Có người hỏi Thiếu sư rằng: “Phật là người Hồ, đạo của ông ấy gây hại cho Trung quốc đã lâu lắm rồi, há chẳng nên diệt đi hay sao?” Thiếu sư Đáp: “Phật Pháp không thể diệt được.”
Người kia nghi ngờ Hỏi: “Là đạo của người Hồ, tại sao không thể diệt được?”
Thiền sư nói: “Chẳng những không thể diệt, mà còn là không ai có khả năng diệt được.”
Người kia nói: “Phật pháp làm gây hại cho Trung quốc còn quá hơn nạn nước lụt, nắng hạn, nếu như không thể diệt, chẳng lẽ để cho phát triển mãi sao? Ví như nạn nước lụt còn có cách đối trị, làm cho nước rút đi; như nắng hạn cầu đảo được linh ứng cũng có thể dứt trừ. Phật cũng là người, nếu gặp người có thế lực ắt sẽ trừ diệt được.”
Thiếu sư cười đáp rằng: “Về những người có thế lực, ông chẳng nghe chuyện của ba vua Võ và Huy Tông nhà Tống hay sao? Nếu có diệt rồi cũng sẽ hưng thạnh lại. Chẳng những hưng thạnh lại mà còn phát triển mạnh hơn nữa! Vả lại, dù là người có thế lực diệt được, chẳng qua cũng chỉ diệt ở nơi họ cầm quyền mà thôi, làm sao diệt được khắp trong trời đất?”
Người kia lại Hỏi: “Người có thế lực không diệt được, thì trời có diệt được chăng?”
Đáp: “Trời có thể diệt, nhưng thật không dám diệt.”
Hỏi: “Lời ngài nói sao quái gở vậy? Vì sao mà trời lại không dám diệt?”
Đáp: “Như đạo Khổng và đạo Lão bắt chước theo trời, nên chẳng dám trái với trời. Còn đạo của Phật, các vị trời đều kính cẩn làm theo, sao dám nói đến chuyện diệt đi? Vì sao vậy? Khi Phật còn trụ thế, các vị Phạm vương, Đế thích, chư thiên đều đã từng đối trước Phật phát nguyện lớn rằng: ‘Chánh pháp ở đâu thì chúng tôi đều xin đến đó bảo vệ, ủng hộ.’ Sao dám nói đến chuyện diệt pháp? Nếu nói về thần lực của chư thiên thì có thể diệt được. Một khi các vị hóa hiện những nạn sấm sét, lửa cháy, tật dịch khắp cõi thế giới từ trong đến ngoài, như chỗ nào có Giáo pháp, Tăng chúng, chùa am đều làm cho tiêu tán hết đi thì cũng chẳng khó gì! Nhưng chư thiên vốn hết lòng kính cẩn làm theo Giáo pháp của
Phật còn sợ là chưa đủ, sao dám nói đến chuyện diệt phá?”
Lại Hỏi: “Cứ như lời ngài dạy thì Phật pháp quyết không thể diệt mất. Vậy dám xin ngài giảng giải tường tận cho tôi nghe.”
Thiếu sư nói: “Được, ta sẽ nói đây, vậy ông hãy lắng nghe. Đức Phật là bậc thánh nhân xuất thế gian ở phương Tây. Ngài sanh tại thành Xá vệ, trong dòng vua Tịnh phạn. Năm hai mươi chín tuổi từ bỏ ngôi vua mà xuất gia, lên núi Tuyết sơn tu đạo, trải qua sáu năm khổ hạnh, sau mới tu thành Chánh giác. Khi ấy khắp cõi đất đều chấn động. Ngài thường lấy tâm từ bi thương yêu tất cả chúng sanh như con một của mình, dạy cho họ bỏ ác làm lành, lìa khổ được vui, đạt đến trí huệ hiểu biết tất cả. Huống chi, Phật giáo hóa chúng sanh không có lòng mong cầu. Ngài đã bỏ ngôi vua mà xuất gia nên chẳng phải mong cầu phú quí. Trải qua sáu năm khổ hạnh, tu tập tinh cần mới chứng đạo, nên chẳng phải vì cầu lợi dưỡng. Đã không có chỗ mong cầu nơi người khác, chỉ giáo hóa người khác làm việc lành, vậy có thể gây hại cho Trung quốc được sao? Lời nói không hiểu biết của ông thật là quá đáng lắm!
“Bậc thánh của thế gian như Khổng tử, nếu được gặp Phật ắt đã phải tôn làm thầy rồi! Ông chẳng nghe chuyện đức Khổng tử thờ các vị Lão Đam, Đàm tử, Trường Hoằng, Sư Tương làm thầy đó sao? Phải biết rằng, các vị ấy làm sao bằng Phật được? Huống chi đạo lớn của Phật, nước chẳng thể trôi, lửa chẳng thể cháy, gông cùm chẳng thể giữ, gươm đao chẳng thể đâm, thuốc độc không thể làm hại; đạo ấy sanh mà chẳng sanh, chẳng sanh mà sanh, diệt mà chẳng diệt, chẳng diệt mà diệt, ở nơi phàm không giảm bớt, ở nơi thánh cũng chẳng tăng thêm, dường như hư không, vậy làm sao mà diệt được?
Kìa những kẻ như Hàn Dũ đời Đường, Âu Dương Tu đời Tống, dùng những lời rỗng tuếch mà muốn hủy diệt đạo Phật, khác gì chim tinh vệ muốn lấp biển Đông, kiến vàng muốn đào hang chôn núi Thái, thật đáng chê cười là không biết tự lượng sức.”
Người kia nghe lời giảng giải, ra vẻ hổ thẹn, liền bái tạ mà lui. Nhân đó mới viết ra bài luận này.