Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Bon-Duyen-Thu-Thang-Giup-Nguoi-Hoc-Phat-Phat-Tam-Bo-De

Bốn Duyên Thù Thắng Giúp Người Học Phật Phát Tâm Bồ Đề
Thượng Tọa Thích Phổ Huân

Bồ Tát Thế Thân[1] bậc luận sư Thánh giả vừa là đại trí thức Phật học, vừa là hành giả đắc đạo; Ngài đã thuyết minh triển khai chánh pháp của Thế Tôn, bằng những lời dạy liễu đạo vô cùng trong sáng, khiến vô số hàng học Phật thế hệ sau, từ hơn ngàn năm nay vẫn nhờ đó phát tâm thực hành chánh đạo.

Sau đây chúng ta thử lấy bốn duyên phát tâm giúp người phát tâm Bồ Đề trong phẩm “Luận về sự phát tâm” của Ngài để suy niệm về việc học Phật thời nay:

Một là, tư duy về chư Phật, mà phát tâm Bồ Đề.
Hai là, quán thân quá hoạn (thân tội khổ) mà phát tâm Bồ Đề
Ba là, thương xót (từ mẫn) tất cả chúng sanh mà phát tâm Bồ Đề
Bốn là, vì cầu TỐI THẮNG QUẢ,  mà phát tâm Bồ Đề.[2]
 
Tư duy về chư Phật mà phát tâm Bồ Đề.

Có thể nói thế giới hiện nay kiến thức nhân loại đã đạt đến mức tinh vi tuyệt hảo; do đó sản phẩm cung ứng cho nhu cầu đời sống gần như đáp ứng tối đa. Tuy nhiên sự kiện làm cho con người khắc khoải hoài mong, từ xưa đến nay vẫn chưa thực hiện được, dù nền văn minh kiến thức nhân loại gần như có thừa! Đó là sự hoài mong trông đợi một đời sống hòa bình toàn diện trên mặt hành tinh này. Như vậy ta thấy nếu đời sống nhân loại chưa ổn định được hòa bình, đoàn kết thống nhất huynh đệ thông cảm thương yêu nhau, thì tất cả các thứ gọi là sản phẩm văn minh tiến bộ, chỉ là những hào nhoáng phù du giả tạm mà thôi. Vì người ta không thể an nhàn hưởng thụ, trong khi tâm thức mỗi người còn chứa chấp những thành kiến, những ý thức dị biệt hận thù. Thế thì thế giới văn minh ngày nay vẫn còn dẫy đầy khuyết điểm, mà khuyết điểm lớn nhất lại đến từ tâm thức đấu tranh hận thù không dứt được.

Suy nghĩ thực trạng thế giới như vậy, lại thấy việc học Phật của người Phật tử chúng ta cũng lâm vào hoàn cảnh chung, tức phải chịu theo y báo mà thọ nhận. Có lẽ trong vô số kiếp ta đã không tạo được nhiều công đức phò trì chánh pháp, thực hành chánh đạo nên ngày nay phải sanh chung cộng nghiệp quả báo hiện thời.

Nhưng không! chúng ta vẫn còn có chánh báo thù thắng là được thân người và đang học hiểu giáo pháp Như Lai.

Nếu ta nghĩ về thời chánh pháp, thời còn đấng Điều Ngự, ta vẫn biết thời đó vẫn còn có chiến tranh, dù rằng sự xuất hiện của Ngài bấy giờ đã xua đi không biết bao nhiêu bóng tối vô minh; nhưng dù thế hãy còn vô số người không hiểu không duyên gặp được. Như vậy thời nay, thế nào đi nữa, giáo lý giải thoát vẫn còn hiện hữu, nghĩa là vẫn còn lời dạy của Ngài; và nếu quán tưởng tư duy sâu hơn, thì pháp thân của Ngài tức những gì hướng về tánh giác hướng về vạn pháp bất sanh bất diệt, hướng về chánh thể chân như tuyệt đối chẳng khác ngày xưa, ngày còn Phật. Vậy muốn tạo được tâm Bồ Đề phát khởi, ta phải tư duy suy niệm đến giáo pháp giải thoát hiện nay, mà ta đang may mắn học được. Giáo pháp chân lý đó chính là kinh điển là ảnh tượng của Ngài; và cũng là pháp thân bất sinh bất diệt của Như Lai. Như thế người biết tư duy, người luôn suy niệm chánh pháp sẽ có và còn hạnh phúc mãi với tâm Bồ Đề giải thoát.

Cuối cùng ta có thể kết luận rằng ngày nào giờ nào còn tư duy, còn nhớ nghĩ về Đấng Toàn Giác, là nghĩ về pháp thân của Ngài, thì dù không gian thời gian có khác biệt thế nào, cũng không còn trở ngại với người thật tâm học Phật.
 
