bằng tinh thần, bằng giác quan tinh tế, con người lại càng tăng thêm lòng ham giữ. Giữ tất cả để được nghe, được gọi là quan niệm sống, tư tưởng sống, lý sống, nghĩa sống, ý thức hệ; và phổ quát hơn nhưng lại bảo thủ hơn: dân tộc tính, văn hóa nước nhà nước ta, nước người, nhân sinh quan của nhân loại, vũ trụ quan của con người v.v…

Nhưng tất cả rốt cuộc, xét cho cùng con người vẫn không ra khỏi cái mà con người đang có đang là. Con người đang có là một hình hài tương đối, không thể vượt qua ngoại cảnh môi trường thời tiết thiên nhiên. Dù con người có văn minh so với ngày xưa rất nhiều, nhưng nền văn minh vật chất không thể hứa hẹn tồn tại bao lâu, một khi gặp phải thiên tai địa chấn. Lịch sử đã ghi lại nhiều nạn động đất, chỉ trong vài giờ phá hủy giết mất hàng trăm ngàn con người, và biến đi một thành phố đang phồn thịnh trở thành bãi tha ma hoang địa.

Rồi cứ sau những trận kinh hoàng đau thương như vậy, số người sống sót quay lại tái dựng sửa sang những đổ nát còn thừa sau biến cố; rồi bắt đầu lập lại cảnh sống, tiếp tục tư duy quan niệm theo bản tính cố hữu, nhưng chung quy lại tiếp tục tranh giành sự sống với nhau.

Nếu ngoại vi hoàn cảnh môi trường sống của con người không thể an toàn gìn giữ được, thì ngay chính thân hình vật chất con người lại càng mỏng manh giả tạm chẳng có gì đáng nói.

Con người và đời sống cảnh vật tương quan rất mật thiết; nếu không liên hệ tương quan với nhau, thì con người đã tự diệt mất lấy mình. Chẳng hạn con người có mặt trên hành tinh xanh này, sống được là nhờ môi trường phù hợp với cơ thể của loài người; ngược lại ở các hành tinh khác con người sẽ không sống được, chẳng hạn như Hỏa Tinh.

Như vậy sự liên hệ, tương quan giữa vật chất, hoàn cảnh và sinh vật trên địa cầu này theo nhà Phật là một nghiệp báo. Có nhân tức có quả; quả báo đó sai biệt là do nhân sai biệt. Nhưng nhân quả đó đúng nhất là do sự tham dục sinh ra. Tham dục là tham sống bằng hình thái cơ thể vật chất sinh lý, vật lý, gồm có sinh hoạt ăn uống, chung đụng với nhau. Thế giới chúng ta đang sống ở đây, theo giáo lý Phật dạy là thế giới dục ái, cho nên chẳng lạ gì, tất cả đều tìm kiếm đời sống vật chất ái dục mà tồn tại. Vì thân do nghiệp ái dục sinh ra, nên thân thể phải như thế này, không thế khác! Thế khác là hình ảnh có thể xinh đẹp sáng sủa hơn. Theo kinh dạy cõi trời xinh đẹp hơn thế giới chúng ta; nơi đó hoàn cảnh không lồi lõm núi non hiểm trở; không có rác rến vứt bỏ bên đường, không có phân dãi, không có xác chết sình thối, và không có kẻ ăn mày ăn xin đầu đường xó chợ.

Hoàn cảnh cõi trời vừa kể, đương nhiên làm ta phải nghĩ đến hình thù chúng sinh nơi đó. Họ thế nào, ra sao?

Một cách khoa học và nhân quả, nhân thế nào quả thế đó. Hoàn cảnh của họ (thiên giới) xinh đẹp vi tế, làm sao thân thể họ giống chúng ta được. Trước tiên đoán rằng thân hình họ không có hôi thối như ta; nghe kinh dạy, bao giờ một vị trời ngửi được mùi hôi của mình, nghĩa là thọ mạng sắp lâm chung. Không như con người, phải chịu đựng bệnh hoạn liệt giường liệt chiếu, hôi hám đau khổ; đau khổ lây hết cả người trong gia đình; và khi chết hôi thối còn khủng khiếp nữa. Phải chôn ngay, đốt ngay, không còn tình cảm, không mong muốn gìn giữ nữa, dù kẻ đó là người thương yêu nhất trên đời.

