Home > Khai Thị Phật Học
Quả Báo Của Không Sát Sanh
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Viên Đạt, Việt Dịch


Kinh văn: “Long vương! Nhược ly sát sanh, tức đắc thành tựu, thập ly não pháp. Hà đẳng vi thập? Nhất, ư chư chúng sanh phổ thí vô úy. Nhị, thường ư chúng sanh khởi đại từ tâm. Tam, vĩnh đoạn nhất thiết sân khuể tập khí. Tứ, thân thường vô bệnh. Ngũ, thọ mạng trường viễn. Lục, hằng vi phi nhân chi sở thủ hộ. Thất, thường vô ác mộng, tẩm giác khoái lạc. Bát, diệt trừ oán kết, chúng oán tự giải. Cửu, vô ác đạo bố. Thập, mạng chung sanh thiên.”

Trong tất cả Kinh luận, chư Phật Bồ Tát không ngừng nói cho chúng ta biết sát sanh là điều nghiêm trọng nhất ở trong ác nghiệp, quả báo cũng là khổ nhất. Tuy trong bộ Kinh này chỉ nói lợi ích và điểm tốt của không sát sanh, nhưng chúng ta nên hiểu rằng, tuy Phật không có nói quả báo của sát sanh, nhưng ngược với mười loại ly não pháp này chính là quả báo sát sanh. Trước đây, Ngẫu Ích Đại Sư vì chúng ta đã làm công việc này, Ngài nói sát sanh có mười loại ác báo, không sát sanh có mười loại thiện báo, Ngài đều viết ra từng điều từng điều. Chúng tôi cho phần này vào phần sau của bộ Kinh này, quí vị có thể tham khảo. Trước tác này của Ngẫu Ích Đại Sư có thể bù đắp vào phần chưa đủ của Kinh văn. Quả thật mà nói, Kinh văn là đầy đủ rồi, nhưng người đọc Kinh chúng ta thường thường không thể hội được nên tổ sư đã giúp chúng ta. Vì vậy sát sanh nhất định phải đoạn trừ, phải đem ý nghĩ này trừ bỏ từ trong tâm mới gọi là chân thanh tịnh.

Phần trước, Phật nhiều lần dạy chúng ta ngày đêm phải thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp, không cho phép mảy may bất thiện xen tạp. Nếu như không sát sanh chúng ta làm được rồi, nhưng trong ý nghĩ vẫn không thanh tịnh thì đó gọi là xen tạp.

Trong giới luật của Đại, Tiểu thừa, giới của Tiểu Thừa thì luận sự không luận tâm, giống như pháp luật thế gian chúng ta xử án vậy, nhất định phải có chứng cứ thực tế. Ví dụ sát sanh, quả thật là bạn đã giết chúng sanh thì mới có tội, nếu như trên thực tế không có giết thì không phạm tội, bạn khởi tâm động niệm muốn giết họ nhưng chưa có giết thì không phạm tội. Còn trong pháp Đại thừa thì không như vậy. Pháp Đại thừa là luận tâm không luận sự. Trong tâm bạn khởi ý nghĩ muốn sát hại chúng sanh này thì tội này liền thành lập. Từ đó cho thấy, ở trong thiện pháp của Tiểu thừa có xen tạp bất thiện, trong thiện pháp của Đại thừa hoàn toàn không cho phép xen tạp bất thiện. Ý nghĩ chính là bất thiện, ý nghĩ còn không có thì làm gì có hiện hành? Dứt khoát không thể có hiện hành. Chúng ta phải từ chỗ này mà bồi dưỡng thiện tâm chân thật của mình. Nhưng việc này thì rất khó, khó ở chỗ nào vậy? Chúng tôi ở trong các buổi giảng thường nói:

Thứ nhất, bản thân chúng ta phiền não tập khí quá nặng, khi nhìn thấy sự việc bất như ý, đặc biệt là chúng sanh đối với mình bất lợi thì ý nghĩ sát hại này liền khởi lên rồi. Điều khác nữa là tâm tham, nhìn thấy những động vật nhỏ này là muốn ăn nó rồi, đây thuộc về tâm tham. Tâm tham là bạn ưa thích nó, muốn ăn nó. Cho nên, bạn yêu nó cũng giết nó, hận nó cũng giết nó. Đây là tập khí phiền não từ vô thỉ kiếp đến nay và cũng là một nhân tố làm bạn không có cách gì dứt ý nghĩ sát hại chúng sanh.

Thứ hai là không hiểu rõ chân tướng sự thật. Đây là thuộc về vấn đề giáo dục, đặc biệt là giáo dục thánh hiền.