Quán thân quá hoạn (thân tội khổ) mà phát tâm Bồ Đề

Khi đã tư duy quán sát hoàn cảnh không gian thời nay rồi, tiếp theo ta không thể không nhìn lại chánh báo đang thọ nhận, tức nơi chính con người mình. Con người ngày nay so với ngày xưa, chẳng khác cơ thể vật chất sinh lý, nhưng tinh thần quả thật có khác, nghĩa là phức tạp nhiều hơn xưa. Phức tạp thế nào? Đó là suy niệm tư duy quá rối rắm, quá đa đoan, quá vấn đề... và từ tư duy, lo lắng, nghĩ ngợi nhiều như thế; con người sống mà chẳng để ý đến mình, sống chỉ chìm sâu vào hoàn cảnh. Rốt cuộc suy nghĩ thật nhiều, tính lo mọi thứ mà chẳng giúp được gì cho đời sống cao đẹp hơn. Điều đó bằng chứng, tuổi thọ con người cũng không hơn được ngày xưa. Cho nên có hưởng thụ thế nào, rồi sự ra đi bỏ lại thân này là điều chắc chắn, không thể cứu trị được. Như vậy việc học Phật ngày nay là điều thiết thực nhất, khi nhìn lại bản thân mình; nơi thân này chẳng khác người xưa sống thời chánh pháp; nơi thân này nếu không khác người xưa, vậy mà ta đã sống cách xa thời chánh pháp đến hơn hai ngàn năm! Như thế có phải ta đã chết đi sống lại bao nhiêu lần; và rồi đây cuộc luân hồi sẽ tiếp tục, nếu ta không kịp quay lại thực hành giải thoát khổ đau.

Nếu nhận thức được đời sống khổ nhiều hơn vui, thì tại sao ta không phát tâm Bồ Đề là tâm cầu giải thoát ngay đời này, để khỏi phải than thở như đã từng than thở bao nhiêu kiếp qua.

Chẳng có một việc gì mà không có nhân duyên; chắc chắn rằng ta đã có duyên với đạo giải thoát cho nên bây giờ mới nhận thức được, mới có chánh báo thọ nhận thân người hiểu biết Phật pháp; vậy mà đến bây giờ vẫn không chịu phát Bồ Đề tâm, có phải tất cả là do ta không? Như nếu ta cảm thấy thọ nhận thân người mà không khổ, nghĩa là không bị thân thể hoành hành từ thể chất cho đến tinh thần, ta có thể vượt qua, còn như không nghĩ được vậy, thì ta phải nhất định suy nghĩ cái khổ về thân người, để phát được tâm Bồ Đề giải thoát, có như thế mới không uổng tiếc gieo duyên học đạo giải thoát từ quá khứ kiếp đến nay.
 
Thương xót (từ mẫn) tất cả chúng sanh mà phát tâm Bồ Đề

Muốn vào đạo giải thoát nhanh chóng, muốn phát được tâm Bồ Đề vững mạnh, tất nhiên ta phải nghĩ đến người, nhiều hơn là nghĩ đến mình. Nghĩ như vậy tự ngã sẽ bớt dính mắc đi, và vô tình là phương tiện làm cho tham sân si không còn lừng lẫy nữa.

Chúng ta biết Bồ Tát Tất Đạt Đa trước khi thành Phật, phải thường thương nghĩ đến chúng sanh khổ; vì nếu chỉ có động lực giải thoát cho mình, Bồ Tát khó thể thành tựu Chánh Đẳng Chánh Giác. Tất nhiên ban đầu Bồ Tát ý thức nơi chính thân mình là nguyên nhân khổ; nhưng khi ý thức thân mình không khác thân chúng sanh, nên niềm thương lo thoát khổ lại càng tăng thêm.

Chúng ta sanh ra sau thời Phật cả hơn hai ngàn năm, được Phật từ bi chỉ dạy vô số phương tiện hành đạo thoát khổ; nhưng ta lại quên rằng dù hành đạo thế nào, cũng phải ít nhất thực hành giống  một phần trăm hay phần ngàn như Phật đã làm. Tức là từ bi và trí huệ, và từ bi, trí huệ đó, đương nhiên không thể nào không nghĩ đến chúng sanh, bởi đạo giải thoát là đạo cứu độ chúng sanh. Nhưng chúng sanh trước nhất cũng chính là ta; ta chưa thể tự cứu được mình thì làm sao cứu được mọi người? Nhưng lại không thể đợi cứu được mình, rồi mới cứu người khác; yếu nghĩa đại thừa là không phân biệt, có thể tự cứu mình vừa có thể cứu người khác, đó là cách phát Bồ Đề tâm.

