Home > Khai Thị Phật Học > Gam-Phu-Da-Lac-Da
Gấm Phủ Da Lạc Đà
| Hòa Thượng Thích Thiện Huệ, Việt Dịch


Một thương nhân dùng lạc đà đi buôn, chuyên chở gấm vóc lụa là, cùng các loại thảm trân quý, giữa đường lạc đà chết, thương nhân lột da lạc đà, dặn dò hai người học trò, phải coi chừng đừng để da lạc đà bị ẩm ướt, rồi lên đường đi trước, chẳng bao lâu sau trời đổ mưa, hai người học trò sợ ướt da lạc đà nên lấy lụa là và thảm quý che cho da lạc đà, khiến lụa là thảm quý đều bị mục nát.

Thế nhân cũng vậy, lụa là dụ trì giới không sát, da lạc đà dụ cho tài vật, trời mưa làm hư hỏng vật quý dụ cho phóng dật làm bại hoại thiện hạnh. Như không sát sinh là diệu nhân tối thượng của Phật pháp thân, nếu không hành theo được, chỉ dùng tiền tài vật chất, xây dựng tháp miếu cúng dường chư tăng. Người này bỏ gốc lấy ngọn (xả căn thủ mạt), không cầu nguồn gốc, nên trôi nổi trong lục đạo, không thể tự ra, do đó hành giả cần chuyên tâm tu trì giới bất sát.

Lời Bình:

Qua câu chuyện này chúng ta nhận ra hai điều quan yếu trong việc tu học. Thứ nhất là y nghĩa mà không nên y cú, thứ hai là phải nhận thức chính xác đâu là cứu cánh và đâu là phương tiện. Do không thể nhận được hai điều này mà chúng sinh thường đeo mang hai bệnh, đó là bệnh lầm lẫn phương tiện với cứu cánh, và bệnh chấp vào âm thanh câu cú nên ngộ nhận ý nghĩa.

Ngôn ngữ âm thanh chỉ là phương tiện diễn bầy ý của người nói, nghe để hiểu ý, vì vậy cần ly văn nhập nghĩa. Do khi nghe chỉ thuần nghe âm thanh, rồi từ âm thanh, mà tư duy để hiểu cái nghĩa ẩn tàng trong âm thanh của người nói. Âm thanh không phải là nghĩa, mà chỉ là phương tiện nêu nghĩa, như ngón tay chỉ mặt trăng, nếu nghe mà trụ nơi âm thanh ắt lầm ngón tay thành mặt trăng. Như vợ Bốc tử thấy chồng mặc áo cũ vá chằng chịt, nên dành dụm mua vải về may áo mới cho chồng, Bốc tử dặn ”cứ y như áo cũ” may thì mặc rất vừa, người vợ nghe xong liền ra công may áo, khi hoàn thành hí hửng đem dâng cho chồng, Bóc tử kinh ngạc khi thấy chiếc áo mới cũng vá chằng vá chịt y như áo cũ, hỏi ra mới vỡ lẽ là chị vợ nghe ”cứ y như áo cũ”, nên áo cũ vá chỗ nào áo mới vá chỗ ấy. Thay vì phải hiểu ”y như cũ” có nghĩa là kích thước y như áo cũ, thì cô vợ hiểu là hình thức y như áo cũ. Người nghe chỉ biết chấp chặt vào âm thanh tất bị coi như hai người học trò ngu trong câu chuyện này, và khác nào vợ Bốc tử.

Hai người này khi nghe vị thầy dậy, phải coi sóc tấm da lạc đà mới lột, liền chấp vào âm thanh dặn dò đó, nên coi sóc da lạc đà bằng mọi giá, mà không hiểu từ trước đến giờ, mọi thứ mang theo đều cần coi sóc, giờ đây thêm da lạc đà nên vị thầy nhắc nhở về điều mới này. Hai người ngu đó không hiểu ý của vị thầy, muốn y nhiên coi sóc toàn bộ những cái cũ, và giờ đây thêm bộ da lạc đà, mà chỉ chấp lời mất nghĩa, bỏ đi những gì vẫn làm, để tuân theo lời nhắc mới này. Ngọn do gốc sinh, mất gốc ắt ngọn diệt, do vậy gốc quý hơn ngọn, trong câu chuyện này dùng lụa là gấm vóc quý hơn da lạc đà, nên được ví như gốc, còn da lạc đà rẻ rúng hơn ví như ngọn. Đem thứ quý che chở cho thứ khinh là hành động dại dột thiếu tư duy.