Nhà Nho nói không nghiêm khắc bằng Phật pháp, nhưng chúng ta cũng thường đọc thấy ở trong sách Nho: “Quân tử nên xa nhà bếp, nghe tiếng kêu gào mà không nhẫn tâm ăn thịt nó”. Hay nói cách khác, điều mà Nhà nho tán thành là ăn tam tịnh nhục: không nhìn thấy giết, không nghe thấy giết, không phải vì ta mà giết. Đây là thánh hiền của thế gian. Thánh hiền ở trong tôn giáo cũng chú ý đến vấn đề này. Ở Singapore, tín đồ Hồi giáo thì rất nhiều, các nước láng giềng chúng ta như Malaysia, Indonesia đều là quốc gia Hồi giáo. Bạn thử xem, trong Kinh Coran nói: “Tể sát súc sanh đều phải có thầy truyền giáo đi cầu nguyện chúc phúc. Thịt súc sanh chưa được thầy tế chúc phúc thì không được ăn”, ở trong đây đều là có tâm thương yêu và lòng nhân từ. Phật pháp nói rất rốt ráo, không ăn thịt chúng sanh. Phật dạy mọi người ăn tam tịnh nhục là bất đắc dĩ, tại sao vậy? Năm xưa Phật còn tại thế, phương thức sống của các Ngài là khất thực. Phật pháp thường nói: “Từ bi vi bổn, phương tiện vi môn”, quyết không nên làm cho tín đồ thêm phiền phức! Tín đồ ăn cái gì thì cúng dường cái ấy, dứt khoát không có phân biệt, không có chấp trước, vậy mới là ăn tam tịnh nhục.

Sau khi Phật giáo truyền đến Trung Quốc, chế độ hành khất tiếp nhận sự cúng dường của tín đồ ở Trung Quốc không được lưu hành. Phật giáo thời kỳ đầu truyền đến Trung Quốc, những cao tăng đại đức Ấn Độ là do quốc gia cúng dường. Thời gian lâu sau, quốc vương đại thần, bá tánh phổ thông đều biết cúng dường tam bảo. Nhưng vào thời kỳ đầu, đệ tử Phật vẫn còn ăn tam tịnh nhục, sau này Lương Võ Đế đề xướng và vận động ăn chay. Niên đại này thì tương đối muộn. Lương Võ Đế đọc Kinh Lăng Già, trong Kinh Phật nói: “Bồ Tát từ bi không nhẫn tâm ăn thịt chúng sanh”.

Lương Võ Đế đọc đến đoạn Kinh văn này thì rất cảm động, thế là tự ông liền không ăn thịt nữa. Ông là đại hộ pháp trong nhà Phật, ông đề xướng ăn chay, cho nên hai chúng đệ tử xuất gia nhà Phật chúng ta lập tức liền hưởng ứng. Cho nên ngày nay, quí vị nên biết, Phật giáo trên toàn thế giới chỉ có Phật giáo Trung Quốc là ăn chay. Chúng ta đi du lịch đến quốc gia khác, nhìn thấy Phật giáo không ăn chay thì không nên cảm thấy kỳ lạ. Chúng ta cảm thấy họ rất kỳ lạ, họ cũng cảm thấy chúng ta rất kỳ lạ, cho nên chúng ta phải biết cội nguồn của lịch sử.

Ăn chay chắc chắn có lợi ích. Tại sao vậy? Vì thật sự “vĩnh ly sát sanh”. Những người đồ tể tại sao giết hại chúng sanh để bán thịt vậy? Bởi vì có người ăn. Nếu như thế gian này không có người ăn thịt chúng sanh thì nghề này sẽ không còn nữa. Từ đó cho thấy, dù cho chúng ta ăn tam tịnh nhục, nhưng tâm của chúng ta không thanh tịnh, nghiệp không thanh tịnh. Chúng ta thử nghĩ xem, những người đồ tể kia hằng ngày sát sanh, chúng ta là người ăn thịt, là khách hàng của họ thì chúng ta cũng có một phần trách nhiệm, không thể trốn tránh được. Cho nên, chúng ta phải hiểu rõ ăn chay chắc chắn có lợi ích.

Ở trong mười điều ly não Pháp, chúng ta hãy xem từng điều một. Mười loại ly não pháp (“não” là phiền não) bao gồm:

Thứ nhất: “Ư chư chúng sanh phổ thí vô úy”. Công đức này là không thể nghĩ bàn. Phật dạy Bồ Tát, Phật dạy tất cả đại chúng không có gì khác ngoài việc bố thí, từ đầu đến cuối chính là hai chữ “bố thí”. Bạn có thể hành bố thí thì bạn chính là Bồ Tát, bạn chính là Phật Đà; bạn không thể hành bố thí thì bạn chính là phàm phu. Sự khác biệt giữa phàm phu với Phật là ở chỗ này. Pháp Bồ Tát sáu Bala mật, điều đầu tiên là bố thí. Ở trong bố thí có ba loại là bố thí tài, bố thí pháp và bố thí vô úy. Năm điều phía sau là trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và Bát nhã. Quí vị thử xem thật kỹ, năm loại này đều có thể quy nạp vào trong bố thí. Trì giới là bố thí vô úy, nhẫn nhục là bố thí vô úy. Vô úy là khiến tất cả chúng sanh thân tâm an ổn, không có sợ hãi. Một người trì giới, chúng sanh gặp người này trong tâm rất an. Cho dù họ có tiền của, họ nhìn thấy người này sẽ nghĩ “khỏi phải lo, người này trì giới sẽ không xâm hại của ta”, họ cảm thấy an tâm, đây chính là thuộc về bố thí vô úy. Người nhẫn nhục, bạn có tội với họ, “không sao cả, họ sẽ không trả thù, họ sẽ không ôm hận”, vậy là tâm an, đây là thuộc về bố thí vô úy. Tinh tấn, thiền định, Bát nhã thuộc về bố thí pháp. Cho nên lục độ, nếu tổng quy nạp lại chính là một câu “bố thí ba la mật”.

