Home > Linh Cảm Ứng
Viên Liệt Tinh
Cư Sĩ Bành Tế Thanh | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Viên Liệt Tinh người ở Côn Sơn, thường ngụ nơi vùng Tây Khê tại Hàng Châu, nhân tự hiệu là Tây Khê cư sĩ. Thuở thành đồng, ông học tập về nghiệp khoa cử, một hôm nghe bà ngoại tụng kinh Kim Cang đến đoạn "Vô tứ tướng", liền có chỗ khế nhập.

Sau cư sĩ gặp Duyệt Sơn thiền sư, mỗi ngày tinh tấn tham cứu về đường lối hướng thượng. Vừa đâu Bạch Tung lão nhơn từ Tuyết Phong đến Côn Sơn, Liệt Tinh đôi ba phen tham khấu, ngộ suốt tánh bản lai, liền được truyền tâm ấn. Từ đó đạo phong của cư sĩ mỗi ngày một thạnh, tùy cơ tiếp dẫn, huệ biện không ngại, vừa đề xướng Nhứt thừa, lại kiêm hoằng Tịnh Độ. Bấy giờ ông thấy các đồng bọn, thích mến khô thiền, ưa tu tiên thuật, phần nhiều không tin Tịnh Độ, nên viết lời hiểu dụ rằng:

"Pháp môn Tịnh Độ tròn thông rộng lớn, từ trước đến nay tôi đã thầm tu mật chứng, nhưng không dám vội đem nói với người. Đó là vì thời tiết chưa đến, nói ra e vô ích, chớ không phải cố ý giấu kín chỗ tu.

Bởi môn Niệm Phật là pháp tạng rất sâu của chư Phật, hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật thuộc Nhị thừa còn có những kẻ không tin. Đó là do các vị ấy đã trụ cảnh Niết Bàn thanh tịnh, đã chứng thần thông diệu dụng, nhưng chỉ thấy biết trong phạm vi một cõi Đại thiên, nên không rõ biển đại trang nghiêm của Tịnh Độ hiện thành ở khắp mười phương. Cho nên chư Phật đã quở các vị cố chấp theo cảnh giới Nhị thừa là tà, là đọa vào hầm hố vô vi, là say men rượu tam muội! Rất đáng than thở cho người tu thiền đời nay, còn chưa đến được cảnh giới Niết Bàn thanh tịnh của Nhị thừa, mà vội bụng trống lòng cao, chưa đắc cho rằng đắc, chưa chứng cho là chứng. Trong lúc họ ngồi yên tĩnh đến chỗ sáu căn chưa động, lộ bày một chút quang cảnh, liền vội cho rằng mình đã tỏ ngộ. Rồi từ đó nghênh nghênh ngang ngang, chê bai Tịnh Độ, thật đáng thương xót!

Giả sử các vị ấy quả thật đại triệt đại ngộ, đã rờ được chót mũi của bà mẹ bản lai, thử hỏi có đứng ngoài được bốn cảnh Tịnh Độ từ cõi Phàm Thành Đồng Cư đến cõi Thường Tịch Quang Tịnh Độ chăng? Nếu họ lập luận: "Dù biết được bốn cõi ấy, cũng gác bỏ qua một bên!". Nói như thế, chư vị ấy há không nhớ lời của bậc tôn túc là Mật Vân thiền sư đã bảo: "Các ông muốn gác bỏ qua một bên, quả thật là điều: đối trước người si lại càng không thể tỏ ra việc mộng!". Cổ đức nói: "Kẻ tham thiền đời nay lấy sự thấu suốt pháp thân làm điều tất yếu, mà không biết thấu suốt rồi lại phải làm thế nào? Giả sử sau khi thấu suốt, còn thấy có một bóng dáng chi, cũng là cái bịnh!". Đại khái người tham thiền đời nay đều không thoát khỏi cảnh ma chướng sở tri nhỏ nhiệm, trở lại bác các hành giả Tịnh Độ là ngu dốt, chẳng cũng lầm lạc lắm ư!

Vả chăng khắp cõi hư không có mười pháp giới, mà Tịnh Độ của chư Phật là pháp giới bậc nhứt, nên chín giới kia đều nương về. Tu Tịnh Độ ở cõi người rất dễ, còn các cõi địa ngục, ngạ quỉ do nỗi khổ bức bách, hoặc không biết danh hiệu Phật, nên khó thật hành. Chư Phật thương xót hằng dùng sức oai thần phóng ánh sáng thanh tịnh đến cứu độ, nhưng các chúng sanh ấy bị sức nghiệp che lấp, nên không nhìn thấy. Phải chờ đến khi nghiệp hết tâm khai, nghe biết và niệm được một câu Phật, thì cảnh địa ngục, ngạ quỉ mới liền biến thành cảnh thanh lương được. Còn loài Bàng sanh thì si mê tăm tối, hàng Tu la lại sân hận lẫy lừng, cũng khó trông thấy từ quang. Riêng hàng chư Thiên do thọ hưởng sự dục lạc rất thắng diệu, nên cũng khó tu môn Niệm Phật.

