Home > Khai Thị Phật Học > Truyen-Thong-To-Tien
Truyền Thống Tổ Tiên
| Hòa Thượng Thích Thiện Huệ, Việt Dịch


Một người lữ hành đi từ bắc đến nam Thiên trúc, ở lại nơi đây và cưới vợ. Khi người vợ nấu nướng món ăn cho chồng, anh chồng nuốt chửng quên cả nóng. Người vợ ngạc nhiên nói “ở đây đâu có giặc cướp tranh đoạt, lại cũng đâu có việc cấp bách, cớ gì phải vội vã mà không ăn từ tốn. Anh chồng đáp “đó là chuyện riêng của tôi, không thể cho nàng biết được”. Người vợ nghe vậy cho là có chuyện gì lạ, nên ân cần thưa hỏi. Anh chồng hồi lâu mới kể “từ tổ phụ đến đời cha đều ăn nhanh, tôi học theo và thành thói quen”.

Phàm phu cũng vậy, không hiểu chính lý, không biết thiện ác, tác chư tà hành, không biết hổ thẹn. Chỉ biết từ tổ phụ đến nay đều làm như vậy, nên tôi cũng làm đến chết, quyết không thay đổi, như người ngu kia học thói ăn nhanh cho đó là điều hay.

Lời Bình:

Tập tục thói quen truyền từ lâu đời được gọi là truyền thồng. Có vô lượng truyền thống, như mỗi quốc gia đều có truyền thống, thậm chí mỗi tỉnh mỗi làng cho đến mỗi dòng họ cũng đều có truyền thống riêng. Song nhân loại có chung một truyền thống đó là “trung thành với truyền thống”, coi sự trung thành này là một lương tâm, một phép tắc, một đạo đức bất khả xâm phạm. Không ai được đụng đến truyền thống này, dù chỉ muốn sửa đổi, hay đặt vấn đề, đều bị coi là phạm tội hủy báng, phá hoại và vong bản.

Phật giáo cũng có truyền thống riêng ở mỗi nước, do văn hóa khác biệt nên truyền thống Phật giáo cũng sai khác. Truyền thống Phật giáo của mỗi nước, là sự hài hòa giữa giáo lý nhà Phật với văn hóa đương địa. Như vậy bản thân của Phật giáo là truyền thống nào trong các truyền thống đó? Những truyền thống này đều dính dáng đến thói quen của ngã, nên đều là giả pháp. Chư vị tổ sư lập những truyền thống khế cơ này để thích nghi với tập quán của mỗi xứ, khiến người tu hành cảm thấy quen thuộc và dễ dàng hơn. Căn tính dục của chúng sinh có vô lương sai biệt, nên có vô số chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ khác nhau, nhưng khi thành Phật thì đồng nhất vô sai biệt.

Do chư Phật vô ngã nên các cõi Phật không có văn hóa ngôn ngữ và chủng tộc khác nhau. Vì vậy những truyền thống thuộc về khế cơ này đều là các phương tiện để tu tập, nhưng nhằm đến cùng một mục đích khế lý tức giác ngộ, cơ thì vô lượng nhưng lý thì không hai, các truyền thống sai biệt này sẽ thống nhất khi giác ngộ, hay nói cách khác thì mọi truyền thống này đều bị lìa bỏ, như người lìa ngón tay để thấy trăng, chúng ta tạm dùng ngôn từ diễn bầy đó là truyền thống “bình đẳng bất động” hay “giác ngộ”, truyền thống này không có đặc tính của ngã, nên chẳng phải bất cứ truyền thống thuộc xứ sở nào. Đức Phật tuyên thuyết “như nước trong biển cả chỉ duy có vị mặn, đạo ta cũng chỉ duy có vị giải thoát”.