Theo duyên thứ ba này, là hãy thương xót chúng sanh mà phát Bồ Đề tâm; đây là việc làm thành tựu của Bồ Tát Tất Đạt Đa trước khi thành Phật như đã đề cập trên. Vậy Ngài Thế Thân dạy ta, hãy thực hành theo hạnh của chư Bồ Tát lấy chúng sanh làm điểm chính để đi vào chánh đạo. Thế thì tối thiểu chúng ta phải trải lòng từ đến tất cả chúng sanh không phân biệt, bằng cách sống không sát sanh hại vật, sống hướng thiện đúng theo tinh thần của người học Phật mà chư Phật chư Bồ Tát đã hằng dạy cho chúng sanh.
 
Vì cầu TỐI THẮNG QUẢ, mà phát tâm Bồ Đề.

Sau khi hiểu biết ba duyên thù thắng giúp người học Phật, thấy được con đường học đạo giải thoát không thể thiếu sót; bây giờ là duyên thứ tư là duyên cầu cho được TỐI THẮNG QUẢ, nghĩa là cầu thành Phật, cầu đạt quả vị Như Lai. Vì cầu như vậy mà tâm Bồ Đề mới phát khởi dũng mãnh.

Phật dạy “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”, điều này Phật tử ai cũng biết; nhưng nghe biết qua, chứ ít khi tự nghĩ rằng mình cũng sẽ là Phật tương lai.

Trong những truyện tích tầm sư học đạo giải thoát xưa nay, chưa có chuyện nào lạ lùng và phi thường như chuyện Lục Tổ Huệ Năng. Ngài chính là vấn đề làm người học Phật phải suy niệm về con đường học Phật của mình; và nơi đây chuyện của Ngài đã giải thích cụ thể nhất ở nhân duyên thứ tư này.

Khi Ngài vừa tìm gặp Ngũ Tổ thưa trình tâm ý, Ngũ Tổ hỏi Ngài lên đây muốn gì? Huệ Năng thưa ngay rằng: Dạ con muốn tu làm Phật.

Một câu nói bộc trực thành thật, thẳng thắn, không quanh co, không dè dặt, không nhún nhường, không ngập ngừng lo ngại. Đối với chúng ta chẳng bao giờ dám nói thẳng, dù chỉ nói học để giác ngộ đạo giải thoát. Nhưng chúng ta đừng tưởng rằng, vì Huệ Năng chưa hiểu việc thành Phật là việc phi thường không tưởng, hay vì Ngài không biết chữ nên không biết nghĩa Phật là gì! Nếu nghĩ như vậy, hóa ra chúng ta lại chẳng hiểu đạo chứ đừng nói là hiểu Ngài! Bởi vì Phật là sự giác ngộ, sự chứng thực vạn pháp, sự ra khỏi vô minh... Ngài Huệ Năng đã muốn như vậy, nếu không, Ngài đã không hiểu từ đầu khi mới nghe qua kinh Kim Cang.

Chỉ xin đề cập ít lời qua ý chuyện Lục Tổ, để thấy rằng, phải có tâm cầu giải thoát, cầu tha thiết và cầu ngay vào quả vị giải thoát, thì Bồ Đề tâm mới vững mạnh kiên cố.

Tóm lại nuôi dưỡng bốn nhân duyên này, khiến cho người học Phật dù sống bất cứ thời nào nơi đâu, vẫn nuôi được tâm Bồ Đề, vẫn thấy pháp giải thoát không ra khỏi tâm tư của người con Phật.

Mong rằng trong thời đại khoa học vật chất cực thịnh ngày nay, người học Phật vẫn luôn luôn sống bằng tâm Bồ Đề, để hành trang giải thoát sẽ không rời trên vai người tu Phật.
 
Nam Mô A Di Đà Phật
  2006
[1] Bồ Tát Thế Thân sống vào thế kỷ thứ IV và V
[2] Hòa Thượng Thích Nguyên Ngôn dịch
 
 
Trích từ: Ý Thức Giải Thoát
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Luận Về Con Đường Giải Thoát, Hòa Thượng Thích Như Điển Tải Về
2 Ý Thức Giải Thoát, Thượng Tọa Thích Phổ Huân Tải Về
3 Hương Vị Giải Thoát, Ni Sư Hải Triều Âm Tải Về

Khuyên Phát Tâm Bồ Đề
Đại Sư Thật Hiền

Phát Tâm Bồ Đề
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Phật Khuyên Chúng Ta Phải Phát Tâm Bồ Đề
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Khuyến Phát Tâm Bồ Đề
Đại Sư Thật Hiền