Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Hoc-Phat-Truoc-Tien-Phai-Biet-Phat-La-Gi...?

Học Phật Trước Tiên Phải Biết Phật Là Gì...?
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả :Cư Sĩ Vọng Tây

Học Phật trước tiên phải biết Phật là gì? Đây là điều quan trọng nhất. Học Phật là học làm Phật, làm Phật là tâm này làm Phật. Chúng ta nhất định phải học chủ tâm của Phật, cách Phật dụng tâm, như vậy mới thật sự nắm bắt được gốc rễ. Niệm Phật thì mọi người đều biết niệm Phật, đều niệm câu “Nam Mô A Di Đà Phật”, thế nhưng mỗi người đạt được kết quả không như nhau. Có người có thể vãng sanh, có người không thể vãng sanh, nói thật ra thì người được vãng sanh ít, người không được vãng sanh chiếm đa số. Cho dù vãng sanh rồi, sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì phẩm vị cũng không tương đồng. Có người sanh Thật Báo Trang Nghiêm Độ, có người sanh Đồng Cư Độ, vậy thì rốt cuộc nguyên nhân nằm ở đâu? Chúng ta cần phải hiểu rõ. Nguyên nhân chính là bạn đã tìm ra được căn gốc của Phật hay chưa. Căn gốc của Phật là gì vậy? Thế Tôn trong Kinh Vô Lượng Thọ đã nói với chúng ta rất rõ ràng, rất minh bạch, chúng ta ngày ngày đọc, nói thật ra đều lơ là cẩu thả không thể lãnh hội được. Các bạn xem trong kinh nói đến “Tam bối vãng sanh” và “chánh nhân vãng sanh”, Thế Tôn đặc biệt nhấn mạnh “Phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. Bạn xem Thượng bối, Trung bối, Hạ bối, cho đến tam bối nhất tâm đều không thể lìa khỏi tám chữ này. Nếu làm được nhất hướng chuyên niệm nhưng chưa phát tâm Bồ-đề vậy không thể vãng sanh. Dù có chăm chỉ niệm Phật đến mấy, người xưa có câu: một ngày niệm mười vạn tiếng Phật hiệu cũng không thể vãng sanh. Nếu phát tâm Bồ-đề rồi, có người phát tâm rất viên mãn, có người phát tâm không viên mãn, thì có thể vãng sanh, vãng sanh phẩm vị không giống nhau. Cho nên Đại sư Thiện Đạo nói rất hay: Phẩm vị vãng sanh [khác nhau] đều do gặp duyên không đồng. Câu này nói rất hay. Bạn gặp được duyên thù thắng, đối với đạo lý, lý sự, nhân quả trong đó bạn đều hiểu rõ ràng, hiểu minh bạch thì trong cuộc đời này bạn có thể tu thành Thật Báo Độ thượng phẩm thượng sanh. Nếu như chưa nắm rõ, phát một chút Bồ-đề tâm, tương ứng với Bồ-đề tâm cũng có thể vãng sanh đến Phàm Thánh Đồng Cư Độ. Sự khác biệt rất lớn.

Vậy thế nào là tâm Bồ-đề viên mãn? Thế Tôn trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói với chúng ta là: tâm chí thành, thâm tâm, hồi hướng phát nguyện tâm. Cách nói này chúng ta cũng không dễ hiểu. Bồ-tát Mã Minh trong Khởi Tín Luận nói với chúng ta là: trực tâm, thâm tâm, đại bi tâm, nhưng vẫn không dễ hiểu. Đem kinh luận tổng hợp lại để xem thì tương đối dễ dàng lãnh hội. Tâm Bồ-đề là tâm giác ngộ thật sự cứu cánh viên mãn. Hay nói cách khác, phàm phu chúng ta là mê, mê mà không giác. Tâm Bồ-đề là tâm giác mà không mê. Chúng tôi suy nghĩ cho rất nhiều bạn đồng tu hiện nay [để cho họ dễ hiểu], chúng tôi viết Tâm Bồ-đề thành mười chữ: “Chân Thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Chánh Giác, Từ Bi”. Mười chữ này chính là Tâm Bồ-đề. Chúng ta cần nắm bắt được mười chữ này để biến thành tâm của chính mình. Trong cuộc sống hằng ngày, trong công việc, trong giao tiếp, trong xử sự đãi người tiếp vật, chúng ta dùng tâm chân thành. Thế nào gọi là tâm chân thành? Cổ Đại đức dạy chúng ta: “Một niệm chẳng sanh thì gọi là thành”, trong tâm chân thành không có ý niệm, điều này trong kinh Phật đã nói rất nhiều. “Chân tâm ly niệm”, nói cách khác, có ý niệm thì ý niệm này là vọng tâm, không phải chân tâm, chân tâm không có ý niệm. Từ đó cho biết, khi chúng ta không sanh khởi một niệm thì lúc đó là chân tâm. Cảnh giới rất khó thể hội nên chúng ta vẫn phải nghe theo giáo huấn của Phật-đà.

