LỜI NÓI ĐẦU 
 
Vấn đề tụng niệm một số người không nắm được giá trị và nghĩa lý của nó nên có thái độ khinh thường, xem nhẹ, không quan tâm, không chú trọng cho việc làm này là thuộc về hạ cấp, tầm thường, chỉ dành riêng cho hạng bình dân mê tín tu tập. Nhưng họ không ngờ rằng việc tụng niệm cũng là một trong những pháp môn không kém trong việc tu tập đạt đạo mà chính đức Phật đã khuyến khích các đệ tử thực tập đã được ghi lại trong các kinh Đại Thừa, như Kinh Pháp Hoa, Kinh Đại Bảo Tích, Kinh A Di Đà,..v..v......   
 
Thông thường ở ngoài đời, con người muốn trở thành bác sĩ, kỹ sư thì phải chuyên cần học tập, nằm lòng những sách vở, những công thức chuyên nghiệp ngành nghề. Còn ở trong đạo, người Phật tử muốn giác ngộ thành Phật thì cũng phải học tập, phải nằm lòng những kinh Phật mà mình thọ trì. Tụng niệm cũng là cách học tập, nghĩa là học hỏi và thực tập để có kinh nghiệm, có sáng tạo. Tụng niệm ở đây vừa là học tập kinh Phật trong sự nhất tâm và vừa là thực tập (tu tập) pháp môn cho được thâm nhập (nằm lòng) kinh tạng để sáng tạo trí tuệ phát triển rộng lớn như biển cả. Một bác sĩ, một kỹ sư học tập mà không nằm lòng, không kinh nghiệm thì không thông suốt và không có khả năng sáng tạo, ngành nghề không được phát minh cập nhật theo nhu cầu tiến bộ của thời đại. Người tu tập, tụng niệm kinh Phật không được nhất tâm, không được nằm lòng, không thâm nhập kinh tạng thì đạo lực không được phát triển, trí tuệ không được mở bày và con đường đạt đạo thành Phật còn quá xa xôi. 
 
Vấn đề tụng niệm đừng có thành kiến bảo rằng chỉ có tông phái Tịnh Độ chủ trương mà các tông phái khác không có hành trì, như Tịnh Độ Tông thì có nghi thức tụng niệm theo tông phái Tịnh Độ, Thiền Tông thì có nghi thức tụng niệm theo tông phái Thiền, Mật Tông thì có nghi thức tụng niệm theo tông phái Mật,..v..v...... Chỉ có khác nhau là mỗi tông phái hành trì nghi thức tụng niệm riêng theo phương cách của mình chọn lựa. 
 
Chúng ta nên biết rằng, trên hành trình đi đến Bảo Sở (Thành Phật), có người khởi điểm khác nhau, như một số người khởi hành từ hướng đông, một số người khởi hành từ hướng nam, một số người khởi hành từ hướng tây, một số ngời khởi hành từ hướng bắc,..v..v......, mặc dù khác nhau điểm khởi, nhưng chung qui tất cả đều gặp nhau ở điểm hẹn. Đây thì cũng vậy, mục đích cuối cùng là nhất tâm bất loạn để được thành Phật, nhưng mỗi tông phái có cánh hành trì không giống nhau, có phái chuyên ngồi thiền, có phái chuyên tụng niệm,..v..v...... chung quy tất cả đều gặp nhau ở điểm hẹn giác ngộ đạt đạo mà không có phái nào đúng phái nào sai trái cả. 
 
Để làm sáng tỏ giá trị của sự tụng niệm, tôi viết bày NGHĨA LÝ TỤNG NIỆM không ngoài mục đích cống hiến quý Phật tử chưa thông suốt ý nghĩa của sự tụng niệm, khỏi bị phân tâm, khỏi xao xuyến đức tin trong việc tu tập pháp môn này. Những điều được trình bày trong tác phẩm này chỉ là những điểm nhỏ giá trị của sự tụng niệm, còn những giá trị thâm sâu khác của sự tụng niệm ở đây không thể trình bày lên giấy trắng mực đen mà những giá trị này chỉ dành cho những người tu tập mới đích thân cảm nhận được đấy thôi. Những gì tôi trình bày trong tác phẩm này, nếu quý đọc giả bốn phương nhận thấy có điều chi thiếu sót, xin bổ túc thêm để tác phẩm có giá trị hơn, thành thật cảm ơn quý đọc giả. 
 
Cẩn bút 
THÍCH THẮNG HOAN 
 
I.- ĐỊNH NGHĨA:  

Chữ Nghĩa, chữ Lý, chữ Tánh, chữ Đạo trong các kinh điển Phật Giáo.     
 
1)- NGHĨA: là ý nghĩa của những chữ, những câu văn  được ghi lại trong các kinh sách. Nhờ ý nghĩa của những chữ, của những câu văn mà đọc giả nhận được tư tưởng và mục đích của tác giả đã gởi gắm trong các kinh sách. 
  
2)- LÝ: là triết lý là tư tưởng là mục đích của tác giả được gởi gấm vào ý nghĩa của những chữ, của những câu văn trong các kinh sách. Tư tưởng của tác giả có súc tích, mục đích có cao siêu hay không là khi nào lời văn trong kinh sách có khúc chiết và ý nghĩa có thể hiện trọn vẹn hay không. 
 
3)- TÁNH: là bản tánh của chân lý, nghĩa là chỉ cho nguồn gốc phát sanh ra chân lý mà tác giả muốn đọc giả hội nhập cảm thông một cách trọn vẹn và chân thành. Lý và Tánh thường đi đôi với nhau và không thể tách rời nhau để hội nhập cảm thông, cho nên trong Phật Giáo thường ghép hai chữ này lại thành một danh từ chung là LÝ TÁNH để cho hành giả dễ dàng thực tập tu chứng. 
 
4)- ĐẠO: gọi cho đủ là Đạo Lực, nghĩa là đường đi của tâm lực. Chữ Đạo đây không phải chỉ cho một tôn giáo mà thế gian thường dùng. Theo Đạo Phật, Tâm lực tự nó có đường đi riêng của nó, cũng như Nghiệp Lực tự nó có đường đi riêng của nó. Thí dụ: Nghiệp lực ghiền rượu thì dẫn dắt con người đi trên đường đến quán rượu mà nó không dẫn dắt con người đi trên đường đến chỗ cờ bạc và ngược lại nghiệp ghiền cờ bạc thì dẫn dắt con người đi trên đường đến chỗ cờ bạc mà không dẫn dắt con người đi trên đường đến quán rượu. Nghiệp ái dục thường dẫn dắt con người đi trên đường đến chỗ thanh lâu chơi bời mà nó không dẫn dắt con người đi trên đường đến những chỗ khác của nghiệp ái dục,..v..v .. 
 