Chư Phật vô tứ tướng, nên truyền thống giác ngộ của Như lai không có chút gì dính dáng đến ngã hay tứ tướng. Vì thế ta có thể kết luận Phật giáo có hai truyền thống là “khế cơ” tức truyền thống riêng của mỗi nước, và “khế lý” tức truyền thống chung của mọi truyền thống khế cơ. Vì bất luận truyền thống khế cơ nào không đưa đến khế lý tức không có vị giải thoát, ắt chẳng phải truyền thống thuộc Phật giáo. Chính xác hơn hai truyền thống đó là truyền thống phương tiện (khế cơ) và truyền thống cứu cánh (chứng lý), hoặc truyền thống hữu và vô.

Khi đã biết do tiền nhân nhận thấy điều tốt đẹp, nên duy trì và dậy con cháu tiếp nối, lâu đời thành truyền thống, tất nhiên phải hiểu rằng bảo vệ truyền thống cũng vì cái nguyên nhân tốt đẹp ban đầu, chính vì vậy một khi tam sao thất bản, truyền từ đời này sang đời nọ, mỗi đời tích lũy một ít sai lạc, sai một ly đi một dặm, trải qua bao đời tinh thần của truyền thống hoàn toàn thay đổi, như con người mỗi ngày thêm chút gìa, vài chục năm sau không còn thấy bóng dáng của tuổi trẻ đâu nữa. Và như vậy truyền thống dần dà chỉ là cái xác không hồn, nhân loại chỉ lo giữ xác mà không lo giữ hồn. Bỏ rơi cái nguyên nhân tốt đẹp ban đầu của truyền thống, một mực bảo vệ cái xác truyền thống, cho đó là đức tính trung thành, nếu ai đặt vấn đề xem xét lại, thì đồng nghĩa với phản động, hủy báng và phá hoại.

Lại không hẳn truyền thống nào cũng tốt đẹp đúng nghĩa, (điển hình như truyền thống “bồi táng” của Trung Hoa và Ấn độ thời cổ đại, hay “điểu táng” của Tây Tạng…), vì tùy theo căn tính dục, chúng sinh nhận chân về tốt đẹp có vô lượng sai khác, vì vậy mà có vô lượng truyền thống, lớn nhất thì có truyền thống dân tộc, nhỏ nhất thì có truyền thống gia đình. Nếu cứ một mực gìn giữ chỉ vì thói quen truyền từ lâu đời, mà không cứu xét xem có giá trị để duy trì hay không, thì khác nào người duy trì truyền thống ăn nhanh nuốt vội của ông cha, chỉ có hại mà vô lợi. Như trên đã nói, truyền thống của chúng sinh là có thói quen bảo vệ mọi “thói quen” gọi là truyền thống, chúng sinh bị thói quen trói buộc, nói đúng hơn bị nghiệp sai sử, bởi thói quen chính là nghiệp, và chẳng bao giờ hồi đầu suy nghĩ thói quen tức “truyền thống của mình” có chân chính hay không, mà chỉ biết vì là thói quen nên phải duy trì, từ những đời kiếp trước để lại, những đời trước đó dụ như đời cha ông của người quen thói ăn nhanh để lại.

Nhất thiết chúng sinh đều nhất mực trung thành và bảo vệ thói quen do cha ông hay nghiệp từ nhiều đời trước truyền lại, cho đó là chính nghĩa, chỉ thấy trung thành là chính nghĩa, chỉ thấy làm như ý là hạnh phúc, mà không thấy bị nô lệ bởi nghiệp, do vô minh che mắt. Hơn nữa trung thành chưa hẳn là đức tính, bởi lẽ nếu một người trung thành với chủ nghĩa hay truyền thống khủng bố, thì “đức tính” này là sự đe dọa cho tha nhân. Nếu chỉ biết nhắm mắt trung thành, ắt sẽ không bao giờ chịu hồi đầu khi rơi vào sai lầm. Chư Phật chỉ trung thành với lý tưởng tự giác giác tha, và bất cứ gì không có vị giác trong đó đều bị vứt bỏ như đờm dãi, như vậy tất nhiên chư Phật luôn quán sát mọi pháp, và phế bỏ lập tức mọi vọng pháp không áy náy, cho dù ngài đã sống và làm bạn với vọng pháp này hằng bao đời, mà chẳng sợ mang tiếng vô tình hay bất trung. Chúng sinh thì luôn khư khư bảo vệ truyền thống sinh tử luân hồi, tuyệt đối trung thành và chống lại những ai hay pháp nào đi ngược lại truyền thống nói trên. Chẳng hiểu chính lý của truyền thống, không phân thiện ác, chỉ biết hành động theo truyền thống tà hạnh, không biết hổ thẹn sám hối hồi đầu, như người bắt chước tổ phụ này.