Đối với tất cả chúng sanh, bạn không còn ý nghĩ sát hại nữa, chúng sanh sẽ nhìn thấy bạn giống như bạn bè vậy, vì biết bạn sẽ không hại chúng. Bạn có thể yêu thương và có thể giúp đỡ chúng, chúng sẽ gần gũi bạn. Tình cảnh này chúng ta thường đi du lịch ở bên ngoài thấy được rất rõ ràng. Ở Trung Quốc, những chim thú khi nhìn thấy người chúng đều hoảng sợ, bỏ chạy, tại sao vậy? Hầu hết là tâm chúng ta là bất thiện, thường hay có tâm sát hại chúng sanh. Tâm sát hại chúng sanh tức là thông thường gọi là sát khí. Người Trung Quốc có sát khí rất nặng, những súc sanh này khi vừa nhìn thấy liền lập tức bỏ chạy thoát thân. Người nước ngoài, bạn thử xem, trong vùng sơn dã, trong công viên có rất nhiều động vật hoang dã, bạn cho nó thức ăn, vừa vẫy tay nó liền đến ngay, nó không sợ người. Tại sao vậy? Không có ai làm tổn hại nó, chỉ có người giúp đỡ nó, không có người làm tổn thương nó. Có một năm, chúng tôi ở San Francisco, tại Kopotino, mỗi ngày chúng tôi đều đi bộ trong công viên, ở trong đây có rất nhiều vịt trời, bồ câu, thảy đều là hoang dã, chúng tôi thường hay đi cho chúng ăn. Một lần nọ, có một con bồ câu bước đi vô cùng khó khăn, chúng tôi quan sát tỉ mỉ thì thấy chân của nó bị người dùng sợi dây cột lại rất nhiều vòng. Chúng tôi tỉ mỉ quan sát nó, đến ngày thứ hai lại đi cho nó ăn nữa, nó liền đến ngay. Chúng tôi gọi nó lại gần, tháo sợi dây đang cột trong chân nó ra, gỡ thật sạch sẽ, nó hiểu được. Đến hôm sau, nó lại dẫn đến hai, ba con khác cũng đều bị cột dây như vậy đến tìm chúng tôi để giúp đỡ chúng. Chúng có tánh linh nên chúng hiểu được, chúng biết chúng ta sẽ giúp đỡ chúng, bản thân chúng không có cách. Không biết là người nào đã cột sợi dây rất nhỏ vào chân chúng, cột rất chặt, phần da đều bị thương. Đây là bố thí vô úy. Chỉ cần chúng ta vĩnh viễn dứt trừ ăn thịt, quyết không có ý niệm tổn hại chúng sanh thì sát khí trên người chúng ta sẽ hoàn toàn không còn nữa. Sát khí không còn nữa liền chuyển biến thành từ quang, ánh sáng của từ bi, động vật nhỏ nhìn thấy sẽ thích gần gũi bạn. Công đức này ở trong Phật pháp là bất khả tư nghì. Quả báo của bố thí vô úy là được sức khỏe, trường thọ.

Thứ hai: “Thường ư chúng sanh khởi đại từ tâm”. Đây là sự thật. Bạn không nhẫn tâm làm tổn hại chúng sanh, đối với tất cả chúng sanh, bạn chắc chắn có tâm thương yêu, không những đối với động vật mà đối với thực vật và tất cả mọi sinh vật đều khởi tâm yêu thương chân thành. Chỉ cần gặp được chúng sanh cần giúp đỡ, bạn nhất định sẽ hoan hỷ giúp đỡ chúng. Ở trong Kinh giới Đại thừa, Phật dạy đệ tử xuất gia: “Tỳ khưu thanh tịnh không giẫm cỏ non”. Bạn thấy, bãi cỏ bằng phẳng kia mọc xanh tốt như vậy, mọc đẹp như vậy, làm sao bạn nhẫn tâm giẫm lên nó để đi được? Thế nhưng Phật có khai duyên, trừ phi bạn cần thiết phải đi qua con đường này, ở chỗ này không có đường đi thì bạn có thể bước qua cỏ tươi này. Nếu như có đường đi thì không được phép đi tắt. “Đường vòng vèo như vậy, đi qua bãi cỏ thì rất gần”, điều này thì không đươc phép, trừ phi bạn có việc gấp phải kịp thời gian. Nếu như không có việc gấp, dứt khoát không được giẫm lên cỏ tươi, đường ngoằn ngoèo đi nữa cũng phải đi. Đây là pháp ly não, trưởng dưỡng tâm từ bi của mình, rèn luyện sức nhẫn nhục của mình, phải có tâm nhẫn nại.