Tâm tự nó có năng lực của tâm gọi chung là tâm lực, cũng như men rượu tự nó có năng lực của rượu gọi chung là ma men, bài bạc tự nó có năng lực của bài bạc gọi chung là nghiệp cờ bạc, ái dục tự nó có năng lực của ái dục gọi chung là nghiệp ái dục. 
 
Những tác phẩm của thế gian thường mượn chữ nghĩa văn chương diễn tả trên hai lãnh vực là Nghĩa (ý nghĩa) và Lý (triết lý) mà không có Tánh. Riêng Phật Giáo, những kinh điển đều diễn tả bao gồm ba lãnh vực Nghĩa, Lý và Tánh. 
 
Còn về phương diện ý nghĩa ĐẠO, những kinh điển của Phật Giáo, ngoài ba lãnh vực Nghĩa, Lý và Tánh  đã trình trên còn xây dựng trên Trí Đạo, thường gọi là Phật Đạo, nhưng Trí Đạo ở đây được đặt trên nền tảng Tâm Đạo để khai triển mà không phải đặt trên nền tảng Nghiệp Đạo để chỉ đạo. Nho Giáo thường gọi là  Văn dĩ tải đạo, nghĩa là văn chương chuyên chở đạo lý. 
 
Đạo lực của Tâm (Trí Đạo hay Phật Đạo), bên Mật Giáo gọi là Thần Lực, nghĩa là Đạo Lực được ấn ký vào trong các kinh điển và mật chú của Phật Giáo xuyên suốt cả ba lãnh vực Nghĩa, Lý và Tánh trong kinh văn, thường gọi là Tâm Ấn Sắc (nghĩa là tâm ấn vào vật chất của kinh văn). Đạo lực của tâm mượn vật chất của kinh văn để ấn vào tâm của chúng sanh nên gọi là Sắc Ấn Tâm (nghĩa là đạo lực trong sắc chất kinh văn lại ấn vào tâm của chúng sanh). Đạo lý của Tâm Ấn Sắc và Sắc Ấn Tâm, Duy Thức gọi là  Dĩ tâm duyên tâm chơn đới chất , nghĩa là đem tâm lực này duyên với với tâm lực kia qua sự chuyên chở của sắc chất kinh văn. Đạo lực của tâm nằm ẩn sâu bên trong của kinh văn, nó không phải là kinh văn và ngoài kinh văn không tìm ra nó. Đức Phật dạy rằng:  Y Kinh diễn nghĩa tam thế Phật oan, ly Kinh nhứt tự tức đồng ma thuyết , nghĩa là y cứ nơi nghĩa lý của kinh văn mà diễn giải tức là nói oan cho Phật ba đời, còn nếu như lìa khỏi kinh một chữ mà diễn giải tức là đồng với học thuyết của tà ma ngoại đạo. 
 
Đạo lý tâm ấn sắc và sắc ấn tâm hay tâm duyên tâm chơn đới chất, bên Thiền Tông gọi là Tâm Ấn. Tâm Ấn gọi cho đủ là tâm ấn tâm, nghĩa là sử dụng Phật Đạo nơi tâm lực của mình đã giác ngộ ấn chứng vào tâm lực của đệ tử mà mình muốn thọ ký. Đạo lý này được thí dụ như sau: 
 
Bà con mình ở Việt Nam đang bị đói khổ tuyệt vọng liền viết một lá thư gởi sang Mỹ cầu cứu. Mình đọc lá thư đó liền xúc động rơi nước mắt, lập tức vào nhà băng lấy tiền gởi về tiếp tế cho họ. Bà con mình khi được tiền của mình gởi về mừng quá. Lần sau họ cũng viết một lá thư khác kể lể mọi thứ đau khổ nơi quê nhà để xin thêm tiền, nhưng khi mình đọc lá thư đó chẳng những không xúc động rơi nước mắt mà lại còn tức giận xé nát lá thư bỏ vào vỏ rác. Theo cái nhìn của Phật Giáo, hai lá thư vừa kể trên có hai trường hợp khác nhau khiến cho tâm lý của người nhận lá thư có hai thái độ cũng khác nhau; nguyên do lá thư đầu của người gửi cầu cứu đã chuyên chở đạo lực đau khổ do tâm của người gửi ấn vào và đạo lực đau khổ đó ấn vào tâm của người nhận khiến tâm người nhận bị xúc động rơi nước mắt lập tức gửi tiền về cứu khổ. Còn lá thư thứ hai lại chuyên chở đạo lực tham lam do tâm của người gửi ấn vào và đạo lực tham lam đó lại ấn vào tâm của người nhận khiến tâm của người nhận nổi lên phiền não tức giận đã không gửi tiền về cứu giúp mà lại còn chửi mắng nguyền rửa liền xé bỏ lá thư nói trên. Những lá thư kể trên là những đới chất chuyên chở đạo lực làm gạch nối giúp cho tâm hồn người gửi duyên nhau với tâm hồn người nhận để giao cảm. 
  
Có những tác phẩm, những cốt truyện, những án thi ca đã chuyên chở đạo lực, thường gọi là những tác phẩm, những cốt truyện, những án thi ca có hồn của những tác giả ấn vào khiến cho những đọc giả hay khán giả bị cảm xúc theo, điều đó chứng tỏ những tác phẩm nói trên thể hiện được văn dĩ tải đạo. Nhưng những đạo lực đây thuộc về Tình Đạo mà không phải Trí Đạo. Tình Đạo là đạo lực của tình cảm mà không phải là đạo lực của trí tuệ. Còn Kinh văn của Phật Giáo thì thuộc về đạo lực của trí tuệ, nên gọi là Phật Đạo. Người đọc tụng Kinh Phật là đọc tụng Trí Đạo hay đọc tụng Phật Đạo đã được chuyên chở trong Kinh văn và khiến cho Trí Đạo hay Phật Đạo đó được ăn sâu vào tâm làm gạch nối giao cảm với chư Phật trong mười phương, cho nên trong ba Tự Quy Y, Tự Quy Y thứ nhì nói rằng:  Tự quy y Pháp xin nguyện chúng sanh, thấu rõ Kinh tạng trí huệ như biển  là nói lên ý nghĩa Trí Đạo hay Phật Đạo đã được chuyên chở trong các Kinh văn của Phật Giáo. 

