(1) Sống để làm gì?
Người bình thường chỉ nói học Phật, nhưng tại sao cần phải học Phật? Ý nghĩa căn bổn rốt ráo (của sự học Phật) là gì? Vấn đề này cần phải làm cho sáng tỏ. Có thể nói rằng: Sự học Phật không phải là vô ý nghĩa, không có mục đích, mà là mong muốn đạt đến một thành quả cao thượng viên mãn. Học Phật mà có thể lý giải ý thú căn bổn thâm sâu của Phật pháp, đến trình độ cảm thấy rằng không thể nào không học Phật, đạt được một tín niệm vững chắc, thì mới có thể chân chánh tiến bước trên đường tu học Phật pháp, mà không ngừng bước bên ngoài cửa đạo Phật, hoặc giả đi lạc vào con đường khác.
Con người tồn tại trên thế gian này, rốt ráo là để làm gì? Có ý nghĩa gì? Điều này cần phải từ bổn thân của chúng ta mà quán sát thì mới có thể nắm chắc ý thú của sự học Phật, bởi vì Phật pháp là phương án căn bổn để giải quyết vấn đề cho nhân sinh. Cũng có thể nói: “Đây là tiêu điểm chung mà từ đó tất cả tôn giáo cao cấp được sản sinh.” Thế nhưng, nhân sinh rốt ráo là để làm những sự việc gì? Chỉ có Phật pháp mới có thể giải đáp một cách hoàn mãn.
(A) Dòng sinh tử mênh mang mờ mịt.
Loài người từ lúc bắt đầu sinh ra cho đến lúc chết, trong vài chục năm ngắn ngủi, cả đời ngơ ngơ ngáo ngáo, rốt ráo từ nơi nào sinh đến? Sau khi chết đi về đâu? Không ai có thể trả lời được vấn đề này. Cho nên chỉ có thể nói rằng “đến một cách hồ đồ, đi một cách hồ đồ.” Thậm chí, ngay cả vấn đề hôn phối vợ chồng, vô tình trung, cũng hình như là sự ngẫu nhiên kết thành; sự nghiệp một đời, cũng có vẻ như xúc tiến trong một sự hồ đồ, mà thoạt tiên cũng chưa chắc có một kế hoạch nhất định, rất ít trường hợp do chính mình chủ ý mà thành tựu. Có một triết học gia Tây phương đối với đời người mênh mang này đã cho một thí dụ như sau: Ở một xứ nào đó có hai ngọn núi cao vút, phía dưới sâu thẳm giữa hai ngọn núi là một dòng sông dài, rất cao bên trên dòng suối là một cái cầu treo nhỏ nối liền hai ngọn núi. Mọi người đều phải đi qua cái cầu này. Nhìn tới phía trước chỉ thấy mây mù che mờ mịt, nhìn lại phía sau cũng chỉ thấy sương khói phủ dày đặc, nhìn xuống phía dưới chỉ thấy mịt mù thăm thẳm. Có người đi được hai ba bước liền bị rơi xuống vực sâu. Có người đi được một nửa, cũng không may bị rớt xuống. Lại có người đi gần đến ngọn núi bên kia, rồi cũng không may, bị rơi xuống vực thẳm. Kẻ bị rơi xuống, rốt ráo cũng không biết mình rơi về đâu. Không ai biết được. Đây quả là một sự mô tả chính xác nhất về hình ảnh của đời người. Học Phật, tức là đối với ý nghĩa hồ đồ của cuộc đời này, có được một nhận thức rõ ràng thấu đáo. Vấn đề nhân sinh này, thực ra cũng có thể không cần phải tìm tòi nghiên cứu, giống như một chiếc thuyền, từ bờ biển này chạy đến một mục tiêu xa xăm nào đó. Trên biển lớn mênh mông, tựa hồ có thể hồ đồ chạy về phía trước, thế nhưng, chạy loạn xạ không có phương hướng là một sự kiện vô cùng nguy hiểm. Phật pháp là một giải đáp rõ ràng về vấn đề nhân sinh từ nơi nào đến, sau khi chết đi về đâu, và hiện tại phải hành xử thế nào để có thể trong tương lai được chắc chắn bước lên bờ quang minh an lạc.
(B) Một đời bận rộn để được gì?
Đời người bận rộn cả mấy chục năm. Từ nhỏ đã bận rộn, tiếp tục bận rộn cho đến khi già chết, rốt cuộc là bận rộn việc gì? Vấn đề rất có ý nghĩa này cần phải được phản tỉnh. Thế nhưng, không bận rộn cũng không xong. Có nhiều người vô sự (không có vấn đề gì phải lo) cũng muốn bận rộn. Nếu hỏi họ đang bận rộn việc gì, họ cũng không thể trả lời, nhưng chung quy không thể không bận rộn. Đối với những thanh thiếu niên mới lớn, họ không nghĩ như vậy. Họ nghĩ rằng con đường phía trước tràn ngập vô hạn quang minh (những sự hy vọng). Thế nhưng, một khi đến tuổi trung niên, đối với cuộc đời bận rộn, tự nhiên sẽ phát sinh cảm xúc. Tôi (Ấn Thuận) không phải muốn các vị không bận rộn, nhưng chỉ muốn các vị tìm hiểu xem sự bận rộn sẽ được những gì? Người đời nói: “Đời người giống như con ong hút mật, sau khi hút đủ trăm loại hoa, tân khổ đến già cũng là không.”
