Đức Phật Hãy Còn Đây
Thượng Tọa Thích Phổ Huân

Thời điểm đức Phật vào Niết Bàn tại Câu Thi Na (Kushinaga) rừng Sa La Song Thọ, một số đệ tử Ngài vô cùng thương tiếc muốn tịch diệt theo; thậm chí có một vài đệ tử không nở chứng kiến tình cảnh đó, đành thất lễ ra đi trước. Ngược lại cũng có một ít đệ tử vì không uống được giáo pháp giải thoát, nên cảm thấy vui hơn là buồn, bởi rồi sẽ không còn ai khiển trách nữa.

Nhưng dù vui hay buồn, đấng Đại giác vẫn tự tại đến tự tại đi, đúng như danh hiệu Như Lai. Và cũng hiểu như vậy, một số đệ tử lớn của Phật đã an nhiên chiêm nghiệm, phấn đấu tinh tấn hơn; xem giờ phút nhập Niết Bàn của đấng Đại Giác là giờ phút thiêng liêng nhất trong đời họ, để hóa thành bài pháp quan trọng nhất, kể từ khi đức Phật hiện hữu rồi ra đi.

Rồi lại có những vị đệ tử sáng suốt vĩ đại hơn, đã khẩn trương tìm mọi cách khơi dòng nước giải thoát lan tủa ra, mong sao giáo pháp của đấng toàn giác sẽ hiện hữu như kim thân Ngài; để tiếp tục đốt lên ánh sáng phá tan đêm dài của nhân sinh đau khổ.

Thời nay, chúng ta những người con Phật, xuất gia, tại gia không khỏi xúc động khi đọc lại cảnh tượng Phật nhập diệt, được kể trong kinh Đại Niết Bàn; rồi bùi ngùi cảm động thấy rằng, thời gian hơn 2600 năm qua cảnh tượng hóa ra như gần gũi!

Đức Phật thường dạy, sinh làm người là khó, làm người được gặp pháp (Pháp Phật), được nghe pháp còn khó hơn.

Giáo pháp giải thoát là chân lý miên viễn vượt không gian, thời gian, thì 2600 năm chỉ là một khái niệm thời gian duyên khởi; huống chi pháp thân của Phật lại biến khắp pháp giới, thì việc tỉnh thức giác ngộ của ta hôm nay lại có khác gì cách đây hơn 2600 năm.

Thử nghĩ rằng ngay thời còn đấng Đại Giác, vẫn có không ít người chưa bao giờ nghe biết đến Phật, nên giáo pháp giải thoát chưa từng đến với họ, do đó họ vẫn sống trong vọng tưởng, trong đau khổ ngay thời chánh pháp. Lại nghĩ thêm, đến những vị đã gặp Phật biết Phật, mà vẫn dửng dưng với giáo pháp, thì chúng ta hôm nay với nhân duyên tối thắng đã và đang xúc động kính nhớ Ngài; vậy chắc chắn ta vẫn như nhìn thấy pháp thân Ngài trong giờ phút hiện tại của thời điểm hôm nay.

Phật là tiếng gọi của sự tỉnh thức, tỉnh thức một cách tuyệt đối về cuộc đời, về con người, về chúng sinh, về tất cả vạn pháp vũ trụ này. Danh từ chúng sanh là những hữu tình biết thương biết ghét, biết đau khổ, hạnh phúc và chưa thể tỉnh thức tuyệt đối. Chính vì chưa tỉnh thức tuyệt đối nên vẫn mãi là chúng sinh; và nếu mãi là chúng sinh thì tuyệt đối đau khổ, không sai chạy được.
Không thể tỉnh thức tuyệt đối, nghĩa là vẫn có tỉnh thức. Thật vậy chúng ta hẳn có tỉnh thức!

Trong cuộc đời ai lại chẳng không hàng trăm lần thốt lời than thở, bất như ý việc này việc kia; nhưng rồi việc bất như ý sinh ra đau khổ khi được quên đi, chúng ta lại chẳng buồn tìm hiểu, chẳng buồn suy tư về cuộc đời.
Chúng ta không phải bi quan khi luôn nghĩ về đau khổ, mà nên hiểu đau khổ là nguyên nhân của một tác nhân trong dòng nhân quả nghiệp lực của chính mình gây tạo. Có khi dòng nhân quả nghiệp duyên đó tưởng chừng như do người khác tạo ra, gây ra cho mình; nhưng không, vì liên hệ, vì gắn bó, vay mượn với họ trong đời này, hay quá khứ nên trở thành quả báo xấu đẹp mà thôi.

Việc chẳng chịu suy tư, chẳng chịu chuyển hóa dòng ý thức để hành động hướng lên con đường vị tha vô ngã, nên ta chẳng thể tỉnh thức tuyệt đối; và như thế dù có sống ngay trong thời chánh pháp ta vẫn không thể thấm môi một giọt pháp giải thoát nào.

Dù rằng vẫn biết sanh trước Phật, sau Phật là một cái khổ trong tám nạn; vì chỉ cần thấy Phật, chỉ cần chiêm ngưỡng kim tướng Ngài, chúng sanh đó sẽ kết được duyên thù thắng trong tương lai. Nguyên nhân, Pháp tướng của Phật là hiện thân của công đức, là quả và hương thơm tích tụ vô số nhân lành từ vô số kiếp, nay đúng mùa đơm nở, ví như Hoa Ưu Đàm hàng triệu năm mới nở một lần. Vậy thì mọi vật chung quanh hương thơm đó sẽ hấp thụ được mùi thơm. Cũng thế cho dù chúng sanh hữu tình hay vô tình, không muốn ảnh hưởng đến hương thơm kia cũng không được.

