Người ngu đi đường, khát nước vô cùng, nhìn thấy hơi nước từ xa, người ngu liền tìm tới, đến sông Tân đầu, nhưng khi đến bờ sông, người ngu đứng nhìn mà không uống, người bên cạnh nói, anh rất khát, sao đến đây lại không uống nước?
Người ngu đáp, nếu uống hết được tôi đã uống rồi, nước nhiều như vầy, làm sao uống hết được. Ai nghe hắn nói đều phải phì cười.
Giống như ngoại đạo, lý lẽ cố chấp, cho rằng không thể giữ hết nổi giới của Phật nên không dám thọ, nên tương lai không thể đắc đạo, vẫn lưu chuyển sinh tử, khác gì người ngu không dám uống nước.
Lời Bình:
Người ngu khát nước, nên đi tìm nước uống, đến bờ sông thì lại do dự, vì sợ không uống nổi hết nước sông, mục đích giải khát ban đầu bị hoàn cảnh nước sông nhiều hay ít làm mê thất, sinh tâm phan duyên, vọng tưởng làm sao uống hết được nước sông, từ vọng sinh vọng, đã không thể uống hết một lần thì tốt nhất là không uống, nên sẽ bị chết vì khát. Giống người cho rằng giới của Phật nhiều quá, không thể làm công việc giữ hết một lần, nên tốt hơn đừng thọ, người này không hiểu, nhiều ít không là vấn đề, chủ yếu là nương giới pháp để được thanh tịnh, như uống nước thanh tịnh giới pháp để trừ cơn khát tham dục, trừ xong cơn khát rồi thì nước chẳng cần nữa, nhờ giới thành tựu được tự tính bản lai thanh tịnh rồi, thì giới có nhiều hay ít cũng chẳng cần nữa. Vì tự tính vốn thanh tịnh, không phải ngoài tự tính riêng có thanh tịnh, tự tính chẳng cần trì giới, giới từ tự tính lưu xuất.
Người xuất gia là để diệt cơn khát vô minh, khát phiền não, khát sinh tử luân hồi, nhưng khi đến sông lớn Phật pháp, lại hoang mang vọng tưởng làm sao học hết một lần các pháp nhiều như vậy, nên trù trừ không uống nước pháp, lại có thể tìm chút nước đọng bên bờ, uống cho đỡ khát, nước đó không đủ trừ khát nên càng uống càng khát và thèm, như từ nước lớn của Phật pháp năng sinh các phúc báo của hạnh xuất gia, người tu không dám uống nước sông giáo pháp, chỉ hưởng chút nước đọng phúc báo nói trên, cảm thấy hân hoan tự mãn, quên mục tiêu trừ khát vô minh, sinh tử luân hồi, thành đắm đuối với cơn thèm phúc báo, tức danh văn lợi dưỡng.
Người tu thường bị phan duyên vọng tưởng mê thất mục đích, đánh mất sơ phát tâm, như người ngu khát nước, thấy nước sông phan duyên thành vọng, quên đi mục đích trừ khát, người tu thấy lợi dưỡng quên mục đích giải thoát. Vì vậy không đắc được đạo phải lưu chuyển sinh tử nơi tương lai. Nếu không quên cứu cánh tất không bị phan duyên, ngoại cảnh sẽ không làm loạn tâm ý, khiến vong thất sơ tâm.
Qua câu chuyện này, ta nhận được những điểm xứng gọi là ngu như sau, thứ nhất đi tìm nước vì khát, nhưng đến được bờ sông lại không uống nước, thứ hai nghĩ rằng nếu uống thì phải uống cho hết số nước, hai điểm ngu này do một mối ngu sinh ra, mối ngu này là mẹ sinh ra nhiều mối ngu, đó là tâm phan duyên, do phan duyên nên vọng tưởng, quên đi bản chất thật của sự việc, đánh mất tâm ban đầu, gọi cái ngu mẹ này là căn bản vô minh. Như vậy ta có thể kết luận trong những cái ngu của người khát này, cái ngu nhất chính là điểm quên mất sơ tâm của mình, nếu không quên tất không có câu chuyện ngu này.