Như vậy truyền thống đáng duy trì nhất là truyền thống không lệ thuộc vào truyền thống “theo thói quen”, mà là truyền thống “hướng thượng, hướng thiện, hướng giải thoát”, nếu thói quen ngược chiều với 3 đức tính này, cũng sẽ bị phế bỏ không ngần ngại và luyến tiếc. Song hễ nói đến thói quen tất phải có ngã, vì thói quen chỉ là cái thường hay được ngã suy nghĩ và hành động, nó còn gọi là nghiệp lực, bỏ thói quen đồng với vong ngã và lìa nghiệp, nhờ quên ngã xả nghiệp mới hướng thượng, hướng thiện, hướng giải thoát được.

Nay chúng sinh nương vào các pháp khế hợp với căn cơ và cảnh giới của bản thân do chư Phật phương tiện giả lập để tu hành hướng đến giải thoát, giải thoát ra khỏi mọi trói buộc u mê của ngã và ngã sở. Một khi đạt được giải thoát cứu cánh, như đã nhìn thấy ánh trăng tất không còn gì để duy trì ngón tay, cũng vậy khi đã giải thoát khỏi vọng ngã và ngã sở rồi tất nhiên các pháp phương tiện “khế cơ với ngã” ban đầu đều bị vứt bỏ. Do đó bất luận căn cơ, truyền thống hay pháp môn nào, phàm tu hành chứng quả đều bình đẳng, và đều có chung một truyền thống giác ngộ, một truyền thống không hề bị bất luận truyền thống nào ràng buộc, nên năng ứng sử mọi truyền thống. Do vậy mà Phật giáo có thể hài hòa với bất kì văn hóa của mọi xứ sở để thành một truyền thống Phật giáo riêng biệt. Không bị truyền thống ràng buộc nên giải thoát, năng ứng sử mọi truyền thống nên tự tại. Truyền thống của Phật giáo là truyền thống tự tại giải thoát.

Mỗi xứ theo Phật giáo có truyền thống Phật giáo riêng, vì văn hóa của các xứ có khác nhau nên truyền thống Phật giáo dĩ nhiên có sai khác. Đã có truyền thống tất có ngã, nên ta có thể tạm gọi mỗi truyền thống Phật giáo là một ngã. Ngã tất có sai khác, vô ngã thì đồng nhất. Ngã nói trên là truyền thống của phương tiện pháp khế cơ, vô ngã là truyền thống khế lý giải thoát cứu cánh. Phật giáo đồ mỗi nước bảo vệ truyền thống của mình như bảo vệ ngã, chung quy chỉ là bảo vệ phương tiện mà lãng quên mặt cứu cánh. giả như một vị tăng Việt thành Phật có thấy ta là Việt nam và dân Việt là của ta, hay một vị tăng Tây Tạng hoặc Trung hoa thành đạo có thấy dân Tạng hay Hoa mới là dân ta không? Dĩ nhiên là không, mà chỉ thấy chúng sinh bình đẳng không phân biệt chủng tộc hay quốc gia, và đã như thế tất nhiên nhận ra truyền thống tức các pháp phương tiện khế cơ mà ta tu hành trước đây chỉ là ngón tay chỉ trăng, và ngón tay chưa bao giờ thực sự là truyền thống chân lý.  