Trong cuộc đời bận rộn này, chúng ta cũng đã từng đạt được quan chức, tài phú, địa vị, thế nhưng, không được bao lâu thì cũng đều mất hết, tựa hồ tất cả chỉ là một niềm vui trống rỗng, chẳng hề thành tựu được điều gì. Những người già đối với những sự kiện này, đặc biệt thể nghiệm một cách sâu sắc, giống như con cái khi còn nhỏ, lúc nào cũng lẽo đẽo ở bên cạnh (mình), đến khi họ trưởng thành, thì mỗi người đều phải lo mưu sinh cuộc sống độc lập của họ. Vấn đề này đôi khi dễ dàng khiến cho con người sinh khởi một quan niệm bi quan tiêu cực, ủy mị bỏ phế, thế nhưng, Phật pháp quyết chắc không phải là như vậy.
(C) Chăm chăm làm thiện được lợi ích gì?
Liên quan đến việc khuyên loài người làm thiện, không những Phật giáo như vậy, mà các tôn giáo khác như Thiên chúa giáo, Hồi giáo, v.v…, không tôn giáo nào mà không dạy con người hành thiện dứt ác, cho nên có câu: “E rằng không kịp làm thiện.” Thế nhưng, làm thiện rốt ráo được thành quả tốt đẹp nào? Đạo đức, rốt ráo có giá trị gì? Thông thường nói: “Làm thiện được thiện quả, làm ác bị ác báo.” Đây là định luật nhân gian. Người Trung quốc đối với quan niệm hành thiện, phần lớn kiến lập trong phạm vi gia đình, chẳng hạn như cha mẹ làm thiện làm phước, con cháu ắt sẽ được hưng long, “nhà nào làm thiệt ắt sẽ được an vui.” Sự thực không phải như vậy, (bởi vì) có cha mẹ lương thiện, nhưng con cháu rất ác; có cha mẹ hung ác, nhưng con cháu trung hiếu. Như thuở xưa, vua Nghiêu bổn tánh nhân từ, nhưng người con là Đan Chu tính tình kiêu ngạo; còn như ông Cổ Tẩu là người ngu si hèn hạ, nhưng người con là vua Thuấn lại là người đại hiếu, đây là một ví dụ. Ước định cá nhân mà nói, trong xã hội này, người ác thường được đắc thế, còn người thiện, trái lại, thường bị chèn ép, thua thiệt. Ví như học vấn, đạo đức của Khổng tử, chả lẽ không tốt hay sao? Nhưng khi ngài đi châu du liệt quốc, đã từng bị bỏ đói suýt chết, mà trên mặt chính trị cũng không có cơ hội phát huy tài nghệ. Ngược lại, Đạo Chích là một người bạo ác thời bấy giờ lại tung hoành ngang dọc. Nhân đây có thể thấy rằng thiện ác và họa hoạn đâu có định luật nào cố định! Như vậy tại sao phải làm thiện? Điều này chỉ có Phật giáo kiến lập nhân quả ba đời thì mới có thể giải quyết. Cho nên nói: “Điểm xuất phát mà tất cả tôn giáo khuyên người làm thiện đều giống nhau, thế nhưng, kết luận của Phật giáo lại không giống với các tôn giáo khác.” Học Phật chỉ lo chăm chỉ hành thiện, có thể trước mắt sẽ gặp nhiều bất lợi, khó khăn, nhưng tương lai, khi thiện nghiệp thành thục, tự nhiên sẽ đạt được thiện quả mỹ mãn. Nếu được như vậy thì mới gọi là khế hợp với tinh thần của Phật giáo.
(D) Tâm bất an chạy rong ruổi.
Nói ra điều này, thực sự là một sự khổ sở vô cùng. Tâm của chúng ta hầu như hướng ngoại tham cầu, cả ngày rong ruổi theo sắc thanh, tài lợi, quyền lực. Tại sao lại phải như vậy? Bởi vì tâm ý muốn thỏa mãn. Giống như một người thiếu thốn y thực, hắn cần phải có được tiền bạc thì mới có thể giải quyết sự sinh hoạt khó khăn. Thế nhưng, sau khi đã được đầy đủ y thực, hắn vẫn cảm thấy chưa được thỏa mãn; lại tiến thêm một bước, yêu cầu chất liệu y thực tốt đẹp hơn, ra cửa cần phải có xe hơi, ở thì muốn nhà cao cửa rộng. Đợi đến lúc mọi việc đều có trong tay, trong tâm vẫn không cảm thấy thỏa mãn. Tâm con người vĩnh viễn là như vậy, cả ngày truy cầu, không bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Giống như một con ngựa đang phi nước đại, chân sau vừa chạm đất, thì chân trước đã đưa lên không, chắc chắn không có việc bốn chân cùng ở trên mặt đất. Tâm con người không đủ, luôn luôn cảm thấy người khác hơn mình. Nhưng sự thực không phải như vậy. Người học vấn, vì muốn truy cầu nhiều học vấn hơn, học cũng không bao giờ thỏa mãn. Làm chủ của một nước, tuy có quyền uy cực lớn, họ cũng vẫn không thỏa mãn, có những nỗi khổ không nói ra được. Con người không thể đạt được thỏa mãn, trong tâm vĩnh viễn không được an lạc. Bình thường nói: “Cần phải an lạc mới được thỏa mãn.” Thật ra, tâm con người xưa nay chưa bao giờ thỏa mãn, làm sao có được an lạc. Những tôn giáo thông thường đưa đến cho con người sự an úy, khiến cho họ thỏa mãn, sự an úy cũng là điểm chung cho tất cả tôn giáo thế gian. Chẳng hạn như tôn giáo Tây phương dạy “người nào tin thì được cứu.” Nếu được cứu, tự nhiên sẽ được thỏa mãn, nên tâm cũng được sự an ninh. Xem con người như một đứa trẻ, “này đứa trẻ, hãy nghe lời ta, không được khóc, ta sẽ cho ngươi đồ chơi.” Sự thật, vấn đề vẫn chưa được giải quyết, bởi vì sự không thỏa mãn của con người, không phải là do sự ban bố từ bên ngoài mà có thể thỏa mãn. Chỉ có Phật pháp dạy con người trước tiên cần phải làm thế nào để giải quyết vấn đề sinh tử cứu cánh, bận rộn một đời rốt ráo được cái gì, làm thiện được lợi ích gì? Như vậy mới có thể đạt được sự thỏa mãn và an lạc trong tâm. Từ những vấn đề này mà quán sát, thì mới có thể nắm được hạch tâm của Phật pháp và mới có thể chân chánh đạt được sự an lạc.