Người tu học thiếu tư duy, thường hay mắc bệnh y cú bất y nghĩa nên cũng hồ đồ như hai gã trên. Dụ như nghe nói xây chùa tạo tượng, cúng dường trai tăng được phúc báo, nên tăng tục đều nỗ lực hành sự được phúc báo này bằng bất cứ giá nào. Dựa vào công đức giới định huệ của Chư Phật, Bồ tát và Tổ sư, đã được quý ngài truyền thừa qua bao đời, tạo thành niềm kính ngưỡng sâu rộng nơi chúng sinh, mà xây dựng chùa chiền bằng mọi giá, lấy những quả đức của đức Phật và thánh chúng làm bình phong cho việc xây chùa cầu lợi dưỡng danh văn, cho đó là hành động vì truyền bá Phật pháp, chung cục chùa chiền được dựng lên, mà không biết để làm gì khác hơn kiếm sống. Phải biết truyền bá Phật pháp chân thật, tức phải nỗ lực trau dồi giới định huệ để chuyển mê khai ngộ. Chúng sinh nhờ ba pháp này giác ngộ mà không hề do xây chùa, họ không hiểu rằng xây chùa trai tăng thực sự chỉ có phúc là do nhờ có đạo tràng nên chúng sinh có môi trường tu học giới định huệ hầu đưa đến sự giác ngộ, mà không hề có nghĩa là xây chùa mà không giới định huệ vẫn được thành đạo. Như vậy khác nào dùng công đức tam vô lậu học của Phật như lụa là gấm vóc, che phủ cho da lạc đà là chùa chiền. Kinh Bảo đàn phẩm nghi vấn, ngài Huệ năng dậy "công đức tu tự tính nội kiến, bất thị bố thí cúng dường chi sở cầu" (công đức nên thấy nơi tự tính, chẳng phải bố thí hay cúng dường mà được).

Lại như Bồ đề tâm được coi như tinh thần giải thoát và bi nguyện độ sinh của người xuất gia, song nhiều người cạo tóc khoác ca sa, nhưng lại coi trọng cái áo và hình tướng hơn là Bồ đề tâm, họ thà giữ gìn ngoại tướng và ca sa hơn là để mất Bồ đề tâm, khác nào người ngu dùng gấm che cho da lạc đà, hay người lấy gấm bọc áo rách.

Người tại gia thì chỉ biết dùng giáo pháp giải thoát của Như Lai, cùng với sự tu hành của chúng tăng vào việc cầu lợi dưỡng cho bản thân, gọi đó là an, người này khác nào hy sinh gấm vóc để được da lạc đà.

Cũng do căn bệnh của hai người học trò này mà nhiều người tu học thường suy nghĩ Phật dậy ”phải duy trì và bảo vệ pháp này” nên quyết định hy sinh các pháp khác để làm theo lời Phật dậy. Họ không hiểu rằng khi đức Phật dậy cho hàng sơ cơ, như người dậy trẻ thì phép đánh vần và tập viết là quan trọng hơn cả. Khi đức Phật dậy cho hàng trung căn, như người dậy trung học, chú trọng vào tác văn, bỏ đi sự đánh vần tập viết. Khi đức Phật dậy cho hàng thượng căn, như người dậy đại học lấy biên thuật, sáng tác là trọng yếu.

Một khi đức Phật bác bỏ một pháp cũng do ngài dậy trước kia, để chỉ bầy một pháp mới, không có nghĩa thật sự bác bỏ pháp kia mà chỉ bác bỏ cho người muốn tiến tới một pháp cao hơn khác hơn, vì nếu bám chấp vào pháp cũ sẽ không tiến lên pháp trên được, như người lên cầu thang, nếu không lìa bực dưới tất không thể bước lên bực trên, như thế bác bỏ không có nghĩa hủy diệt, tức mỗi khi lên một bước thì đập phá bực dưới, mà hàm nghĩa tuy lìa nhưng vẫn duy trì, vì các pháp liên hệ hỗ tương duy trì như các bậc thang duy trì lẫn nhau. Vì không hiểu nghĩa này nên hai người học trò mới bỏ gấm để giữ da lạc đà.

Như một Sa di nghe vị thầy dậy phải tiết kiệm mọi thứ, tuân thủ lời dậy, khi sa di thấy một tỳ kheo chong đèn chép kinh liền đến tắt đèn và trách mắng vì sao hoang phí không nghe lời thầy dậy. Sa di này chỉ biết giữ da lạc đà là sự kiệm ước mà coi thường gấm vóc là sự biên chép kinh điển, lại sinh tâm kiêu ngạo là mình biết tuân thủ lời dậy, mà nào hay phạm tội vô lễ với giới phẩm trên. Thành thử làm được một điều nhỏ như da lạc đà, mà để mất đi gấm vóc là sự kính trọng kinh và sự chép kinh cùng người chép, lại thêm phạm thượng.

Kết luận khi học pháp phải biết tư duy thật đức năng để hiểu nghĩa chân thật của Như Lai, bỏ mà vẫn giữ, giữ mà vẫn bỏ, tức lìa mà không lìa, không lìa nhưng vẫn lìa, vậy mới không rơi vào thủ xả nhị biên. Giữ hết mọi pháp mà không chấp trước một pháp. Không chấp trước dù là thiểu pháp mà chẳng ngại hành trì nhất thiết pháp. Chỉ giữ một pháp này tất không mất một pháp, không mất một pháp mà thực chẳng có một pháp nào để nhọc công giữ.