II. Ý nghĩa và giá trị tụng niệm

Ý nghĩa tụng niệm đã được giài thích trong lời nói đầu Nghi Thức Tụng Niệm do Tổng Hội Phật giáo Việt Nam biên soạn dành cho hàng cư sĩ sử dụng với sự chứng minh của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hòa thượng Thích Giác Nhiên, Hòa thượng Thích Khánh Anh, Hòa thượng Thích Giác Nguyên, Hoà thượng Thích Thiện Hòa xin ghi lại như sau:

“TỤNG là đọc tụng. NIỆM là suy nghĩ nhớ tưởng. TỤNG NIỆM là miệng đọc tụng tâm nhớ nghĩ, tâm và miệng hợp nhứt, chú định vào lời kinh tiếng Pháp. Tụng niệm có nhiều ý nghĩa:

“- Tụng niệm để giữ tâm hồn được trong sạch, giao cảm với các tâm niệm tối cao. Tụng niệm lại là cách huân tập tâm thức rất tốt, rất dễ dàng.”

“- Tụng niệm để ôn lại những lời Phật dạy, hầu lấy đó làm phương châm cho đời sống hằng ngày và gieo giống Bồ Đề giải thoát vào tâm thức.”

“- Tụng niệm để kềm chế thân khẩu trong khuôn khổ thanh tịnh, trang nghiêm, chính đáng, không cho nói năng, hàng động buông lung theo tập quán đê hèn tham dục.”

“- Tụng niệm để cầu an, để ngăn lòng tội lỗi, dứt trừ nghiệp chướng lâu đời hầu tránh khỏi tai họa do tội lỗi nghiệp chướng gây nên.”

“- Tụng niệm để cầu siêu, để chuyển tâm niệm của người khác, khiến họ xa lìa nghiệp nhân xấu ác, rời khỏi cảnh giới tối tăm, siêu sinh về lạc quốc.”

“- Tụng niệm để làm cho tiếng Pháp Âm lưu chuyển trong nhân gian, cảm hóa mọi người cải tà quy chính.”

“- Tụng niệm để kích thích, nhắc nhở mình và người trên con đường làm lành, học đạo.”

“- Tụng niệm để hướng lòng bi nguyện đến tất cả chúng sinh, cầu cho chúng sinh an hòa vui vẻ.”

“- Tụng niệm để tỏ lòng sám hối tội lỗi trước ngôi Tam Bảo, là nơi hoàn toàn thanh tịnh, không chút tội lỗi nhiễm ô.”

Đây là ý nghĩa và giá trị tụng niệm trong giai đoạn tu học để thâm nhập được kinh tạng giúp cho trí tuệ nơi tự tâm khai mở rộng lớn như biển cả. Ngoài ý nghĩa và giá trị tụng niệm nói trên, người tu tập cần phải áp dụng ba phương pháp sau đây để chuyển đạt tâm nguyện của mình lên chư Phật trong mười phương và để tâm mình thể nhập tâm chư Phật trong thế giới Chân Như. Ba phương pháp tu tập gồn có Tụng kinh, Trì kinh và Trì chú.

A. Tụng kinh

Tụng kinh có chỗ gọi là đọc kinh. Đọc kinh khác với Tụng kinh. Đọc kinh nghĩa là chúng ta cầm lấy quyển kinh nào mình muốn đọc để hiểu biết đạo lý trong kinh đó và đọc ở nơi bất cứ chỗ nào cảm thấy tiện lợi mà không cần đến hình thức nghi lễ trang nghiêm.

Ngược lại Tụng kinh nhằm mục đích tu tập cho nên chúng ta cần phải sử dụng nghi lễ và chọn chỗ trang nghiêm nơi trước bàn Phật đầy đủ hương đèn để hành trì. Nói cho dễ hiểu Đọc kinh là để cầu hiểu biết đạo lý và Tụng kinh là để cầu nguyện cảm ứng đạo giao. Ý nghĩa Đọc kinh và Tụng kinh đã giải thích rõ trong Yếu Chỉ kinh Pháp Hoa, trang 80 và 81 cùng một tác giả được ghi lại như sau:

“1. ĐỌC KINH: đọc kinh nghĩa là đọc cái đạo lý sâu xa của kinh chứ không phải đọc lời văn trong kinh. Lời văn trong kinh không phải là đạo lý của kinh, mặc dù không có lời văn trong kinh thì đạo lý của kinh không biết nương tựa vào đâu để biểu lộ. Cho nên trong kinh đức Phật nói rằng: “Y kinh diễn nghĩa tam thế Phật oan, ly kinh nhứt tự tức đồng ma thuyết”, nghĩa là căn cứ nơi kinh điển để giải nghĩa thì nói oan Phật ba đời và nếu như lìa kinh điển một chữ thì giống tà thuyết của ma quỷ.” và “kinh Phật thường nói: “đọc kinh cầu lý mà không phải đọc kinh để cầu hiểu biết.”

Đạo lý của chư Phật hầu hết đều chứa đựng trong các kinh văn và các kinh văn theo lời Phật dạy là ngón tay chỉ mặt trăng và các kinh văn không phải đạo lý mà cũng không phải là mặt trăng. Người nào đọc kinh nắm được yếu chỉ của đạo lý trong các kinh thì người đó theo Phật giáo mới thật sự là kẻ biết đọc kinh.”

“2. TỤNG KINH: người tụng kinh không phải là tụng văn chương trong kinh và cũng không phải là tụng theo ý nghĩa của kinh. Người tụng kinh đúng theo ý của Phật dạy là để phát huy năng lực trí tuệ mầu nhiệm của kinh. Mỗi quyển kinh của đức Phật nói đều có ẩn chứa năng lực trí tuệ mầu nhiệm ở trong. Năng lực trí tuệ mầu nhiệm đó có công đức vô biên hóa giải tận gốc rể tất cả phiền não của chúng sinh và khiến cho sáu căn nơi mỗi chúng sinh trở nên thanh tịnh.

Người tụng kinh có căn bản thì năng lực trí tuệ mầu nhiệm của kinh tự nhiên phát sinh, cũng như người tu tập năm Căn ( ngũ Căn) có căn bản thì năm Lực (ngũ Lực) tự nhiên phát sinh… Người tụng kinh cũng thế, tụng đến khi nào thâm nhập kinh tạng thì năng lực trí tuệ mầu nhiệm tự nhiên phát sinh và nhờ năng lực trí tuệ đó tẩy trừ tất cả nghiệp căn phiền não, đồng thời khiến cho thân tâm trở nên thanh tịnh sáng suốt. Như vậy, mục đích của người tụnh kinh là cầu năng lực trí tuệ thể hiện mà không phải tụng kinh để thưởng thức ý nghĩa văn chương trong kinh điển.”

