Về lĩnh vực y học, bất luận Tây y hay Đông y, khi đối diện với các nỗi bệnh khổ của con người đều có những căn bệnh không thể chữa khỏi. Cho nên, chúng ta hay nghe nói về những bệnh nhân mắc nhiều chứng quái lạ, dù có chữa trị bằng phương pháp nào đi nữa vẫn không thể khỏi được.

Bệnh tật có thể chia thành hai loại lớn là thân bệnh và tâm bệnh. Người xưa có câu “bệnh tùng khẩu nhập” (bệnh từ miệng vào). Phần lớn thân bệnh đều do ăn các loại thức ăn chứa nhiều độc tố mang lại, có lúc bệnh còn lây qua tai, lây qua mắt, lây qua da... Nói cách khác, chỉ cần chúng ta thiếu ý thức vệ sinh, không biết cách điều tiết trong ăn uống đều dễ dẫn đến tật bệnh.

Tâm bệnh con người do sáu căn tiếp nhận sáu trần mang lại. Sáu căn chỉ mắt, tai, mũi, miệng lưỡi, thân và ý. Tâm bệnh đi vào theo sáu đường dẫn trên, tức sáu căn nói trên, một khi bị tâm bệnh, chúng ta cần tìm đến bác sĩ tâm lí để chữa trị.

Tuy nhiên, đó chỉ là sự phân chia thân và tâm một cách gượng ép chứ thực tế thì thân tâm ảnh hưởng lẫn nhau. Thân bệnh có thể dẫn đến tâm bệnh, ngược lại tâm bệnh cũng dẫn đến thân bệnh.

Hiện nay các phương pháp chữa trị thân bệnh, tâm bệnh theo Đông y, Tây y đều dựa vào việc chiết xuất tinh chất trong động thực vật có tính chữa trị cũng có thể chữa trị bằng cách châm cứu, bấm huyệt, massage, ... nhưng đấy chỉ là những cách chữa trị ngọn chứ không phải là cách chữa trị tận gốc. về mặt y tế dự phòng, người ta cũng chỉ hạn chế việc duy trì môi trường sống vệ sinh sạch sẽ, khuyến khích sống đúng khoa học, tiết chế ăn uống, nâng cao thể chất bằng cách luyện tập thể dục thể thao... nhưng vẫn chưa quan tâm, chú ý đúng mức về cách bảo vệ tâm bệnh của con người.

Thậm chí cả bác sĩ tâm lí cũng thế. Thông thường họ chỉ hỏi bệnh nhân về môi trường hoàn cảnh sống trước đây thế nào, kinh nghiệm sống ra sao, có biểu hiện bất thường gì về tâm sinh lí không rồi hướng dẫn cách chữa trị, hóa giải. Đây quả là cách chữa trị hay mang lại hiệu quả nhất định, có thể tạm thời trì hoãn bệnh tình của bệnh nhân nhưng rốt cục vẫn chưa thể chữa trị tận gốc tâm bệnh.

Trong các học trò học thiền với tôi có nhiều vị là bác sĩ tâm lí hoặc nhà tâm lí học. Họ thường giúp người bệnh chữa trị, giải thích căn nguyên tật bệnh nhưng bản thân họ lại mắc phải nhiều chứng tâm bệnh nghiêm trọng. Có người mời các bác sĩ tâm lí nổi tiếng khác chữa trị cho mình vẫn không hiệu quả, vì thế họ đến tìm tôi, mong rằng tôi sẽ dạy thiền để giúp họ chữa trị tâm bệnh.

Chúng ta thường gắn liền hai từ bệnh và khổ vào nhau. Nhưng đau khổ do tật bệnh mang lại thuộc lĩnh vực tâm lí hay sinh lí? Thoạt nhìn, đấy dường như thuộc về thân bệnh, vì thân có bệnh, cảm thấy đau đớn nên mới thấy khổ. Thực ra, đau không có nghĩa là “khổ”, vì khổ là cảm nhận về mặt tâm lí của người bị thân bệnh lâu ngày nhưng không cam tâm nghĩ rằng mình đang bệnh. Họ không còn hy vọng, không biết làm thế nào để thoát khỏi tình trạng đó. Nếu tâm lí khổe mạnh, có niềm tin, có quan niệm khoáng đạt, đúng đắn thì thân bệnh bất quá chỉ mang lại cảm giác đau chứ chúng vẫn chưa phải là vấn đề gì nghiêm trọng, trong lòng vẫn chưa thấy gì là khổ cả.

Có một vị cư sĩ mắc chứng ung thư giai đoạn cuối, vô cùng đau khổ, nhưng do vị này có niềm tin mãnh liệt vào Tam bảo, nên tuy đau đớn nhưng không thấy khổ. Trước lúc lâm chung, vị đó còn tỉnh táo niệm danh hiệu Phật Di Đà. Do tìm được cho mình hướng đi của tâm hồn nên vị đó vui vẻ xả bỏ báo thân một cách nhẹ nhàng, điều đó cho thấy hiệu quả thần diệu của niềm tin vào Phật giáo.

Trong vô số danh hiệu Phật có một vị Phật tên là Vô Thượng Y Vương (thầy thuốc bậc nhất). Vị đó là bậc thầy trong các bậc thầy về trị bệnh cho chúng sinh, ngài trị khỏi cả thân bệnh lẫn tâm bệnh. Cho nên chỉ cần chúng ta có niềm tin vào Phật thì bất luận ai, mắc phải bệnh gì đều có thể giảm bớt đau khổ khi họ biết gửi trọn thân tâm mình cho niềm tin vào Phật pháp. Chỉ cần chúng ta trút bỏ gánh nặng tâm bệnh thì thân có bệnh đi chăng nữa vẫn sẽ giảm nhẹ đi rất nhiều, đây chính là một trong những công năng cứu khổ cứu nạn của đạo Phật.



Trích từ: An Lạc Từ Tâm