Home > Khai Thị Phật Học
Pháp Âm Mầu Nhiệm
Thượng Tọa Thích Phổ Huân


Thật là nhiệm mầu sự kiện lưu truyền pháp âm của đức Phật. Ngày nay chúng ta được duyên đọc xem kinh điển giải thoát, đâu ngờ rằng đó là một thắng duyên không thể tưởng tượng được. Nhân mùa An Cư Kiết Ðông năm nay (2004), trong bài giảng của quý Thầy chúng tôi lại càng thấm thía ý nghĩa đại duyên của sự kiện lưu truyền kinh điển.

Chúng tôi xin được chia xẻ niềm sung sướng, cảm khái về nhân duyên được làm người mà nghe, hiểu được phần nào sự mầu nhiệm kỳ đặc, khi kinh điển giải thoát xuất hiện sau thời gian đức Thế Tôn nhập diệt, nhất là việc truyền bá bộ kinh Lăng Nghiêm.

Phật tử chúng ta thường biết là Tam Tạng Kinh Ðiển (Kinh, Luật, Luận) ngày nay có được, là do công sức lớn lao của chư vị cao Tăng ngày xưa cố giữ lưu truyền. Và lại một điều, không thể một quốc gia nào, tự nhiên sở hữu được lượng kinh điển khổng lồ như vậy. Quốc gia đó dù phước báo nhân duyên đến đâu, sự thể cũng phải đòi hỏi bao người hy sinh đời sống cá nhân, hy sinh cả đến tánh mạng, mới có thể đưa vào lượng kinh vĩ đại như vậy. Ở Trường Hạ chúng tôi không có thời gian, không đủ phương tiện, nên không thể tìm kiếm tài liệu nói về lượng kinh điển đã lan tràn ra khỏi Thiên Trúc (Ấn Ðộ) rõ nét như thế nào, và quốc gia nào mang được những kỳ tích thỉnh kinh ra sao, chúng tôi chỉ nói lên được cảm nghĩ bằng vài hình ảnh mà chúng tôi có thể suy nghĩ được.

Hiểu biết của người Phật tử Việt Nam chúng ta về kinh điển bằng quốc ngữ là hoàn toàn nhờ vào gia tài kinh điển của Trung Hoa. Cho nên sự hiểu biết về truyền tích nhập kinh vào quốc gia này Phật tử Việt Nam chúng ta thường quan tâm muốn biết.

Nhưng ở Trung Hoa không phải chỉ một Ngài Huyền Trang hay một vài vị sau Ngài, mà có thể làm giàu gia sản kinh điển như hiện nay. Phật tử Trung Hoa và Phật tử Việt Nam không thể không tri ân kính lễ tất cả quý Ngài, vì quý Ngài đã hy sinh tất cả để góp phần rất lớn trong việc khởi đầu lập nên Ðại Tạng Kinh ngày nay. Tuy nhiên việc kinh điển đầu tiên đến đất Trung Hoa tuyệt đối phải nhờ chư vị Tăng sĩ từ Thiên Trúc. Chư vị đã mở ra một đại duyên, cho những nhân duyên theo sau huân trưởng, mà việc thỉnh kinh nhập kinh có được là từ duyên khởi này.

Chư vị cao Tăng Thiên Trúc đã vượt qua một chặng đường rất dài, với tâm nguyện mang giáo pháp giải thoát lưu truyền cho thế gian; và đất nước Trung Hoa là cứ điểm mà các Ngài nhắm vào như một điểm sáng cho Phật giáo khởi đi từ đó. Ðúng như vậy, sau khi hạt giống Bồ Ðề đã đủ duyên nẩy mầm lớn mạnh, thì chư vị cao Tăng Trung Hoa lại hoằng truyền đến các nước lân cận khác, cũng như khi các nước láng giềng có duyên học hiểu Phật pháp, liền cử người đến Trung Hoa học kinh, thỉnh kinh, hầu làm giàu giáo pháp ngày càng lan rộng ra.

Khi chư vị cao Tăng Thiên Trúc du hành lộ trình từ Ấn đến Trung Hoa, trải qua đoạn đường xa như vậy, hẳn các Ngài không thể đem được nhiều kinh điển, vì điểm đến đích chỉ là dọ dẫm, khám phá, chứ không phải như Ngài Huyền Trang thỉnh kinh trở về, tận dụng hết mọi phương tiện chuyên chở kinh điển. Như thế chư vị Tăng sĩ Thiên Trúc mang sứ mạng hoằng truyền giáo pháp phải có bản lãnh, phải có kinh nghiệm, phải có trí nhớ và phải có tất cả, vượt xa khả năng của một phàm nhân, mới khả dĩ đến một quốc thổ xa lạ không cùng ngôn ngữ, nói lên một giáo lý “lội ngược dòng đời”. Vậy chư vị đó là ai? Ðể có thể làm được việc phi thường như thế?