Trong giáo lý Phật giáo, những kinh của chính đức Phật giảng dạy gồm có hai loại: một loại thuộc về hiển giáo và một loại thuộc về mật giáo. Hai loại này theo Bát Nhã Tâm kinh Qua Cái Nhìn Của Duy Thức, cùng một tác giả, trang 112 và 113 giải thích rằng:

“Hiển Giáo là giáo lý phương tiện, trong đó đức Phật tùy theo căn cơ và trình độ cao thấp của chúng sinh, trình bày những nguyên lý Tứ Đế, Nhân Quả, Luân Hồi, Thiện Ác, Nghiệp Báo, nguồn gốc sinh tử..v..v… Đồng thời đức Phật còn đưa ra những phương pháp tu tập diệt khổ như giáo lý Bát Chánh Đạo, Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Tức..v..v... giúp cho chúng sinh sớm được giác ngộ và giải thoát.”

“Mật giáo là những pháp môn mầu nhiệm, bí mật, cũng gọi là Mật Ngôn hay Chân Ngôn, tức là Pháp Âm của Pháp Thân chư Phật. Mật Ngôn có quyền năng siêu việt, linh ứng phi phàm không thể nghĩ bàn. Mật Ngôn hay Chân Ngôn thường gọi là Thần Chú. Thần Chú của Mật giáo không thể giải thích như giáo lý của Hiển Giáo. Thần Chú của Mật giáo đòi hỏi nơi sự hành trì để tăng trưởng năng lực hơn là để hiểu biết.”

a. Đặc biệt trong hai loại Hiển và Mật nói trên, có những kinh Phật chỉ tuần tuý Hiển Giáo, như kinh Lăng Già Tâm Ấn, kinh Kim Cang, kinh Đại Bát Nhã, kinh Tiểu Bổn Di Đà, kinh Bi Hoa, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ,.v.v..., nghĩa là những kinh này chỉ chuyên phần lý giải mà trong đó không có thiết lập những câu Thần Chú ở trong cho nên đều thuộc về loại hiển giáo cả. Mặc dù trong những kinh đó, có những loại chuyên về lý giải, có những loại sau phần lý giải dạy cách tu quán và có những loại sau khi tán dương những công đức sâu dầy của chư Phật, chư Bồ Tát trong mười phương, dạy cách tu tập theo pháp môn đó.

b. Còn một số kinh Phật thuộc về loại Hiển Mật Viên Thông của Mật giáo, nghĩa là những kinh này trong đó có phần Hiển Giáo và có phần Mật giáo. Phần Hiển Giáo nhằm giải thích ý nghĩa, giá trị và diệu dụng của kinh và phần Thần Chú là pháp môn hành trì tu tập của kinh này, như kinh Lăng Nghiêm là phần Hiển Giáo và Thần Chú Lăng Nghiêm là phần Mật giáo, Bát Nhã Tâm kinh là phần hiển giáo và Thần Chú Yết Đế là phần Mật giáo, kinh Dược Sư là phần Hiển Giáo và Thần Chú Dược Sư Quán Đảnh Chơn Ngôn là phần Mật giáo, kinh Pháp Hoa là Hiển Giáo và Phẩm Đà La Ni thứ hai mươi sáu nói lên Thần Chú: “An nhĩ, mạn nhĩ, ma nễ, ma ma nễ,…” là phần Mật Giáo.v..v... Những kinh này sau phần lý giải ý nghĩa, giá trị và diệu dụng của kinh có thiết lập Thần Chú để hành trì tu tập đều thuộc về Hiển Mật Viên Thông của Mật giáo cả.

B. Trì kinh

Trì kinh thì khác hơn tụng kinh. Tụng kinh là tụng theo nhu cầu theo sở nguyện, như cầu an, cầu tai qua nạn khỏi, cầu bệnh, cầu sám hối nghiệp chướng tội khiên..v..v... và người tụng kinh, họ tụng rất nhiều kinh mà họ thích, tụng hết kinh này đến kinh khác, không có phát tâm chuyên tụng duy nhất vào một quyển kinh nào cho thuộc lòng nhuần nhuyễn, cho được thuần thục để đạt đạo cả.

Còn Trì kinh là tu tập bằng cách hành trì duy nhất vào một quyển kinh cho được thuần thục, nhằm mục đích phát khởi Đạo lực (Phật lực hay Thần lực) của kinh chú, tức là Vô Tác Diệu Lực, nghĩa là năng lực mầu nhiệm không tác dụng hiện đang nằm ẩn sâu phía trong kinh tụng khiến cho nó hiển lộ để thâm nhập vào tâm người tụng, nhờ Đạo lực của kinh tụng này trước hết khai thông trí tuệ của mình mở rộng như biển cả “Thâm nhập kinh tạng trí huệ như biển” và sau đó tẩy trừ cho sạch hết tất cả tội chướng từ vô lượng kiếp đến nay trong tâm của người trì tụng khiến được giải thoát thanh tịnh, sớm chứng thành Phật quả. Người trì kinh, họ tụng chỉ một quyển kinh mà họ phát nguyện hành trì, tụng ngày đêm sáu thời, tụng hết ngày này đến ngày nọ, hết năm này đến năm khác và tụng đến khi nào đạt được đạo mới thôi.

Những người trì kinh thông thường đều chọn những kinh mà mình muốn gởi tâm hồn vào đó để nhờ Đạo lực của kinh chuyển tâm nguyện của mình lên đức Phật mà mình tôn kính và tin tưởng nhất.

Người tin tưởng và tôn kính đức Phật A Di Đà liền trì kinh Tiểu Bản A Di Đà để chuyển lời tâm nguyện của mình cầu được vãng sinh Tây Phương Tịnh Độ, người tin tưởng và tôn kính đức Phật Thích Ca liền trì tụng kinh Pháp Hoa để chuyển lời tâm nguyện của mình cầu được vào thế giới Niết Bàn Thanh Tịnh nơi Pháp Thân Thích Ca Bổn Môn, người tin tưởng và tôn kính đức Phật Dược Sư liền trì tụng kinh Dược Sư để chuyển lời tâm nguyện của mình cầu Phật gia hộ sớm gặp được lương y và và pháp dược để giải trừ tâm bệnh và thân bệnh của mình, người tin tưởng và tôn kính đức Quán Thế Âm liền trì tụng kinh Phổ Môn để chuyển lời tâm nguyện của mình cầu Bồ Tát cứu khổ cho cuộc đời sớm tai qua nạn khỏi..v..v... Còn những kinh khác tùy theo sở nguyện của người hành trì chọn theo nhu cầu, nhưng không ngoài mục đích dâng trọn niềm tin lên đức Phật.