Chân tâm của chúng ta tại sao lại biến thành vọng tâm? Phật nói: “Bởi do vọng tưởng, chấp trước nên không thể chứng đắc”. Chúng ta hiểu được vọng tâm của chúng ta rồi, chúng ta có vọng tưởng, có phân biệt, có chấp trước. Rơi vào trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì tâm chúng ta dùng là vọng tâm, vọng tâm là tâm luân hồi, dùng tâm luân hồi tu bất kỳ pháp môn gì cũng không thoát khỏi luân hồi. Làm thế nào để chuyển biến tâm luân hồi thành tâm Bồ-đề? Sự việc này rất cấp bách. Chúng ta hiểu được đạo lý này cũng sẽ hiểu được phương pháp chuyển biến. Đó chính là chúng ta nhất định không dùng vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chỉ cần bạn không dùng vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì tâm của bạn chính là Tâm Bồ-đề, tâm của bạn là tâm chân thành. Nếu xen tạp vọng tưởng, phân biệt, chấp trước vào trong thì tâm của bạn biến thành vọng tâm. Điều này chính là căn gốc. Chúng ta dùng tâm này niệm Phật thì đó gọi là: “Một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật”, như vậy mới tương ưng với Phật. Nếu không phải tâm này thì sẽ không tương ưng mà chỉ có thể ở trong Phật pháp trồng một ít thiện căn mà thôi, kết thiện duyên với A Di Đà Phật, kết thiện duyên với thế giới Tây Phương Cực Lạc, trong cuộc đời này rất khó thành tựu. Cho nên nếu chúng ta thật sự muốn thành tựu, thật sự muốn trong đời này sanh đến thế Giới Cực Lạc, thân cận A Di Đà Phật thì khi chúng ta xử sự đãi người tiếp vật, chúng ta cần dùng chân tâm, chúng ta dùng tâm chân thành, chúng ta dùng tâm thanh tịnh.

Thế nào là tâm thanh tịnh? Là khi sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần bên ngoài nhất định không ô nhiễm thì gọi là thanh tịnh. Thế nào là ô nhiễm? “Mừng, Giận, Buồn,Vui, Thương, Ghét, Tham muốn”, chúng ta gọi là thất tình ngũ dục, khi bạn tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài, trong tâm của bạn sanh thất tình ngũ dục thì bạn bị ô nhiễm rồi. Có thể có người muốn hỏi: Nếu như tôi tiếp xúc với người bên ngoài không khởi thất tình ngũ dục thì người này chẳng phải biến thành gỗ đá rồi sao, vậy thì làm sao để chung sống với người khác? Nên biết Phật dạy chúng ta là: Chúng ta biểu diễn bên ngoài giống như người thế gian vậy, nhìn thấy đáng yêu thích cũng ưa thích, nhìn thấy không dễ thương thì cũng có chán ghét. Đó là diễn kịch, không phải là thật, trong tâm nhất định không nhiễm. Điều này gọi là lìa hết thảy tướng. Cho nên Phật pháp ở thế gian không phá hoại thế gian pháp. “Bất hoại thế gian pháp” chính là biểu diễn rất sinh động, rất hoạt bát hơn nữa là [dùng] chân tâm biểu diễn, không phải là vọng tâm. Người thế gian nói Ái, nói Hận là giả tạo, là hư tình giả ý, tại sao vậy? Là vì tâm của họ là giả. Sáng nói yêu thương đến tối thành hận thù, biến hóa quá lớn. Phật Bồ-tát tuy là biểu diễn, nhưng là chân tâm biểu diễn. Chân tâm giống như tấm gương, vì vậy dụng tâm như gương. Khi chúng ta cười thì người trong gương cũng cười, khi chúng ta khóc, người trong gương cũng khóc, chúng ta khóc cười có tâm nhưng người trong gương khóc cười không có tâm, biểu diễn giống thật vô cùng nhưng người trong gương quả thật không có tình, không có chấp trước. Đó là trí huệ, trí huệ cao độ, trí huệ viên mãn. Chúng ta học Phật là học từ chỗ này.