Xin thưa, chư vị đó phải là Bồ Tát, là Thánh Tăng. Chỉ có Thánh Tăng chứng quả mới có thể vượt qua bao khó khăn hiểm trở trên đường đi; chỉ có Thánh Tăng chứng quả mới nói được một giáo pháp “ngược dòng” vào thế gian nhiễm ái, trong một đất nước xa lạ; và chỉ có Thánh Tăng mới tự tại với ngôn ngữ, trong một thời gian quá ngắn, để chẳng những học trôi chảy mà còn trở thành các nhà dịch thuật tuyệt vời.

Tới đây chúng ta có thể nghĩ rằng, nếu thật các Ngài từ Thiên Trúc sang Trung Hoa hoằng pháp là chư vị Thánh Tăng, thì khó tránh được việc người ta thắc mắc, vì sao chư vị không dốc lòng nói ra, ghi lại hết toàn bộ kinh, mà phải để chư vị bổn xứ (Trung Hoa) làm cuộc thỉnh kinh gian nan như thế? Như là Ngài Huyền Trang vậy! Chúng ta chắc chắn nghĩ rằng Ngài Huyền Trang cũng là Thánh Tăng, và chư vị Bồ Tát Thánh Tăng thường dùng mọi phương tiện thiện xảo độ sanh. Vì phương tiện thỉnh kinh của Ngài Huyền Trang nếu chẳng phải là Bồ Tát thì ai làm nỗi? Cho nên tuyệt đối Ngài Huyền Trang phải là Thánh Tăng. Thiết nghĩ không cần nói lên sự gian nan mà Ngài phải trải qua; vì sự gian nan như vậy chỉ có Thánh Tăng mới vượt qua nổi. Và cũng không khác chư vị Thánh Tăng Thiên Trúc, Ngài Huyền Trang không một trở ngại gì ngôn ngữ.

Như vậy chúng ta chưa phải là Bồ Tát, chưa chứng đạo nên chưa hiểu được phương tiện độ sanh của chư vị. Hay ta có thể đoán rằng, chư vị Bồ Tát phải thị hiện một hình ảnh Ðại sư Huyền Trang thỉnh kinh khó khăn như vậy, mới để lại dấu ấn đẹp của lịch sử truyền thừa Phật pháp.

Chúng tôi lại được nghe việc xuất hiện bộ kinh Lăng Nghiêm vô cùng kỳ lạ và nhiệm mầu. Ngày nay tìm bộ kinh Lăng Nghiêm để đọc, thật là chuyện dễ trước mắt, thậm chí cả người không phải là Phật tử nếu muốn tìm đọc cũng quá dễ dàng. Và ngày ngày tu sĩ Phật Giáo Việt Nam theo truyền thống Bắc Tông, hầu như đều đọc chú Lăng Nghiêm mỗi sáng sớm, cũng chẳng để tâm tìm hiểu làm gì, ai đã mang kinh Lăng Nghiêm ra khỏi Thiên Trúc, và việc thỉnh bộ kinh này sự tình ra sao?

Lại biết kinh này được Ngài Long Thọ thỉnh tại Long Cung và thỉnh qua hình thức đọc “trộm”, ghi hết vào tâm, chứ không thể có bộ nào dư để mượn! Việc này nghe qua khiến phải suy nghĩ. Thứ nhất làm sao Ngài Long Thọ xuống được Long Cung? Thứ hai làm sao đọc “trộm” mà nhớ hết? Trả lời nghi vấn trên thế nào, thiết nghĩ không bằng sự kiện phi thường sau khi bộ kinh được mang về đất liền rồi trở thành quốc bảo, để rồi xuất hiện Ngài Bát Lật Mật Ðế khởi đại bi tâm muốn tiết lộ đến mọi người bộ kinh này, mà phải xẻ thịt nhét bỏ vào thân.

