Home > Khai Thị Phật Học > Tu-Do-Va-Do-Tha
Tự Độ Và Độ Tha
Thượng Tọa Thích Nguyên Hùng


Vấn đề tự độ và độ tha không phải mới mẻ gì đối với chúng ta. Tuy vậy, vấn đề này còn gây nhiều tranh luận, thậm chí còn có hiểu lầm, lệch lạc đối với nhiều người, kể cả những người xuất gia. Do đó, để hiểu nó một cách chính xác, những tưởng chúng ta cũng nên tìm hiểu thêm đôi chút.

1. Quan niệm tự độ và độ tha theo thế tục:

Tự độ hay tự lợi có nghĩa là chỉ chăm lo lợi ích cá nhân. Những lợi ích cá nhân mà người thế tục muốn đạt được không ngoài ngũ dục, tức tài, sắc, sanh, thực và thùy. Nói tóm là danh lợi. Mỗi con người, mỗi cá nhân luôn sống vì một mục đích, một ý nghĩa gì đó; vì đi tìm một cái gì đó cho sự sống hay sẽ sống của cuộc đời mình. Cái đó có thể là tình yêu, là tài sản, là danh vọng, là quyền lực… Cái đó là hạnh phúc, là lẽ sống. Và để đạt được điều đó người ta tự đọa đày tâm trí mình, làm khổ nhọc hình hài mình, để đuổi bắt những gì gọi là tinh hoa của đời sống. Đó là tự lợi. Và trong quá trình nổ lực xây dựng, mưu cầu lợi ích cá nhân đó, con người đã làm giàu cho bản thân mình, cho gia đình và cho xã hội, quốc gia. Đây gọi là lợi tha. Lợi tha được hiểu là mưu cầu lợi ích và hạnh phúc cho người khác. Qua đó, chúng ta thấy trong tự lợi đã bao hàm ý nghĩa lợi tha.

Khái niệm về tự lợi như thế Phật giáo cho là sự nuôi dưỡng tự ngã, và lợi tha chính là chăm sóc cái ngã sở. Cả hai thứ này đều không có thực. Do vậy, cái gọi là tự lợi hay lợi tha chỉ là xây dựng những thứ huyễn mộng, phù du, không phải tự lợi, lợi tha chân chính. Nhưng trong ý nghĩa tương đối của cuộc đời, thì nếu mỗi cá nhân đều có thể tự lợi và lợi tha chắc chắn xã hội sẽ phát triển mạnh. Tuy nhiên, thực tế của cuộc sống đã cho thấy không có một lợi ích của cá nhân này vừa là lợi ích của cá nhân kia, nó chỉ có nghĩa tương đối. Về phương diện đối lập, chúng ta phải chấp nhận rằng, đôi khi tự lợi được tạo ra từ sự tổn thương của cá nhân khác.

Nói đến quan niệm tự lợi và lợi tha chúng ta liên tưởng đến khái niệm tự lực và tha lực. Khái niệm này rất phổ biến trong tôn giáo, có thể nói nó là hai chủ nghĩa, chủ nghĩa tự lực và chủ nghĩa tha lực. Theo Cơ đốc giáo, họ lập cước trên cơ sở chủ nghĩa tha lực: sự cầu nguyện của tín đồ Cơ đốc giáo không phải để đạt đến ý chí của mình mà lấy ý chí của Thượng đế làm ý chí của họ. Họ quan niệm sự cứu rỗi là hoàn toàn nhờ vào ân huệ của Thượng đế chứ con người không thể tự lực đạt đến được. Từ quan niệm này, con người đã hủy diệt tính chủ thể của mình và hủy diệt luôn cả lòng từ bi, vì không có tự lực, tức là tự lợi, thì làm gì có lợi tha? Song, đến thời kỳ Thần học thì quan niệm này có thay đổi đôi chút, tức là họ quan niệm phải nhờ vào sự nổ lực của chính mình mới có thể hưởng sự ân huệ của Thượng đế.

2. Quan niệm tự lợi và lợi tha trong Phật giáo

Trong Phật giáo có hay không quan niệm tự lợi và lợi tha (hay tự độ và độ tha)? Có! Quan niệm này hình thành rất sớm, ngay thời Phật còn tại thế. Kinh Trường A Hàm có ghi lại một câu chuyện về Bà la môn Lohicca. Ông là một Bà-la-môn nổi tiếng, không bị người khác khinh chê, phúng tụng thông suốt ba bộ Vệ-đà, có khả năng phân biệt hết các loại kinh sách, lại giỏi về tướng pháp, xem bói và giỏi nghi lễ tế tự. Một hôm đức Thế Tôn du hóa đến thôn Sālavatika và nghỉ ở một khu rừng gần đó thì Bà la môn Lohicca đến tham vấn và tỏ ý muốn cúng dường. Theo Bà la môn này thì mỗi chúng ta hãy tự cứu lấy đời mình, hãy tự tu tập để giác ngộ và giải thoát lấy mình mà không nên chia sẻ cho người khác, đừng lo cho người khác, đừng nghĩ đến lợi tha hay độ tha, vì rằng không ai có thể tu tập thay cho ai được, không ai có thể giác ngộ cho ai được, mỗi người hãy tự lo cho mình. Đức Phật biết được tâm niệm này của Lohicca, nên sau khi thọ thực xong, đức Thế Tôn trình bày quan niệm tự độ và độ tha trong Phật giáo để khai thị cho Lohicca.