Nếu theo cách nói của người thế gian thì ai có tình cảm thật sự? Phật Bồ-tát có tình cảm thật sự, tình cảm thật sự đó gọi là từ bi, người thế gian hư tình giả ý, nhất định không đáng tin cậy. Anh ấy nói anh ấy yêu bạn, bạn lắng nghe, bạn gật đầu. Đó là lời giả dối, không phải là thật, không nên tưởng thật, nếu tưởng thật thì bạn phiền phức lớn rồi. Bạn sẽ sanh phiền não, đừng tưởng thật. Anh ấy nói hận bạn cũng là giả, qua hai ngày anh ấy liền tốt trở lại thôi. Cho nên người thế gian dụng tâm là hư tình giả ý, nhất định không phải là chân thật. Chúng ta học Phật cần học sự chân thật của Phật. Chúng ta là chân thật, chân thật nhất định là thanh tịnh, nhất định là trí huệ, bên trong nhất định không có tình thức. Phật từ bi đối với tất cả, Thần ái thế nhân, tình yêu đó đều là trí huệ không phải cảm tình. Cho nên tình yêu của các Ngài là bình đẳng, không có hơn kém. Nếu chúng sanh có thể cảm nhận được tình yêu của chư Phật Bồ-tát, Thượng Đế, Thánh Thần, có thể cảm nhận được bao nhiêu thì cần xem cách bạn dụng tâm. Bạn có mấy phần tâm chân thành thì bạn sẽ cảm nhận được mấy phần. Bạn có một phần thành kính thì bạn cảm nhận được một phần, bạn có mười phần thành kính thì bạn cảm nhận được mười phần.

Cho nên khi tu hành trước tiên cần phát Tâm Bồ-đề. Tâm Bồ-đề chính là tâm chân thành, tâm thanh tịnh. Các bạn phải nhớ kỹ: Trong tâm thanh tịnh nhất định không có sự ô nhiễm của tình cảm. Sự ô nhiễm trong tình cảm nghiêm trọng nhất là tự tư tự lợi, tham, sân, si, mạn. Điều này là nghiêm trọng nhất, so với thất tình ngũ dục còn nghiêm trọng hơn. Như vậy cái tâm này mới thanh tịnh thật sự, vĩnh viễn không chịu sự ô nhiễm của cảnh giới bên ngoài. Bình đẳng thì nhất định không có ngạo mạn, đối đãi hết thảy chúng sanh, xem hết thảy chúng sanh đều là chư Phật Như Lai. Cho nên có đồng tu hỏi tôi niệm A Di Đà Phật thế nào? Tôi đã từng nói với các bạn vài lần, tôi niệm Phật quả thật không giống như các vị, trong suy nghĩ của tôi thì tận hư không khắp pháp giới hết thảy chúng sanh đều là A Di Đà Phật, tôi kính trọng và tán thán cúng dường hết thảy chúng sanh cùng với Đức Phật A Di Đà tuyệt đối không có khác biệt. Chúng ta phải học tập, điều này không phải là coi chúng sanh như là A Di Đà Phật mà chúng sanh vốn là A Di Đà Phật, là do chính bản thân họ không biết.

A Di Đà Phật có ý nghĩa như thế nào? Ý nghĩa chính là vô lượng giác, có chúng sanh nào mà không phải là vô lượng giác? Có vị Phật Bồ-tát nào mà không phải là vô lượng giác? Mỗi mỗi đều là như vậy. Thế Tôn trong Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Xuất Hiện nói rất hay: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ đức tướng Như Lai nhưng vì vọng tưởng phân biệt nên không thể chứng đắc”. Cho nên hết thảy chúng sanh đều là A Di Đà Phật, chính vì bạn có vọng tưởng phân biệt chấp trước nên bạn không thể chứng đắc. Bản thân bạn không biết bạn là A Di Đà Phật, không biết hết thảy chúng sanh đều là A Di Đà Phật. Chúng ta thông qua học tập Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Vãng Sanh, Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh nhận thức ra rồi, thể hội được rồi. Thể hội được thì cần thực hiện, thực hiện chính là hết thảy chúng sanh đều là chư Phật Như Lai, đều là cha mẹ quá khứ, là chư Phật tương lai, đây là điều mà Phật trong Kinh nói đến. Chúng ta cần thật sự làm được.

Vì vậy trước tiên phải nói về dụng tâm, học Phật trước tiên phải nói đến dụng tâm, nhất định phải có đủ năm cái tâm này. Tâm Bồ-đề có ba tâm, chúng ta hiện nay nói năm tâm, năm tâm chính là ba tâm. Tâm Chân Thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Chánh Giác, Từ Bi. Nhất định phải yêu thương bảo vệ hết thảy chúng sanh, chân thành quan tâm hết thảy chúng sanh, chăm sóc hết thảy chúng sanh, nhất định không thể có phân biệt.

Trích từ: Thái Thượng Cảm Ứng Thiên 091
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Cảm Ứng Thiên Vựng Biên, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về

Phát Bồ Đề Tâm Một Hướng Chuyên Niệm
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Những Huấn Thị Về Bồ Đề Tâm
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Ý Nghĩa Của Bồ Đề Tâm
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Bồ Đề Tâm Với Môn Tịnh Độ
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Làm Thế Nào Để Thành Mãn Bồ Đề Tâm
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Khuyến Phát
Thiên Thân Bồ Tát