Về danh hiệu thì có hai loại danh hiệu chung và riêng:
1. Danh hiệu xưng chung cho Bồ tát, theo kinh điển thì có nhiều tên khác nhau, tùy thuộc vào ý nghĩa tán thán tôn kính đối với các hạnh Bồ tát như: Khai sĩ (Bồ đề Tát đỏa), Đại sĩ (Ma ha Tát đỏa), Tôn nhơn (đệ nhất Tát đỏa), Thánh sĩ (Tắng Tát đỏa), Siêu sĩ (Tối thắng Tát đỏa) Thượng nhơn (Thượng Tát đỏa) Vô thượng (Vô thượng Tát đỏa), Lực sĩ (Lực Tát đỏa), Vô song (Vô đẳng Bồ tát) Vô tư nghì (Bất tư nghì Tát đỏa), Phật tử, Phật trì, Đại sư, Đại thánh, Đại công đức, Đại tự tại, Chánh sĩ, Thỉ sĩ, Cao sĩ, Đại đạo tâm thành chúng sanh, Pháp thần, Pháp vương tử, Thắng sanh tử, Quảng đại Tát đỏa, Cực diệu Tát đỏa, Thắng xuất nhất thiết tam giới Tát đỏa, Thân nghiệp vô thất Ngữ nghiệp vô thất Ý nghiệp vô thất, Thân nghiệp thanh tịnh Ngữ nghiệp thanh tịnh Ý nghiệp thanh tịnh, Thân nghiệp vô động Ngữ nghiệp vô động Ý nghiệp vô động, Thành tựu Giác tuệ, Tối thượng chiếu minh (uttama dyuti), Tối thắng chơn tử (jina putra), Tối thắng nhậm trì (jinàdhàra), Phổ năng hàng phục, Tối thắng manh nha, Dũng kiện (vikrànta), Tối thánh (pramàsucarya), Thương chủ (sàrthavàha), Đại danh xưng (mahà yasuas), Lân mẫn, Đại phước, Tự tại, Pháp sư (dharmika).
2. Danh hiệu riêng có được là nhờ vào phát tâm Bồ đề rộng lớn và công hạnh tu hành trải qua nhiều đời nhiều kiếp đã thành tựu, lấy đó mà làm danh hiệu riêng để gọi như chúng ta thường đọc tụng trong các kinh điển Đại thừa; đặc biệt là phần mở đầu của các bản kinh, trong phần “chúng thành tựu” thứ sáu, trong sáu cách thành tựu một bản kinh do Phật nói ra trong các bản kinh ngoài tứ chúng đệ tử thường xuyên có mặt, đôi khi nếu đề tài nào liên quan đến các hàng Bồ tát thì luôn luôn hiện hữu sự có mặt của các hàng Bồ tát câu hội với năm trăm đại Bồ tát, Phổ Hiền Bồ tát và Văn Thù Sư Lợi Bồ tát lúc nào cũng làm thượng thủ. Tên của các Ngài là:
Quang Diệm Tràng Bồ tát, Tu Di Tràng Bồ tát, Bửu Tràng Bồ tát, Vô Ngại Tràng Bồ tát, Hoa Tràng Bồ tát, Ly Cấu Tràng Bồ tát, Nhựt Tràng Bồ tát, Diệu Tràng Bồ tát, Ly Trần Tràng Bồ tát, Phổ Quang Tràng Bồ tát, Ðịa Oai Lực Bồ tát, Bửu Oai Lực Bồ tát, Kim Cang Trí Oai Lực Bồ tát, Ly Trần Cấu Oai Lực Bồ tát, Chánh Pháp Nhựt Oai Lực Bồ tát, Công Ðức Sơn Oai Lực Bồ tát, Trí Quang Ảnh Oai Lực Bồ tát, Phổ Kiết Tường Oai Lực Bồ tát, Ðịa Tạng Bồ tát, Hư Không Tạng Bồ tát, Liên Hoa Tạng Bồ tát, Tịnh Ðức Tạng Bồ tát, Pháp Ấn Bồ tát, Quang Minh Tạng Bồ tát, Tê Tạng Bồ tát, Liên Hoa Ðức Tạng Bồ tát, Thiện Nhãn Bồ tát, Tịnh Nhãn Bồ tát, Ly Cấu Nhãn Bồ tát, Vô Ngại Nhãn Bồ tát, Phổ Hiền Nhãn Bồ tát, Phổ Quán Nhãn Bồ tát, Thanh Liên Hoa Nhãn Bồ tát, Kim Cang Nhãn Bồ tát, Bửu Nhãn Bồ tát, Hư Không Nhãn Bồ tát, Hỉ Nhãn Bồ tát, Phổ Nhãn Bồ tát, Thiên Quan Bồ tát, Phổ Chiếu Pháp Giới Trí Huệ Quan Bồ tát, Ðạo Tràng Quan Bồ tát, Phổ Chiếu Thập Phương Quan Bồ tát, Nhứt Thiết Phật Tạng Quan Bồ tát, Siêu Xuất Nhứt Thiết Thế Gian Quan Bồ tát, Phổ Chiếu