Bộ kinh được viết lên vải lụa thật mỏng, thật nhỏ trong mọi cố gắng, đủ không làm hư hoại kinh và hư hại thân. Việc làm này nghe qua hết sức kính phục, cảm động lòng hy sinh cao cả của Ngài. Cuối cùng kinh được mang ra khỏi nước, nhập vào Trung Hoa. Ðến đây lại một lần khó khăn nữa, khi phải mổ vết thương lấy kinh ra; cứ tưởng kinh không còn đọc được, vì lâu ngày máu mủ thấm nhiễm vào vải lụa. Nhưng mầu nhiệm của chân lý, mầu nhiệm của Phật pháp, cuối cùng tất cả đã được ghi lại, sao lại y như nguyên bản.

Chúng tôi còn được nghe kể, khi Phật sắp nhập Niết Bàn, Phật chọn dạy một số Bồ Tát cần phải trụ lại Ta Bà, hoằng truyền đạo pháp đợi đến ngày Phật Di Lặc ra đời thì phò trì Đức Phật tiếp tục theo Ngài độ sanh. Tất nhiên khi thời kỳ tận cùng của thời mạt pháp thì các Ngài chỉ lánh mặt chứ không phải biến mất. Cho nên hiểu rằng hiện thời phải có một số Bồ Tát được Phật chỉ dạy mang trách nhiệm hoằng pháp, vẫn còn đang làm nhiệm vụ khó thể nghĩ bàn. Tuy nhiên rất khó mà chúng ta biết được nơi đâu có mặt các Ngài, và các Ngài đang là ai? Như vậy trở lại vấn đề Ngài Long Thọ xuống được Long Cung, đọc kinh ghi được hết vào tâm, đã được trả lời; vì Ngài phải là trong số hình ảnh của chư vị Bồ Tát thị hiện tái sanh vâng lời Phật dạy, làm tròn trách vụ hoằng truyền Phật pháp. Và Ngài đã là Bồ Tát chứng đạo cho nên tự tại vô ngại mọi chướng duyên vật chất, thị hiện thần thông mà thế gian khó thể hiểu được.

Tóm lại ngày nay người Phật tử chúng ta vô cùng hữu duyên, không phải trả một giá đắc nào, không phải tổn hại chi, và cho đến không chút mệt nhọc phí công khi muốn làm chủ một quyển kinh, một quyển sách luận giải về Phật pháp. Ngày nay phương tiện truyền hình, truyền thông, tin học lại tăng thêm phương tiện dễ dàng tìm học Phật pháp, và ngày nay có lẽ cả đến người không biết đạo Phật cũng còn nghe và biết được Phật pháp. Tuy nhiên dù thế nào đi nữa, Ta không thể không nhớ về những sự kiện nhiệm mầu ngày xưa mà chư Tổ đã thị hiện gìn giữ, lưu truyền kinh điển mãi đến ngày nay. Sự thị hiện của các Ngài qua mọi hình thức khác nhau cũng chỉ là phương tiện quyền xảo thể hiện lòng từ bi nối tiếp con đường của Phật.

Do vậy, nếu ta ngày nay gặp được nhân duyên dễ dàng tìm đến kinh điển, thì ta nhất định phải nhớ ghi tâm, tri ân kính mộ người xưa. Không phải vì ta đã có duyên Phật pháp trong tiền kiếp nên kiếp này tự hào cho đó là nhân quả tốt như vậy bằng không từ đây cũng là nhân quả ngược lại, nếu ta chẳng ý thức điều nhiệm mầu huyền diệu của nhân duyên tìm thấy được kinh; ta sẽ chẳng phát được Bồ Ðề Tâm, chẳng thể tiến xa trên đường học Phật.

Tư duy, suy nghĩ như thế, thì tất cả Phật tử hai giới xuất gia, tại gia không những tìm được kinh điển qua hình sắc cụ thể, mà còn giác ngộ được ý nghĩa chân kinh nhiệm mầu, và đó mới gọi là hiểu được quyển kinh vô ngôn, vượt khỏi nhị biên đối đãi.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

2004.

Chú thích:

Sự kiện lịch sử lưu truyền kinh điển kể lại như trên, mức độ đáng tin cậy bao nhiêu đi nữa, theo tinh thần người Phật tử, không nên chấp vào, sẽ ảnh hưởng đến niềm tin chánh pháp. Vì cứu cánh sự thật vẫn là việc lưu truyền kinh điển và nội dung của giáo lý giải thoát, mang lại cho chúng sanh một tương lai giải thoát mà bộ kinh Lăng Nghiêm là một trong nhiều bộ kinh đại thừa liễu nghĩa của Như Lai.