Mười Niệm Vãng Sanh
Thượng Tọa Thích Nguyên Hùng

Chuyện Mười niệm vãng sanh

Chuyện kể rằng, hồi xưa có một người rất hung dữ, tính tình thô bạo, không tin nhân quả, sống bằng nghề săn bắn. Bỗng dưng, anh ta lâm bịnh, cái chết cận kề. Trong lúc hôn mê, anh ta thấy mình bị đọa xuống địa ngục, thấy dụng cụ hành hình và những chúng sanh do anh giết hại nhiều vô số kể. Anh giật mình tỉnh lại, hối lỗi mà nghĩ rằng: ‘Cả đời ta không tin Sư tăng dạy bảo, hôm nay mộng thấy những điều này, quả thật đúng như trong kinh đã nói’. Rồi anh ta liền bảo với mọi người trong nhà: ‘Các người phải nghĩ cách cứu ta”! Con cháu trong nhà hỏi: “Cứu bằng cách nào?” Anh ta bảo: “Nếu các người không biết cách cứu được ta thì hãy mau mau sai một người chạy vào chùa thỉnh một vị thầy đến cứu ta”.

Người nhà làm theo lời anh ta bảo, đến chùa thỉnh được một vị Tăng. Anh ta vừa thấy vị Tăng đến thì hai hàng nước mắt tuôn rơi mà rằng: “Xin thầy từ bi thương xót mau cứu đệ tử!”

Vị Tăng nói: “Ông cả đời không tin Tam bảo, bây giờ sắp chết, sợ rằng cứu không nỗi, thật khó quá!”

Người ấy nói: “Thật vậy sao thầy? Thầy đọc trong kinh Phật có thấy trường hợp những người tạo tội như đệ tử, đến lúc lâm chung có cách nào để cứu hay không?”

Vị Tăng đáp: “Có! Trong kinh Quán Vô Lượng có ghi rằng…”. Rồi vị Tăng đọc kinh và giảng giải cho anh ta nghe. Nghe xong, anh ta vô cùng hoan hỷ, đang lúc bịnh tình nằm liệt giường vậy mà ngồi bật dậy, nói rằng: “Phật nói có địa ngục, lời nói ấy quả thật đúng sự thật! Nay con được nghe kinh điển từ thầy tụng đọc, Phật nói mười niệm được vãng sanh thì đệ tử nhất định cũng được vãng sanh”. Rồi anh ta bảo với mọi người trong nhà: “Hãy đem đèn đến đây!”

Người nhà đem đèn, lư hương đến cho anh ta. Anh ta nói: “Ta chỉ còn có một chút ít thời gian nữa là rớt xuống địa ngục, ở trong vạc lửa rồi, bây giờ còn dùng lư hương làm gì nữa, hãy để đèn và hương vào trong tay”.

Khi ấy, anh ta tay trái cầm đèn, tay phải cầm hương, mặt hướng về phương Tây, chí tâm niệm Phật. Niệm chưa đủ mười niệm thì nói với mọi người rằng:

- Đức Phật từ phương Tây đến rồi, cùng với đại chúng rất đông, và phóng hào quang tiếp thọ ta ngồi vào tòa Liên hoa.

Lời vừa dứt, anh ta tắt thở.

Đó là câu chuyện nói về sự mầu nhiệm của thuyết “Mười niệm vãng sanh” được ghi trong Tịnh độ luận.

Kinh nói Mười niệm vãng sanh

Quả thật, trong Quán Vô Lượng Thọ Phật kinh có đề cập thuyết Mười niệm vãng sanh, và cho biết quả vị vãng sanh là Hạ phẩm hạ sanh. Kinh ghi:

“Phật nói với A-nan và Vi-đề-hy rằng: Hạ phẩm hạ sanh là trường hợp những chúng sanh phạm tội bất thiện như tạo tội ngũ nghịch, thập ác… Những người ấy vì ngu si mà gây tạo nghiệp ác, khi chết chắc chắn đọa vào đường ác, trải qua nhiều kiếp chịu khổ vô cùng; nhưng nếu trước lúc lâm chung, người ấy được gặp thiện hữu tri thức an ủi, thuyết pháp vi diệu cho nghe, khuyên người ấy niệm Phật. Nếu như người ấy bị đau đớn bức bách không thể niệm Phật nỗi, thì thiện hữu tri thức nên khuyên người ấy rằng: ‘Nếu ngươi không thể niệm Phật được thì hãy xưng danh hiệu đức Phật Vô Lượng Thọ’. Xưng hiệu như vậy cho thật chí tâm, khiến âm thanh xưng danh không gián đoạn, đầy đủ mười lần xưng Nam-mô A-di-đà Phật, nhờ xưng danh hiệu Phật đây mà trong mỗi một niệm tiêu trừ được cái tội đáng ra phải chịu 80 ức kiếp sinh tử. Lúc lâm chung thấy được hoa sen vàng giống như vầng mặt trời ở trước mặt, chỉ trong khoảng chừng một niệm, người ấy liền được vãng sanh về Thế giới Cực lạc.