Hình thể chúng sanh ở cõi trời phải là trong sáng tươi đẹp, phù hợp theo cảnh trí như pha lê trong suốt. Nhưng rồi cũng chẳng khác chúng sanh ở trên mặt địa cầu; chẳng khác việc sinh tử, chẳng khác chuyện buồn sầu phiền não tham sân si. Họ chỉ có nghiệp báo nhẹ hơn chúng ta; nên thanh tú trong sạch trang nghiêm, chứ họ vẫn còn đầy đủ bản tánh của một chúng sanh chưa giác ngộ, chưa giải thoát. Nhân nghiệp họ đã tạo bấy nhiêu, thì quả cũng không vượt khác hơn được. Nhân của cõi trời là thập thiện, thì quả chỉ hưởng lạc thú ở từng trời mà thôi, chứ không thể giải thoát.

Con người cũng vậy, nhân chỉ cao lắm là ngũ giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, thì quả chỉ là cõi người cao sang giàu có hoặc chỉ cần sống lương thiện, tuy chưa biết ngũ giới, nhưng biết giúp người thương vật, cũng sanh được cõi người. Và nhờ cái nhân giúp người thương vật, thành ra có khi phạm các tội khác, mà vẫn còn đủ phước sanh làm người. Trường hợp này ta thấy trên thế giới ngoài những người giàu có, còn rất nhiều người nghèo khổ là vậy. Tuy nhiên vẫn còn hơn con vật, hay cảnh giới ngạ quỷ địa ngục. Do con người có khổ nhưng nhân duyên phước báo học đạo, hay thức tỉnh hồi đầu làm thiện có được đầy đủ. Chứ cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh sẽ không bao giờ có cơ hội. Như thế thân tâm con người đã tạo ra cảnh trí, đã tạo ra hình thể chính mình, đó chính là nghiệp báo mà con người đã hành động trong vô số quá khứ kiếp.

Thế thì so sánh đời sống từ xưa, thời còn hoang dã, đến cảnh sống văn minh ngày nay, thực tế đều thấy, có sự thay đổi tiến bộ; có một đời sống cao sang sung sướng hơn xưa rất nhiều, trên mặt hưởng thụ vật chất. Nhưng chẳng có thay đổi về mặt đời sống tâm linh thánh thiện, hướng đến tình thương, tình đồng loại hòa ái với nhau; hay nói cụ thể thiếu vắng nền hòa bình toàn diện trên địa cầu.

Vậy ngày nay ngày xưa cái khổ vẫn còn nguyên vẹn, con người vẫn đã và đang đau khổ, vì không giải quyết được gì! Nếu giải quyết được hoàn cảnh vật chất sống, thì ngược lại tinh thần vẫn nhiều phiền muộn buồn đau khủng hoảng. Có thể khẳng định rằng, ngày xưa ít đau khổ tinh thần hơn ngày nay; ngày nay tinh thần đau khổ là do tự hào với nền văn minh vật chất, mà vẫn không hạnh phúc với văn minh vật chất đó, cho nên phải đau khổ ngay trên sự thành đạt văn minh vật chất.

Xét cho cùng thân tâm con người ở thế gian còn trong dục giới, chỉ là như thế không thể khác được; mà việc không thể đó là do không tìm hiểu cảnh giới nghiệp báo từ tâm chiêu cảm ra.

Nghiệp là hành động tích lũy từ đời trước, nói đơn giản là vậy; nhưng nghiệp thành nghiệp, thành nhân hiện quả, là phải có tác động nơi tâm, nghiệp mới thành nghiệp, nếu không sẽ thành vô ký, không thiện không ác, hay thế gian gọi là vô tình không có cố ý chủ tâm. Như vậy nghiệp thành hình đầu tiên là do tâm phát khởi tác động; nói rõ hơn tâm khởi nên nghiệp khởi. Do đó nói nghiệp là hành động tích lũy từ đời trước, chính là nói về tâm đã phát khởi từ đời trước, đời trước nữa; cho nên tâm khởi thành nghiệp tác động, và đi mãi đến đời nay chịu quả. Thế thì nói nghiệp báo là nói quả báo do hành động, do tâm đã tác tạo từ quá khứ mà ra.

Thân tâm chúng sanh do tâm niệm còn vô minh ái dục, nên nghiệp báo phải liên hệ nhân duyên cõi dục; là cõi vật chất thô phù ô nhiễm hợp với tâm tham muốn gìn giữ đấu tranh bảo thủ là đương nhiên. Điều này gọi là nghiệp báo, không thể đổ thừa ai được; chẳng hạn sống trong cảnh nghèo thiếu kém, dễ sanh tâm tham; và tham thì cũng tham vừa phải theo hoàn cảnh của mình, chứ không thể hiểu biết thêm cảnh giới khác để sinh tham nhiều hơn. Nếu sinh vào cảnh giàu tâm vẫn tham, tham phức tạp hơn, nguy hại hơn. Vậy khi chưa ra khỏi dục giới, là cảnh giới do quả báo từ nghiệp tham ái tạo ra, nên sinh vào cảnh nào cũng không thoát khỏi tâm tham.

