Con khỉ nọ cầm nắm đậu, vô tình làm rơi một hạt xuống đất, muốn nhặt lại hạt này, khỉ vứt nắm đậu trong tay xuống đất để tìm lại hạt đậu đánh rơi, nhưng hạt nọ tìm chưa ra, thì cả nắm đậu vứt dưới đất đều đã bị bầy gà ăn sạch.
Phàm phu xuất gia cũng vậy, ban đầu hủy phạm một giới, không biết hối cải, do không hối cải nên càng phóng dật xả bỏ cả, như con khỉ mất một hạt, bỏ hết mọi hạt.
Lời Bình:
Phàm phu xuất gia khi hủy phạm một giới, do không biết hối cải, tất nhiên vọng ngữ che đậy, thành phạm lây nhiều giới. Nhân duyên phạm giới đều do nơi ngũ dục, chúng sinh bản tính đa dục, vì vậy mà tạo tác biết bao vọng nghiệp, trôi lăn trong ngũ thú chịu vô số khổ nạn, do vậy phát tâm xuất gia cầu thoát những khổ nạn này.
Xuất gia rồi trước nhất phải thọ giới để trừ tham dục, tham dục trừ tất không tạo tác vọng nghiệp, không vọng nghiệp thì không thọ báo, không thọ báo tất chẳng còn phiền não khổ, nên tiêu trừ được tam chướng. Thế nhưng bởi nghiệp chướng sâu dầy, nên hễ có cơ hội là tham dục lại trổi dậy nơi tâm ý, và chỉ cần một niệm vong thất đạo tâm thì giới pháp sẽ bị hủy phạm, khi hủy phạm rồi lại vì che dấu tội lỗi, vừa vọng ngữ vừa hành các nghiệp bất thiện để che đậy. Chung cục càng che đậy để chứng tỏ cho ta không mất giới càng mất thêm nhiều giới, khác nào khỉ kia vứt cả nắm đậu để « bảo vệ » (tìm lại) hạt đậu rơi.
Phàm nhân cũng chẳng khác khỉ này, họ nắm trong tay cả một nắm ngũ dục, nhưng khi một dục bị đánh rơi, do sợ mất họ bỏ quên cả mọi thứ đang có để cố nhặt lại cho được và chung cục của rơi đã chẳng nhặt được mà còn mất sạch những thứ đang có. Cụ thể như nhiều người có quyền hành, danh vọng, tài sản nhưng vì tham tâm không biết đủ nên bỏ lơ mọi thứ như khỉ bỏ nắm đậu xuống đất, chỉ chú tâm vào việc vơ vét của cải như khỉ lo tìm hạt đậu, cuối cùng hành động này phản tác dụng khiến mất sạch từ của cải đi thâu lượm cho đến quyền hành danh vọng sẵn có.
Bàn về bản chất của chúng sinh Kinh Viên Giác nêu rõ: « Hết thẩy chúng sinh từ vô thủy đến nay, do có vô số các thứ ân ái tham dục thành thử có luân hồi » (nhất thiết chúng sinh tùng vô thủy tế, do hữu chủng chủng ân ái tham dục, cố hữu luân hồi). Mỗi kiếp sống của chúng sinh chỉ để hành và tăng thượng dục, cứ như thế trải qua vô lượng kiếp, tham dục trở thành thứ keo sơn gắn bó với chúng sinh. Chính xác hơn đời sống trong kiếp luân hồi của chúng sinh chỉ quanh quẩn trong ái dục, chịu chi phối bởi quả của dục gây ra từ quá khứ, rồi thì dục hiện tại lại là nhân cho quả dục tương lai, cứ thế xoay vần mãi, cho đến tận vị lai, không có ngày ra khỏi cõi dục. Chỉ bao giờ có được trí huệ vượt qua bể ái dục, vứt bỏ mọi dục sau lưng, hồi đầu mới là bến bờ giải thoát. Giải thoát chính là ra khỏi biển dục sinh tử luân hồi. Như trong kinh Viên Giác miêu tả: « Chúng sinh muốn dứt sinh tử, miễn luân hồi, trước tiên cần phải đoạn tham dục và trừ khát ái » (chúng sinh dục thoát sinh tử, miễn chư luân hồi, tiên đoạn tham dục cập trừ khát ái).
Bởi ái là nền tảng của luân hồi sinh tử, ái lại được các dục giúp phát triển tạo thành sự sinh tử liên tục, theo lời Phật dậy « Đương tri luân hồi ái vi căn bản, do hữu chư dục trợ phát ái sinh, thị cố năng linh sinh tử tương tục », do vậy ái dục vừa là nền tảng của luân hồi, vừa là bản chất của chúng sinh, như thế có thể nói chúng sinh và luân hồi đồng có chung một bản chất, một nền tảng, nên chúng sinh và luân hồi không thể lìa nhau. Có chúng sinh tất có luân hồi, có luân hồi ắt có chúng sinh. Lại nữa có ái dục tất có chúng sinh, không ái dục tất chẳng còn chúng sinh, không chúng sinh thì cũng không còn luân hồi, vì vậy muốn từ chúng sinh thành Phật tất phải diệt dục trừ ái, muốn từ bờ sinh tử qua bờ giải thoát ắt cũng phải diệt ái trừ dục.
Bản chất đã là tham ái cố nhiên truy cầu ái dục vô điều kiện, khi truy cầu không còn thấy lợi hại, chỉ biết có ái dục, nên gọi là si mê. Mê ái dục đến độ tạo tác mọi ác nghiệp để được gọi là sân. Ái dục đã năng sinh tham sân si nên là gốc tạo nghiệp. Để dứt nghiệp tất nương vào nguyện bồ đề thượng cầu hạ hóa của chư Phật tu tập giới định huệ, nhờ vào lập nguyện mới khởi tu giới định huệ. Thành tựu giới định huệ đồng với tận diệt tham sân si. Tam độc đã diệt tất ái diệt, ái diệt tất nghiệp chúng sinh diệt, nghiệp chúng sinh diệt tất luân hồi tận.
Tuy nhiên do huân tập ái dục từ vô lượng kiếp, đời này tiếp tục bị nghiệp quá khứ chi phối, nên tư duy và hành động đều theo nghiệp, thậm chí cho dù có nhân duyên quy y tam bảo cũng vẫn dùng nghiệp quy y và tu tập, vì thế không dám phát nguyện hành bồ tát đạo. Chính do vẫn dùng nghiệp tu tập nên thường phan duyên, do phan duyên nên dễ thất giới, bấy giờ lại dùng nghiệp tham sân si che đậy khiến nghiệp thêm tăng trưởng, nghiệp càng tăng trưởng công đức càng mất. Sự hành nhặt đậu của khỉ chỉ cho nghiệp của bản thân, buông bỏ nắm đậu trong tay chỉ cho công đức vốn sẵn có nơi bản giác bị chúng sinh bỏ đi để chạy nhặt ái dục. Bầy gà chỉ cho các nghiệp dĩ ở thế gian.
Tóm lại nếu không thực sự phát tâm lập nguyện, tu giới định huệ trừ diệt ái và sự khát dục như lời dậy của đức Thế Tôn trong kinh Viên Giác thì chúng ta khác gì con khỉ nhặt hạt đậu rơi.