Home > Khai Thị Niệm Phật > Chan-Tam-Thanh-Y-Tu-Tap-Chu-Lang-Nghiem
Chân Tâm Thành Ý Tu Tập Chú Lăng Nghiêm
Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa | Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch


Chỉ cần nhất tâm tu hành Chú Lăng Nghiêm, nhất định quý vị sẽ thành tựu được Lăng Nghiêm Tam Muội.

Tu tập pháp môn Lăng Nghiêm, quý vị cần phải dùng chân tâm, thành tâm mà tu tập. Thế nào là “chân tâm”? Chính là để tu trì Chú Lăng Nghiêm, quý vị quên hết thời gian, cảm thấy không gian cũng không còn nữa, là ngày hay đêm mình đều không biết, ăn cơm hay chưa mình cũng không nhớ, ngủ nghỉ hay chưa mình cũng chẳng hay! Cái gì quý vị cũng quên hết, cái gì cũng không còn hiện hữu nữa, một niệm mà thấy dài bất tận giống như vô lượng kiếp vậy, vô lượng kiếp làm thành một niệm. Quý vị cần phải có tinh thần như vậy – ăn cơm, ngủ nghỉ, cái gì cũng quên hết, chỉ một lòng một dạ tu hành Chú Lăng Nghiêm. Nhất định là mình phải thành tựu được Lăng Nghiêm Tam Muội, nếu không được như thế thì không thể nói là mình thực sự tu pháp môn Lăng Nghiêm.

Không chỉ tu pháp Lăng Nghiêm là phải như thế, mà khi quý vị tu tập các pháp môn khác thì cũng phải như vậy – đi mà không biết là mình đang đi, ngồi mà không biết là mình đang ngồi, khát mà không biết là mình đang khát, đói mà không biết là mình đang đói. Như vậy không phải mình đã trở thành người ngu si rồi sao? Đúng là phải như vậy! Vậy mới gọi là:

“Dưỡng thành đại ngốc mới là hay,
Học đến như ngu mới thần kỳ!”

Nếu quý vị có thể học ngu si đến như thế, thì bất luận quý vị tu pháp môn nào, cũng có thể đắc được Tam Muội, đều sẽ có được sự thành tựu.

Do quý vị chưa thể thành kẻ “đại ngốc, ” chưa có thể thực sự thâm nhập cảnh giới Tam Muội, cho nên tu đi tu lại cũng không thấy tương ưng. Quý vị có thể tu đến nỗi bản thân mình còn sống hay là chết mình cũng không biết, còn thở hay không mình cũng chẳng hay, vậy thì càng tốt. Có người cho rằng pháp môn này đáng sợ quá! Nếu quý vị thấy sợ, thì hãy mau mau lùi ra sau, đừng học nữa. Ở đời, muốn làm bất cứ việc gì, cũng chẳng hề có chuyện không nhọc công mà đạt được. Có câu:

“Chẳng trải một phen lạnh thấu xương,
Hoa mai đâu dễ ngát mùi hương!”

Quý vị xem, hoa mai sở dĩ có được mùi hương thơm ngát là nhờ nó đã từng chịu rét chịu lạnh. Nó phải chịu đựng cái lạnh giá buốt, sau đó mới tỏa ra hương thơm ngào ngạt như thế. Người tu đạo cũng nên như vậy.

Có nhiều người ở bên ngoài đồn đãi rằng người ở Vạn Phật Thành tu hành cực khổ, tôi tuyệt đối phủ nhận lời đồn như vậy. Chúng tôi không phải “khổ tu, ” mà là “lạc tu, ” tu hành một cách an lạc. Người nào chịu khổ sở tu hành cũng đều là do người đó cam tâm tình nguyện, không phải do miễn cưỡng; bởi chúng tôi đều rất muốn buông bỏ cái giả tạm xuống, để cầm lấy cái chân thật lên. Có câu:

Không xả bỏ được cái giả thì không thể thành được cái thật;

Không bỏ được sự chết thì không thể đổi được sự sống!

Việc tu đạo không giống như pháp thế gian, dùng một thủ đoạn là có thể đạt đến Tam Muội. Tu hành là không được dùng thủ đoạn gì cả, quý vị chỉ cần trung thực thật thà, chân chánh dụng công tu hành một cách nghiêm túc là được. Nếu quý vị có mảy may hư ngụy, gỉả dối thì sẽ không có được sự thành tựu. Ở mọi nơi, mọi lúc, quý vị phải thực sự dụng công, nhẫn chịu những điều mà người ta không thể nhẫn được, nhường nhịn những điều mà người ta không thể nhường nhịn được, phải ngày đêm sáu thời hằng thường tinh tấn, mới có thể có được tin tức tốt đẹp. Chư Phật mười phương sẽ gửi cho quý vị một điện báo nói rằng: “Lành thay! Lành thay! Ngươi đích thật là một phần tử trong Phật Giáo.” Điện báo mà mười phương chư Phật gửi cho quý vị, thì không phải như điện báo của người thế gian chúng ta là phải dùng ký tự, mà là lấy tâm ấn tâm, “quang quang tương chiếu, tâm tâm tương ấn, ” làm cho quý vị được khai mở đại trí huệ, đắc đại biện tài, được đại an lạc. Cho nên nói: “Việc của đại trượng phu đã hoàn tất”; việc mà bậc đại trượng phu nên làm đều làm xong cả rồi!