Đối với chúng sinh hữu tình là loài người cao quý, nếu có thái độ phản lại, không chấp nhận mùi thơm giải thoát chăng nữa, như một số đệ tử dửng dưng với giáo pháp, hay tệ hơn như Đề Bà Đạt Đa thì họ vẫn có duyên đã gắn bó với Đấng toàn giác rồi. Và đã liên hệ với ánh sáng mặt trời thanh tịnh giải thoát, thì hấp lực của ánh sáng từ bi một ngày nào đó sẽ bừng dậy chiếu soi trong lòng họ; cuối cùng họ vẫn là những vị Phật tương lai. Điều này được minh chứng khi chính đức Phật đã thọ ký cho Đề Bà Đạt Đa sẽ thành Phật tương lai. (kinh Pháp Hoa phẩm Đề Bà Đạt Đa thứ 12)

Chúng sinh ngày hôm nay, trên thực tế đã rơi vào nạn khổ sanh sau Phật, nhưng được thắng duyên còn nghe được chánh pháp, rồi cố gắng thực hành, thì niềm ưu tư suy tưởng về đấng toàn giác hơn 2600 năm qua có lẽ cũng đã có nhân duyên gắn bó rồi.

Nhưng rồi chúng ta phải làm gì đây, để tạo nên gắn bó gần gũi với đức Phật một cách tha thiết hơn, y như ta đã có mặt ở rừng Sa La Song Thọ. Ta không thể gào khóc như các đệ tử của Ngài lúc đó; ta cũng không thể an nhiên tự tại quay lại chính mình, quán sát các pháp hữu vi có sanh có diệt để thiền định xả bỏ ngã pháp tức thì, mà chứng quả, hay nhập diệt...

Ta chỉ còn cách là hãy giữ gìn giáo pháp của Ngài, mãi mãi tiếp nối theo thời gian, cho những chúng sanh tương lai, may mắn gặp được mà giác ngộ giải thoát giống như hàng đệ tử vĩ đại của Ngài đã làm trong quá khứ, ngay khi Phật vào Niết Bàn; nhờ vậy chúng sanh ngày nay còn biết được pháp thân Phật vẫn lưu xuất khắp không gian.

Lưu giữ và nối truyền dòng pháp giải thoát, là những kinh điển ngày nay chúng ta đã thấy; tất cả đều được thiết bị đầy đủ phương tiện phổ cập khắp nơi trong quần chúng. Nhưng điều quan trọng hơn vẫn là lưu giữ dòng pháp giải thoát tự thân của mỗi người.

Giáo pháp sống động xiển dương được chánh, phân biệt được tà, là phải cụ thể hiển hiện lưu xuất từ nơi con người học pháp hành pháp, mới có thể tồn tại vượt cả hai mặt thời gian và không gian. Chính sự thật như thế, nên khi Phật nhập diệt, mãi hơn ba trăm năm sau, kinh điển mới được ghi lại thành văn mà không bị sai lạc. Nếu như trong thời gian hơn 300 trăm năm đó, các đệ tử Phật không thật sự sống y như những ngày gần gũi đấng Đại Giác, rõ hơn là sống như các vị A La Hán đắc đạo, thì không cách nào giữ được hơn cả triệu lời của Phật nói ra.

Điểm đáng lưu ý nhất, là chính vị đại diện trùng tuyên lời Phật dạy bấy giờ, không phải là Ngài A Nan của lúc còn Phật, mà là Đại Thánh Tăng A Nan đắc quả A La Hán. Cho nên mãi đến khi Thánh Tăng A Nan viên tịch, lời Phật dạy dù vẫn chưa được ghi lại bằng văn bản; nhưng khi lời kinh chính thức được ghi lên bản lá vẫn không sai lời Phật dạy, và mãi đến bây giờ. Thế thì quan trọng nhất là nhờ vào sự đắc pháp, chứng đạo mới giữ được dòng pháp giải thoát một cách xác thực.

Ngày nay chúng ta vô cùng may mắn, đọc được văn bản truyền từ kim ngôn đức Đại Giác chuyển thông qua lời các bậc Đại Thánh thanh tịnh, nên niềm xúc động hẳn phải dâng trào không thể bày tỏ được.
Chúng ta hãy tự quay lại chính mình, sống theo lời kinh dạy, lắng nghe các pháp đến từ tâm, chuyển hóa những vọng tưởng điên đảo thành nguồn suối mát thanh tịnh. Có như thế lời kinh Phật sẽ còn mãi với thế gian và hình ảnh Ngài dù qua tranh tượng, khác nhau của mỗi quốc độ văn hóa truyền thống, ta vẫn thấy Ngài như còn gần với ta mãi mãi.

Và như thế pháp âm giải thoát nơi vườn Lộc Uyển, Núi Linh Thứu, Tịnh Xá Kỳ Viên cho đến các cung điện Thiên cung, Long cung... và cuối cùng dưới bóng mát của rừng Sa La song thọ sau hơn 2600 năm bên Thiên Trúc vẫn mãi vang vọng đến bây giờ.
 
Nam Mô A Di Đà Phật
2003
 
Trích từ: Ý Thức Giải Thoát
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Luận Về Con Đường Giải Thoát, Hòa Thượng Thích Như Điển Tải Về
2 Ý Thức Giải Thoát, Thượng Tọa Thích Phổ Huân Tải Về
3 Hương Vị Giải Thoát, Ni Sư Hải Triều Âm Tải Về