Do tâm tham sinh sân giận si mê, kết chặt với nhau gọi là tam độc, hoặc nói cho gọn là Tâm độc cũng chẳng sai, vì tất cả xuất phát từ tâm. Tâm mà độc làm sao thế giới có thể yên ổn, thanh bình trong sáng như pha lê, như cảnh trời hay cảnh Thánh được. Thảo nào thế giới chúng ta phải đối đầu đủ chuyện, cũng là do từ tâm niệm quá khứ hiện tại sinh ra.

Chúng ta hay đổ thừa, than thở mọi chuyện trên đời là do nghiệp báo, nhưng thử hỏi nghiệp báo do đâu sinh? Câu trả lời là do chính ta! Ta là ai? Ta là tâm! Là tích lũy, huân tập vô số hành động; là ham vui, là chẳng suy nghĩ từ bao giờ không biết, nên thành si mê gọi là vô minh tác nghiệp trở thành nghiệp báo.

Hết thảy người sống trên địa cầu, nghiệp báo đã tạo thật là khủng khiếp; khủng khiếp cụ thể là hiện quả một cộng nghiệp kết duyên thành một thế giới riêng biệt, thế giới Ta Bà đau khổ này! Trên mặt hiện tượng nhân sinh, chúng ta đồng ý rằng có vui có khổ, có hưởng thụ vật chất và một ít tinh thần cao thượng; nhưng trên mặt thực tế chân lý giải thoát, thì mọi thứ (pháp) hữu vi đều sinh diệt, đều hiện bốn tướng Thành Trụ Hoại Không. Hiện tướng chân lý này là một thực tế rõ ràng, mà hễ là con người đều chứng kiến cảnh sanh già bệnh chết. Tuy nhiên nhận thức hiểu được chân lý, chỉ là do hiểu được giáo pháp Như Lai. Không hiểu giáo pháp Như Lai, chúng ta đã không bao giờ thấu hiểu sự thật này, do đó phải đành gọi là nghiệp báo tự bao giờ mà chẳng biết.

Khác với chúng sanh, Bồ Tát và Chư Phật hiện hữu ở thế giới nào chỉ gọi là thị hiện chứ không phải nghiệp báo; còn nghiệp báo là còn qua lại thế giới sinh diệt trong ý thức trả vay, đền đáp. Trường hợp nghe một Bồ Tát phải hy sinh thọ mạng cho chúng sinh, thì đó chỉ là quan niệm nhận xét của phàm nhân, chứ đối với chư vị, chỉ là con đường phải đi của một Bồ Tát. Tương đối thí dụ, như cha mẹ buộc phải thương con, và con cái trẻ nhỏ hay gần gũi cha mẹ.

Tóm lại nghiệp báo chúng sinh ở cõi Ta Bà, là cộng nghiệp chung của ý thức vọng tình sinh diệt chưa giải thoát; nghiệp báo riêng của từng người ở thế gian gọi là biệt nghiệp, dù có vật chất giàu sang, hay thiếu thốn nghèo nàn, tất cả cũng mỏng manh phù du giả tạm, bởi vì nền tảng thọ báo vẫn còn là nghiệp lực phàm phu chưa chứng Thánh. Cho nên cộng nghiệp chung không ra khỏi luân hồi đau khổ. Trừ những chúng sanh muốn học hạnh Bồ Tát, học pháp Như Lai, ý thức biết sợ hãi nghiệp báo, sợ nhân quả sinh diệt, nghĩa là sợ luân hồi; vì sợ nên không tạo nhân vay trả, chỉ tạo nhân giải thoát.

Kết lại thân tâm nghiệp báo của chúng sinh còn trong cõi Ta Bà không ngoài ý thức sinh diệt, đang luôn thọ nhận những gì trong quá khứ trả vay; và giáo lý giải thoát của Như Lai, là nhân nghiệp giải thoát hiện tại, hướng đến quả báo bất sinh bất diệt tương lai. Như thế dù đang sinh sống với nghiệp báo hình thành trong thế giới thực tại, chúng ta vẫn còn đầy đủ nhân duyên thực hành giáo lý giải thoát.

Cầu nguyện tất cả chúng sinh sớm được giải thoát luân hồi sinh tử.

Nam Mô A Di Đà Phật

2008