Giấc Mộng Đẹp!
Thượng Tọa Thích Phổ Huân

Ngủ nằm mơ thì ai chẳng có; người mơ vui, kẻ mơ buồn, người mơ xấu kẻ mơ đẹp, người mơ làm vua, kẻ mơ làm lính, người mơ làm giàu, kẻ mơ đói khát. Có những giấc mơ đẹp đến nỗi người mơ ráng cố gắng níu kéo cho dài ra, lỡ khi giựt mình hụt mất, liền cố ngủ lại mong chắp nối đoạn mơ tiếp. Lại có giấc mơ xấu khiến phải ú ớ thất thanh phát ra thành tiếng, khi giựt mình dậy vẫn còn hãi hùng thất sắc. Thế mộng mị như vậy có liên quan gì đến cuộc sống?

Sinh hoạt hằng ngày của chúng ta, không ít thì nhiều đã được lưu giữ vào tâm tưởng, môn học Duy Thức gọi nơi lưu giữ này là Tạng Thức hay A Lại Da Thức. Khi thân dừng suy nghỉ thư thả (ngủ), thì cái gì lưu lại của tâm thức sẽ bừng dậy chiếu lên cảnh tượng đã qua. Đó gọi là hình ảnh ngủ mơ phản ảnh hoạt động khi thức.

Nhưng thật ra chúng ta có thật thức dậy không? Chúng ta có thức đấy, nhưng thức bằng thân chứ tâm chưa chắc! Mà nếu tâm không thức thì cái thân thức dậy đó cũng đâu phải gọi là thức!
Người ta hay nói đời là giấc mộng; mộng đẹp hay xấu tùy vào quan niệm của mỗi người, tuy nhiên vẫn là mộng. Và đã là mộng thì ta chỉ có thức trong mộng thôi. Vậy làm sao biết đây là mộng, khi rõ ràng ta đang sống, đang có đã có giấc mộng khi ngủ, rồi thức giấc biết mình nằm mơ nằm mộng! Biết mình nằm mơ là thức rồi. Điều này cũng gần đúng đấy. Nhưng, ở đây chúng ta bình tĩnh xét lại, xem có phải thức dậy rồi cũng là mộng không?

Một đời người từ trẻ đến già, rồi chết đi; chết đi bỏ lại tất cả, bỏ luôn cả cái thân, cái mà đang suy nghĩ mộng thật mộng giả này. Rồi khi hương hồn (thần thức) thoát ra từ thân xác hư hoại, thì còn cái gì? Còn lại một khối thịt bắt đầu hư hoại dần, cho đến khi trở về cát bụi; bấy giờ chỉ còn lại một tâm thức và tâm thức này theo nghiệp lực, lập nên một đời sống khác - giống như bóng đèn cũ chết, dòng điện không còn chạy vào nữa phải thay vào bóng đèn mới. Thế thì suốt thời gian hoạt động từ nhỏ đến già, trong đó có vui cười, khóc thương, giỡn cợt, có cả gia đình vui buồn đau khổ đến đâu, chỉ là khoảng thời gian cháy sáng tạm thời rồi cũng sẽ tắt - rồi lại tiếp tục đổi bóng khác, tức thân hình khác của đời sau. Chẳng hạn như kiếp này là ông B, kiếp sau là anh C kiếp nữa là chị Ê v.v…Thế suy ra đâu có gì là thiệt ông B, Anh C, Chị Ê vì ba bốn nhân vật này chỉ là nghiệp thức sanh đi sanh lại mà thôi.

Khi sanh đi sanh lại, đâu ai giữ được cái nào để cho là thật, cho nên phải là chuyện giả vui hay không? Hay gọi có khác gì giấc mơ, giấc mộng. Nhìn vào đời sống giải trí, qua ca kịch, phim ảnh, tương tự cũng như thế. Người diễn viên, kịch sĩ khi ra khỏi sân khấu vai diễn của mình, tưởng đã trở lại đời sống thật, nhưng đâu ngờ lại đang đóng tiếp vai khác, vai này quá lớn, quá tế vi nhỏ nhiệm trong một phim trường sân khấu không lồ, nên khó nhận ra thôi. Bởi vì văn nghệ phim kịch cũng chỉ phản ảnh sân khấu cuộc đời mà ra. Vậy thì tất cả là mộng, nhưng mộng của ngủ mơ là mộng con, và mộng khi thức là mộng mẹ. Và nếu có gì là thật, thì có thật của tâm thức biến hiện đang đi vào trong mộng đó.

Chư Phật, Bồ Tát đã ra khỏi mộng dài và đang nhìn chúng ta còn đang mơ mơ mộng mộng trong nhiều giấc mộng. Nhưng trước khi thành Bồ Tát thành Phật các Ngài cũng ở trong mộng, chỉ khác là mộng của các Ngài toàn là mộng đẹp, còn mộng chúng ta là chìu theo sự tham muốn ái dục nên không thể thấy đó là giả. Không thấy giả nên cho thật, cho thật nhưng đâu được thật, vì nó là thật giả, thành ra không hưởng được nên đau khổ. Đau khổ trong mộng nhỏ, rồi đau khổ luôn mộng lớn ngay khi thức giấc.

Đến đây hiểu rằng thức giấc của chúng ta cũng chỉ là ngủ vùi mà thôi. Vậy bây giờ phải tìm cách nào làm sao có được giấc mơ đẹp, để khi tỉnh giấc mộng đẹp còn mang được dư âm.