(2) Ta ở trong vũ trụ.
(A) Thần tạo ta chăng?
Đối với đời người mênh mang này, nếu như khảo sát đến một vấn đề khác, tức là chúng ta sinh tồn trong khoảng thời gian không gian rộng lớn mênh mông này, rốt ráo có một địa vị nào? Vũ trụ rộng lớn, trên trời dưới đất, hình hình sắc sắc (rực rỡ muôn màu), biến đổi không cùng, chúng ta sinh đến chết đi, hành thiện tác ác, đều ở trong đây. Thế nhưng, chúng ta sinh tồn trong vũ trụ này, rốt ráo có một địa vị như thế nào? Cần phải lựa chọn thái độ thế nào? Chẳng hạn như một gia trưởng trong một gia đình thì phải có trách nhiệm của một người gia trưởng, một người học sinh cần phải có tư cách của một học sinh. Quan niệm của tôn giáo Tây phương, con người ở trong vũ trụ này đều được sáng tạo. Tất cả vạn sự vạn vật trong vũ trụ, chim bay thú chạy, cho đến cây cỏ lùm rừng, mọi chủng loại hình dáng đều được sáng tạo bởi thần (thượng đế). Tất cả đều chịu sự quản lý và chi phối bởi thần. Loài người đã thuộc về sở hữu của thần, loài người tức là nô lệ của thần, cho nên bọ họ gọi thần là chúa (chủ), và tự xưng là nô bộc. Cho nên tôi (Ấn Thuận) nói: Nhân sinh quan của Tây phương là văn hóa “quan hệ chủ nô (chủ nhân và nô bộc).” Loài người là nô lệ của thần, tất cả đều chỉ là phục tùng, không phục tùng là có tội. Giả như chủ nhân sai đầy tớ quét nhà trước, nấu cơm sau, nhưng đầy tớ lại nấu cơm trước, quét nhà sau, tuy mọi việc đều hoàn tất tốt đẹp, nhưng điều này không đúng ý chủ nhân, bởi vì đầy tớ làm sai mệnh lệnh của chủ nhân. Trong vũ trụ này, đây là quan hệ hai chiều giữa vị thần sáng tạo và loài người cùng vạn vật bị sáng tạo. Loài người tuy là nô lệ, nhưng lại là loại nô lệ cao cấp. Sau khi thần sáng tạo vạn vật trong vũ trụ, bèn ra lệnh cho loài người chi phối quản lý vạn vật. Cho nên thái độ của loài người, đứng trước mặt thần thì cảm giác đáng thương xót vạn phần, thế nhưng, đối với vạn vật thì lại có uy quyền lớn, đáng được tự hào. Văn hóa tôn giáo của Tây phương, tách rời khỏi thần, hình như tất cả đều vô ý nghĩa. Loại quan niệm này, vào thời kỳ văn minh chưa được khai hóa thì cũng có thể hợp lý, thế nhưng vào thời đại văn minh như hiện nay thì đáng được khảo xét lại!
(B) Trời đất sinh ta chăng?
Cái nhìn của người Trung quốc đối với địa vị của con người trong vũ trụ so với Tây phương cao minh hơn nhiều. Họ cho rằng con người là do trời đất sinh ra, hoặc do âm dương sinh ra. Trời thuộc về hình nhi thượng, hoặc tinh thần, đất thuộc về hình nhi hạ, hoặc vật chất. Trời đất sinh ra vạn vật, nhưng chỉ có con người đắc được chánh khí của trời đất, gọi là linh (thiêng) của vạn vật, thậm chí, vĩ đại đến trình độ đứng ngang với trời đất, gọi là “tam tài.” Cho nên con người ở trong trời đất là cao thượng nhất, không giống như quan hệ “chủ nô” của Tây phương. Có phải là người nào cũng đứng ngang hàng với trời đất? Chỉ có “thánh nhân” mới có thể “tán thán sự giáo hóa và dưỡng dục (Hán: hóa dục) của trời đất.” Lại nói: “Thiên địa vô tâm mà biến hóa tác thành, thánh nhân và vạn vật đồng một nỗi ưu tư.” Đây đều là biểu hiện rõ ràng sự vĩ đại của thánh nhân. Trời đất sinh vạn vật là vô tâm, đây là một loại hiện tượng tự nhiên, không giống như thượng đế sinh vạn vật là hữu tâm, muốn sinh thì sinh. Thế nhưng vũ trụ, từ chỗ tốt đẹp mà nhìn thì thấy: hoa nở đẹp, chim hót líu lo, một cọng cỏ một bụi cây đều khả ái; nếu từ chỗ xấu xa mà nhìn thì thấy: trùng lớn ăn trùng nhỏ, cá lớn nuốt cá bé, mày hại tao, tao giết mày, hai bên tàn hại lẫn nhau. Nếu nói thượng đế sinh tạo vạn vật, thì cái tình hình sinh vật tàn hại lẫn nhau này, căn nguyên rốt ráo là từ thần mà ra, nếu vậy, thần quả thật là quá tàn khốc. Cho nên cho rằng thượng đế sinh tạo vạn vật thì không thông. Nho gia cho rằng thiên địa vạn vật là vô tâm. Vạn vật sát