Home > Linh Cảm Ứng > Chim-Anh-Vo
Chim Anh Võ
Cư Sĩ Bành Tế Thanh | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Đời Đường, nhà họ Bùi ở Hà Đông có nuôi một con Anh Võ. Vì trong kinh Di Đà có nói đến loại chim này, nên Bùi thị thường dạy nó niệm Phật và phép tu Lục trai. Đến ngày trai kỳ, nếu quá ngọ có ai đem thức ăn đến, suốt buổi chim không ngó tới. Có kẻ bảo nó khi niệm Phật, phải từ nơi “có niệm” đến chỗ “không niệm”, thì chim ngước đầu dương cánh dường như nhận thức.

Đến sau thấy nó thường im lặng, có kẻ nói đùa: “Anh Võ không còn niệm Phật nữa!”, chim liền phát thanh xuống: “Nam Mô A Di Đà Phật”. Khi mùa hè gió mát, lúc đêm vắng trăng trong, Anh Võ thường cất giọng cao thấp hòa nhã, thanh thao như cung đàn tiếng sáo, niệm Phật liên tục không dứt. Mọi người nghe thấy đều khen ngợi và phát tâm cảm ngộ.

Tháng bảy, niên hiệu Trinh Ngươn thứ mười chín, chim có vẻ tiều tụy ủ rũ. Bùi thị đã nuôi dưỡng quen, biết nó sắp chết, liền cầm khánh ra và bảo rằng: “Phải chăng con sắp muốn về Tây Phương? Vậy con hãy giữ chánh niệm, nương theo tiếng khánh mà niệm Phật!”. Nói xong, liền đánh khánh niệm Nam Mô A Di Đà Phật, Anh Võ cũng niệm theo. Được một lát, chim xếp cánh đứng yên, an lành mà vãng sanh. Sau khi thiêu hóa xác nó, Bùi thị bới tro kiểm lại, được hơn mười hột xá lợi. Quan Tiết đạt sứ Vi Cao có viết truyện ký về chim Anh Võ này.

Đời nhà Minh, một thổ dân ở Lãnh Nam cũng có nuôi con chim Anh Võ trắng, thường dạy nó tụng đọc. Mỗi buổi sáng sớm, chim đều tụng Bạch y thần chú, rồi kế tiếp niệm thánh hiệu Quán Thế Âm. Nó cũng đọc thuộc bài Quy Khứ Lai Từ, phú Xích Bích, và nhiều thi hay của Lý Bạch. Nếu thời khóa sớm mai chưa xong, dù ai có đem thi văn ra dạy bảo, chim cứ tiếp tục trì niệm không nghe theo. Sau Anh Võ cũng niệm Quán Âm rồi thoát hóa.