Home > Khai Thị Phật Học
Giữ Gìn Cửa Nẻo
| Hòa Thượng Thích Thiện Huệ, Việt Dịch


Một người chủ nhà, trước khi đi xa, dặn gã nô bộc “chú ở nhà trông coi cửa nẻo, cũng như coi dây cột lừa”. Người chủ vừa đi, thì hàng xóm tổ chức nhạc hội, bộc nhân bèn tháo cửa cột trên lưng lừa, dẫn lừa đi coi hát, bao nhiêu tài bảo trong nhà đều bị trộm sạch. Khi người chủ trở về hỏi “tài bảo đâu cả rồi?” bộc nhân đáp “ông chủ chỉ dặn trông chừng cửa nẻo và dây cột lừa, ngoài những thứ đó ra, tôi không hề biết”. Người chủ nói “bảo chú trông coi cửa nẻo là vì tài bảo, tài bảo mất hết giữ cửa nẻo làm gì nữa”.

Ngu nhân sinh tử làm nô bộc cho ái cũng giống vậy. Như lai dậy bảo thường giữ các căn đừng để tiếp xúc với trần, giữ con lừa vô minh, trông chừng dây ái. Song tỳ kheo không tuân lời Phật dậy, tham cầu lợi dưỡng, giả làm thanh bạch, ngồi nơi chỗ vắng, tâm ý chạy nhẩy tham trước ngũ dục, bị sắc thanh hương vị xúc làm hoặc loạn, vô minh che tâm, dây ái trói chặt, mất hết tài bảo chính niệm, giác, ý và các đạo phẩm.

Lời Bình:

Cửa nẻo là chỗ ra vào căn nhà, vì vậy muốn đề phòng trộm cắp vào nhà trộm tài bảo tất cần phải coi chừng cửa nẻo. giả như không có kẻ trộm hoặc chẳng có chút tài vật tất nhiên không cần gìn giữ cửa nẻo. Chủ nhà vì phòng kẻ trộm, vì sợ mất tài bảo, nên căn dặn nô bộc trông coi cửa nẻo. Nô bộc chỉ văn thanh y cú bất y nghĩa, y cú phụng hành tuyệt đối coi sóc cửa nẻo, rồi vì ham vui, phải đi coi lễ hội cho được, nên tháo cửa cột trên lưng lừa, dắt đi xem hội một thể.

Các đối tượng chính trong câu chuyện này gồm các nhân vật và các thứ như sau:

  1. Chủ nhân dụ cho chư Phật và chư thiện tri thức.
  2. Nô bộc dụ cho người học đạo.
  3. Kẻ trộm dụ cho vọng tình, do từ lục trần xâm nhập vào lục căn.
  4. Tài bảo dụ cho chân tâm.
  5. Cửa nẻo dụ cho lục căn, mà chúng sinh cho là thân.
  6. Con lừa dụ cho vô minh hành, bị trói buộc bởi dây giới. Nhưng chúng sinh y cú phụng hành, cột trói sự hành này bằng dây pháp chấp.

Chư Phật dậy chúng sinh gìn giữ sáu căn, không để cho sáu trần ra vào, làm chân tâm bị vọng tình che mất, lại trông chừng các hành u mê do ái dẫn dắt. Chúng sinh mê muội y cú phụng hành, chỉ lo giữ thân tướng mà buông lung sáu căn, cho sự phi pháp đó là pháp, dùng sự chấp "phi pháp" này làm "pháp hành" đó là con lừa và sợi dây.

Chúng sinh do thức tình phân biệt dựa vào sáu trần và sáu căn, nên chỉ biết phân biệt hữu tướng mà không thể hội được vô tướng. Ở đây hữu tướng đồng với mọi hình thức (tức 4 pháp gồm cú, thức, nhân và bất liễu nghĩa), và vô tướng đồng với nội dung (tức 4 pháp gồm nghĩa, trí, nhân và liễu nghĩa). Dụ như chùa là hình thức làm phương tiện tu đạt được nội dung trí huệ, vì vậy chùa cần được xây dựng và bảo trì. Thế rồi trôi qua bao đời, đồ chúng chỉ còn biết giữ chùa với bất cứ giá nào, kể cả phế bỏ luôn sự tu tập, thế nên tài bảo trí huệ bên trong ngôi chùa biến mất.

Ngay đến sự tu tập, phàm nhân cũng chỉ lo duy trì hình thức tụng kinh lễ Phật mà bỏ qua nội dung phát triển lòng từ bi và huệ mạng, Họ không hành từ bi, không tu dưỡng huệ mạng, nên không biết đó chính là coi chừng con lừa và dây trói. Cửa nẻo là hình thức, những hình thức đó chỉ có giá trị nếu bảo toàn nguyên vẹn được tài bảo nội dung. Nếu bỏ mất nội dung thì hình thức nào cũng trở thành vô nghĩa hay bất liễu nghĩa.

Thời mạt pháp đa phần người học đạo thường rơi vào căn bệnh "giữ gìn cửa nẻo" này. Họ lo giữ cửa nẻo hơn là giữ tài bảo "chân tâm", ngược lại bao giờ đa số người học đạo không còn biết đến nội dung chỉ lo gìn giữ cửa nẻo hình tướng khi ấy là đời mạt pháp. Phật pháp chỉ còn lại những hình tướng mà nội dung thì bị vọng tâm chấp pháp đó khống chế, tài bảo chân tâm không còn xuất hiện được nữa.