hại lẫn nhau, mà cũng là thành tựu cho nhau. Bậc thánh nhân không thể không cảm thấy động tâm, cho nên họ cần phải cùng ưu tư với muôn loài. Trời đất là thuộc về tự nhiên giới, còn thánh nhân là văn hóa đạo đức. Thánh nhân nhìn thấy thế giới nhân loại đấu tranh lẫn nhau, các ngài bèn chủ trì nhân ái hòa bình; thấy mọi người thiếu thốn tri thức, các ngài bèn dùng giáo dục để dẫn đạo; thấy loài người đánh mất đạo đức, các ngài bèn tôn trọng đạo đức. Đối với tất cả những loại bất hảo trong trời đất, các ngài đều nghĩ tưởng đến biện pháp khiến cho chúng được hợp lý hóa, đạt đến “chí thiện.” Đây là đường lối mà các bậc thánh tán thán sự hóa dục của trời đất. Loại quan niệm này, so với tôn giáo Tây phương, hợp lý hơn rất nhiều. Do vì Trung quốc quan niệm trời đất sinh, âm dương sinh, cho nên thể hệ của văn hóa Trung quốc là phương thức “phụ tử” (cha con). Gia đình theo chế độ “người cha” làm gia trưởng, trên phương diện chánh trị, đế vương xem nhân dân trong nước là con (con dân), nhân dân trong nước gọi các quan lại địa phương là cha mẹ của dân, không giống như thể hệ chủ nô là xem trọng pháp luật, khắc bạc, ít có ơn nghĩa.
(C) Ta tạo thế giới chăng?
Phật pháp cho rằng tất cả những sự vật trong vũ trụ đều do tự thân mỗi con người tạo thành, gọi là “tự tác tự thọ”, “cộng tác cộng thọ.” Đây là định luật của nghiệp cảm, hoàn toàn trái ngược với thần giáo. Nhân đây, học Phật cần phải chú ý đến hai loại đạo lý: (1) Tất cả sự hỗn loạn và khổ nạn của thế giới này đều là do nghiệp lực của quá khứ hoặc hiện đời tạo thành; nếu muốn thế giới thanh tịnh và trang nghiêm thì cũng chỉ có mỗi người cần phải làm thiện dứt ác thì mới có hy vọng. Ước định cá nhân mà nói, chúng ta không có tri thức, hoặc giả gia cảnh khó khăn, cho đến bệnh khổ triền miên, đều là do nghiệp lực quá khứ hoặc hiện đời tạo thành, cho nên nếu muốn thế giới được hòa bình, cá nhân được an lạc, thì mỗi người cần phải tận lực hướng thiện. Nếu người do thần tạo ra, tự mình không có lực lượng, tất cả đều phải tuân lời thần quyết định. Phật pháp cho rằng tất cả đều do tự thân nghiệp lực chiêu cảm, cho nên tự mình có một loại sức mạnh có thể cải tạo chính mình, và tiến đến sự cải tạo thế gian. (2) Tin tưởng thuyết nghiệp cảm duyên khởi của Phật pháp, bất luận là thế giới tịnh uế, cá nhân thành bại, đều là do nghiệp lực về trước chiêu cảm, quyết chắc không đổ lỗi cho kẻ khác. Nghiệp lực có thể cải tiến, tức là từ phương diện hướng thiện mà nỗ lực ngay từ bây giờ, thì con đường trước mặt sẽ tràn ngập vô lượng quang minh. Đây là thái độ căn bổn của Phật pháp đối với loài người. Chúng ta cần phải làm thiện, là vì muốn cho cá nhân đạt được an lạc, thế giới đạt đến hòa bình. Sự “tán thán sự hóa dục của trời đất” này, mỗi người đều có thể làm được, cho nên Phật pháp mới đề xướng “bình đẳng quan”, mà cũng là đạo lý “ai ai cũng có thể thành Phật.” Thấu rõ điều này thì sẽ hiểu rõ được loài người chiếm lãnh một địa vị quan trọng thế nào trong vũ trụ.
Giáo thuyết về “chính mình tạo thế giới, mọi người tạo thế giới” của Phật pháp, là một nhân sinh quan “tự do tự chủ.” Giữa mọi người với nhau không có quan hệ “chủ nô”, mà cũng không phải thể hệ “cha con.” Người đi trước, giác ngộ trước là thầy, người giác ngộ sau là trò (đệ tử). Người giác ngộ trước có trách nhiệm tận tụy dẫn đạo người giác ngộ sau, là nghĩa vụ chứ không phải quyền lợi; người giác ngộ sau và người chưa giác ngộ phải có nghĩa vụ tôn kính và phục tùng sự giáo đạo (của người giác ngộ trước). Sự quan hệ giữa thầy và trò đặt nặng trên cả tình cảm và lý trí, mà trên sự việc chung, cả hai hoàn toàn đứng trên địa vị bình đẳng. Dùng Phật pháp để cấu thành quan hệ xã hội, tất nhiên sẽ là thể hệ văn hóa thầy trò, thích hợp với tinh thần tự do dân chủ.