Như đã biết hành hoạt trong đời sống sẽ tạo nên hình ảnh trong tâm để kết quả là giấc ngủ yên vui ít mộng mị, hay thường mộng mị. Người nào từ sáng đến tối, trọn ngày, trọn tháng suốt năm, không làm sai trái, không gây hận thù, chỉ có thương người, thương vật, biết xây dựng kiến thiết điều hay cái đẹp… người ấy khi thức hay ngủ đều là đẹp cả. Và tâm thức người ấy sẽ luôn luôn sanh đi sanh lại trong mộng đẹp cuộc đời; mãi cho đến lúc ý thức rằng tất cả cuộc đời đều là mộng, dù là mộng đẹp đi nữa. Người đó sẽ vượt ra khỏi giấc mộng, sống tự tại thong dong khắp pháp giới. Rồi có một lúc người ấy phát Bồ Đề tâm liền trở vào mộng, nhưng lại thức ngay trong mộng, chừng ấy chúng ta gọi người là Bồ Tát hay tôn kính gọi người là bậc Toàn Giác Đấng Thế Tôn.

Ngược lại, chúng sanh mãi ngủ vùi trong mộng mà cho là thật để rồi không bao giờ ra khỏi mộng.

Thế thì hiện ta đang sống trong mộng mà biết được việc này, có thể nói cũng đã le lói ánh sáng THỨC rồi đó. Chúng ta không thể hoàn toàn thức, vì ngủ vùi quá lâu, nên khi trần cảnh phủ vào căn thân ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) ta liền quên ngay chính mình, rồi chìm vào giấc mộng dài của tài, sắc, danh, thực, thùy (tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ). Bị chìm vào năm thứ ham muốn đó, làm sao ta sáng suốt nhận ra là mộng!

Nhưng ta đâu biết rằng ngay cả cái mà chúng ta cho là nên xa lánh, nên xem là giả mộng, thì đối với chư vị Bồ Tát cũng cho là mộng luôn. Vì đã nói tâm các Ngài đã thong dong tự tại, do muốn độ chúng sanh nên thị hiện vào sống như chúng sanh, do đó mọi thứ lăng xăng ở cõi Ta Bà này các Ngài dư biết là mộng.

Thế ra chỉ có một việc, chúng ta phải luôn tự nhắc rằng, cảnh đời là mộng; đã là mộng thì đừng tạo mộng xấu, đến như mộng đẹp cũng nên dè dặt không say mê. Vì sao? Vì không khéo lại ham mê không biết, nghĩa là chấp vào pháp tu, thành ra khó tự tại chu du trong pháp giới, phát được Bồ Đề Tâm.

Nhưng đôi khi vì biết tu, biết tu căn bản mười điều thiện, ta lại sanh lên cõi trời thì làm sao tự tại được? Chúng ta nên học ngay pháp tu giải thoát của Phật tại thế giới mộng này; rồi đến khi thức giấc, dù có được hay bị, quả báo thiện lành như sanh lên cõi trời, ta vẫn luôn nhớ rằng đây là mộng nữa; vì còn trong ba cõi là còn luân hồi, còn trong mộng - chỉ khác mộng này lớn hơn, đẹp hơn mộng kia, nhưng ngược lại dễ nguy hiểm giữ chân chúng ta ngủ vùi trong ba cõi (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới)

Việc nữa cũng nên giải tỏa, nếu cho rằng cõi Phật cũng là cõi do Phật chiêu cảm ra thì đâu có phải là cõi thật cho mình, vậy cũng không chắc chắn, và cũng có thể gọi là mộng đẹp thôi. Chúng ta nên nhớ, Phật vì nguyện lực từ bi chiêu cảm ra thế giới thanh tịnh nhằm phương tiện cho chúng sanh hướng về; và khi hướng về được rồi thì con đường tỉnh thức sẽ được trọn vẹn chóng thành. Chừng đó tất cả sẽ thành Phật, đã thành Phật thì cõi đó có thành vấn đề nữa hay không? Huống gì mượn mộng đẹp để dễ tiến tu hơn là mộng xấu, chỉ mãi vùi say trong đau khổ luân hồi. Thực tế nữa, chúng ta đang tu tập pháp học giải thoát nơi đây, cũng chỉ là mộng huyễn, nhưng mộng huyễn này lại đưa tâm thức hành giả về nơi Thật (Chơn như); như vậy việc Phật xây dựng thế giới thanh tịnh lại chắc chắn là mộng an toàn hơn không.

Cuối cùng giấc ngủ của ta sẽ không còn phải nhọc nhằn trăn trở, vì bao lo toan chạy theo mộng lớn; và khi tỉnh giấc là tỉnh giấc cuộc đời, tỉnh thân tỉnh tâm.

Như thế người học Phật cần nỗ lực tu hành, tự tạo cho mình ba nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh đúng theo chánh pháp, qua cách nhìn quán chiếu đời là huyển là mộng, là sinh diệt vô thường. Và như thế, đó là cách xây dựng đời sống chân thật ngay trong đời sống giả tạm này; để kết quả có được giấc mơ đẹp khi ngủ cũng như thức - cuối cùng sẽ có một ngày đẹp trời tương lai không xa, chúng ta sẽ thức dậy khỏi giấc ngủ dài trong sáu đường ba cõi.
 
Nam Mô A Di Đà Phật
 - 2002 -
 
Trích từ: Ý Thức Giải Thoát
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Luận Về Con Đường Giải Thoát, Hòa Thượng Thích Như Điển Tải Về
2 Ý Thức Giải Thoát, Thượng Tọa Thích Phổ Huân Tải Về
3 Hương Vị Giải Thoát, Ni Sư Hải Triều Âm Tải Về