C. Trì chú

Trì Chú cũng giống như trì kinh là tu tập bằng cách hành trì duy nhất vào một câu Thần Chú cho được thuần thục nhằm mục đích phát khởi thần lực của câu chú để tiêu trừ thiên tai ách nạn, bệnh tật, ma chiêu, hoá giải nghiệp chướng oan khiên lâu đời cho chúng sinh. Thần Chú, theo Phật Học Tự Điển của Đoàn Trung Còn, trang 329, tiếng Phạn (Sanscrit) gọi Dhàrani (Đà La Ni), Trung Hoa dịch là Tổng Trì, là những mật ngữ của chư Phật có sức linh ứng gia hộ người tu hành.

Những mật ngữ đây có tính cách ký hiệu, như những Mật Mã truyền tin, như những Code truyền âm do chư Phật chư Bồ Tát đặt ra để làm phương tiện nối kết tâm nguyện của chúng sinh với tâm lực của chư Phật chư Bồ Tát trong mười phương.

Theo kinh Bát Nhã, những năng lực phi phàm của Thần Chú được kể như: “Linh Chú Đại Thần, Linh Chú Đại Minh, Linh Chú Vô Thượng, Linh Chú Tuyệt Đỉnh, chân lý bất vọng có năng lực phi phàm tiêu trừ tất cả khổ nạn”. Có Thần Chú của Phật, của Bồ Tát, của chư Thiên, của chư Thần. Ai hành trì Thần Chú của vị nào thì được sức gia hộ của vị đó. Có một số người không thích hành trì kinh Hiển Mật Viên Thông của Mật giáo mà chỉ thích hành trì riêng Thần Chú của Mật giáo mà thôi và cũng từ đó trở thành phong trào tu tập tạo thành một phái riêng gọi là Mật Tông.

III.- PHƯƠNG PHÁP HÀNH TRÌ: 
 
Đúng ra tụng kinh, trì kinh hay trì chú đều là phương pháp tu tập cả và bất cứ phương pháp nào cũng cần đến ba năng lực trợ đạo để đạt được tâm nguyện của minh. Như trên đã nói, người hành trì kinh với mục đích:  khai thông trí tuệ tâm mình mở rộng như biến cả để chuyển hoá phiền não nơi tự tâm, nhờ năng lực trí tuệ này chuyển đạt tâm nguyện của mình lên chư Phật trong mười phương và khiến tâm mình thể nhập tâm chư Phật trong thế giới chân như.  Muốn đạt được tâm nguyện này, người tu tập phải thực hiện hai phương pháp sau đây: 
 
A)- Phát Huy Ba Năng Lực Trợ Đạo: 

Người tụng kinh, trì kinh hay trì chú phải triệt để phát huy cho được ba năng lực trợ đạo sau đây thì sự tu tập mới hy vọng sớm đạt được viên thành sở nguyện. Công dụng của ba năng lực trợ đạo được giải thích như dưới đây: 
       
1)- Ngôn Lực: là năng lực của tiếng nói.  
 
Ngôn lực là một yếu tố quan trọng không thể thiếu trong việc chuyển tâm nguyện của mình giảo cảm tâm của chư Phật trong mười phương mà mình nguyện cầu. Theo Phật Giáo, tiếng nói của mình thì vô thường vì bản chất của tiếng nói là ba động, tiếng nói ra khỏi miệng vang động được một khoảng không gian gần rồi bị tan biến, nhưng ngôn lực của tiếng nói thì không bị tan biến, vẫn hiện hữu và di động trong không gian chờ gặp được duyên liền phát ra tiếng nói trở lại.  
 
Thí dụ như chúng ta gọi điện thoại viễn liên về bà con mình ở Việt Nam. Tiếng nói của mình ra khỏi miệng liền bị tan biến, nhưng ngôn lực của mình thì không bị tan biến và ngôn lực nói trên được điện lực của điện thoại chuyên chở khởi hành từ Mỹ Quốc chạy về Việt Nam chung vào điện thoại nơi bà con của mình muốn gọi, đồng thời ngôn lực của mình mượn âm thanh nơi điện thoại của bà con phát ra tiếng nói để cho bà con trực tiếp nghe được mình nói chuyện. 
 
Từ đó cho thấy phía sau tiếng nói đều có ngôn lực và tiếng nói thì bị tan biến nhưng ngôn lực thì không bị tan biến và lưu chuyễn trong không gian. Cho nên người tụng kinh, trì kinh và trì chú đều cần đến phát huy được ngôn lực của mình để chuyển đạt tâm nguyện của mình lên chư Phật trong mười phương. Đó là một yếu tố quan trọng trong ba năng lực trợ đạo của người tu tập. 
 
2)- Tâm Lực: là năng lực của tâm, tức là sự sinh hoạt của tâm, đây thuộc về yếu tố thứ hai của trợ đạo. Năng lực của tâm ở đây là chỉ cho năng lực của Tạng Thức trong mỗi con người. Năng lực của tâm trong mỗi con người có hai nhiệm vụ: 
 
a)- Nhiệm vụ thứ nhất là làm hệ thống chuyển vận nối liền với tâm của chư Phật trong mười phương. Nguyên vì năng lực của tâm tức là chỉ cho năng lực của Tạng Thức trong mỗi con người và năng lực này được phát sanh từ Tạng Như lai, nhưng Tạng Như Lai lại là nguồn thể phát sanh ra tâm chư Phật. Từ đó cho thấy năng lực của Tạng Thức trong mỗi con người quan hệ với tâm chư Phật trong mười phương được nối liền qua hệ thống Tạng Như Lai. Hệ thống năng lực của Tạng Thức trong mỗi con người quan hệ với tâm chư Phật cũng giống như điện thoại của mình ở Mỹ Quốc quan hệ với điện thoại của bà con mình ở Việt Nam qua hệ thống điện lực. 
 
b)- Nhiệm vụ thứ hai là khơi nguồn Đạo lực mầu nhiệm của kinh hiện khởi, đồng thời nhờ Đạo lực mầu nhiệm của kinh chuyển đạt tâm nguyện của mình lên chư  Phật trong mười phương mà mình mong cầu. Ngược lại người tụng kinh, trì kinh hay trì chú nếu như không phát huy được năng lực nơi tự tâm, không khơi được nguồn Đạo lực mầu nhiệm nơi kinh là không chuyển đạt được tâm nguyện của mình lên chư Phật trong mười phương.    
 
