Home > Khai Thị Phật Học
Ăn Trĩ Chữa Bệnh
| Hòa Thượng Thích Thiện Huệ, Việt Dịch


Một người nọ bị bệnh nặng, lương ý bầy, nên thường ăn thịt trĩ sẽ khỏi được bệnh, người này ra chợ mua được con trĩ, đem về nấu ăn. Sau đó không ăn tiếp nữa, đến khi gặp lương y hỏi, bệnh đã bớt chưa, người ngu đáp “ông dậy tôi thường ăn thịt trĩ, tôi ăn một con rồi, nên không ăn nữa”. Lương y nói “ăn hết rồi, sao không ăn tiếp, làm thế nào ăn có một lần mà khỏi bệnh được”.

Ngoại đạo cũng vậy, nghe các bậc vô thượng lương y như chư Phật, chư bồ tát dậy “phải hiểu tâm thức”, ngoại đạo chấp thường liền nói, quá khứ hiện tại, vị lai chỉ có một thức không hề thay đổi. Do ăn có một trĩ nên không khỏi được bệnh ngu hoặc phiền não, đức Phật đại trí dậy các ngoại đạo diệt thường kiến, các pháp niệm niệm sinh diệt, làm gì có nhất thức thường hằng bất biến? Như vị lương y dậy phải thường ăn trĩ, mới khỏi được bệnh. Như lai cũng dậy chúng sinh “các pháp đều hư hoại nên chẳng phải thường, tiếp đó cũng chẳng phải đoạn, như vậy sẽ diệt được căn bệnh thường đoạn”.

Lời Bình:

Như trong hai câu chuyện 60 và 61, đề cập đến 5 uẩn kết hợp thành ngã. Chúng sinh chấp ngã là thật, nên cử chỉ động niệm đều vì huyễn ngã khởi động, đã khởi động từ huyễn nên chung cục mọi tạo tác của ba nghiệp đó đều như hành động của cơn mộng, khác nào mò vàng dưới đáy ao, chỉ tích lũy chồng chất toàn cấu uế và thời gian của cuộc sống đều dồn hết thân tâm tính toán lao lực đầu tư vào việc “xây lầu trên không”, và cứ vậy lưu chuyển từ kiếp này sang kiếp nọ, miên viễn như gã mò vàng, mò đuối rồi nghỉ ngơi vừa khỏe là tiếp tục công việc cấu uế vô ích. Kết quả không có chỗ đến, vì chỗ đến vốn không thật, nên chạy theo vọng thức đến chốn vô cùng của thời gian, chịu lao nhọc với dòng thời gian vô tận, không có ngày nghỉ, tức vô gián nhọc nhằn.

Từ vọng thức chấp ngã, lại sinh tiếp trùng trùng các vọng thức khác. Do vọng chấp ngã, sinh khởi ngã là thường hoặc đoạn. Kẻ chấp đoạn thì cho chết là cả thể xác lẫn linh hồn đều hết hoạt động như nhau, toàn bộ trở về với cát bụi, những kẻ này không biết rằng “ngã và cả cát bụi cùng nhất thiết thế gian đều do vọng thức vọng thành có”, nên hễ còn vọng thức thì vẫn còn mọi cảnh giới, và vọng thức tùy nghiệp mà chiêu cảm cảnh giới nên gọi là luân hồi. Bởi vậy cho dù vô trí ngỡ rằng chết là hết, nhưng sự thật vẫn là sự thật và giết chết cái mộng tưởng của họ.

Những kẻ chấp thường, cho là linh hồn không chết theo thể xác, mà sẽ đi đầu thai, thọ hình hài khác. Linh hồn mới là thật ngã, còn thể xác chỉ là công cụ, nên ta thay đổi rất nhiều thể xác nhưng chỉ có một linh hồn bất biến và bất tử, mà không biết linh hồn chỉ là vọng thức. Cả hai tư tưởng đoạn và thường này đều là vọng tưởng, đó là tư tưởng của ngoại đạo, cũng như của nhất thiết chúng sinh.