Quan Bồ tát, Bất Khả Hoại Quan Bồ tát, Trì Nhứt Thiết Như Lai Sư Tử Tòa Quan Bồ tát, Phổ Chiếu Pháp Giới Hư Không Quan Bồ tát, Phạm Vương Kế Bồ tát, Long Vương Kế Bồ tát, Nhứt Thiết Hóa Phật Quang Minh Kế Bồ tát, Ðạo Tràng Kế Bồ tát, Nhứt Thiết Nguyện Hải Âm Bửu Vương Kế Bồ tát, Nhứt Thiết Phật Quang Minh Ma Ni Kế Bồ tát, Thị Hiện Nhứt Thiết Hư Không Bình Ðẳng Tướng Ma Ni Vương Trang Nghiêm Kế Bồ tát, Thị Hiện Nhứt Thiết Như Lai Thần Biến Ma Ni Vương Tràng Võng Thùy Phúc Kế Bồ tát, Xuất Nhứt Thiết Phật Chuyển Pháp Luân Âm Kế Bồ tát, Thuyết Tam Thế Nhứt Thiết Danh Tự Âm Kế Bồ tát, Ðại Quang Bồ tát, Ly Cấu Quang Bồ tát, Diệm Quang Bồ tát, Pháp Quang Bồ tát, Tịch Tịnh Quang Bồ tát, Nhựt Quang Bồ tát, Tự Tại Quang Bồ tát, Thiên Quang Bồ tát, Phước Ðức Tràng Bồ tát, Trí Huệ Tràng Bồ tát, Thần Thông Bồ tát, Quang Tràng Bồ tát, Hoa Tràng Bồ tát, Ma Ni Tràng Bồ tát, Bồ Ðề Tràng Bồ tát, Phạm Tràng Bồ tát, Phổ Quang tràng Bồ tát, Phạm Âm Bồ tát, Hải Âm Bồ tát, Ðại Ðịa Âm Bồ tát, Thế Chủ Âm Bồ tát, Sơn Tướng Kích Âm Bồ tát, Biến Nhứt Thiết Pháp Giới Âm Bồ tát, Chấn Nhứt Thiết Pháp Hải Lôi Âm Bồ tát, Hàng Ma Âm Bồ tát, Ðại Bi Phương Tiện Vân Lôi Âm Bồ tát, Tức Nhứt Thiết Thế Gian Khổ An Uỷ Âm Bồ tát, Pháp Thượng Bồ tát, Thắng Thượng Bồ tát, Trí Thượng Bồ tát, Phước Ðức Tu Di Thượng Bồ tát, Công Ðức San Hô Thượng Bồ tát, Danh Xưng Thượng Bồ tát, Phổ Quang Thượng Bồ tát, Trí Hải Thượng Bồ tát, Phật Chủng Thượng Bồ tát, Quang Thắng Bồ tát, Ðức Thắng Bồ tát, Thượng Thắng Bồ tát, Phổ Minh Thắng Bồ tát, Pháp Thắng Bồ tát, Nguyệt Thắng Bồ tát, Hư Không Thắng Bồ tát, Bửu Thắng Bồ tát, Tràng Thắng Bồ tát, Trí Thắng Bồ tát, Ta La Tự Tại Vương Bồ tát, Pháp Tự Tại Vương Bồ tát, Tương Tự Vương Bồ tát, Phạm Tự Tại Vương Bồ tát, Sơn Tự Tại Vương Bồ tát, Húng Tự Tại Vương Bồ tát, Tốc Tật Tự Tại Vương Bồ tát, Tịch Tịnh Tự Tại Vương Bồ tát, Bất Ðộng Tự Tại Vương Bồ tát, Thế Lực Tự Tại Vương Bồ tát, Tối Thắng Tự Tại Vương Bồ tát, Tịch Tịnh Âm Bồ tát, Vô Ngại Âm Bồ tát, Ðịa Chấn Âm Bồ tát, Hải Chấn Âm Bồ tát, Vân Âm Bồ tát, Pháp Quang Âm Bồ tát, Hư Không Âm Bồ tát, Thuyết Nhứt Thiết Chúng Sanh Thiện Căn Âm Bồ tát, Thị Nhứt Thiết Ðại Nguyện Âm Bồ tát, Ðạo Tràng Âm Bồ tát, Tu Di Quang Giác Bồ tát, Hư Không Giác Bồ tát, Ly Nhiễm Giác Bồ tát, Vô Ngại Giác Bồ tát, Thiện Giác Bồ tát, Phổ Chiếu Tam Thế Giác Bồ tát, Quảng Ðại Giác Bồ tát, Phổ Minh Giác Bồ tát, Pháp Giới Quang Minh Giác Bồ tát, v.v… năm trăm đại Bồ tát như vậy câu hội. Mỗi vị Bồ tát mang cho mình một danh hiệu riêng tùy thuộc vào hạnh nguyện và thành quả tu chứng trong việc thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh của riêng từng vị một mà có được. Như Bồ tát Quán Thế Âm có được danh xưng là Đại từ Đại bi tầm thinh cứu khổ cứu nạn linh cảm ứng Quán Thế Âm Bồ tát cũng nhờ vào sự kết hợp giữa pháp tu và hạnh nguyện cứu khổ độ sanh mà có được danh xưng như vậy và danh hiệu các vị Bồ tát khác cũng như vậy.
