Có người hỏi tôi: "Theo Thầy thì Pháp Hội Quán Thế Âm Bồ Tát Thành Ðạo lần này sẽ có bao nhiêu thiện nam tín nữ đến tham gia?" Tôi trả lời: "Có lẽ chỉ ba, bốn người mà thôi!" Hôm nay tôi đếm thử thì thấy có hơn bốn trăm người đến dự Pháp hội; người ấy bèn hỏi lại tôi: "Có phải Thầy nói một người là ngụ ý một trăm người?" Tôi nói: "Tôi không biết!"
Pháp Hội Quán Âm năm nay, đại chúng có phần thành tâm hơn những năm qua. Những năm trước trong Pháp hội, lúc dùng cơm mọi người đều nói năng ồn ào, không tuân theo quy củ của Trai Ðường. Ðã vậy, nhiều người lại vất bỏ cơm và thức ăn thừa vào thùng rác; hoặc ăn xong thì không tùy hỷ công đức mà lại bỏ đi. Năm nay tình hình nói chung đã cải thiện rất nhiều, mọi người không nói chuyện ồn ào mà cũng không phí phạm vật thực, và cũng rất ít người vội vã trở về San Francisco, đó là điều đáng mừng!
Sau này, những khi có Pháp hội, thì cần phải nhắc nhở mọi người không nên nói chuyện trong giờ ăn và phải biết quý vật thực, chớ nên phí phạm, vất bỏ thức ăn. Cổ nhân có bài thơ như sau:
Sừ hòa nhật đương ngọ,
Hãn trích hòa hạ thổ,
Thùy tri bàn trung xan
Lạp lạp giai tân khổ!
Nghĩa là:
Bừa đất dưới nắng trưa,
Mồ hôi đẫm bông lúa,
Bưng bát cơm ai biết,
Mỗi hạt mỗi gian khổ!
Ða số người đời không biết đến đạo lý "mỗi hạt mỗi gian khổ, " do đó họ mặc sức phí phạm của trời, tha hồ hủy hoại thức ăn. Các bạn nên biết rằng lý do nhiều người không có cơm ăn trên thế giới này là vì xưa kia họ đã phí phạm thực phẩm, nên kiếp này họ phải gánh chịu quả báo là không có cơm ăn. Tôi cần phải nói ra đạo lý đơn giản này cho mọi người hiểu rõ để sau không còn phung phí thực phẩm một cách vô lý nữa.
Những người quản lý nhà bếp cần phải sáng suốt, đồ ăn thức uống chuẩn bị cho đại chúng cần đủ dinh dưỡng và phải hợp vệ sinh. Các bạn phục vụ đại chúng thì công đức vô lượng. Mỗi ngày đều phải kiểm soát tủ lạnh, xem loại thực phẩm nào dễ hư thì dùng trước, loại nào lâu hư thì giữ gìn cho tươi tốt để dùng sau; không được để thực phẩm hư thối rồi vất vào thùng rác vì như thế là tạo tội, gây nghiệp. Mọi người cần phải cẩn thận về điểm này!
Coi sóc việc ăn uống của đại chúng, biết điều hòa cho thích đáng thì có công đức; nếu điều hòa không khéo thì sẽ mang tội. Lập công thì dễ, vì chỉ do cách làm việc của mình, hợp quy tắc thì có công, không hợp quy tắc thì có tội. Nói tóm lại, công hay tội đều do một tay mình mà ra, biết quý, không phí phạm thực vật, thì có công; làm hư thối, vứt bỏ vật thực một cách vô lý, thì sẽ mang tội!
(Vạn Phật Thánh Thành,
ngày 24 tháng 7 năm 1983)