Phật pháp nói về “chính mình sáng tạo thế giới”, khác với sự sáng tạo của thượng đế. Thượng đế muốn có loài người thì liền có loài người, muốn có vạn vật thì liền sinh ra vạn vật. Đây là trong “vô” mà sinh ra “hữu”, là sự sáng tạo đi ngược với luật nhân quả. Trong Phật pháp, sự sáng tạo thế giới là do nghiệp lực từ sự khởi tâm động niệm của mỗi cá nhân mà tạo thành. Nếu có thể “tích công lũy đức”, “tịnh tâm hành thiện”, thì có thể thực hiện thế giới thanh tịnh lý tưởng. Gần đây, có người cho rằng “Đức Phật sáng tạo thế giới, như đức Phật A Di Đà sáng tạo thế giới Tây phương Cực Lạc.” Thật ra, nếu dùng đây để tạo ra một vị thần sáng tạo (mà Phật pháp không có), thì đây là điều đáng buồn cười! Còn nếu dùng đây để hiển thị năng lực của Phật, thì cũng là không hiểu Phật pháp. Y vào nhân quả mà chiêu cảm sự sáng tạo thế giới thì đâu có gì ly kỳ. Phàm phu cũng có thể sáng tạo thế giới! Chẳng qua thế giới được tạo ra chỉ là cảnh giới của địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, loài người và loài trời mà thôi. Nhân vì loài người có phiền não ác nghiệp, cho nên tạo ra thế giới ô trược, còn chư Phật có đầy đủ vô biên công đức thanh tịnh (phước báo viên mãn), cho nên tạo thành thế giới trang nghiêm thanh tịnh. Đây là định luật nhân quả của Phật pháp. Người học Phật hiểu rõ đạo lý này, trong sự khởi tâm động niệm hàng ngày, tận lực hướng thiện. Chính mình làm như vậy, khuyến khích kẻ khác cũng làm như vậy, thì mới có hy vọng thực hiện được thế giới thanh tịnh (khắp mười phương đã thực hiện rất nhiều rồi).
(3) Học Phật là sự việc hướng thượng của đời người.
Nếu muốn hiểu rõ ý thú căn bổn của sự học Phật, trước tiên cần phải nhận thức giá trị của sự tồn tại của loài người chiếm địa vị chủ động trong vũ trụ, rồi sau đó mới có thể quyết định con đường chánh xác mà loài người cần phải tiến bước. Bởi vì sự động loạn và an ninh của thế gian, thống khổ và hạnh phúc của mọi người, đều là do tự lực của nhân loại tạo thành, chứ không phải do bất cứ một lực lượng bên ngoài sai khiến (chủ tể) chúng ta. Loài người có lực lượng chủ động này thì mới có khả năng hướng thượng hướng thiện.
Hướng thượng, tức là nỗ lực hướng về phương hướng tốt, từng bước từng bước tiến về phía trước, để đạt đến đỉnh cao chí thiện, mà đây cũng tức là ý thú của sự học Phật. Những người bình thường, không ai là không muốn hướng thượng hướng thiện, trừ phi đó là một người thất chí, nhân vì sự nghiệp thất bại, v.v…, khiến cho họ tiêu tan ý chí, không còn nghĩ đến việc phấn đấu, cam phận trở thành một phần tử bại hoại trong xã hội. Thế nhưng, những loại người như vậy rốt ráo chỉ là thiểu số, mà hơn nữa, đều có cơ hội cải thiện. Thông thường, mọi người đều cho rằng sự kiện tốt đẹp của loài người là gia đình sinh hoạt mỹ mãn, nhiều con cái, thân thể khỏe mạnh, có tiền bạc, thế lực. Dĩ nhiên, đây cũng là sự kiện tốt đẹp của cuộc đời, thế nhưng, y theo Phật pháp mà nói, đây là quả báo tốt đẹp, nhưng không phải là nguyên nhân cho sự tốt đẹp. Nếu muốn đạt được kết quả tốt đẹp, không thể thỏa mãn với những sự kiện tốt đẹp này, bởi vì những cái này cũng sẽ phải mất đi. Cần phải tích tập nhân tốt đẹp, thì mới có thể bảo trì sự tốt đẹp hiện có, mà hướng đến sự tốt đẹp thêm hơn. Điều này giống như thấy một đóa hoa đẹp, liền nghĩ đến việc hái hoa đem làm của riêng cho mình, mà không nghĩ đến việc trồng hoa, hoặc trồng thêm hoa; tuy là lấy được đóa hoa, nhưng rốt cuộc, đây là tội ác, hoặc có thể sẽ bị mất ngay đóa hoa vừa hái.
Có một số người, tuy có thể đạt được tiền tài và địa vị một cách hợp pháp, nhưng đôi khi lợi dụng tiền tài thế lực để làm những việc lợi mình hại người, đây đều là thiếu tinh thần hướng thượng của đời người, mà cũng là sự sai lầm là không có mục tiêu hướng thượng rõ ràng, cho nên đưa đến những kết quả như vậy.
Có người cho rằng: “Tôi không muốn học Phật, thành Phật, chỉ cần làm một người tốt là đủ rồi.” Điều này không hoàn toàn chính xác. Người xưa nói: “Mong pháp bậc thượng, chỉ đạt được bậc trung; mong pháp bậc trung, chỉ được bậc hạ.” Học Phật trước tiên phải làm người tốt, đây là điều chính xác. Nếu chỉ muốn làm người tốt, tâm vội thỏa mãn, kết quả chỉ được bậc hạ. Cho nên, học Phật không chỉ muốn làm một người tốt, mà còn phải có đầy đủ một loại mục tiêu sùng cao, giả sử một đời không thể thành tựu, trong tương lai vẫn là muốn hoàn thành mục tiêu lý tưởng này thì mới đúng.