Thứ ba: “Vĩnh đoạn nhất thiết sân nhuế tập khí”. “Sân nhuế” thì quả báo ở địa ngục. Người ở thế gian, cổ nhân thường nói: “Việc bất như ý thường có tám, chín”. Tại sao bạn lại có nhiều việc bất như ý như vậy? Vì quá khứ, đời nay tạo đủ thứ nghiệp bất thiện. Những việc trong đời chúng ta phải gặp đều là quả báo, không phải người khác đem đến cho chúng ta, mà là tự làm tự chịu, được mấy người hiểu đạo lý này? Nếu chúng ta thật sự hiểu rõ là tự làm tự chịu, thì ý nghĩ oán trời trách người không còn nữa. Oán trời trách người đều là sân nhuế, cho dù bản thân ta tâm thiện, hành thiện, chúng ta vẫn phải gặp biết bao nhiêu chuyện bất như ý. Người tu hành biết là nghiệp báo từ vô lượng kiếp trong đời quá khứ, họ có thể vui vẻ đón nhận mà trong tâm không sinh phiền não. Phiền não là tham sân si mạn, họ không sinh khởi mà có thể nhẫn chịu.

Thứ tư: “Thân thường vô bệnh”.

Thứ năm: “Thọ mạng trường viễn”.

Hai điều này là thứ mà người thế gian mong cầu. Cho dù là người trong nước, người ngoài nước, cho dù là chủng tộc khác nhau, tôn giáo khác nhau, nhưng không có ai mà không cầu sức khỏe, trường thọ. Sức khỏe, trường thọ không phải do Phật Bồ Tát ban cho chúng ta, cũng không phải do thần linh ban cho, cầu khẩn nơi thần linh là vô ích, vì đây là nghiệp báo của chính chúng ta, chúng ta nhất định phải hiểu rõ. Chư Phật Bồ Tát, thần linh phù hộ chúng ta, dùng phương pháp gì để phù hộ vậy? Giáo huấn. Nếu chúng ta chịu tiếp nhận giáo huấn, y giáo phụng hành thì mới có thể chuyển được nghiệp báo của mình. Trong mạng chúng ta là đoản mạng hoặc tai nạn nhiều, bệnh tật nhiều, điều này là có thể chuyển được. Cách chuyển như thế nào? Cố gắng nỗ lực tu thập thiện nghiệp, vậy là có thể chuyển được ngay. Nếu như tiếp tục tùy thuận theo tập khí phiền não của mình, vẫn cứ tạo tác đủ thứ bất thiện, thì vận mệnh của bạn, nghiệp báo của bạn không thể chuyển được. Không những không thể chuyển được, mà trong tội nghiệp còn tăng thêm tội nghiệp mới nữa, quả báo này càng chuyển càng tệ.

Những đạo lý chân tướng sự thật này, không những ở trong trước tác của cổ thánh tiên hiền chúng ta thường hay đọc thấy, mà còn ở trong tiểu thuyết, bút ký của cổ nhân được lịch sử ghi chép lại, những điển hình về sự tướng quả báo này thật là quá nhiều. Chúng ta đọc thấy rồi, nghe thấy rồi thì phải nỗ lực mà quan sát và tư duy thật kỹ. Đạo lý này thật sự hiểu rồi, thì chúng ta mới hiểu được tội sát sanh nhất định không được phạm. Cho dù chúng ta gặp phải người ác sát hại chúng ta, chúng ta cũng không hề mảy may có ý nghĩ trả thù, càng không thể có hành vi trả thù. Giống như câu chuyện “Ca Lợi vương cắt xẻo thân thể” mà trong Kinh Kim Cang nói. Câu chuyện này rất dài, Phật nói rất cặn kẽ ở trong Kinh Đại Niết Bàn, trong Kinh Kim Cang chỉ là nêu ra vài câu điển hình. Thành tựu nhẫn nhục Ba la mật, thành tựu đức hạnh chân thật của mình, tuy bị người ta sát hại nhưng chúng ta lập tức được sinh thiên, hưởng thiên phước. Nếu như chúng ta có ý hận, có ý nghĩ trả thù, thì bị người sát hại rồi, chúng ta lập tức nhận quả báo đi vào tam đồ ngay. Nếu như cả đời không có tạo tội nghiệp quan trọng nhưng có ý hận, phần lớn đầu thai loài rắn độc, mãnh thú. Ý hận của chúng ta không có tiêu, chúng ta liền biến thành súc sanh. Nếu tâm của chúng ta vẫn có thể giữ được thanh tịnh, giữ được từ bi, thì chúng ta đi lên, chí ít cũng lên đến trời, đi làm vua trời. Cho nên, chúng ta thử nghĩ xem, sao ta lại ôm hận? Nhân gian rất khổ, trên trời rất vui sướng. Họ sát hại ta rồi, lập tức tiễn ta đi về trời, ta cảm ơn họ còn không hết, sao lại đi hận họ? Kiết hung, họa phước chỉ có trong khoảng một niệm. Điều này đòi hỏi lúc bình thường chúng ta phải thường xuyên bồi dưỡng, nếu không, khi cảnh giới hiện tiền thì tập khí này chống lại không nổi, ý hận của ta sẽ sinh khởi lên, thế là hỏng rồi, là đọa lạc đi xuống rồi! Cho nên, lúc bình thường hằng ngày chúng ta phải tu dưỡng, đem nó tập thành một thói quen, gặp phải nghịch duyên, gặp phải người ác không sinh tâm sân hận, vẫn luôn là từ ái, vậy thì đúng rồi.