Đức Phật đã chỉ cho Lohicca thấy: đạo Phật vì cuộc đời khổ này mà xuất hiện. Sự xuất hiện đó là để chỉ ra rằng những khổ đau có mặt đều có những nguyên do của nó. Nguyên do đó chính là lòng tham dục, sân hận và si mê. Vì vô minh cho nên chúng sanh không nhận ra được chân tướng của vũ trụ vạn hữu, không nhận ra được bản chất của cuộc đời, và vì vậy chúng sanh phải gánh chịu những nổi thống khổ trong nhà lửa tam giới. Bằng những phương pháp tu tập và quán chiếu, chúng sanh nhận ra được bản chất của cuộc đời và thoát ra được mọi khổ đau hệ lụy trong tam giới, nhận ra bản lai diện mục của mình, đạt đến giác ngộ giải thoát. Quá trình nỗ lực hành trì vĩ đại ấy được gọi là tự lực, tự lợi hay tự độ.

Như vậy, tự lợi, theo Phật giáo, là tự mình tu tập để thoát khỏi những khổ đau hiện tại và đạt được giải thoát, giác ngộ. Tự độ là tự mình tu tập, quán chiếu để tự dập tắt phiền não tham sân si, chứng quả niết bàn. Danh từ tự lợi được dùng trong Phật giáo hoàn toàn không có nghĩa là mưu cầu lợi ích cá nhân bằng những ngũ dục tài, sắc, danh, thực, thùy. Và vì vậy người ta ưa dùng từ tự độ hơn là tự lợi. Tự độ theo đúng tinh thần Phật giáo là thừa nhận Phật tính của chúng sanh.

Mỗi chúng sanh đều có Phật tánh, và đức Phật khẳng định tất cả chúng sanh đều có thể giác ngộ thành Phật như Ngài. Vì vậy, cứu độ chúng sanh, giúp đỡ chúng sanh vượt qua biển khổ, đạt đến giác ngộ trở thành bản nguyện của tất cả chư Phật. Sự cứu độ đó chỉ có ý nghĩa như một người chỉ đường mà thôi. Và đó cũng chính là ý nghĩa độ tha.

Độ tha theo đúng tinh thần Phật giáo có nghĩa là chỉ đường cho tất cả chúng sanh phương pháp tu tập để cùng đi đến giác ngộ, chỉ cho chúng sanh thấy được Phật tánh của mình.

3. Ý nghĩa của tự độ và độ tha

Quan niệm về tự lợi và lợi tha như thế rất có ý nghĩa đối với lịch sử phát triển loài người. Trước hết là ý nghĩa về nhân quyền: đề cao vai trò cá nhân. Đức Phật từng tuyên bố "hãy tự thắp đuốc lên mà đi" (hoàn toàn tự lực): Không phụ thuộc vào Trời, không ỷ lại vào Thần, không có giai cấp, duy chỉ nhờ vào sự tự khắc phục lấy bản thân mình mà triệt để giác ngộ. Điều đó còn khẳng định hạnh phúc hay khổ đau đều do chính mỗi cá nhân tạo nên. Và, sau khi giác ngộ, hay dù chưa giác ngộ, những người được mạnh danh là Phật tử đều mong muốn tất cả chúng sanh đều được giác ngộ như mình, có được hạnh phúc an lạc như mình. Sự chia sẻ (lợi tha) đó rất là nhân bản, rất từ bi.

Một người đã chứng đắc phải chia sẻ niềm vui đó với những người xung quanh, điều đó rất nhân bản, rất từ bi. Hơn nữa, nếu sự cứu độ không có thì tôn giáo sẽ không được thiết lập ở đời. Vả lại, giáo lý Duyên khởi đã cho chúng ta biết, mỗi chúng ta là một phần của người khác, của xã hội, của vũ trụ. Tất cả là một. Một là tất cả. Phật giáo không có quan niệm một cá thể tồn tại độc lập. Cho nên, độ tha là phá vở tự ngã, chấp ngã, chấp rằng cái ta tồn tại độc lập với người khác.