Dưới nhãn quan của Phật pháp vọng thức này là dây buộc chúng sinh trong luân hồi sinh tử, vì vọng chấp 5 uẩn là ngã, nên thấy có sinh tử luân hồi, có nghiệp báo, có họa phúc. Dầu phúc hay họa cũng chỉ là cảnh giới vọng, đã vọng tất thật chẳng có phúc họa, như người nằm mơ thấy họa sinh tâm sợ sệt hay đau khổ, và khi mơ thấy được ngũ dục trong lòng hân hoan sung sướng, nhưng khi tỉnh dậy thì mơ phúc hay mơ họa, cũng vẫn chỉ là giấc mơ “vô nhất vật khả đắc”. Do vậy có nỗ lực mơ phúc hay cố tránh mơ họa, chung quy cũng vẫn chỉ là chuyện “mơ giữa ban ngày”. Đã biết là mơ thì chẳng cần tạo tác thêm vọng nghiệp cho giấc mơ làm gì, để khỏi phải thêm lao lự, vọng thọ khổ lạc.

Do chấp ngã nên họa phúc hư vọng của huyễn ngã trở thành hiện thật, vì vậy muôn kiếp lao nhọc vì họa phúc. Từ vọng thức chấp ngã nên sinh tư tưởng ngã này là thường. Phàm hễ chấp thường thì lo duy trì ngã, chấp đoạn thì tạo tác mọi nghiệp để hưởng thụ, bất kể là thiện hay ác, và vì thế cả 2 xu hướng chấp thường hay đoạn đều không nghĩ đến việc tỉnh giấc mộng ngã.

Mọi dụng công tu hành hay mưu cầu của tôn giáo và thế nhân đều bắt đầu từ ngã, tôn giáo thì tìm cách tu thân tâm này cho thanh tịnh để ngã được thăng hoa, đắc quả thiên đường, là nơi hưởng phúc lánh họa tốt nhất trong thế gian. Bên dưới thiên đường là thế gian, nơi thử thách để quyết định cảnh giới sau khi chết, và dưới cùng là địa ngục, cảnh giới đối lập với thiên đường, đó là nơi tập trung những hạng đầy tội ác, cũng như chuyên hưởng phúc bằng cách gieo tai ương và họa hoạn đến cho nhân loại. Đó là ba cảnh giới để linh hồn chọn lựa.

Có tôn giáo chủ trương chỉ có một kiếp sống ở cõi nhân, sau khi chết sẽ được Thượng đế phán xét cho lên thiên đường vĩnh cửu hay xuống địa ngục vĩnh viễn. Những tôn giáo này không tin linh hồn sẽ đầu thai trở lại nhân gian, linh hồn chỉ có một cơ hội duy nhất để chọn đời sống vĩnh hằng nơi kiếp sau, ở thiên đường hay địa ngục. Nhưng thật chất linh hồn này cũng trải qua ít nhất ba kiếp, trước nhất ở cõi người, sau đó ở cõi chết của tử thần, rồi cuối cùng mới lên thiên đường hay xuống địa ngục, mà đã có 3 tất có 4 và cứ thế đến vô chung.

Lại có tôn giáo chủ trương linh hồn nếu chưa đủ thiện lên trời hay chưa đủ ác để xuống địa ngục, tất sẽ tái sinh trở lại thân người, thử thách tiếp với vốn liếng họa phúc của đời trước, cho đến khi nào đủ điểm lên thiên đường hay rớt xuống tận đáy địa ngục mới thôi. Vì vậy linh hồn lang thang giữa ba cõi, thiện của thiên đường, ác của địa ngục, và thiện ác lẫn lộn của nhân gian. Cả ba cõi này của ngã đều vô thật thể, vì cả ba cõi đều từ vọng tâm tạo thành, thiện ác hay vô kí đều là tác dụng của thân tâm. Như câu chuyện kiếm khách đến hỏi hòa thượng về thiên đường và địa ngục thực có hay không. Vì tin ngã là thường nên muôn kiếp lao nhọc với thiện ác, trôi nổi trong ba cõi, mà chẳng hay cả ba cõi đó chỉ là mộng, cả ba tâm đó chỉ là vọng.