Thứ sáu: “Hằng vi phi nhân chi sở thủ hộ”. “Phi nhân” là chỉ ngoài cõi người, phần lớn là chỉ quỷ thần. Quỷ thần, ngạn ngữ thường nói: “Nhân đồng thử tâm, tâm đồng thử lý”. Mặc dù là ngạ quỷ, nhưng đối với người có tâm thiện họ cũng tôn kính, họ sẽ không làm tổn hại. Cho dù là có oan nghiệp hay là oan gia trái chủ trong quá khứ, gặp phải người có tâm từ, họ vẫn cung kính như nhau, không những không đến gây phiền phức mà còn ủng hộ bạn, tại sao vậy? Vì thiện tâm, thiện hạnh của bạn họ cũng được thơm lây, họ cũng được hưởng phước. Vì vậy tâm thiện, niệm thiện, hành thiện là quan trọng hơn hết.

Trong tất cả mọi bệnh tật, chúng ta biết nguồn gốc của bệnh tật quy nạp lại không ngoài ba phương diện:

Thứ nhất là ăn uống sinh hoạt không điều độ, ngày nay chúng ta gọi là không vệ sinh, dẫn đến bệnh tật. Bệnh này là phải tìm thầy thuốc, thuốc men có thể giúp đỡ được.

Thứ hai là oan gia trái chủ tìm đến. Giống như quốc sư Ngộ Đạt bị mụt ghẻ hình mặt người, đây là thuộc loại này. Trong Phật pháp gọi là “phi nhân”, người thế gian gọi là bị oan quỷ nhập. Chúng tôi ở trong và ngoài nước thường hay gặp sự việc này, họ đến tìm tôi. Gặp phải trường hợp này thì phải làm thế nào? Bị những loại oan quỷ này nhập, chúng ta phải hòa giải. Phàm là gặp phải loại này, đi khám bệnh uống thuốc chỉ là giúp được chút ít thôi, chắc chắn không thể trị khỏi. Việc quan trọng nhất là tụng Kinh bái sám để hòa giải, như “Lương Hoàng Sám”, “Từ Bi Tam Muội Thủy Sám”, những loại này là thuộc về hòa giải. Nếu đối phương tiếp nhận hòa giải thì họ liền đi, bệnh của bạn sẽ khỏi ngay.

Thứ ba là bệnh nghiệp chướng. Đây không phải oan gia đối đầu, mà là bản thân tạo tội nghiệp quá nhiều nên bị nghiệp báo. Bệnh này rất phiền phức, thuốc men không thể chữa trị, hòa giải cũng không được. Phật dạy chúng ta sám hối, trong Thập Đại Nguyện Vương, Bồ Tát Phổ Hiền nói là “sám trừ nghiệp chướng”. Sám từ đâu vậy? Sám từ trong tâm, đoạn ác tu thiện, sửa chữa lỗi lầm, thì bệnh này liền có cơ hội chuyển biến, chuyển nguy thành an.

Hai loại bệnh phía sau này dùng phương pháp đoạn ác tu thiện đều vô cùng có hiệu quả. Đặc biệt một người thật sự quay đầu, biết được mình khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đã sai rồi, triệt để sửa chữa lỗi lầm thì bệnh nghiệp chướng sẽ được tiêu trừ, tức là oan gia trái chủ cũng sẽ không tìm bạn kiếm chuyện nữa. Người thiện thì mỗi niệm vì xã hội, mỗi niệm vì chúng sanh, cho nên “phi nhân” cũng được phước. Họ không những không hại bạn mà còn đến bảo vệ bạn. Cho nên, trong đồng tu chúng ta khi đang niệm Phật, tụng Kinh, cảm giác bên cạnh có những phi nhân này, thậm chí là tự mình thấy sởn tóc gáy thì không nên sợ hãi. Quả thật là bên cạnh bạn có, có thể cũng không phải là ít, nếu ít thì bạn sẽ không có cảm giác rõ rệt như vậy. Vào lúc này, bạn chân thành niệm Phật, tụng Kinh hồi hướng cho họ, chính là bạn đang siêu độ họ. Đọc Kinh cho họ nghe, họ nghe xong sẽ giác ngộ. Giống như trước đây, Thiền tông Đại Sư Huệ Năng tình cờ đi ngang qua cửa sổ nhà người ta, trong nhà có người tụng Kinh Kim Cang, Ngài vừa nghe qua liền hiểu rõ, Ngài liền giác ngộ. Trong cõi quỷ, có rất nhiều quỷ thần thích nghe Kinh, cho nên bạn sẽ thường được sự bảo vệ của thiên địa quỷ thần, trong cửa Phật chúng ta nói là thần hộ pháp, thần hộ pháp phù hộ bạn.