Muốn phát huy năng lực của tâm phải nhờ đến ngôn lực làm trợ duyên kích động. Ngôn lực nếu như không kích động trợ duyên thì tâm lực không hiện khởi, cũng như không có gió  làm trợ duyên kích động thì sóng biển không thể nổi lên được. Sự  phát động của tâm lực đều tùy thuộc vào sự kích động mạnh hay yếu của ngôn lực, ngôn lực kích động yếu thì tâm lực phát động thấp và gần, ngôn lực kích động mạnh thì tâm lực phát động cao và xa. 
 
c)- Đạo Lực: là năng lực mầu nhiệm của kinh chú, năng lực này diệu dụng bất khả tư nghì đúng như trong Nghi Thức Sám Hối Hồng Danh, trang 15 có ghi:  Biển Pháp Âm không lường Diệu Lực, Lời nhiệm mầu vô tận khắp vang . Đạo Lực nói trên có ba diệu dụng bất khả tư nghì: 
 
1)- Thứ nhất, trên lộ trình của tự tâm, soi thủng bức màn vô minh đen tối phủ kín trần ai, khai thông sanh lộ hoang vu, dẹp tan gai gốc nghiệp chướng lâu đời, thẳng đến bảo sở của chư Phật trong mười phương;  
 
2)- Thứ hai chuyển dẫn ngôn lực của người tu tập hành trì hướng đến giao tiếp với tâm Phật mà người nguyện cầu dâng trọn niềm tin vô biên; hơn nữa tâm người tu tập đã tụng Kinh trước khi điều khiển miệng họ phát âm tụng theo. Thí dụ người tụng Kinh Bát Nhã nằm lòng, miệng họ vẫn tụng lào lào không lộn một chữ, nhưng lúc đó Ý Thức của họ nhớ tưởng mong lung đủ thứ sự việc đâu đâu không có mặt trong hiện trường; trường hợp đây chính là Tâm của họ tụng Kinh Bát Nhã mà Ý Thức của họ không hợp nhất với Tâm tụng theo. Từ đó cho thấy, Ngôn Lực của người Tụng Kinh phải nhờ Đạo Lực nơi Kinh chuyển lời nguyện cầu của họ thẳng đến Tâm của Phật mà họ nương tựa. 
 
3)- Thứ ba chuyển hóa ngôn ngữ của chúng sanh nguyện cầu biến thành Phật ngôn siêu việt ảnh hiện nơi chân tâm thanh tịnh thường trụ bất diệt. Nguyên vì đạo lực không lường của các Kinh Chú theo Kinh Đại Bảo Tích chính là biển pháp âm mầu nhiệm của chư Phật trong mười phương.  
 
Trên lãnh vực tha lực, người tụng kinh, trì kinh hay trì chú nếu như không phát khởi được đạo lực của kinh của chú để hành sự như những điều đã trình bày trên thì lời cầu nguyện của họ không ảnh hưởng đến chư Phật, chư Bồ Tát, chư hiền thánh Tăng trong mười phương và họ lúc đó chỉ còn lại tự lực mà thôi, nghĩa là họ chỉ nhờ những lời kinh xóa dần những nghiệp chướng oan khiên đã tích lủy từ vô lượng kiếp trong tâm khảm của họ, cũng như trong băng video đã thâu nhạc, giờ đây không thích nữa muốn xóa nó đi bằng cách thâu những lời Kinh vào thì những bản nhạc trong băng video nói trên tự nhiên bị xóa hết. 
      
B)- Cách Thức Thực Hành: 
 
Theo như phương pháp tu tập, người đọc tụng kinh chú đại đễ có thể phân làm hai hạng: một hạng tụng kinh, một hạng trì kinh.  
 
1)- Hạng Tụng Kinh:    
         
Hạng tụng kinh là chỉ cho những người đọc tụng chẩm rải không nhanh,  tụng vọng lên xuống theo âm điệu trầm bổng như tiếng nhạc và tụng đều đều từng chữ một theo tiếng mõ trường canh.  Hạng tụng kinh theo kiểu này cũng có hai cách: một cách tụng bằng nóc vọng và một cách tụng bằng đan điền. 
 
a)- Cánh Tụng Bằng Nóc Vọng:  
       
Nóc vọng nơi cổ họng là trung tâm phát thanh ngôn ngữ. Người tụng kinh chú nếu như tụng bằng nóc vọng nơi cổ họng thì tiếng kinh chú bị sức hơi của người tụng phát ra ngoài miệng tản mác loảng đi trong không gian giới hạn trở thành những làn sóng âm thanh ba động rồi tan biến dần. Ngôn lực của tiếng tụng kinh chú nói trên không đi thẳng trực tiếp vào trong nội tâm của người tụng mà ngược lại bị sức hơi người tụng đẩy ra theo âm thanh và cùng tan biến theo âm thanh. Ngay lúc đó có một phần ngôn lực của tiếng kinh chú lại đi gián tiếp vào trong nội tâm của người tụng qua hai ngưỡng cửa Nhĩ Thức và Ý Thức tiếp nhận thì trở nên quá yếu kém không có sức mạnh trong việc khơi động tâm lực chuyên chở tâm nguyện của họ chuyển đạt lên tâm lực của chư Phật trong mười phương mà họ mong cầu nói chi đến việc khơi động đạo lực của kinh chú để chuyển hóa ngôn lực kinh chú và cầu nguyện tiến thẳng vào tâm lực của chư Phật, nguyên vì năng lực này theo Duy Thức Học là thuộc về Tướng Phần (Images) là phần ngôn lực thứ hai phát ra từ hai màn nhĩ nơi hai lỗ tai của người tụng mà không phải là năng lực gốc của ngôn lực tác động. Người thực hành theo cách tụng bằng nóc vọng nói trên chỉ có giá trị trong sự thưởng thức ý nghĩa của kinh văn hơn là tạo dựng năng lực cầu nguyện, cho nên không mang lại được sự lợi ích nào cho họ. Cũng vì năng lực vào nội tâm quá yếu kém, ngôn lực chuyên chở tâm nguyện của họ lại còn gặp phải các năng lực phiền não khác đã nằm sẵn trong nội tâm nổi dậy lấn áp phá sóng khiến cho nó không móc nối được tầng số tâm linh của chư Phật trong mười phương để nguyện cầu. Trường hợp đây cũng giống như Đài Phát Thanh phát làn sóng âm thanh quá yếu bị các làn sóng âm thanh khác mạnh hơn lấn áp khiến cho người nghe bắt đài không được rõ. Người tụng kinh theo cung cách này thì không thể nào đạt thành sở nguyện. 
 