Nhưng xét kỹ lại, chẳng chịu tu môn Tịnh Độ, không chi hơn hàng Thiên tiên. Các vị ấy chẳng phải không biết Tịnh Độ là đẹp mầu, nhưng họ đã được thần thông diệu dụng, biến hóa bay đi, cùng tự tại ẩn hiện ra vào cảnh có hoặc không. Họ có thể phóng ra các thứ ánh sáng, huyễn hiện các hình tượng chư Phật, Bồ Tát cùng các cảnh vật trang nghiêm. Do đó hàng Thiên tiên cho rằng sự vui ở Tịnh Độ chẳng qua cũng chỉ như thế nên không chịu hướng về. Họ đâu biết rằng mình bị đọa vào huyễn thức các cảnh giới giả hiện đều do tinh khí thần hòa hợp biến thành! Đức Phật đã bảo: Hàng Thiên tiên không tu theo chánh giác, chưa phải là vô vi, khi quả báo hết phải tùy nghiệp đọa vào các nẻo! Cảnh thiên chân vốn tự hiện thành, chẳng phải luyện mà được. Nếu tu luyện mà thành tức là có sanh, tất sẽ không tránh khỏi sự biến diệt. Nguyên tinh, nguyên khí chẳng ngoài nguyên thần, mà nguyên thần chính là tên riêng của nghiệp thức. Bậc đại trượng phu phải trở về tánh bản lai, dứt trừ thần thức, chém đứt mạng căn, tại sao lại tu luyện thành một thứ nguyên thần không ngoài vòng nghiệp thức? Có kẻ tuy luyện thành, đến nửa chừng năng lực suy kém, có khi chưa tới kiếp hỏa mà đã hoại trước. Dù có thể củng cố nguyên thần được bền lâu, nhưng lúc đại tai của kiếp lửa đến cũng bị tiêu tán. Bởi kiếp hỏa chẳng những phá thể hữu hình, mà cũng đốt cháy luôn thể vô hình. Đừng tự an ủi rằng: đạo ta như hư không, chẳng thể tiêu hoại! Phải biết hư không cũng là nghiệp thức huyễn hiện, bậc chứng được đạo nhãn vô thượng mới soi thấu. Chư Thiên tiên dù có thể hóa hiện các thứ thắng cảnh, nhưng kết cuộc chẳng được mười phần sáng suốt, và mười phần chánh đại. Đâu bằng chư Phật, Bồ Tát và tất cả chánh báo y báo ở Tịnh Độ đồng ở trong cảnh quang minh rực rỡ thấu suốt còn hơn trăm ngàn mặt trời? Những bậc tu theo Phật giáo khi đắc quả, thấy thời gian không gian đều như huyễn, nên có thể hiện cõi Bảo Vương nơi một đầu lông, ngồi chuyển pháp luân ở trong điểm bụi. Cảnh giới ấy chẳng phải hàng Thiên tiên có thể sánh được trong muôn một. Cho nên người tin sâu môn Tịnh Độ mà chuyên tu, tức đã vượt hơn hàng Thiên tiên trăm ngàn ức lần. Nếu chưa thể dứt trừ quan niệm học tiên, chính là chưa phân biệt rõ sự chân giả lớn nhỏ giữa Phật và Tiên vậy.

Pháp môn Tịnh Độ là chỗ quy hướng của tất cả thánh hiền. Khi được sanh về Cực Lạc, tu phước huệ đầy đủ, rồi trở lại Ta Bà, gặp tiên độ tiên, gặp người độ người, gặp ma quỉ độ ma quỉ, cho đến gặp duyên ân oán đều có thể tế độ. Đó mới thật là năng sự của bậc đại trượng phu! Nếu các vị tin chắc môn Tịnh Độ mà quyết chí thật hành, thì hoa sen nơi ao báu ở Cực Lạc sẽ tươi nở ghi tên. Ngay trong hiện tại khi niệm Phật được thanh tịnh, thì tất cả cảnh đẹp, tiếng pháp, hương mầu, vi diệu, ánh sáng, lý chân, đều tràn ngập cả mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của các vị. Chừng ấy ngay chính bản thân của chư vị đã thành một đấng Cổ Phật rồi đấy!".

Vào tháng hai, niên hiệu Khang Hy thứ năm mươi đời Thanh, cư sĩ niệm Phật rồi an lành vãng sanh ở am Bảo Thọ, hưởng được sáu mươi hai tuổi. Hàng môn nhơn kết hợp những di ngôn làm thành quyển Tây Khê Cư Sĩ Tập.