Bất kỳ văn hóa cao thượng nào trên thế giới đều có một mục tiêu lý tưởng này, khuyến khích mọi người tu học. Chẳng hạn như Thiên chúa giáo kêu gọi loài người tuân theo y muốn của thần, học theo gương của Jesus. Tuy họ không công nhận loài người có thể đạt được quyền uy (ngang hàng) với thần và Jesus, nhưng loài người phải học theo tinh thần bác ái và hy sinh của Jesus. Họ nói: “Thể xác của loài người là do đất tạo thành, linh hồn là do thần ban cho. Nhân vì loài người tạo tội ác nên bị đọa lạc, khiến linh hồn tinh khiết trở thành nhiễm ô dơ bẩn, cho nên dạy cho loài người trước tiên phải làm cho tâm ô trược trở thành thanh tịnh, thì mới có thể cầu đạt đến mục tiêu lý tưởng quang minh, nghĩa là sinh về thiên đàng (cõi trời).”
Nhà Nho Trung quốc cũng nói: “Sĩ mong hiền, hiền mong thánh, thánh mong thiên.” Sĩ là người đọc sách hiểu rõ nghĩa lý, mà vẫn còn “thấy người hiền bèn mong được bằng họ”; hơn nữa, người hiền vẫn còn muốn noi gương thánh nhân. Thế nhưng, thánh nhân vẫn còn có chỗ chưa biết, cho nên lại mong được như thiên (trời). Cho nên tinh thần của nhà Nho chánh thống là không lúc nào mà không sách tiến chính mình dấn thân trên con đường lớn (đại đạo) của các bậc hiền thánh. Đạo gia (Lão
Trang) cũng có một số mục tiêu lý tưởng, nghĩa là “Thiên (trời) mô phỏng đạo, đạo mô phỏng tự nhiên.” “Đạo mô phỏng tự nhiên”, tức là y cứ vào pháp tắc tự nhiên của vũ trụ vạn vật, mà không dùng sự tạo tác giả tạo, nhậm tính vô vi, tức là thực hiện mục tiêu hướng thượng của sự làm người. Tất cả những sự việc của người đời, lập thân xử thế, nếu như không y theo pháp tắc tự nhiên để phát triển, thì sẽ lâm vào sự điên đảo thác loạn, càng lúc càng rối rắm, tất cả sự thống khổ sẽ theo đó mà đến. Từ phần trên mà nhìn, nhà Nho là mô phỏng nhân cách cao thượng của các bậc hiền thánh, tiến lên để thông với thiên cách. Còn nhà Đạo (Lão) thì sùng thượng chân lý pháp tắc tự nhiên của vũ trụ. Nói tóm, bọn họ đều có cảnh giới lý tưởng để dẫn đạo loài người hướng thượng.
Người thường cho rằng chỉ cần có thể làm người tốt là được rồi, không cần mục tiêu hướng thượng, cái tâm lý buông xuôi như vậy không thể cường hóa chính mình nỗ lực hướng thượng. Nếu quốc gia và nhân dân đều có xu thế như vậy, ắt sẽ có nguy cơ đọa lạc. Những tôn giáo cao thượng đều có một viễn cảnh quang minh phô bày ở trước mắt, khiến cho mọi người khao khát, ái mộ. Trong giai đoạn chưa đạt đến cảnh giới lý tưởng này, không ngừng cải tạo chính mình, nỗ lực hướng thượng, đây mới là đạt được sự lợi ích chân thật của lòng tin tôn giáo.
Người học Phật cần phải làm thế nào mới có thể hướng thượng? Ở đây, trước tiên phải hiểu rõ ý nghĩa của Ngũ thừa Phật giáo. Ngũ thừa là: nhân thừa, thiên thừa, thanh văn thừa, duyên giác thừa và (Bồ tát) Phật thừa. Nhân thiên thừa là cơ sở, nhưng không phải là trọng tâm của Phật pháp. Bởi vì làm một người tốt là bổn phận (chung) của chúng ta, mà được sinh lên cõi trời cũng không phải là điều kỳ lạ. Tuy cõi trời sung sướng rất nhiều so với cõi người, nhưng vẫn là ở trong ba cõi. Sau khi hưởng thọ hết phước trời, chung cuộc vẫn phải bị đọa lạc, vẫn là phải ở trong cảnh khổ của sinh tử luân hồi. Chân nghĩa của Phật pháp là dạy cho mọi người học pháp xuất thế gian của Thanh văn, Duyên giác, học pháp tự lợi lợi tha của Bồ tát để thành Phật. Nhập thế và xuất thế vô ngại. Nhưng học pháp Thanh văn, Duyên giác chỉ là phương tiện thích ứng, còn mục đích tối cao vô thượng là thành tựu Phật quả, phải từ sự tu học Bồ tát hạnh mà thực hiện. Học Bồ tát hạnh hướng về còn đường thành Phật, nhưng cần phải trải qua thời gian lâu dài và cần phải tích tập vô biên công đức rộng lớn, nhưng khi đã có được mục tiêu cao thượng trước mắt, hổ trợ sự lớn mạnh của tinh thần tinh tiến mong cầu hướng thượng hướng thiện, hoặc giả, ít nhất cũng có thể khiến cho ý chí không bị thoái thất đọa lạc.