Đã vậy ngày nay có những phong trào tụng kinh bằng lối ca hát và người tụng kinh thường chú trọng âm nhạc hơn ý nghĩa và giá trị chiều sâu của kinh tạng. Lối tụng kinh này phần lớn mở rộng trái tim khơi nguồn tình cảm hơn mà không phải mở rộng khối óc khơi nguồn trí tuệ. Tình cảm lên ngôi thì lý trí lùi vào bóng tối và tình cảm chỉ đạo thì  sức môi vẫn thấy đẹp, lợi dụng vẫn thấy trung thành . Hơn nữa trái tim mở rộng tình cảm tuông chảy thì tất cả tâm lý phiền não thi đua phát triển lôi kéo con người tụng niệm đi lần vào con đường xa đọa. Xưa kia tôi có một người chú trong đạo gọi là Sư thúc, ( tạm dấu tên). Sư thúc người không đẹp, da hơi đen, nhưng người tụng kinh âm thanh rất hay vọng trầm bổng êm đềm như âm nhạc, khiến các cô gái lối xóm trong làng mê say chạy theo và tranh nhau bám lấy Sư Thúc, cuối cùng có môt cô lôi được Sư Thúc ra đời hoàn tục, đấy cũng là do bởi tụng kinh theo giọng ca hát gây nên. Bởi thế trong luật đức Phật cấm các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni không được nghe âm nhạc, chạy theo lời ca tiếng hát. Người tụng kinh theo điệu ca hát là chú trọng nghệ thuật hơn là chú trọng sự tu tập giải thoát, cho nên họ cầu nguyện điều chi thì không thể nào thành công theo sự ước muốn trên lãnh vực thanh tịnh an lạc. 
 
b)- Cách Tụng bằng Đan Điền: 
      
Đan Điền là trung tâm hội tụ và phát huy nội lực. Đan Điền là nơi chỉ cho cái rún, tức là nơi huyệt Thần Khuyết.  Cách tụng bằng Đan Điền, có chỗ gọi là tụng bằng bụng, là tụng bằng phương thức nín thở, nghĩa là người tụng thở ra bằng miệng mà không phải thở ra bằng hai lỗ mũi, cũng gọi là tụng bằng phương thức nín thở. Người tu tập trước khi tụng hít hơi vào đầy bụng qua hai lỗ mũi rồi nín thở lúc đó chuyển qua thở ra miệng bằng lối tụng mà không phải thở ra bằng hai lỗ mũi nữa. Người tụng đến khi nào cảm thấy hết hơi liền tiếp tục hít hơi vào qua hai lỗ mũi rồi chuyển qua thở ra miệng bằng lối tụng và cứ như thế tiếp tục mãi cho đến khi hết thời kinh, đây gọi là tụng bằng Đan Điền. Cách tụng này mới hội tụ được ngôn lực đi thẳng vào nội tâm, mới kích động được tâm lực chuyên chở ngôn lực và mới khơi nguồn được đạo lực của kinh chú chuyển âm giao cảm với tâm lực của chư Phật trong mười phương. Người tụng bằng Đan Điền với mục đích là để hội tụ ngôn lực cũng giống như người lực sĩ trước khi cử Tạ nặng 100 kg phải nín thở để dồn lực tập trung vào Đan Điền và nhờ đó mới cất nỗi một cái tạ năng 100kg nâng lên khỏi đầu mà không cảm thấy khó khăn. Tụng kinh bằng phương pháp nín thở cũng giống như phái Tịnh Độ chủ trương niệm Phật bằng phương pháp hơi thở, nghĩa là thở ra nơi miệng bằng phương pháp niệm Phật, tức là người niệm Phật trước khi niệm hít hơi vào bằng hai lỗ mũi rồi niệm Phật để thở ra nơi miệng. Một hơi thở có thể niệm nhiều câu danh hiệu Phật và niệm danh hiệu Phật được nhiều hay được ít là tùy theo hơi thở của người niệm có dài hay có ngắn. Như họ chủ trương:  Hành giả niệm Phật mười hơi nhứt tâm bất loạn sẽ được Phật độ .  
 
2)- Sự Khác Biệt Giữa Ngôn Lực Tụng Kinh Với Ngôn Lực Trì Kinh Và Trì Chú: 

Ngôn lực của người tụng kinh so sánh không bằng ngôn lực của người trì kinh và của người trì chú, mặc dù cả ba đều tụng bằng đan điền. Ngôn lực của người tụng kinh thì yếu hơn ngôn lực của người trì kinh và của người trì chú.  Nguyên do: 
 
a)- Người Tụng Kinh, nếu tụng một mình, mặc dù tụng bằng Đan Điền và cách tụng chẩm rải và tụng đều từng chữ một theo tiếng mõ trường canh như đã trình bày ở trên nơi tiết mục Hạng Tụng Kinh, ngôn lực của họ yếu hơn so với ngôn lực của người trì kinh và của người trì chú. Ngôn lục của người tụng kinh bằng Đan Điền nhưng tụng theo nhịp điệu trường canh của tiếng mõ có giá trị ở chỗ là chỉ móc nối được tần số ánh sáng trí tuệ phóng quang của tâm linh chư Phật mà không trực  tiếp được thẳng đến tâm linh của chư Phật và chỉ chuyển đạt được tâm nguyện của mình lên chư Phật qua sự phóng quang để chứng minh gia hộ mà không đủ sức tự xóa nỗi những gốc rễ phiền não nghiệp chướng lâu đời thâm căn cố đế trong tâm khảm của người tụng. Hiện tượng đây cũng giống như chiếc máy bay chạy chậm không thể cất cánh được để bay lên trên trời xanh.  Ở trường hợp này và theo cung cách tu tập nói trên, người tụng kinh bằng Đan Điền muốn móc nối được tầng số ánh sáng trí tuệ phóng quang của tâm linh của chư Phật để chuyển đạt tâm nguyện của mình nhờ chư Phật chứng minh gia hộ và đồng thời xóa tan những gốc rễ phiền não nghiệp chướng lâu đời trong tâm khảm chỉ có cách là phải nhờ cộng lực của nhiều người cùng tụng với mình trong một đạo tràng để hổ trợ thì mới đạt được sở cầu như nguyện. Cọng lực của nhiều người cùng tụng được hội tụ với mình vào một điểm ý nguyện tạo thành một năng lực có sức mạnh phi phàm lập tức chuyển đến chư Phật trong mười phương không có gì cản trở nỗi. Hiện tượng này cũng tương tợ như trời giữa trưa đang nắng gắt chúng ta lấy kiến lúp xem chữ gom những tia sáng mặt trời lại thành một điểm nhỏ và ngay lúc đó  những tia sáng mặt trời càng hội tụ thì sức nóng càng tăng lên gấp bội có thể đốt cháy bất cứ bùi nhùi nào đưa vào. 
 