Sau khi vãng sanh về Thế giới Cực lạc, người ấy ở trong hoa sen hết 12 đại kiếp. Khi hoa sen vừa nở, người ấy ngồi trên tòa sen, bấy giờ Bồ-tát Quán Âm, Thế Chí dùng âm thanh đại bi nói cho người ấy nghe về pháp diệt tội chân thật. Nghe xong hoan hỷ, liền phát tâm bồ-đề. Người vãng sanh trong trường hợp này gọi là Hạ phẩm hạ sanh” (ĐTK/ĐCTT, tập 12, kinh số 365, Phật thuyết quán vô lượng thọ Phật kinh).

Niệm Phật và Xưng danh hiệu Phật

Đoạn kinh văn trên là căn cứ chân thật cho thuyết Mười niệm vãng sanh. Điểm đặc biệt chú ý là, đoạn kinh văn này cho thấy có sự khác biệt giữa ‘niệm Phật’ và ‘xưng danh hiệu Phật’. Nguyên văn chữ Hán như sau: ‘汝若不能念彼佛者。應稱歸命無量壽佛’: ‘Nếu ngươi không thể niệm được (danh hiệu) Phật (ấy) thì hãy xưng quy mạng Vô lượng thọ Phật’.

Như vậy, cần phân biệt giữa ‘niệm Phật’ và ‘xưng danh hiệu Phật’.

Tịnh độ tông lấy việc xưng danh niệm Phật làm chủ, và có người cho rằng xưng danh cũng chính là niệm Phật. Kỳ thật, xưng danh không giống với niệm Phật. Niệm Phật có thể không phải là xưng danh, mà xưng danh cũng không nhất định là niệm Phật.

Cần phải phân biệt để biết rõ rằng, niệm là tâm niệm, tiếng Phạn là smati, có nghĩa là tâm ghi nhớ đối tượng, sự việc không để quên mất. Niệm là một loại tâm sở pháp, là một trong năm loại tâm sở biệt cảnh. Ý nghĩa của nó là hệ niệm, là buộc tâm chuyên chú vào một cảnh giới, ghi nhớ rõ ràng, không để quên mất. Thông thường, chúng ta hay nói là ‘hoài niệm’, tức là chỉ cho cái tâm nhớ về cảnh giới quá khứ. Nhưng chữ niệm ở đây, trong ý nghĩa của Phật giáo, nó thông cả ba đời, là nhớ nghĩ cảnh giới quá khứ mà khiến cho hiện tại được phân minh rõ ràng.

Niệm là một trong những phương pháp tu hành Phật pháp, như thực tập sổ tức quán (theo dõi và đếm hơi thở ra vào) gọi là an ban niệm; niệm Phật, Pháp, Tăng, Thí, Giới và Thiên gọi là Lục niệm; trong 37 phẩm trợ đạo có Tứ niệm xứ… đều là những pháp tu bằng niệm.

Để đạt được định thì bắt buộc phải có niệm, do niệm mà dần đi vào định. Trong kinh có nói, tâm của chúng ta phiền não tán loạn, khi nghĩ cái này khi nghĩ cái kia, không một sát-na dừng nghỉ, cho nên cần phải cho nó một đối tượng để cho nó duyên vào đó, để cột nó lại, khiến cho nó từ từ an trụ.

Phẩm loại túc luận nói ‘niệm là rõ tâm, nhớ tánh’. Câu-xá luận nói ‘niệm là nhớ rõ đối tượng không quên’. Thành duy thức luận định nghĩa: ‘Niệm là gì? Tự tính của nó là sự nhớ rõ không quên mất của tâm đối với cảnh đã từng quen thuộc. Nghiệp dụng của nó là làm sở y cho định. Tức là thường xuyên ghi nhớ cảnh đã từng được tiếp nhận không để cho quên mất, có thể dẫn đến định. Đối với cảnh mà thể và loại của nó chưa hề được tiếp nhận, niệm hoàn toàn không phát khởi. Giả sử đối tượng đã từng được tiếp nhận nhưng không được ghi nhận rõ ràng, niệm cũng không phát sinh’.