Nếu chỉ giải thoát cho riêng mình mà không cứu độ người khác đó là ích kỷ, chấp ngã. Và đức Phật cho đó là tà kiến, là ác tâm. Mà người có tà kiến, ác tâm thì sẽ nhận hậu quả đọa vào ba đường ác, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Đến đây chúng ta có thể đặt vấn đề: nếu như giác ngộ chỉ đạt được bằng khả năng tự lực của mỗi cá nhân thì yếu tố tha lực không có ý nghĩa gì trong Phật giáo hay sao? Nhất là đối với bản nguyện của đức Phật A Di Đà?

Thực ra vấn đề tự lực, tha lực vốn khong có sự khác biệt. Trong tự lực đã bao hàm ý nghĩa của tha lực, và ngược lại, trong tha cũng đã bao hàm cả tự, nhưng chỉ vì quá câu nệ về danh tướng nên có tự có tha. Tha lực ở đây chính là ý chí và nguyện lực lợi tha vậy. Đức Phật A Di Đà với 48 đại nguyện cứu độ tất cả chúng sanh về cõi Tịnh độ của Ngài, và nếu như còn chúng sanh nào chưa được cứu độ thì Ngài không chịu thành Phật, đó là ý chí và bản nguyện lợi tha, nhưng chúng ta nhìn nhận đó là tha lực. Điều đó không có gì mâu thuẫn, chẳng qua chỉ là sự bất đồng về mặt ngôn từ. Sự thật ở đây vẫn là: sự cứu độ của Phật A Di Đà – mà với bản nguyện của Ngài chúng ta xem như là nguồn tha lực đi nữa – cũng chỉ đưa ra phương tiện, pháp môn niệm Phật để chúng sanh nương vào đó để thanh tịnh tâm mình, để diệt trừ tham, sân, si – nguồn gốc của khổ đau. Và sự hành trì đó chỉ còn nhờ vào ý chí tự lực của mỗi cá nhân mà thôi. Về phương diện này thì không có sự khác biệt giữa thiền và tịnh. Dù thiền dù tịnh, mục đích vẫn là giác ngộ giải thoát. Mà muốn đạt được giác ngộ giải thoát thì không thể không tịnh hóa tam nghiệp, tham, sân, si trước. Có thể tịnh hóa bằng cách tọa thiền, quán sổ tức, niệm Phật, hay tham công án... tất cả đều là phương tiện. Do đó, cái ý niệm cho rằng thiền tông là tự lực, còn tịnh độ tông là tha lực là một ý niệm chưa chính xác.

4. Kết luận

Nói tóm, thực chất không có sự khác biệt giữa tự lợi và lợi tha. Khi chúng ta tự lợi thì đã lợi tha rồi. Tự mình chuyển hóa ra khỏi khổ đau, sống an lạc, hạnh phúc thì những người xung quanh mình cũng có an lạc, hạnh phúc. Nói đơn giản là khi cuộc sống của mình có an lạc thì những người thân của mình cũng có được an lạc. Chẳng hạn một nụ cười, một lời thăm hỏi... đều có ý nghĩa lợi tha. Nhưng để lợi tha chân chính thì bản thân mình phải không vị kỷ, tức phải vô ngã mới được.

Ở đây muốn nói thêm rằng, mỗi chúng ta đều có sinh mệnh vô hạn, nhưng sở dĩ không thực hiện được là vì chúng ta quá lệ thuộc vào sinh hoạt hiện thực, bị vật dục trói buộc, không thể vươn lên lý tưởng sinh mệnh tuyệt đối được. Bởi thế, nếu muốn thực hiện được sinh mệnh tuyệt đối, cần phải vượt lên trên sinh hoạt hiện thực ràng buộc con người. Mà muốn vượt lên trên mọi sinh hoạt hiện thực thì phải ức chế dục vọng bản năng, nhất là ngã chấp, ngã dục. Ức chế được ngã chấp, ngã dục thì sinh mệnh tuyệt đối tự nó sẽ biểu hiện, vì con người lúc đó đã tự giác, đã được giải thoát. Nói ức chế có vẻ như khó nghe, chúng ta có thể nói quá trình tu tập đó là sự chuyển hóa tâm thức ra khỏi chấp thủ, cái ta và những cái ta tham muốn. Nhưng để quá trình chuyển hóa đó đạt đến giác ngộ đòi hỏi chúng ta phải nổ lực bản thân, phải có tinh thần phấn đấu mạnh mẽ nhất và bất tuyệt. Đó là ý chí tự lực, tức là tự lợi hay tự độ vậy. Và rõ ràng, để kết luận, chúng ta chỉ có thể hướng dẫn người khác những phương pháp tu tập để họ cũng tự dập tắt ngã chấp và ngã dục, mà chúng ta không thể dập tắt cho họ được. Đó là lợi tha.