Học Phật, trước tiên cần phải quy y Tam bảo (Phật pháp tăng). Tam bảo là nơi quy y lý tưởng tối cao, hành giả cần phải y vào Tam bảo mà tu học. Trong Tam bảo, pháp là chân lý tuyệt đối của nhân sinh vũ trụ, Phật là bậc đại giác ngộ cứu cánh viên mãn chân lý này, còn tăng là các bậc hiền thánh của Tam thừa, đối với chân lý, tuy chưa giác ngộ cứu cánh, nhưng đã tiến nhập biển pháp, ít nhiều cũng đã thể nghiệm sự tu tập. Cho nên Phật và tăng đều là mô phạm lý tưởng tối cao cho người học Phật. Phật pháp không giống với đạo Thiên chúa, đạo Nho, chỉ tín ngưỡng các vị thiên thần, hoặc hiền thành có tính cách loài người, mà cũng không giống đạo Lão, y vào các pháp tắc tự nhiên vĩnh hằng. Quy y Tam bảo là đồng nhất “nhân” (người) và “pháp”, mà vun trồng lý tưởng để tín ngưỡng. Vì sao chúng ta cần phải cung kính, lễ bái, tán thán, tín ngưỡng, cúng dường Tam bảo? Điều này không chỉ là sự biểu hiện của một loại kiền thành kính tín, mà cũng không phải chỉ là một sự mong cầu công đức (như mọi người thường quan niệm), mà là sự khát khao đức tính sùng cao và trí tuệ viên mãn của Phật và tăng. Sự quy y nương tựa tuyệt đối vào chân pháp, để mong ước rằng chúng ta cũng sẽ đạt được sự giác ngộ triệt để đối với chân lý giống như các ngài. Tôi (Ấn Thuận) thường nói: “Đường lối của Khổng Mạnh ở Trung quốc, đối với vấn đề làm người, xử thế, lập công, lập đức, có một sự lợi ích đặc biệt, nhưng lại khiếm khuyết một viễn cảnh quang minh sán lạn mỹ diệu, không thể cổ võ những người bình thường khởi tâm khao khát tiến bước trên con đường dẫn đến tiền đồ quang minh.” Những tôn giáo thông thường, đối với bất cứ ai, dù là ngu si hoặc già cả, đều có một sức thu hút khiến cho họ nỗ lực hướng thượng hướng thiện. Cho nên những người có thể xem kinh, nghiên cứu Phật pháp, cùng lạy Phật, niệm Phật, v.v…, không nhất định là tin Phật hoặc học Phật một cách chân chánh (đúng nghĩa). Học Phật chân chánh, điểm chủ yếu là xem Tam bảo là mục tiêu sùng cao lý tưởng, tự mình không ngừng tu học, cộng thêm sự nhiếp thọ bởi từ bi nguyện lực của chư Phật Bồ tát, khiến cho thân tâm của chúng ta được dung hóa bởi Tam bảo, phước tuệ mỗi ngày một tăng trưởng, mỗi ngày một gần gũi với mục tiêu sùng cao lý tưởng của mình.
(4) Hành giải thiết yếu của sự học Phật.
Trong Phật pháp, từ tín ngưỡng đến chứng ngộ, phải trải qua một quá trình tu học “giải” và “hành.” Giải là hiểu rõ, hành là thực hành. Hành giải của Phật pháp có nhiều vô lượng vô biên. Hiện nay, chỉ nêu ra hai điểm quan trọng để giải thuyết. Trước tiên, đề cập đến phương diện hiểu rõ (lý giải): sinh diệt tương tục và tự tha tăng thượng.
(A) Sinh diệt tương tục.
Sự “sinh diệt tương tục” nêu rõ sinh mệnh của chúng ta là sinh diệt vô thường, diên tục bất đoạn, mà cũng là ý nghĩa của “chư hành vô thường.” Đời người từ lúc thơ ấu cho đến già nua, không lúc nào mà không ở trong sự diễn biến. Tuy biến hóa không ngừng, cái sau không giống cái trước, nhưng lại vĩnh viễn tương tục, vẫn có tính liên tục của cá thể. Nói rộng ra, sinh mệnh đời này kết thúc, sinh mệnh mới lại kế tiếp đến, chứ không phải chết xong là hết. Cũng giống như tối nay đi ngủ, sau một đêm, sáng mai lại thức dậy. Nếu hiểu rõ đạo lý này, thì mới có thể hiểu được ý nghĩa của nghiệp quả không bị diệt mất. Đối với hiện tại mà nói, ví như muốn biết sự nghiệp tương lai của mỗi người thành công hay thất bại, cứ nhìn xem người ấy có thọ nhận sự giáo dục tốt đẹp của gia đình và học đường hay không. Lại như, nếu như thuở thanh niên mà không chịu nỗ lực học tập thành thạo một loại kỹ năng, không chịu siêng năng làm việc, đến lúc tuổi già thì sự sinh hoạt sẽ có vấn đề. Từ nguyên tắc đơn giản này nới rộng ra, hiển thị sự kiện là nếu đời này không chịu làm người tốt, không chịu tích tập công đức, thì đời sau sẽ chịu quả báo không thể nghĩ tưởng được. Nói cách khác, nếu muốn đời sau tốt đẹp hơn, thông minh hơn, hạnh phục hơn, thì đời này phải cố gắng làm người tốt. Cái ý nghĩa trước sau tương tục, sinh diệt vô thường này có thể khiến cho chúng ta nỗ lực tiến bước trên con đường hướng thượng hướng thiện.
(B) Tự tha tăng thượng.