Qua đây, chúng ta thấy rõ rằng, với một người suốt đời không tin Tam bảo, tạo tội ngũ nghịch, làm mười việc ác… gây đủ mọi thứ tội lỗi thì hẳn là chưa từng huân tập hình ảnh và công đức của Phật, tức là đối với cảnh mà thể và loại của nó chưa hề được tiếp nhận, thì người ấy không thể niệm Phật được, vì tâm sở niệm hoàn toàn không phát khởi. Nói một cách khác, đối với một người chưa bao giờ biết đến chùa, chưa từng tụng kinh, niệm Phật, thì hẳn chưa từng biết đến thế giới của chư Phật, chưa từng biết có cảnh Tây phương Cực lạc, cũng không hề biết có Phật A-di-đà, tức là họ chưa từng huân tập những hạt giống Tây phương tịnh độ, thì đối với những người này không thể niệm Phật được.

Giả sử có người đã từng đi chùa, cũng có đôi ba lần tụng kinh, niệm Phật, cũng từng nghe nói đến thế giới Tây phương Cực lạc, nghe nói đến công đức của Phật A-di-đà, tức là đã từng được tiếp nhận đối tượng, nhưng những đối tượng đó không được ghi nhận rõ ràng, thì tâm sở niệm cũng không phát sinh, người ấy cũng không thể niệm Phật được.

Cho nên, với những người như vậy, đến khi lâm chung, may mắn gặp được thiện hữu tri thức khai thị, cho dù thiện hữu tri thức có nói cho biết cảnh giới Tây phương Cực lạc, chỉ cho cách niệm Phật, nhưng đối với cảnh chưa từng quen thuộc, chưa từng tiếp nhận như vậy, cho dù người ấy làm theo chỉ dẫn của ban hộ niệm, niệm Phật theo ban hộ niệm, thì cũng không thể nói người ấy niệm Phật được mà chỉ có thể nói người ấy đang xưng danh hiệu Phật mà thôi. Nghĩa là, với một người, đối với cảnh mà thể và loại của nó chưa hề được tiếp nhận, hoặc bị khổ não bức bách không thể niệm được, Thiện hữu thương xót khuyến khích và nhất tâm hộ niệm, tiếng niệm Phật liên tục bất tuyệt, khiến người kia có thể họa theo. Nếu họa niệm đủ mười lần “Nammô A Di Ðà Phật”, tức thời nhờ niệm lực ấy mà tội lỗi trong nhiều kiếp được tiêu tan. Lúc mệnh chung liền thấy hoa sen vàng như vầng mặt nhật hiện ra trước mắt. Trong khoảnh khắc liền vãng sinh thế giới Cực lạc. Nằm trong hoa sen đủ mười hai đại kiếp, sen mới nở. Lúc ấy Bồ tát Quán Thế Âm và Ðại Thế Chí nói cho nghe thật tướng của các pháp và dạy cho phép diệt trừ tội chướng. Nghe xong, sinh tâm hoan hỷ, phát tâm vô thượng bồ-đề, như trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật đã nói.

Niệm Phật theo lối phụ họa như vậy gọi là xưng danh hiệu Phật, tức là kêu tên của Phật một cách suông suông, hoặc gọi là tán tâm niệm Phật. Tán tâm niệm Phật được thấy nhắc đến trong kinh Đại Phẩm, và Vãng sinh yếu tập đã giải thích: ‘Tán tâm niệm Phật là niệm Phật khi làm những việc lăng nhăng như đi đứng nằm ngồi’. Tuy nhiên, cơ sở lý luận của lối niệm Phật tán tâm này, như đã nói trên, xuất phát từ kinh Quán Vô Lượng Thọ, nhưng cũng được kinh Diệu Pháp Liên Hoa khẳng định. Kinh nói: ‘”Nếu ai đi vào nơi tháp miếu, chỉ một lần xưng ‘Nam-mô Phật’, chỉ một lần xưng đó thôi ngay cả với một lòng tán loạn, họ nhất định đạt được giác ngộ tối thượng hết thảy”.

Như thế trên nguyên tắc lối tán tâm niệm Phật không chỉ xuất hiện trong các kinh điển Tịnh độ giáo mà còn vượt ra tới các kinh điển khác. Và từ những cơ sở kinh điển ấy, về sau đã xuất hiện những trường phái niệm Phật, cụ thể là phái Tịnh Ðộ Chân Tôn của Thân Loan ở Nhật Bản chủ trương chỉ cần xưng danh niệm Phật là đủ để người niệm Phật được vãng sanh. Thật hy hữu thay!

Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