Home > Khai Thị Phật Học > Phap-Mon-Binh-Dang-Khong-Co-Cao-Thap
Pháp Môn Bình Đẳng Không Có Cao Thấp
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Vọng Tây, Việt Dịch


Pháp môn bình đẳng, không có cao thấp”. Nhưng tại sao phải chia ra nhiều pháp môn như vậy? Căn tánh mỗi người không giống nhau, sở thích không giống nhau, hứng thú không giống nhau, lại còn thiện căn khác nhau, trình độ khác nhau, nhất định phải lựa chọn pháp môn phù hợp điều kiện của bản thân, thì học mới thuận lợi. Nhất đinh phải tôn trọng những pháp môn ta không học, vì sao vậy? Đều là lời Phật dạy. Nếu như nói pháp môn tôi là số một, pháp môn khác không được, coi thường người khác, như vậy gọi là đại bất kính, đại bất hiếu. Quí vị khinh thường người khác, chính là khinh thường Phật Thích Ca Mâu Ni, pháp môn đó là lời Phật dạy. Nếu quí vị coi thường những vị Bồ tát đang tu học pháp môn đó, thì tội của quí vị càng rất nặng. Vì thế khinh mạn người khác, khinh mạn những pháp môn khác, đều là tạo nghiệp địa ngục. Bản thân tạo nghiệp mà lại không biết. Nếu cùng một pháp môn, trong đó mỗi người đều tâng bốc môn phái  mình, không trao đổi với nhau, khen mình chê người, lập tức liền đọa xuống địa ngục a tỳ. Họ không phải tu hành Phật hạnh, họ đang tu hạnh địa ngục; Họ không phải cầu sinh thế giới Cực lạc, họ muốn đến địa ngục a tỳ.

 Chúng ta đứng ngoài thấy rất rõ ràng, sư phụ tôi tốt, sư phụ nào cũng không bằng sư phụ tôi, quan niệm này là gì? Quan niệm này chính quan niệm là cầu sinh địa ngục a tỳ. Quí vị nghĩ xem có phải vậy không? Sư phụ quí vị còn có sư huynh, sư đệ, sư huynh đệ của ông ấy cùng một thầy truyền xuống, quí vị gọi ngài là tổ sư. Những sư huynh sư đệ này, mỗi vị lập một môn phái riêng, mỗi người đều có đệ tử của riêng mình, độc lập với nhau, không thể dung hoà với nhau, tất cả đều là tạo nghiệp địa ngục. Vậy là họ đang tu pháp môn gì? Tu pháp môn địa ngục. Tương lai họ sẽ đi về đâu? Sẽ vào địa ngục Vô gián, không thể không biết.

Người thực sự có tu hành không phải như thế, cho nên khi thấy những người tung hô môn phái mình, bài xích môn phái người khác, đối với họ quí vị nên kính nhi viễn chi.

Quí vị có phải là người đệ tử Phật chân chánh hay không, cứ nhìn ở đây thì biết. Khen mình chê người, đó không phải là đệ tử Phật, đó là ma, con cháu của ma, họ đến phá hoại Phật pháp, không phải đệ tử Phật. Chỉ có tôi là tốt, những người khác không bằng tôi, sai rồi. Quí vị đã đang hành tà đạo, đã là tâm luân hồi đang tạo nghiệp luân hồi, trong nghiệp luân hồi tạo nghiệp địa ngục, quí vị xem quí vị đáng thương biết bao. Người sáng suốt thấy quí vị đáng thương, trong kinh nói là “người đáng thương”. Ai là người đáng thương? Loại người vừa nói đến là đáng thương, họ ngày ngày tạo nghiệp địa ngục mà bản thân không biết, tương lai đọa địa ngục còn kêu oan uổng, nhưng càng kêu oan thì tội càng nặng. Không có ai oan uổng quí vị, bản thân quí vị oan uổng chính mình, quí vị còn trách ai!

Những chuyện vụn vặt mà cũng so đo tính toán. Cổ nhân nói đó là người không ra gì. Trong nhà Phật ngày nay cũng phổ biến hạng người như thế. Những người này không phải đang hưng thạnh Phật giáo, mà là người hủy diệt Phật giáo, khiến người học Phật tất cả đều vào địa ngục a tì, không phải gọi là diệt Phật giáo sao? Quí vị tạo nghiệp nặng quá! Quí vị vừa bài xích, xây dựng môn phái, bài xích người khác, lại còn kêu gọi tín đồ của quí vị bài xích, tội này nặng hơn tội nào hết, nặng hơn cả tội ngũ nghịch thập ác. Cho nên giới Bồ tát, trong “Du Già Bồ Tát Giới”điều trọng giới thứ nhất, là khen mình chê người, đó là điều được đưa lên hàng đầu. Cho nên chúng ta nhìn thấy những người hoan hỉ phụng hành, hổ thẹn! Nghe pháp rồi, ba chữ này không có, vì sao vậy? Nghe pháp nhưng không nghe hiểu được nghĩa của pháp. Thực sự nghe hiểu, nghe rõ ràng rồi, ba chữ sau đó chắc chắn cũng có: Hoan hỉ, tiếp thọ, phụng hành, họ thật sự làm được rồi. Quí vị tra xem có bộ kinh nào Phật dạy chúng ta tự cao tự đại, khen mình chê người, có dạy quí vị như thế không? Quí vị thử tìm xem. Kinh Phạn Võng”, đây là điều phải tuân thủ, “không làm quốc tặc, không báng quốc chủ”, “không báng quốc chủ”chính là không hủy báng người, đây nói trong tình huống nào? Quốc chủ làm việc bất thiện, làm việc không hay, nếu làm không tốt cũng không được hủy báng, vì sao vậy? Mỗi người đều có nhân quả riêng. Quí vị hủy báng là quí vị tạo nghiệp ác. Họ tạo tác điều bất thiện, quí vị hà tất phải theo họ xuống địa ngục? Quí vị hủy báng họ là theo họ xuống địa ngục rồi. Cho nên nhìn thấy điều bất thiện, thực sự bất thiện thì có lễ kính những không tán thán. Bồ tát Phổ Hiền dạy chúng ta vậy. Lễ kính là điều nên làm, nhưng không tán thán. Tuyệt đối không bảo quí vị hủy báng, không bảo quí vị phê bình.

Cho nên đức hạnh quí vị có cao bao nhiêu, tiếng tăm có lớn bao nhiêu, chỉ cần có chút ngạo mạn là xong rồi, đừng quan tâm đến họ nữa. Họ đều là giả dối, không phải chân thật.

Quí vị cũng không cần nói thẳng với họ, nói thẳng với họ rồi kết oán thù với họ thì không đáng, mà họ cũng sẽ không tha thứ cho quí vị, cho nên đối với họ phải như thế nào? Kính nhi viễn chi. Đây là thái độ cơ bản trong việc tu học.

Đại sự nhân duyên này để ngay trước mắt chúng ta, nếu bỏ lở, tội quý vị sẽ rất nặng. Người khác không gặp được vì không có duyên, điều đó có thể tha thứ. Quý vị gặp được lại bỏ qua, không thực hành đó chính là tội vô gián địa ngục.

 
Trích từ: Báo Cáo Tâm Đắc Và Những Lời Khai Thị Vàng Ngọc