Chính pháp thịnh hay suy đều do Tăng bảo quyết định. Tăng dẫn dắt tín chúng ý thức rằng để bảo vệ cẩn mật tài bảo chân tâm, cần phải nghiêm khắc giữ gìn hình thức. Thế nhưng chính người xuất gia thường hay vướng phải chứng bệnh giử gìn cửa nẻo này.

Đức Phật căn dặn giữ gìn đạo pháp, không để thất truyền. Giữ gìn đạo pháp bao gồm hai phương diện.

Thứ nhất gìn giữ thân tâm, vì đạo ngay nơi thân tâm, muốn thượng cầu, ắt cần giữ thân tâm thanh tịnh, thân tâm tịnh thì đạo thanh tịnh, thân tâm bất tịnh ắt đạo bất tịnh. Đạo thanh tịnh tức được hiển bầy ứng hóa thế gian độ nhất thiết chúng sinh, đạo bất tịnh tức mất đạo, đưa ta và người đến cảnh đọa lạc. Thế tôn dặn bảo tu hành phải thủ hộ căn môn, đừng để lục căn bị lục trần lôi kéo, khiến tâm loạn động mất sự thanh tịnh bất động của tự tâm, khiến vô minh sinh khởi va lan tràn trong tâm, người tu thiếu tư duy, vì ưa thích dục lạc nên tuân lời Phật dậy, vác cánh cửa căn môn, tức thân lìa nhà tức tâm, na theo vô minh và ái dục, chạy theo trần cảnh, khiến giặc ngũ dục xâm nhập tâm địa, phá mất tài bảo thanh tịnh bất động, để trở thành động loạn bất tịnh cấu nhiễm.

Song nếu bị chư Phật hay thiện tri thức trách mắng, vì sao để mất sạch tài bảo nơi tâm, thì vẫn ngây ngô cãi rằng cửa nẻo tức căn môn còn nguyên, vì hình thức đầu tròn áo vuông vẫn được bảo vệ nguyên vẹn. Không biết rằng giữ thân vì thân là cửa nẻo của tâm, thân có năm cửa, nếu để cửa mở tất giặc trộm ngũ trần lẻn vào tâm phá hỏng tài bảo thanh tịnh, nếu tâm đã mất thanh tịnh rồi thì giữ thân xuất gia cũng vô ích, như tài bảo trong nhà mất sạch rồi thì cửa có còn cũng vô dụng. Vì vậy kinh Pháp cú đức Phật dậy, không tự chế bất tịnh, dầu cạo tóc trọc đầu, ai còn đầy ái dục, sao xứng gọi sa môn.

Thứ hai gìn giữ đạo tràng. Để hạ hóa chúng sinh cần xây dựng và gìn giữ đạo tràng, như lời dậy, “kiến pháp tràng ư xứ xứ”, mục đích để “phá nghi võng ư trùng trùng”, khiến người chưa tin, trừ nghi sinh tín, phát tâm học đạo, và khiến người đang tu học diệt nghi sinh huệ, thành tựu đạo quả, vì vậy cần phải xây dựng và thủ hộ đạo tràng. Người xuất gia vô trí, y cú phụng hành hộ trì đạo tràng, nhưng không phụng hành phá nghi võng, do tâm ưa thích dục lạc hãy còn, nên chỉ ôm giữ đạo tràng trên lưng vô minh và ái dục, chạy theo ngũ dục thế gian, khiến nghi võng được thể xâm nhập tràn lan trong đạo tràng, diệt mất ý nghĩa cao thượng thanh tịnh của đạo tràng, dẫn đến tình trạng bị dục ô nhiễm, thay vì phá nghi thì truy cầu lợi dưỡng. Từ người xuất gia nơi đạo tràng đó, đến tín chúng đều sinh hoạt trong mối nghi hoặc, tức không hiểu chân nghĩa của chính pháp, chỉ giữ đạo tràng tồn tại trong cảnh tín Phật bất như tín lợi. Có bị thiện tri thức khiển trách, vì lý do làm mất ý nghĩa thanh tịnh cao thượng của đạo tràng, thì cũng vẫn cố chấp cãi rằng đạo tràng còn y nguyên và vẫn phát triển về mặt ngũ dục.

Người tu vô trí đã phạm lỗi, mà không nhận biết để sám hối hồi đầu, lại vẫn tin chắc rằng ta tu hành đúng pháp, giữ được hình tướng xuất gia, cũng như phát triển đạo tràng, khiến đạo tràng ngày thêm giầu mạnh, mà không đủ trí huệ để nhận thức, tâm bất tịnh ắt không thể thượng cầu, “cho dù thân còn tướng xuất gia cũng chỉ là ngoại đạo” (Đạt ma tổ sư), và đạo tràng tồn tại phát triển trong tinh thần lợi dưỡng, tăng trưởng nghi hoặc Phật pháp cho ta và người, ắt không thể trừ nghi để hạ hóa chúng sinh, do đó đạo tràng có phát triển cũng chỉ hại mà vô lợi. Vì vậy trong kinh Hoa nghiêm đức Phật dậy, vong thất bồ đề tâm, tu chư thiện nghiệp thị danh ma nghiệp (quên mất tâm bồ đề, dù tu thiện nghiệp, chung cục cũng thành nghiệp của ma). Xuất gia mà thượng bất cầu, hạ bất hóa, tức vong thất bồ đề tâm, thì dù có thân tướng oai nghi, và xây dựng đạo tràng đi nữa, chung cục những thiện nghiệp này vẫn thành nghiệp của ma, tức bất tịnh, vô minh điên đảo. Do giữ vọng nghiệp này mà mất chính pháp, khác nào nô bộc giữ cửa nẻo mà mất sạch tài bảo.