b)- Còn người Trì Kinh thì cách thức đọc tụng không giống như người tụng kinh. Họ tụng Kinh bằng phương pháp hành trì nhằm mục đích phát huy tột đỉnh năng lực của ngôn lực, của tâm lực, của đạo lực kinh chú để vừa chuyển đạt những tâm nguyện lên thẳng đến cảnh giới chư Phật mong nhờ chư Phật chứng minh thọ ký mà không cần phải qua tầng số ánh sáng trí tuệ phóng quang của tâm linh chư Phật để giao cảm và đồng thời tận dụng những năng lực phi phàm này chuyển hóa tất cả hạt giống phiền não đã tàng trử lâu đời trong Tạng Thức từ vô lượng kiếp về trước trở thành Bạch Tịnh Thức để sớm chứng quả vô thượng Bồ Đề. Những người trì Kinh hay đòi hỏi họ phải thuộc lòng những Kinh những mà họ hành trì và không cần phải lật Kinh xem chữ để tụng và họ tụng rất nhanh chỉ nghe âm thanh tuông chảy liên tục trên lời Kinh như dòng thác nước chảy mà không nghe rõ những chữ của Kinh. Họ tụng càng nhanh chừng nào càng hay chừng nấy giống như các Thầy trong các tu viện tụng chú Lăng Nghiêm mỗi buổi sáng. Họ tụng càng nhanh chừng nào thì năng lực càng phát triển mạnh theo tỷ lệ thuận chừng nấy cũng giống như chiếc máy bay chạy càng nhanh thì mới cất cánh lên được trên trời xanh.  
 
Điều nên chú ý, những người trì Kinh phần đông họ  tụng riêng một mình mà không thể chung với đại chúng, nguyên vì đại chúng đa số không thuộc lòng Kinh và làm trở ngại cho việc hành trì của họ. Có đại chúng thì phải tụng chậm theo cung cách tụng Kinh đã trình bày ở trước để cho họ cùng tụng và như thế đạo tràng trở nên thanh tịnh không bị rối loạn do bởi âm thanh đại chúng không hòa hợp. Họ tụng một mình không cần phải tụng từng chữ theo tiếng mõ và trong lúc tụng kinh hoặc tụng chú, tiếng mõ chỉ là điểm từng đoạn thưa thưa để trợ lực trong lúc hành trì mà không cần đánh nhanh theo từng tiếng đọc tụng. Cung cách đọc tụng theo kiểu này gọi là Trì Kinh.  
 
c)- Riêng người Trì Chú cách tụng cũng giống như người Trì Kinh. Nhưng các câu Chú thì ngắn hơn các Kinh tụng, dễ thuộc lòng và dễ hành trì. Nhưng Thần Chú thì khác hơn lời Kinh, lời Kinh thì có nghĩa lý nhưng Thần Chú thì không thể cắt nghĩa, không diễn đạt, lời Kinh thì phát ra đạo lực của trí tuệ, còn Thần Chú thì phát ra thần lực của chơn ngôn. Lời Kinh thì chuyển hóa con người được giác ngộ và giải thoát khổ sanh tử của chúng sanh, còn Thần Chú thì giải trừ tai ách, bệnh tật, chuyển hóa nghiệp chướng oan khiên cho chúng sanh. 
 
Người hành trì Thần Chú có người tụng 7 biến một thời, có người tụng 21 biến một thời, có người tụng 100 biến một thời rồi tiếp tục tụng trở lại và tụng bằng cách nào không cố định là tùy theo người phát nguyện và miễn làm sao người trì chú đạt được sở nguyện là viên mãn.      
 
IV.- KẾT LUẬN: 
 
Người tu tập, muốn giải trừ được bệnh khổ ách nạn,thiên tai, ma chướng, muốn chuyển đạt được tâm nguyện của mình lên chư Phật trong mười phương và muốn tâm mình được thể nhập tâm chư Phật trong thế giới chân như phải hành trì theo ba cách sau đây: 
 
1)- Phải Tụng Kinh bằng Đan Điền thì mới tác động được tâm lực để chuyên chở ngôn lực cầu nguyện và mới phát huy được đạo lực trong kinh để giao cảm với tâm lực của chư Phật mà mình nguyện cầu. Muốn đạt thành sở nguyện, người tu tập không nên tụng Kinh bằng nóc vọng và cũng không nên tụng kinh bằng lối ca hát vì sẽ làm mờ trí tuệ giác ngộ của người tu. 
 
2)- Phải Trì Kinh để Kinh Tạng thâm nhập tâm mình và nhờ đó trí tuệ của tâm mình mở rộng như biển cả. Có được như thế mới chuyển đạt được tâm nguyện của mình lên chư Phật trong mười phương mà mình nguyện cầu, mới có thể chuyển hoá được nghiệp chướng lâu đời trong tâm mình và nhờ đó tâm mình mới thể nhập được tâm chư Phật trong thế giới chân như.   
 
 3)- Phải Trì Chú để phát huy năng lực của Thần Chú và nhờ đó mới tiêu trừ được thiên tai ách nạn, bệnh tật, ma chiêu, hoá giải được nghiệp chướng oan khiên lâu đời trong tâm khảm của mình; đồng thời được chư Phật, chư Bồ Tát, Thiên Long Bát Bộ, Hộ Pháp Thiện Thần đều đến gia hộ tâm nguyện được viên thành, cầu chi đều như ý, nguyện chi cũng đạt thành. Từ đó bến bờ giác ngộ và giải thoát không còn xa. 

 
Trích từ: Nghĩa Lý Tụng Niệm
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Tụng Kinh, Trì Chú, Niệm Phật
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa

Thờ Phật, Lạy Phật, Cúng Phật
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa

Khóa Tụng Sáng Tối
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Khai Thị Về Việc Tụng Kinh Và Niệm Phật
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Vấn Đề Cúng
Đại Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan

Ý Nghĩa Và Giá Trị Tụng Niệm
Đại Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan

Ý nghĩa của bố thí và cúng dường
Hòa Thượng Thích Nhất Chân