Home > Khai Thị Phật Học
Dẫu Gặp Cảnh Ngộ Nào Cũng Vẫn An Vui
Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch


Thư gởi cư sĩ Trương Cụ Nhụ

Tất cả các cảnh giới trong thế gian đều là vô thường. Mặt trời giữa Ngọ rồi sẽ chênh, trăng tròn rồi khuyết. Bờ cao thành hang, hang sâu thành vực. Biển xanh biến thành ruộng dâu, ruộng dâu thành biển xanh. Dân đen thành quan cao chức cả, quan cao chức cả trở thành thường dân. Đủ mọi nỗi cát hung họa phước đều đủ để tổn hại con người, [mà cũng] đều đủ để chu toàn con người! Không chỉ hung họa có thể tổn hại, mà phước lành cũng có thể tạo ích. Chỉ có bậc quân tử biết hành xử đúng theo địa vị, vui theo mạng trời, thì ở chỗ nào cũng đều đạt được lợi ích. Nếu không, chuyện gì cũng bị hao tổn!

Vì thế, sách Trung Dung dạy: 
“Tố phú quý hành hồ phú quý, tố bần tiện hành hồ bần tiện, tố di địch hành hồ di địch, tố hoạn nạn hành hồ hoạn nạn” (ở trong cảnh phú quý bèn hành xử theo cảnh phú quý, ở trong cảnh nghèo hèn bèn hành xử theo cảnh nghèo hèn, ở nơi mọi rợ bèn hành xử theo hoàn cảnh mọi rợ, ở trong cảnh hoạn nạn bèn hành xử theo cảnh hoạn nạn).

Ý chỉ của bốn câu ấy sâu lắm. Tiếc là người đời chẳng khéo hiểu, đến nỗi chẳng đạt được lợi ích. Nay tôi tiếm phận chú thích rõ ràng như sau:

“Tố” (素) có nghĩa là “hiện tại”, chẳng phải là [hiểu theo ý nghĩa] “cứ một mực như thế”. Nay đang ở trong cảnh phú quý, hãy nghĩ người nghèo khó rất nhiều, phước tinh rất ít, ắt phải nghĩ phương cách cứu vớt kẻ khốn đốn và đói nghèo, hòng tạo hạnh phúc cho đồng bào, khiến cho người đời đều hưởng niềm hạnh phúc ấy, thì mới có thể gọi là “hành hồ phú quý”. Nếu kẻ phú quý chỉ theo đuổi tài lợi, cơm áo, để mong bản thân vinh hiển, con cháu dư dật, sẽ chẳng phải là đạo “hành hồ phú quý”. “Hành hồ” (行乎) chính là ưu du tự tại, hợp với đạo nghĩa. 

“Tố bần tiện hành hồ bần tiện” chẳng phải là cứ một mực nghèo hèn, coi như lẽ dĩ nhiên, mà [có nghĩa là] là kẻ một mực phú quý, bỗng dưng gặp họa, vụt trở thành nghèo hèn. Cố nhiên hãy nên nghĩ lui một bước, hãy nghĩ mình trước nay chưa hề phú quý, cái tâm sẽ thảnh thơi, giải thoát, trọn chẳng có ý niệm lo nghĩ, đau buồn, oán hận. Tức là gặp họa, trở thành nghèo hèn, vẫn là lợi khí hướng dẫn tốt lành thành tựu điều tốt đẹp cho người khác. Biết phú quý hay bần tiện đều do túc nghiệp hiện duyên mà ra, nhưng nghiệp do tâm tạo, cũng do tâm diệt. Chúng ta ở trong sanh tử luân hồi, ai có thể thường hưởng phước lành, chẳng gặp hung họa ư? Nhưng hung hiểm do nghiệp trong quá khứ cảm vời, ta hãy nên nghĩ vượt ra ngoài phạm vi của cát hung, họa phước, vận dụng toàn thể đại dụng nơi tâm tánh vốn sẵn có của chính ta, làm một người hưởng an lạc dài lâu. Đó gọi là “liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh”, chứng Phật tánh vốn sẵn có, thoát khỏi luân hồi huyễn vọng. Nhưng muốn được như thế, có rất nhiều cách tu. Mong tìm một cách dễ thực hiện nhất, dễ thành tựu nhất, không gì bằng niệm Phật cầu sanh Tây Phương là hay khéo nhất. Đã muốn vãng sanh Tây Phương, hãy nên chán các thứ nỗi khổ trong thế giới này. Nỗi khổ trong thế giới này, nói chẳng thể tận! Cố nhiên [trong thế giới này], khổ là khổ, mà lạc cũng là khổ! Hãy nên vui thích các thứ lạc trong Tây Phương Cực Lạc thế giới.