Thứ bảy: “Thường vô ác mộng, tẩm giác khoái lạc”. Đây là vào mỗi buổi tối, bạn nghỉ ngơi, ngủ nghỉ vô cùng yên ổn, không có ác mộng. Chúng ta phải thường xuyên dùng điều này để kiểm tra công phu tu hành của bản thân mình. Công phu có đắc lực hay không, có thể từ chỗ này mà kiểm tra. Khi chưa có học Phật thì thường hay thấy ác mộng, hầu như ngày nào cũng thấy. Sau khi học Phật được một thời gian thì ác mộng ít đi, đây chính là công phu đắc lực, bạn có thành tựu rồi. Càng nâng cao lên thêm, ác mộng gần như không còn nữa, trong một năm hiếm có một lần ác mộng, vậy là bạn công phu khá rồi. Công phu nếu thuần thục hơn thì thường hay mộng thấy thánh hiền, mộng thấy Phật Bồ Tát, mộng thấy cảnh giới thù thắng mà trong Kinh điển nói. Đây là tướng tốt. Nếu như chúng ta học Phật, trong một tuần vẫn còn thấy hai, ba lần ác mộng thì phải đặc biệt cảnh giác, công phu của chúng ta không đủ. Khởi tu từ đâu vậy? Đoạn ác tu thiện, nhất định phải thật nghiêm túc sửa chữa lỗi lầm. Cho nên, đây là một phương pháp dễ dàng nhất, bình thường nhất để kiểm tra công phu tu hành của chúng ta.

Thứ tám: “Diệt trừ oán kết, chúng oán tự giải”. “Oán kết” chính là chúng ta thường thường nói có hiềm khích với người, có chuyện không vui với người, thế gian thường nói là “đắc tội với người”. Việc có lỗi với người quá nhiều, việc có lỗi với người rất dễ hay phạm phải, đặc biệt là ở trong lời nói, có ý hay vô ý đã kết oán với người. Lời nói, thái độ của chúng ta, điều này vào thời xưa là được cha mẹ, thầy cô dạy từ nhỏ. Mục đích việc dạy này là gì? Không nên có lỗi với người, mục đích là ở chỗ này. Một người quả thật có thể làm được cả đời không có lỗi với người, thì người này là rất tuyệt vời, được gọi là chánh nhân quân tử. Nhưng trong xã hội hiện nay, nền giáo dục cổ xưa chúng ta đều không gặp được, chuẩn mực xử sự đối nhân tiếp vật chúng ta chưa hề được nghe thấy, cho nên trong hữu ý hay vô ý, chúng ta có lỗi với người thật quá nhiều. Người thông minh thì những chuyện mà họ thường hay vấp phải cứ dần dần trở nên tốt hơn, họ biết cẩn thận. Người này ở trong xã hội, bất kể là làm ở trong ngành nghề nào họ đều thành công cả, tại sao vậy? Họ được rất nhiều bạn bè giúp đỡ. Nếu bạn không hiểu rõ đạo lý này, đến đâu cũng có lỗi với người thì bạn không được người khác giúp đỡ, bạn trơ trọi một mình thì bất kể bạn làm ngành nghề nào cũng đều thất bại.

Người xuất gia cũng không ngoại lệ, bạn có lỗi với người nhiều rồi thì hộ pháp sẽ không còn nữa. Nội hộ, ngoại hộ đều không còn thì bạn sẽ rất gian nan khốn khổ. Cho nên, Phật pháp thường nói “kết duyên”, nên kết thiện duyên, nên kết pháp duyên, điều này quan trọng. Trước đây, chúng tôi theo học với lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, thời đó chúng tôi vẫn chưa xuất gia, học Phật với Ngài, học giảng Kinh với Ngài. Thầy căn dặn chúng tôi, việc quan trọng hàng đầu chính là kết duyên với đại chúng. Thầy nói với chúng tôi, nếu như không kết thiện duyên, không kết pháp duyên với tất cả chúng sanh, cho dù bạn học giỏi đi nữa, bạn lên bục giảng, giảng đến nỗi hoa trời rơi rụng cũng không có ai thích nghe. Khi lên bục giảng Kinh, thính chúng rất nhiều là pháp duyên của bạn thù thắng, bạn kết duyên tốt với người nhiều. Dứt khoát không nên kết ác duyên, kết ác duyên thì phiền phức to rồi, chướng ngại của bạn sẽ nhiều, kẻ thù của bạn sẽ nhiều. Ác duyên cũng phải đem nó hóa giải. Phương pháp hóa giải là tự mình thật sự đoạn ác tu thiện. Cho nên có câu: “Diệt trừ oán kết, chúng oán tự giải”, chỉ cần bạn thật sự quay đầu, thật sự là người thiện, được sự khẳng định của xã hội đại chúng, thì oan gia trái chủ của bạn nhìn thấy, nghe thấy, tâm họ cũng bình rồi thì ý nghĩ trả thù không còn nữa. Đây là phương pháp hóa giải oan kết.