Ngoại đạo nghe Phật dậy quán tâm thức, cứu xét tâm tính để tu hành, nên chỉ quán tâm thức, rồi nhận thức làm ngã mà không quán tiếp để thấy ngã này chẳng thường chẳng đoạn, chỉ là hư huyễn, như gã bệnh nhân chỉ ăn một lần tất không khỏi được bệnh. Chư Phật từ bi chỉ dậy chúng sinh thường xuyên quán sát để thấy các pháp niệm niệm sinh diệt, trong đó không có cái “nhất thức” thường hằng bất biến, thức luôn tạo cảnh, cảnh lại sinh thức, như trứng và chim tương sinh, tương diệt, nên cảnh và thức sinh diệt biến đổi không ngừng. Do đó nhận rằng chẳng có thức nào trong thức uẩn là thật thể, nên thức uẩn phi hữu, thức uẩn đã phi hữu tất toàn bộ ngũ uẩn đều phi hữu. Như vậy tất nhiên ngã cũng phi hữu.

Câu chuyện “ăn trĩ chữa bệnh” còn ám chỉ sự dụng công tu tập nhất thời mà không chuyên cần, nói chung là thiếu tinh tiến, niệm và định, nên không mang lại kết quả thành tựu trí huệ, đó là do nơi tín căn tức nền tảng tín không đủ lực hay tin sai. Lại như phàm nhân khi gặp ác quả thì mới chịu làm thiện như tụng kinh, phóng sinh bố thí, sau đó thì ngưng, chẳng khác gì gã “bệnh thì ăn trĩ nhưng chỉ ăn một lần”. Chúng sinh không hiểu bệnh “khổ” là do thiếu chất dinh dưỡng “phúc thiện”, nên hễ khi nào khổ thì làm phúc, qua cơn thì ngưng, vì vậy mà bệnh khổ không sao hết được. Nếu chúng sinh thường xuyên ăn chất dinh dưỡng “phúc thiện” thì bệnh khổ sẽ tuyệt nọc không còn cơ hội xuất hiện nữa, song vì chúng sinh làm phúc thiện chỉ 1 lần khi khổ, nên bệnh khổ vẫn triền miên không dứt.

Lại như người tại gia đến chùa xuất gia, sau khi ăn con trĩ xuất gia xong, thì không ăn nữa, ngỡ rằng cứ cạo tóc xuất gia là khỏi bệnh luân hồi mà không cần dụng công tức tiếp tục “ăn trĩ Phật pháp”. Hoặc giả có bị bắt học giới luật, giáo nghĩa căn bản, sau đó thọ giới, thì nhờ “ăn trĩ cụ túc giới” là xong mà không hành giới pháp như tiếp tục ăn.

Lại như đa phần suy nghĩ chúng ta đối trước Phật phát bồ đề tâm là xong rồi, có thể hết chứng vô minh phiền não, rồi thì an tâm sống mưu cầu lợi ích cho riêng mình. Mà không hiểu rằng đối trước Phật phát tâm như đối trước lương y, lắng nghe toa thuốc và hứa sẽ y toa mà uống, sau đó về nhà phải dùng thuốc cho đến khi thật sự hết bệnh. Phát bồ đề tâm cũng vậy, đối trước Phật phát để Phật chứng minh, sau đó hành tâm đã phát tức “đương nguyện chúng sinh”, một khi chân chính hành “đương nguyện chúng sinh” tất nhiên vì chúng sinh mà suy nghĩ và hành động, đã vì chúng sinh thì mọi hành đều là bố thí cứu tế. Phàm nhân chỉ “ăn thịt trĩ” có một lần tức làm lễ phát tâm, mà không tiếp tục dùng tiếp tức hành sự phát tâm, vì thế bệnh lợi kỉ không sao trừ được, đồng nghĩa không bao giờ có được sức mạnh lợi người. Ấy không phải là người ngu ăn trĩ chữa bệnh đó sao?.