Tùy thuộc vào địa vị tu tập ngộ giải sâu cạn mà Bồ tát có thể phân ra nhiều chủng loại khác nhau. Theo kinh Bồ tát Địa trì 8, phẩm Công đức Bồ tát thì Bồ tát được phân ra làm mười:
– Chủng tánh (gotra stha), ở đây, vị nào chưa được tâm thanh tịnh thì gọi là Chủng tánh.
– Nhập, ở đây, vị nào đã phát tâm tu học thì những vị đó thuộc vào loại Nhập.
– Vị tịnh (a usuddhàsuaya), ở đây, vị nào đã nhập rồi nhưng chưa thông đạt được tâm địa thanh tịnh thì gọi là chưa trong sạch (vị tịnh).
– Tịnh (usuddhàsuaya), ở đây, vị nào đã nhập vào được tâm địa thanh tịnh thì gọi là thanh tịnh.
– Vị thục (a paripakva), ở đây, vị nào đã được tâm địa thanh tịnh, nhưng chưa nhập vào được địa cứu cánh thì vị đó gọi là chưa chín mùi (vị thục).
– Thục (paripakva), ở đây, vị nào đã nhập vào địa cứu cánh thì vị đó được gọi là chín mùi (thục).
– Vị định (a niyati patita), ở đây, vị nào đã nhập được vào địa cứu cánh rồi, nhưng chưa nhập vào địa của định thì vị ấy được gọi là chưa đạt định (vị định).
– Định (niyati patita), ở đây, vị nào đã vào được địa của định thì vị đó được gọi là đạt định.
– Nhất sinh (eka jâti pratibaddha), ở đây, vị Bồ tát chỉ qua một lần sanh này tức sẽ lên Diệu giác quả vị Phật. Cho nên, những vị Đẳng giác Bồ tát đều được gọi là Nhất sanh bổ xứ cả, vì các vị Đẳng giác Bồ tát vô minh hoặc chưa hết nên vẫn còn một phen biến dịch sinh tử.
– Tối hậu thân (carama bhavika, hay antima deha), ở đây, chỉ cho thân sau cùng trong sinh tử của hàng Bồ tát Đẳng giác. Như vậy, chúng ta thấy ở đây có sự liên hệ nhau giữa Nhất sinh và thân tối hậu cùng có một nghĩa như nhau về mặt thời gian.
Ngoài mười chủng loại như trên Bồ tát còn phân ra làm hai loại: Bồ tát tại gia cùng xuất gia, Bồ tát thối chuyển cùng bất thối chuyển, Bồ tát sinh thân cùng pháp thân, Bồ tát nhục thân sinh tử cùng sinh thân pháp tánh, Bồ tát đốn ngộ cùng tiệm ngộ, Bồ tát đã phát tâm lâu (đại lực) cùng mới phát tâm, Bồ tát trí (trí tuệ) tăng cùng bi (từ bi) tăng v.v…
Theo Pháp tướng tông chủ trương thì trí tuệ tăng cùng từ bi tăng có sự liên hệ đến sự phân loại Bồ tát từ “bát địa” trở về trước thẳng đến Bồ tát (Bồ tát đốn ngộ), sau khi hàng phục hết thảy mọi thứ phiền não chướng sinh khởi hiện hành thì lập tức lãnh thọ thân biến dịch, thành tựu trí tăng thượng Bồ tát; đến sau khi hàng phục hoàn toàn tâm của địa thứ bảy thì sẽ thọ thân phân đoạn, thành tựu bi tăng thượng Bồ tát hoặc là Đại bi Bồ tát. Riêng các hàng Bồ tát hồi tâm (Bồ tát tiệm ngộ) mà nói thì từ “bất hoàn” cùng với hồi tâm A la hán, cần tăng trưởng trí tuệ để đối trị việc đoạn phiền não của Dục giới; riêng từ “dự lưu” cùng với các hàng hồi tâm “nhất lai” thì có thể cần trí tăng thượng hay bi tăng thượng tùy thuộc vào việc đối trị và lòng thể hiện tình thương của họ mà thể hiện. Tuy nhiên giai đoạn này vẫn có Bồ tát phát triển hai mặt trí và bi cân bằng. Lúc này các hàng Bồ tát nào ở vào vị Thập tín thì gọi là Bồ tát mới phát tâm.