Xét cho cùng ngay đến cái gọi là truyền thống của các pháp môn tu như trì chú của Mật, niệm Phật của Tịnh, tĩnh tọa của Thiền…cũng chỉ đều là ngón tay phương tện mà thôi, chính mục đích cứu cánh giác ngộ độ sinh vốn bình đẳng ẩn trong các phương tiện này mới thật sự là truyền thống của Phật giáo. Chúng sinh do như gã giữ truyền thống tổ tiên này chỉ nhận ra được cái truyền thống hữu tướng phương tiện của pháp môn tu, mà không nhận ra lý do vì sao phải gìn giữ cái truyền thống phương tiện này, đó chính là không để vong thất hay sai lạc cái truyền thống giác ngộ độ sinh vốn vô tướng ẩn bên trong, vì vậy trải qua bao đời, người tu thiền chỉ còn biết giữ cái ngồi yên bất động, người tu tịnh chỉ biết khẩu niệm, mà bỏ hẳn tính giác ngộ và độ sinh trong đó, bằng thái độ từ chối phát tâm bồ đề. Cũng vì mê muội chấp trước nên chỉ mải lo giữ phương tiện và lãng quên cứu cánh, tinh thần này càng về lâu càng đi xa mục tiêu cứu cánh, dẫn đến tình trạng chỉ còn hình thức mà không còn thật nghĩa (gọi đấy là mạt pháp, tức còn hình thức, song mất nội dung).

Do giữ truyền thống phương tiện nên chỉ biết pháp môn qua sự tướng, nếu hiểu truyền thống cứu cánh tất nhận ra pháp môn giải thoát ở khắp các sự tướng pháp môn, như trì chú, niệm Phật hay thiền tọa, cho nên tuy không truyền thống mà truyền thống nào cũng là truyền thống, bởi lẽ nếu đặt câu hỏi truyền thống Phật giáo xứ nào là truyền thống Phật giáo chân chính? tất nhiên chẳng có truyền thống xứ nào là chân chính, vì nếu truyền thống này chân chính tất các truyền thống kia là hư ngụy sao? Tuy nhiên, truyền thống nào cũng chân chính khi nhận ra cái tính tương đồng trong các truyền thống trên, đó là tính giác ngộ độ sinh. Vì vậy ta có thể kết luận truyền thống chân thật của Phật giáo đại thừa là “bồ đề tâm” tức sự giác ngộ độ sinh, thế nên trong kinh điển thường thấy bất luận người nào hễ phát bồ đề tâm đều được chư Phật thọ kí. Thọ kí là hình thức được chư Phật công nhận là người giữ gìn đúng truyền thống gia phong của chư Phật. Thế nên pháp môn nào của đại thừa cũng đều lấy bồ đề tâm làm nền tảng, người tu học Phật quên hay lìa hoặc không phát bồ đề tâm tất có học pháp môn nào đi nữa cũng đều không đạt được cứu cánh giải thoát. Do đó giữ gìn bồ đề tâm siêu việt hơn giữ gìn mọi truyền thống.

Kết luận tất cả mọi truyền thống ngoài giải thoát đều không phải truyền thống chân thật của chư Phật, mà chỉ là phương tiện để hướng đến giải thoát như phương tiện dùng ngón tay để chỉ trăng. Mọi truyền thống có hơi hám của ngã, như từ các truyền thống thế tục, nhẫn đến cái ngã “truyền thống Phật giáo của mỗi xứ” thậm chí đến “truyền thống của mỗi tông phái” đều không đích thật là truyền thống giác ngộ của Phật giáo. Do vậy người học Phật nên nhận ra và duy trì “truyền thống giác ngộ” chân thật của chư Phật, tức truyền thống độ sinh của bồ đề tâm, tất thành tựu được đại sự nhân duyên “Khai thị ngộ nhập Phật tri kiến”.