Home > Linh Cảm Ứng > Khong-Coc
Không Cốc
Cư Sĩ Bành Tế Thanh | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Không Cốc thiền sư, pháp danh Cảnh Long, tự Tổ Đình, con nhà họ Trần ở Tô Châu. Lúc thơ ấu ngài đã không chịu ăn thịt cá, ưa ngồi xếp vế ngay thẳng trạng như thiền định. Lớn lên theo Lại Vân hòa thượng ở Biển Sơn, tham khảo về đạo pháp. Năm hai mươi tám tuổi xuất gia ở chùa Hổ Khâu.

Trong niên hiệu Hồng Hi đời Minh, thiền sư được cấp điệp làm tăng, y chỉ với Thạch Am hòa thượng ở chùa Linh Ẩn tại Hàng Châu. Kế đó ngài lên núi Thiên Mục khắc khổ tham cứu, một hôm bỗng nhiên thức tỉnh, đem chỗ tỏ ngộ về cầu chứng với hòa thượng Lại Vân, được mong ấn khả. Thiền sư đã đề xướng tông Trực Chỉ, lại kiêm hoằng dương môn Niệm Phật, từng làm thi Tịnh Độ một trăm lẻ tám bài. Có người hỏi ý kiến về Tứ liệu giản của tổ Vĩnh Minh. Ngài Đáp: “Người tham thiền nắm giữ một câu thoại đầu, tự cho ngoài công phu thủ tịnh ra, không còn việc chi khác. Sự niệm Phật vãng sanh cho đến hai thời khóa tụng, họ đều chẳng thật hành. Đây gọi là: “Có Thiền không Tịnh Độ vậy. Lối tham thiền như thế cũng chưa phải là chánh khí, vì chỉ giữ chết câu thoại đầu chẳng khác gì ngói gỗ đất đá. Vướng mắc vào chứng bệnh này, trong mười người đã hết tám chín, không làm sao cứu vãn được! Bậc chân thật ngộ thiền cơ, thì ứng dụng không ngại, như trái bần trên mặt nước đụng đến liền lăn tròn, chẳng dính mắc vào đâu cả. Tham thiền như thế, không khinh sự niệm Phật vãng sanh, cũng không bỏ hai thời khóa tụng, xây qua day lại chỗ nào cũng là đạo. Đây gọi là: “Có Thiền có Tịnh Độ vậy!”.

Thiền sư lại bảo: “Pháp môn Niệm Phật là đường lối tu hành thẳng tắt. Hành giả nên xét thân người chẳng bền, cuộc đời như huyễn, duy câu niệm Phật có thể nhờ cậy, cõi Cực Lạc là đáng nương về. Vì thế phải giữ chắc câu hồng danh như bổn mạng, hoặc niệm mau niệm chậm, cao tiếng thấp tiếng, thân tâm nhàn đạm thầm niệm chẳng quên, động tịnh hưỡn gấp thường hằng không khác. Hành trì như thế ngày kia chạm cảnh gặp duyên bỗng ngộ tánh bản lai, mới biết Tịch Quang Tịch Độ không lìa hiện cảnh. A Di Đà Phật chẳng ngoài tâm mình. Nếu khởi tâm cầu tỏ ngộ lại trở thành chướng ngại. Chỉ dùng lòng tin làm căn bản, tất cả tạp niệm đều chẳng tùy theo. Niệm như thế dù không tỏ ngộ, khi mạng chung cũng được vãng sanh, theo giai cấp tiến tu, không còn bị thối chuyển”.

Về sau, vì không cơ duyên tham khảo, chẳng biết ngày lâm chung của thiền sư như thế nào?