Đối với niềm vui nơi Tây Phương, hãy xem kinh Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, sẽ tự biết. Đã sanh lòng tin thì phải nên phát nguyện lìa cảnh khổ này, vào cõi vui kia, giống như tù nhân mong thoát khỏi lao ngục, trở về quê nhà. Vì thế, trì niệm vạn đức hồng danh Nam-mô A Di Đà Phật để mong lúc lâm chung, được Phật tiếp dẫn, vãng sanh Tây Phương. Cũng đem tất cả công đức do làm chuyện công ích trong thường nhật và thiện niệm “an phận, an vui trong cảnh nghèo, chẳng oán, chẳng hờn” trong hiện thời dùng để hồi hướng. Cũng khiến cho người nhà, quyến thuộc đều suy nghĩ như thế, đều tu Tịnh nghiệp. Tuy ở trong cảnh nghèo hèn, hoạn nạn, vẫn vui với thiên chân của chính mình, tiến thẳng đến “chí đạo (đạo cùng tột). So với kẻ gặp họa bèn sầu muộn, oán hờn, khiến cho thân tâm thường chịu khổ não, thì khác biệt vời vợi há chỉ một trời, một vực! Hai câu “tố di địch” và “tố hoạn nạn” có thể suy ra ý nghĩa, cho nên chẳng viết rõ.

Trong Văn Sao có phương pháp niệm Phật, cho nên chẳng viết cặn kẽ ra đây. Hãy nên đọc kỹ lá thư gởi cho Vệ Cẩm Châu trong Văn Sao. Phó Đại Sĩ nói: “Đắc như bổn hữu, thất như bổn vô” (được thì như vốn có, mất thì như vốn không).

Hai câu ấy hay khéo tột bậc! “Như vốn có” sẽ chẳng sanh vui mừng, “như vốn không” sẽ chẳng sanh ưu não. Cái tâm ấy chẳng chuyển theo cảnh, cho nên sẽ an vui. Chỉ là kẻ phú quý một mực quen thói phú quý vênh váo, một khi nghèo hèn, sẽ cảm thấy mọi chuyện đều chẳng như ý. Hãy thử nghĩ khi xưa ta nghèo hèn, làm thế nào để sống sót? Dẫu ta từ lúc sanh ra đến nay luôn là kẻ phú quý, nhưng ông cha ta, khi xưa thuở chưa phú quý lại sống bằng cách nào? Dẫu cho sau khi đã phú quý, há nên quên cội gốc, liền muốn áo đẹp, cơm ngon, ở trong nhà cao, viện lớn, hô tớ gọi hầu, tùy thuận ý ta ư? Kẻ tiểu dân đầu tắt mặt tối suốt ngày, còn khó no lòng, những người dân mắc tai nạn mong có vỏ cây, rễ cỏ đỡ lòng mà còn chưa được! Ta còn chưa đến nông nỗi ấy, hãy nghĩ tới nỗi khổ của họ, dẫu hằng ngày phải ăn gạo thô, người nhà tự nấu cơm, may áo, chẳng có kẻ hầu nào, cũng vẫn hưởng phước trời, niềm vui ấy chẳng thể thí dụ được! Đó là pháp môn mầu nhiệm nhất để “tùy ngộ nhi an” (dẫu gặp cảnh ngộ nào cũng vẫn an vui). Nếu chịu xét kỹ thì may mắn lắm thay!
 
Trích từ: Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên