Home > Khai Thị Phật Học > Dao-Hieu-Giai-Thoat
Đạo Hiếu Giải Thoát
Thượng Tọa Thích Phổ Huân


Hạnh hiếu của người con Phật là một pháp tu, căn cứ trong pháp Tứ Ân Phật dạy, Ân Cha mẹ, ân Chúng sanh, ân Quốc vương, ân Tam Bảo. Người nào thực hiện tròn đủ hạnh hiếu với Cha Mẹ, sẽ dễ dàng hiểu biết và thực hiện tất cả những lợi ích còn lại trong đời sống bản thân, gia đình, xã hội. Ngược lại sẽ mất nhiều lợi ích trong đời sống, để cuối cuộc đời đau khổ không lìa khỏi thân tâm người đó.

Hiếu Cha mẹ

Phải hiểu hiếu hạnh thế nào mới gọi là thật hiếu, mới có thể thật sự đền đáp thâm ân cha mẹ. Thông thường chúng ta hiểu phải vâng lời cha mẹ, phải trưởng thành nên người, cuối cùng phải nuôi nấng dưỡng dục khi cha mẹ tuổi bóng xế chiều. Bổn phận nghĩa cử của người con là vậy, ai cũng hiểu; tuy nhiên lắm lúc hoàn cảnh không được thuận theo, khi trường hợp Cha Mẹ chẳng dạy được con, còn làm con cái phiền hà đau khổ. Hoàn cảnh như thế, người con khó thể thực hiện hạnh hiếu, và thường phó mặc buồn chán, không màng gì cả, cuối cùng khổ càng thêm khổ.

Theo giáo lý nhà Phật, đây là quả báo nghiệp duyên của một số người phải chịu như vậy. Nghiệp báo này phải chịu đựng cho đến bao giờ, tùy theo nghiệp lực đã làm trong quá khứ, cũng như nhân nghiệp đang làm trong hiện tại. Nếu hành động hiện tại tạo đủ thiện duyên phước đức, quả báo hiện tại sẽ đủ chuyển đổi hoàn cảnh đời nay, bớt đi đau khổ, lại còn an vui.

Xét như trên, nếu muốn hiếu thảo đền ân cha mẹ, người con phải hiểu nhân quả. Hiểu rằng cha mẹ có đối xử thế nào đi nữa, nhất định đã có sự liên hệ với ta trong nhiều kiếp quá khứ, hoặc ân hoặc oán. Ân oán đó từ sự gần gũi thương yêu sinh ra; có thể ban đầu rất thương yêu, rồi vì tự hiềm, tự kỷ, dục lạc cá nhân, thương yêu trở thành oán hận, oán hận thành thù địch, đeo đuổi tìm kiếm qua bao nhiêu đời kiếp.

Nếu đời này ta có hiếu là do đời trước cha mẹ và ta gieo duyên thương yêu quá nhiều, trong đó ta là người vay tình thiếu nghĩa với cha mẹ, cho nên ngày nay phải đáp ân trả hiếu. Nếu đời này ta không trọn hiếu với cha mẹ, có lẽ đời trước cha mẹ đã khiếm khuyết ân tình với ta, đã không được liên hệ thương yêu giữa hai bên đầm ấm. Đại khái nhân nghiệp quá khứ như vậy, cho nên hiện tại ngày nay mới xảy ra. Nhưng như đã thưa, thế nào đi nữa, ta và cha mẹ đã gắn bó gần gũi với nhau nhiều đời rồi.

Giáo lý Phật dạy, chẳng có gì không có nhân duyên, nhân quả. Và nhân quả đó sẽ chấm dứt, chẳng còn xoay chuyển lung lạc với ta nữa, là bao giờ ta thành Phật chứng đạo giải thoát; còn như chưa đến bậc toàn giác, dù bậc Bồ Tát lớn vẫn phải tiếp tục dụng công tu tập không bao giờ dám lầm lẫn nhân quả được.

Khi hiểu sự liên hệ tình cảm thương yêu của Cha Mẹ, chúng ta phải càng thương cha mẹ hơn, vì sao? Vì trước tiên ta nhờ Cha mẹ mới sanh được làm người, chứ không phải làm thú. Làm thú không bao giờ có cơ hội hiểu biết như người, để hiểu biết nhân quả chấm dứt sự ân oán trả vay trong vô số kiếp. Ta đừng cho rằng cha mẹ chỉ là nhân thương yêu dục lạc mới sanh ra ta; nếu nghĩ như vậy ta sẽ không có tình thương nào với bất cứ ai, vì tất cả người trên thế gian này hầu hết đều do nghiệp lực ái dục sinh ra. Vậy thì ta phải sống và thương yêu ai đây, cho đúng người ta chọn không từ dục lạc sinh ra?

Thế gian này nếu có một người đạo đức toàn thiện, đáng làm Thầy ta thì người đó cũng từ nghiệp ái sinh ra; ngay cả đức Phật cũng phải từ vô thỉ kiếp từng là chúng sanh trong dục giới, có khi còn làm thú nữa. Tất nhiên hiện thời, hay nói đúng hơn từ khi chúng ta biết được Đức Phật xuất hiện tại Thiên Trúc ta mới chọn đúng một người không từ nghiệp ái dục lạc sinh ra. Người đó (Phật) mới thật xứng đáng. Và theo tinh thần Bồ Tát đạo những đệ tử chứng Thánh quả cũng không phải là người từ dục lạc sinh ra, đó chỉ là sự thị hiện thọ sanh, hóa độ chúng sinh mà thôi.

Thế thì ta phải hiếu thảo cha mẹ, là sự tri ân đầu tiên sinh được làm người, dù nhân duyên với cha mẹ có xảy ra thế nào đi nữa. Chỉ có làm người ta mới học hiểu được tất cả sự việc trên đời này; chỉ có làm người ta mới hiểu biết vô số thế giới chỉ là nhân duyên, nhân quả thiện ác tạo thành; và chỉ có làm người ta mới biết giáo lý giải thoát, phát Bồ Đề Tâm thành Phật giải thoát tất cả…

Hiểu được thắng duyên lợi ích làm người, và sự liên hệ thương yêu với Cha Mẹ, rồi hiểu giá trị cao cả hơn khi làm người mới hiểu giáo lý giải thoát; bây giờ ta mới thấy sự hiếu thảo đối với Cha Mẹ rõ ràng không phải chỉ là đơn thuần vâng lời, phụng dưỡng nuôi nấng. Ta phải nhất định gây nhân tạo duyên, cùng với Cha Mẹ tìm hiểu Nhân Quả nghiệp báo.

Tự bản thân chúng ta phải quy y Tam Bảo, hướng dẫn chính mình trở về với giáo lý giải thoát; ý thức cuộc đời là vô thường, đời sống hoàn toàn chỉ là vòng xích nhân duyên nhân quả luân hồi đau khổ. Phải dâng tặng cúng dường Cha Mẹ món quà cao cả nhất là ba ngôi Tam Bảo, là sự nương về quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng (đoàn thể thanh tịnh). Cha Mẹ mà hiểu được, rồi quy y Tam Bảo, đó là niềm vui lớn nhất của người con, và đó là hiếu hạnh không thể nghĩ bàn được. Bấy giờ ta với Cha Mẹ sẽ trọn đầy một tình thương bất diệt, không còn phải trong tình thương ái dục, hứa hẹn những kiếp sống sau.

Thương hiểu chúng sanh

Sau khi đã hiểu và thực hành hạnh hiếu dâng hiến cho Cha Mẹ, người Phật tử không thể không nghĩ đến tất cả chúng sanh khác. Chúng sanh đó là ai? Xin thưa, cũng là Cha Mẹ nhiều đời nhiều kiếp của chúng ta. Trong Kinh Báo Hiếu Phụ Mẫu Ân có đoạn kể, chính Phật còn phải quỳ lạy đống xương khô! Vì sao? Vì Ngài dạy rằng, trong những lớp xương khô đó có kẻ đã từng làm Ông Bà, Cha Mẹ Ngài.