Tăng thượng có nghĩa là “có sức mạnh”, “nương tựa vào.” Loài người sinh hoạt trong xã hội, quyết chắc không thể tồn tại độc lập, cần phải “tôi nhờ anh, anh nhờ tôi”, mọi người triển chuyển nương tựa vào nhau. Giống như con cái lúc còn thơ ấu phải nương nhờ vào sự chăm sóc dưỡng dục của cha mẹ, đến khi cha mẹ già yếu thì cũng phải nương nhờ vào sự phụng dưỡng của con cái. Nói rộng ra, trong xã hội, tất cả nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, hành chánh, không có ngành nào là không nương tựa vào nhau mà triển chuyển tiến triển. Y vào Phật pháp mà nói, phạm vi rộng lớn hơn, trong vũ trụ, tất cả chúng sinh đều đã từng có quan hệ mật thiết với chúng ta, hoặc giả, không biết chừng, trong quá khứ đã từng làm cha mẹ anh em của chúng ta. Chỉ nhân vì quan hệ nghiệp cảm, mọi người đều trở thành xa lạ, cho nên không thể nhận biết nhau. Có sự hiểu biết về sự hổ tương tăng thượng này, thì mới có thể bồi dưỡng một loại mỹ đức hổ trợ, thương yêu, tiến đến trình độ mình và người đều có thể cùng sống với nhau trong sự hòa lạc. Nếu không, “mày hại tao, tao hại mày”, khinh khi lừa dối, tàn hại lẫn nhau, mà lại muốn mưu cầu cá nhân hạnh phúc, thế giới hòa bình, thì điều này sẽ vĩnh viễn không bao giờ đạt được. Cho nên, thế giới là do chính mình thúc động. Nếu muốn chuyển đổi uế độ thành tịnh độ, hoàn toàn y vào sự kiện là chúng ta có thể sống hòa lạc với mọi chúng sinh khác hay không mà quyết định.
Liên quan đến phương pháp tu hành, tuy có rất nhiều, chủ yếu không ngoài “tịnh tâm đệ nhất” và “lợi tha hàng đầu.” Học Phật là dùng Phật Bồ tát làm mục tiêu lý tưởng của mình, với mục đích chủ yếu là muốn tăng trưởng phước đức và trí tuệ. Thế nhưng, điều này chính mình cần phải y vào giáo pháp của đức Phật mà thực hành. Nội dung chủ yếu của sự tu hành là phải thanh tịnh tự tâm. Bởi vì chúng ta từ vô thỉ đến nay, trong tâm bị rất nhiều phần tử bất thiện như tham, sân, tà kiến, mạn, nghi, v.v…, làm nhiễu loạn, bị chúng làm chướng ngại, cho nên chúng ta không thể làm cho tự tha được lợi ích (một cách) như pháp, hợp luật. Bởi thế tu hành, trước tiên phải làm cho tâm thanh tịnh. Tịnh hóa nội tâm không phải là bỏ phế tất cả ngoại duyên, việc gì cũng không làm, không tưởng tới, mà phải làm những việc cần làm, phải tưởng (quán) những gì cần phải tưởng, chẳng qua, cần phải dẫn khởi thiện tâm, thì làm càng hợp lý hơn, tưởng càng hợp pháp hơn, có lợi ích cho mình và người thì mới đúng. Điều này giống như trừ khử cỏ dại trong ruộng vườn, không những muốn trừ khử, khiến cho chúng không còn sinh sôi trở lại, mà còn phải trồng trọt những hoa quả có ích, để cung cấp cho mọi người thưởng thức. Bởi thế Phật pháp cho rằng, nếu chỉ đơn tu thiền định, vẫn không thể giải quyết vấn đề sinh tử, mà cần phải định tuệ song tu, đoạn trừ phiền não hữu lậu thì mới có thể đạt được đạo quả. Phật pháp nói: “Tâm tịnh chúng sinh tịnh”, “tâm tịnh cõi nước tịnh”, đây là khải thị người học Phật đều phải bắt đầu từ sự tịnh hóa nội tâm, sau đó khuếch trương đến những cõi nước và chúng sinh khác. Điều này, bất luận là pháp Đại thừa, hoặc pháp Tiểu thừa, đều dùng tịnh tâm là nội dung chủ yếu cho sự học Phật.
Kế tiếp giảng đến “lợi tha hàng đầu.” Y vào nguyên tắc “tự tha tăng thượng” mà nói, cá nhân tách rời khỏi đại chúng, không có cách nào tồn tại. Muốn chính mình đạt được an lạc thì cần phải làm cho mọi người khác được an lạc trước. Như nói đến gia đình, bạn là một phần tử trong gia đình, nói đến xã hội, bạn là một phần tử trong xã hội. Trong gia đình có hạnh phúc thì bạn mới có hạnh phúc. Mọi người trong xã hội sống hòa lạc thì bạn mới có sự an ninh. Điều này giống như chú trọng vệ sinh, nếu như chỉ chú trọng đến sự sạch sẽ trong nhà, nhưng không chú trọng đến tình trạng vệ sinh chung quanh nhà, thì sự vệ sinh sẽ không được triệt để. Cho nên các hành giả Tiểu thừa, chuyên trọng phương diện tự lợi, chuyên trọng tự tịnh tâm mình, tự thoát sinh tử, theo Đại thừa mà nói, đây chỉ là phương tiện chứ không phải cứu cánh. Bồ tát chú trọng sự việc lợi tha, bất luận tất cả thời gian, tất cả xứ sở, mọi sự việc, mọi lời nói, đều lấy sự lợi tha làm tiền đề. “Tịnh tâm đệ nhất” còn thông với Nhị thừa, “lợi tha là hàng đầu” mới là đặc sắc “bất cộng” của Đại thừa, và mới thích hợp hơn với tinh thần của đức Phật.
Ấn Hải ghi