Thứ chín: “Vô ác đạo bố”. Bản thân có tín tâm, khẳng định tương lai không còn đọa đường ác, tại sao vậy? Nghiệp nhân ba đường ác mặc dù có, điều này là không thể tránh khỏi vì vô lượng kiếp trước tạo nghiệp ác, nhưng nhân muốn khởi hiện hành, tức là muốn kết thành quả báo thì phải có duyên. Có nhân mà không có duyên thì sẽ không kết quả, giống như chúng ta có một hạt dưa, đó là nhân, đem nó để vào trong ly thủy tinh, để 100 năm nó cũng không trở thành dưa được, tại sao vậy? Không có duyên. Duyên của nó là thổ nhưỡng, nước, ánh nắng, không khí, bạn đem duyên của nó dứt hết rồi, thì tuy có nhân mà không thể kết thành quả.

Chúng ta biết, trong A Lại Da thức của mỗi chúng sanh, nghiệp nhân của mười pháp giới thảy đều đầy đủ. Chúng ta có nhân của ba đường ác, chúng ta cũng có nhân làm Phật, làm Bồ Tát, thảy đều có đủ. Cho nên, trong mười pháp giới, nếu chúng ta muốn có thành tựu như thế nào, bạn chỉ cần hiểu được duyên là được rồi. Ta muốn làm Phật, ta khiến cái duyên Phật này của ta niệm niệm tăng trưởng, còn duyên của chín pháp giới khác thì ta khống chế nó, xa lìa nó, vậy trong đời này ta liền làm Phật rồi. Duyên làm Phật, điều quan trọng nhất là gì? Niệm Phật! Niệm niệm đều tương ưng với Phật thì bạn nhất định làm Phật. Không nên nghi ngờ mình không có thiện căn, không có chủng Phật, vậy là sai rồi. Tất cả chúng sanh đều có chủng Phật, cho nên chúng ta phải có tín tâm. Điều thứ ba của tịnh nghiệp tam phước là: “Phát Bồ Đề tâm, thâm tín nhân quả”. Điều này chúng tôi đã giảng rất nhiều rất nhiều lần rồi, “thâm tín nhân quả” đó không phải nhân quả gì khác, mà là “niệm Phật là nhân, thành Phật là quả”. Chúng ta nhất định phải tin rằng niệm Phật là làm Phật, niệm Bồ Tát là làm Bồ Tát. Cho nên, người thật sự hiểu được, họ từ sáng đến tối chỉ niệm A Di Đà Phật, họ không cần tụng Kinh, không cần niệm chú, cũng không cần tu những pháp môn khác, tại sao vậy? Vì xen tạp rồi. Đã tạp, đã loạn thì công phu không thuần. Quan trọng nhất là công phu phải thuần, công phu thuần thì bạn chắc chắn thành công. Tại sao có một số người tín tâm của họ đối với việc vãng sanh có đầy đủ mười phần vậy? Họ chuyên tu, không tạp. Xen tạp thì bạn có thể vãng sanh hay không là một ẩn số, công phu thuần nhất thì bạn chắc chắn khẳng định, cho nên bạn còn đi làm những cái khác để làm gì? Chúng ta mỗi ngày nghe Kinh, đọc Kinh là để làm gì vậy? Là để đoạn nghi sanh tín. Nếu như bạn đã tin rồi, nhất định không có mảy may nghi ngờ thì Kinh giáo này là không cần nữa, bạn còn đi nghe Kinh, đọc Kinh làm gì? Một câu Phật hiệu niệm đến cùng.

Năm xưa, niệm Phật đường của Ấn Quang Đại Sư chỉ có một câu Phật hiệu, nhất định không xen tạp những thứ khác. Khi khởi hương niệm một biến Kinh A Di Đà, để làm gì vậy? Là để nhiếp tâm. Trước khi vào niệm Phật đường tâm thường tán loạn, tụng một biến Kinh A Di Đà là để thâu tâm lại, ý nghĩa là như vậy. Nếu như tâm thanh tịnh, tâm không tán loạn thì quyển Kinh A Di Đà cũng là quá thừa. Qua đó chúng ta mới biết, người ta dùng công phu tối thượng thừa là dùng như thế nào. Ngày nay, chúng ta niệm Phật lại muốn đọc Kinh Địa Tạng, lại muốn đọc Hạnh Nguyện Phẩm, lại còn muốn tu Mật tông, xen tạp rất nhiều pháp môn, đây là người không có phước báo. Chúng ta xem qua thì biết, đây là người phước mỏng, không phải người tối thượng thừa mà trong Phật pháp nói. Chúng ta phải hiểu rõ, tối thượng thừa chỉ là một câu Phật hiệu. Đạo tràng chúng ta mỗi ngày vẫn giảng Kinh là để làm gì? Là để tiếp dẫn người sơ cơ. Giúp đỡ xã hội tiêu trừ tai nạn thì việc giảng Kinh là điều rất cần thiết. Thế gian có thêm một người học Phật, thêm một người hiểu rõ Phật pháp thì thế gian có thêm một người thiện, thêm một người thiện thì bớt đi một người ác, người thiện sẽ nhiều hơn. “Hằng vi phi nhân chi sở thủ hộ”, xã hội này, thế giới này là có chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần ủng hộ. Chúng ta giúp đỡ tất cả chúng sanh tiêu tai miễn nạn nên làm việc này (việc giảng Kinh này).