Đã có Ông Bà, Cha Mẹ, tức phải có thân thuộc vợ chồng, anh chị em với nhau. Nói chung tất phải có liên hệ tình cảm thương yêu, cùng khổ với nhau. Hễ còn là chúng sanh là còn trong ba cõi triền phược nhiễm tình; người trước kẻ sau cứ mãi quay quanh trong đau khổ. Vậy đến chừng nào mới dứt, nếu không biết giáo lý giải thoát vượt khỏi luân hồi.

Khi ta ý thức được vòng luân hồi nhân quả của kiếp người vì tình thương dục ái, ta mới hiểu mới thương yêu cha mẹ; và còn nghĩ tưởng đến tất cả những người quen biết, xa lạ, có khác gì hơn hiện ta đang sống.

Trong pháp Tứ ân, thiết nghĩ ân cha mẹ là hàng đầu, nhưng lại nghĩ ân chúng sanh chẳng có khác biệt, vì chúng sanh cũng từng là cha mẹ chúng ta huống chi có chúng sanh mới có cha mẹ; đó là sự liên hệ tương quan của muôn loài vạn vật nương tựa tồn tại lẫn nhau, không có cái này sẽ không có cái kia, và ngược lại. Thử nghĩ ta có thể sống còn được bao lâu, nếu từ chối mọi thứ từ vô số bàn tay khối ốc của người khác.

Cuối cùng quan trọng hơn hết, là tất cả chúng sanh đều chẳng khác nhau trên mặt bản thể thanh tịnh, nghĩa là bản tâm thể tánh với nhau như một. Khi chưa giác ngộ người này kẻ kia có thể sai khác, đó là nhân quả mỗi người, mỗi hoàn cảnh chánh báo, y báo, tức hình thù khối óc; nhưng khi đã hiểu giáo lý giải thoát, tất cả sẽ trở về với bản thể chân như vô ngại. Nói rõ hơn đó là Phật tánh, là tánh thể của Như Lai, như lời Phật dạy: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh.

Cụ thể hơn nữa, Phật dạy “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”, đây là việc khẳng định; đến đây chúng ta nên hiểu, trở thành một người chân chính trong xã hội nhân quần, đó cũng là điều thực hiện hiếu dưỡng cha mẹ; thêm nữa hiếu cha mẹ, mới hiểu được tình thương tất cả.

Tóm lại chúng sanh từ vô thỉ kiếp cứ vì bó buộc trong thương yêu vị kỷ cá nhân, chỉ sống vì mình không thường nghĩ đến thế giới chung quanh muôn người muôn vật. Bản tánh như vậy, tạo thành ngã ái tham si, không thể ra khỏi luân hồi sinh tử. Phật dạy hiếu dưỡng cha mẹ, đó là pháp cơ bản để kính trọng muôn loài; do tình thương hiếu dưỡng này ta mới thấy tất cả đều có cha mẹ, tất cả đều cần tình thương. Và tình thương hiếu kính nếu được đối xử với tất cả, mới đúng là tình thương chân thật, không phân biệt giả dối.

Pháp giới vô biên không tưởng được, nhưng tâm tưởng chúng ta có thể chu du khắp pháp giới, đó là theo lời Phật dạy, tâm sinh ra tất cả, tâm tạo thiện tạo ác, tâm là họa sư có thể vẽ vời muôn cảnh; và tâm có thể thành Phật độ vô số chúng sanh.

Cứ mỗi mùa Vu lan đến, xin được cầu nguyện đến tất cả những người con của cha mẹ, trên khắp năm châu bốn biển, cùng nhau thực hiện niềm hiếu dưỡng kính thương đến hết thảy muôn loài vạn vật.

Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát

2008