Trong thời gian thượng cầu Phật đạo, tức là Bồ tát phát tâm tu hành để tự đem lợi về cho chính mình thì thời gian này gọi là Bồ tát hành, nên Bồ tát luôn quan hệ đến tất cả các phương pháp, pháp tắc nghi thức, những lời dạy tu hành của đức Phật dành cho các vị Bồ tát, để tiến đến mục tiêu cuối cùng là đạt quả vị Phật phải qua cỗ xe được gọi là Bồ tát thừa; và những kinh điển dành riêng cho các hàng Bồ tát được gọi là Bồ tát tạng. Như kinh Phạm Võng chẳng hạng đức Phật cũng dùng giới luật để cho các hàng Bồ tát thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý phải qua việc hành trì Bồ tát giới.
Nói tóm lại, Bồ tát là quả vị, cõi thứ chín trong mười cõi. Cõi sắp hoàn thành sự nghiệp tự mình giác ngộ cho chính mình và đồng thời cũng giác ngộ cho người khác cũng giống như mình trong sự nghiệp hạ hóa chúng sinh, để hoàn thành sự nghiệp giác hạnh viên mãn thành Phật. Bởi vậy, trong lúc Bồ tát hành đạo, vì đặt vấn đề giải thoát tối hậu cuối cùng lên trên hết, mặc dù việc hạ hóa chúng sinh không phải là việc thứ yếu nhưng chúng vẫn quan trọng cần thiết trong việc hỗ trợ mục đích cuối cùng là thành Phật, nên các Ngài luôn luôn nỗ lực cho dù bị lệ thuộc vào phát nguyện lớn là cứu độ chúng sinh, nhưng việc làm của các Ngài không bị chúng sinh trói buộc lôi kéo qua việc không tạo nhân sinh tử, mặc dù các Ngài luôn sống trong nhân quả. Vì nhân quả chỉ bị lệ thuộc vào ba cõi sáu đường của thiện ác báo ứng, trong khi đó Bồ tát ra khỏi được ba cõi sáu đường, nên Bồ tát hạnh của các Ngài bằng vào nguyện lực vượt thoát nghiệp lực nhân quả với không tâm tạo nhân nên nếu quả có nhận đi chăng nữa cũng là không quả vô cầu. Đó là chúng ta đứng về mặt Bồ tát mà luận. Vì Bồ tát không tạo nhân, cho nên không nhận quả. Nhưng nếu đứng về mặt nhân quả chúng sinh mà luận thì Bồ tát rất sợ nhân, nên các Ngài không bao giờ tạo nhân dù là thiện nhân đi chăng nữa. Vì thiện nhân cũng vẫn còn ở trong vòng sinh tử luân hồi, sợ nhân sinh tử luân hồi nên các Ngài không tạo nhân. Ngược lại với Bồ tát, chúng sinh thì sợ quả, vì chúng sinh mê mờ nên không nhận thức được việc làm của mình là câu hữu với vô minh, nuôi lớn ba độc tham, sân, si, vun trồng bản ngã, nên không thấy được cái tác hại của những hành động của mình (nhân), tạo ra mọi nguyên nhân để nuôi lớn bản ngã vô minh tà kiến của mình mà không biết được cái tác hại của chúng sẽ đến sau đó. Cho nên chúng sinh cứ mặc tình mặc sức tạo ra mọi tác nhân để rồi sau đó nhận lãnh mọi hậu quả tác hại đến bản thân mình thì lúc này mới bật ngửa ra biết những việc làm trước kia của chúng ta là tai hại qua cái quả mang lại khổ đau trong hiện tai rồi mới đâm ra sợ quả mà mình đang gánh chịu! Bởi vậy cho nên, chúng ta thường nghe mọi người nói là: “Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”, là phát xuất từ quan điểm này. Thật ra, Bồ tát đâu có còn tạo nhân bằng hữu tâm nữa mà sợ nhân, nhưng về mặt chúng sinh mà luận thì tạm thời chúng ta chấp nhận quan điểm này cũng không sao.