Đối với bản thân chúng ta, nhất định là một câu Phật hiệu niệm đến cùng, nhất định phải hiểu được đạo lý này. Nếu tín tâm của bạn không đầy đủ, vẫn còn nghi hoặc, gặp phải cảnh giới vẫn còn động tâm thì bạn cần phải đọc Kinh, nghe Kinh. Đọc Kinh tốt nhất chỉ là một bộ thì bạn mới chuyên, chuyên đọc Kinh Vô Lượng Thọ, chuyên nghe Kinh Vô Lượng Thọ. Vậy có cần phải nghe Kinh khác hay không? Tín tâm không đủ, có nghi hoặc không thể giải trừ thì hãy nghe nhiều, nếu không còn nghi ngờ nữa thì bạn nghe nó để làm gì? Đây là phương pháp giúp đỡ người thượng thượng căn của cổ thánh tiên hiền và tổ sư nhiều đời.

Nếu như bạn phát tâm Bồ Đề muốn phổ độ tất cả chúng sanh, giúp đỡ tất cả đại chúng, thì bạn phải học nhiều, tại sao vậy? Vì căn tánh chúng sanh không giống nhau. “Quảng học đa văn” là vì ai vậy? Là vì người khác, không phải vì mình, điều này nhất định phải biết. Ta học thật rộng vì ta có thể độ rất nhiều chúng sanh căn tánh bất đồng. Cho nên, học là vì người khác, niệm Phật là vì bản thân, tự lợi và lợi tha phải cho thật rõ ràng, cho thật minh bạch. Lợi tha tuyệt đối không làm hại tự lợi, tự lợi cũng có thể giúp lợi tha, vậy là tốt. Cho nên, nhất định tự mình phải có tín tâm, tuyệt đối không đọa ba đường ác.

Thứ mười: “Mạng chung sanh thiên”. Đây là nói, bạn không có phát tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ thì bạn chắc chắn sanh thiên, đời sau sẽ không ở cõi người mà lên cõi trời để hưởng phước trời. Tại sao vậy? Thiên nhân là từ bi, cả đời bạn có thể giữ không sát sanh, thiện pháp này, trình độ đức hạnh này của bạn ngang bằng với cõi trời, sanh thiên là do đạo lý này mà được sanh. Không phải nói hằng ngày cúng dường, nịnh nọt thiên thần là bạn có thể sanh thiên. Trình độ đức hạnh của bạn phải ngang bằng với họ thì bạn không lạy trời, bạn cũng sẽ sanh thiên.

Mười loại quả báo này đều là quả báo thiện. Cho nên vĩnh ly tất cả phiền não, đây là dạy chúng ta lìa được sát sanh là có thể lìa những pháp khổ não này.

Kinh văn: “Nhược năng hồi hướng A nậu đa la tam miệu tam Bồ Đề giả, hậu thành Phật thời, đắc Phật tùy tâm, tự tại thọ mạng”.

Không sát sanh là bố thí vô úy, quả báo của bố thí vô úy là khỏe mạnh trường thọ. Cho nên, bạn có thể đem công đức này hồi hướng về vô thượng Bồ Đề, tương lai thành Phật là được Phật Vô Lượng Thọ, Vô Lương Thọ “Tùy Tâm Tự Tại”. Chúng ta hiểu được quả báo thù thắng như vậy, viên mãn như vậy, thì chúng ta cần phải nghiêm túc học tập. Đối với tất cả chúng sanh dứt khoát không có tâm tổn hại, không những không được làm tổn hại mà chỉ khiến chúng sanh sinh phiền não là chúng ta cũng đã sai rồi. Chúng ta khiến chúng sanh vì ta mà sinh phiền não, thì bản thân chúng ta sẽ thường xuyên có phiền não, vậy là phiền não của chúng ta không thể dứt được.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Quả Báo Của Không Sát Sanh

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, Pháp Sư Thích Cổ Đức | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
2.    Đại Trí Độ Luận Tập 1, Đời Dao Tần, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập | Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Việt Dịch
3.    Đại Trí Độ Luận Tập 2, Đời Dao Tần, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập | Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Việt Dịch
4.    Đại Trí Độ Luận Tập 3, Đời Dao Tần, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập | Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Việt Dịch
5.    Đại Trí Độ Luận Tập 5, Đời Dao Tần, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập | Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Việt Dịch
6.    Diệu Liên Đại Sư Khai Thị Tập 1, Hòa Thượng Thích Diệu Liên | Linh Nham Tùng Thư, Việt Dịch
7.    Kinh Đại Bửu Tích Quyển 1, Nguyên Ngụy Thiên Trúc Tam Tạng Bồ Đề Lưu Chi | Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Việt Dịch
8.    Luận Đại Trượng Phu, Đề Bà La Bồ Tát | Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang, Việt Dịch
9.    Một Trăm Câu Hỏi Phật Pháp Tập 1, Thượng Tọa Thích Phước Thái
10.    Những câu chuyện linh ứng về Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát Tập 1, Hòa Thượng Thích Như Điển, Việt Dịch
11.    Pháp Uyển Châu Lâm Quyển 1, Sa Môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
12.    Tiểu Sử Danh Tăng Tập 1, Hòa Thượng Thích Đồng Bổn